THẦN CHẾT SỢ AI?
LÃO MÓC
Thần Chết, tức Tử Thần xưa nay vẫn là nỗi ám ảnh, lo sợ của đại đa số
con người. Đông và Tây thuở giờ mang hai nền văn hóa khác biệt. Ai đó đã
từng nói: “Đông là Đông và Tây là Tây”.
Nhưng theo tôi, Đông Tây
vẫn có những cái thống nhất với nhau. Một trong những cái thống nhất đó
là hình tượng Thần Chết. Tử Thần vẫn được Đông và Tây tượng trưng bằng
một bộ xương khô, tay cầm lưỡi liềm. Quả là một hình tượng làm trẻ già
lớn bé khắp nơi, tự cổ chí kim đều sợ hãi. Tôi cũng vậy, tôi cũng ớn cái
lão ấy lắm. Cái lưỡi liềm ghê rợn trên tay lão lúc nào cũng như múa
lên, chực chờ mà cắt phăng đi sinh mạng người ta! Sợ quá đi chớ! Cái lão
Thần Chết đáng sợ ẩn ẩn hiện hiện khắp mọi nơi, mọi lúc. Tuổi già ư?
Lão chẳng tha ai cả. Lão từ tốn ra tay, chậm chạp nhưng chắc chắn, từng
người một.
Tai nạn ư? Lão đột ngột vung lưỡi liềm, số nạn nhân của lão vô chừng, khi nhiều, khi ít.
Bệnh tật ư? Lão hành hạ người ta chán chê rồi mới xuống tay. Chiến
tranh, dịch bệnh, thiên tai ư? Lão đắc ý vung tay lấy mạng người ta hàng
loạt…
Người ta ít ai ưa lão, mà cũng ít ai không sợ lão. Lão
tung hoành ngang dọc, coi thường mọi sự; kể cả những tiến bộ khoa học
của đời nay. Những thứ đó thì cùng lắm chỉ ngăn cản bớt mức tàn khốc của
cái lưỡi liềm trên tay lão mà thôi. Lâu ngày chầy tháng rồi thì cuối
cùng lão vẫn thắng. Có lẽ lão lấy làm đắc ý với sức mạnh vạn năng của
lão. Ai mà chẳng sợ? Lão nghĩ thế! Mà kể lão cũng đáng sợ thật. Nhưng lẽ
đời mà, có cái gì tuyệt đối đâu. Đại đa số người ta sợ lão, nhưng không
phải là tất cả. Có những người không hề sợ lão.
Ngày 21 tháng
Chạp năm Giáp Thân (1248), 50 vạn quân Mông Cổ dưới quyền thống suất của
Thái tử Thoát Hoan và hai danh tướng Ô Mã Nhi, Toa Đô ào ạt kéo sang
xâm lăng Đại Việt. Hội quân trên đất Hồ Quảng phía Nam Trung Hoa: Lục
quân do Thoát Hoan điều động tiến vào Lạng Sơn. Thủy quân từ Quảng Châu
theo Toa Đô vượt biển vào Chiêm Thành; tự phía Nam tiến lên Bố Chánh
(Quảng Bình) rồi thẳng ra Nghệ An. Quân Đại Việt bị kẹp giữa hai gọng
kềm.
Ngày 27 tháng Chạp, giặc chiếm Nội Bàng, Hưng Đạo Vương lui về Bái Tân (thượng lưu sông Lục Nam).
Ngày 6 tháng Giêng, giặc đến Bình Than.
Ngày 12 tháng Giêng, giặc chiếm Kinh Bắc (Bắc Ninh), Hưng Đạo Vương
chuyển quân về Thiên Trường. Giặc cậy mạnh đuổi theo rất gấp. Ngài giao
Trần Bình Trọng giữ Thiên Trường, còn mình bảo vệ vua Nhân Tông và
Thượng Hoàng Thánh Tông lui về Hải Dương.
Ngày 21 tháng Giêng,
Trần Bình Trọng chận đánh giặc tại Bãi Thiên Mạc (bên sông Cái, thuộc
tỉnh Hưng Yên). Quân ít, thế cô, ông bị giặc vây bắt được. Thoát Hoan
biết ông là một tướng tài, muốn trọng dụng nên hết sức vỗ về để dụ hàng.
Ông khẳng khái từ chối.
Thoát Hoan hỏi ông:
“Có muốn làm Vương đất Bắc không?”
Trần Bình Trọng quắc mắt đáp:
“Ta chỉ bị bắt thì chỉ có chết mà thôi, đừng nhiều lời vô ích”.
Thoát Hoan biết không thể lung lạc được ông, đành ra lệnh chém..Lưỡi
gươm Mông Cổ vung lên, cái lưỡi liềm của Tử Thần hạ xuống. Bảo Nghĩa
Vương Trần Bình Trọng giây phút đó chợt trở thành cái tên thiên thu bất
tử. Thần Chết ngỡ ngàng. Lão núp sau lưỡi gươm Thoát Hoan. Lão nghĩ rằng
bại tướng kia sẽ kiêng oai lão. Đứng trước cái oai Thần Chết cùng với
miếng mồi ngon là tước Vương đất Bắc, lão nghĩ người bại tướng nước Nam
kia sẽ khó lòng cưỡng lại. Lão mỉm cười chờ đợi lời quy phục…
“Ninh vi Nam quỷ, bất vi Bắc vương…”
Câu trả lời ngạo nghễ kia đã tạt vào mặt lão một gáo nước lạnh, làm cho
lão nhớ ra rằng trên đời này vẫn có những con người không hề sợ oai
Thần Chết! Lão cay đắng nhận ra mình mới là người chiến bại.
Tới
gần đây, nhân đọc một bài thơ, tôi mới biết thêm rằng, chẳng những con
dân Đại Việt có rất nhiều người coi thường Thần Chết; mà hơn thế nữa, có
những người còn làm cho Thần Chết sợ họ nữa kia!
Ngày 24-1-1930,
tại hội nghị Võng La, Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái
Học tuyên bố: “Chúng ta nhất định phải phát động cuộc Tổng khởi nghĩa.
Không thành công thì thành nhân”.
Ngày 10-2-1930, cuộc Võ trang
khởi nghĩa do Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo nổ ra. Cách mạng quân tấn
công Yên Báy, Hưng Hoá, Lâm Thao, Sơn Tây, Đáp Cầu, Phả Lại, Phủ Đức,
Vĩnh Bảo và nhiều nơi trong nội thành Hà Nội. Một số lãnh tụ của Đảng hy
sinh hoặc bị bắt.
Ngày 28-3-1930, Hội đồng Đề hình của thực dân Pháp đã mở phiên xử tại Yên Báy với kết quả:
-100 án khổ sai chung thân;
-50 án tử hình.
Đó là chưa kể đến hàng hàng lớp lớp chiến sĩ ái quốc đã bị tù đày và bắn giết ngay sau ngày khởi nghĩa.
5 giờ sáng ngày 17-6-1930, Đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí
lần lượt bước lên máy chém, và cũng là đài vinh quang đưa tên tuổi họ
vào lịch sử.
Đó là các liệt sĩ:
1- Bùi Tư Đoàn, 37 tuổi, nông dân,
2- Bùi Văn Chuẩn, 35 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Báy.
3- Nguyễn An, 31 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Báy,
4- Hồ Văn Lạo, 35 tuổi, thợ hồ,
5- Đào Văn Nhít, 32 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Báy,
6- Ngô Văn Du, 29 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Báy,
7- Nguyễn Đức Thịnh, 30 tuổi, thuộc Binh đoàn yên Báy,
8- Nguyễn Văn Tiềm, 28 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Báy,
9- Đỗ Văn Sứ, 27 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Báy,
10- Bùi Văn Cửu, 30 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Báy,
11- Nguyễn Như Liên, 27 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Báy,
12- Phó Đức Chính, 32 tuổi, công chức,
13- Nguyễn Thái Học, 29 tuổi, Đảng trưởng.
Muời ba lần, lưỡi gươm máy chém nặng nề rơi xuống. Mười ba tiếng hô “Việt Nam vạn tuế” dõng dạc vang lên…
Trong buổi sáng sớm của ngày Quốc tang đó, Thần Chết không còn dám núp
mình trong cái khí cụ giết người là cái máy chém kia nữa. Và Tử Thần
kính cẩn đứng ghi tên! Lão Thần Chết lần này không còn cái dáng vẻ đáng
sợ như mọi ngày. Thần Chết giờ đây đang kính cẩn đứng khắc từng cái tên
anh hùng vào bia Tuẩn quốc!
Tôi có lỗi quá! Không nhớ hết bài
thơ, tôi cũng không nhớ được tên tác giả. Tôi chỉ có được một nén hương
lòng. Bằng hữu xa gần, ai nhớ, xin làm ơn nhắc dùm tôi!
Cũng vào
những ngày này, 39 năm trước; cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do đã
kết thúc một cách bất hạnh. Quân đội miền Nam đã chiến đấu anh dũng
nhưng lực bất tòng tâm, vả lại sinh mạng miền Nam tự do chỉ là một con
cờ trên bàn cờ quốc tế, mà người có quyền quyết định kết quả đó không
phải là những người Việt yêu tự do ở miền Nam. Và cũng trong những ngày
bi thảm đó, Thần Chết đã phải thêm một lần kính cẩn đón tiếp những con
người Việt Nam bất khuất; những con người mà đứng trước giờ lâm tử của
Tổ quốc họ đã quay ra coi thường Thần Chết. Trái với lệ thường, những
con người kia đã bình tĩnh ra lệnh cho Thần Chết đến trình diện họ. Và
lão đã kính cẩn tuân lệnh.
-Tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó Quân
đoàn IV & Quân khu IV, nói với sĩ quan và binh sĩ thuộc quyền: “Tôi
chấp nhận chết. Một người Tướng không giữ được nước thì phải chết vì
nước, không thể bỏ dân, bỏ xứ để cầu an cho bản thân, Vĩnh biệt anh em…”
Một tiếng súng nổ, 8 giờ tối ngày 30-4-1975.
-Tướng Nguyễn Khoa
Nam, Tư lệnh Quân Đoàn IV & Quân khu IV:“… Chúng tôi là Tướng chỉ
huy, nếu chúng tôi không bảo vệ được đất nước thì chúng tôi phải chết
theo đất nước”. Một tiếng súng nổ, 6 giờ sáng ngày 1-5-1975.
-Tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh: “… Chúng ta đã làm tất
cả những gì có thể làm được… Chúng ta đã chiến đấu hết sức mình, nhưng
trong giờ phút này chúng ta đành phải bó tay… Xin cám ơn và vĩnh biệt
các anh em”. Một tiếng súng nổ, sáng ngày 1-5-1975.
-Tướng Lê
Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh: “… Tôi nghĩ thân làm Tướng là đã
hưởng vinh dự và ân huệ của Quốc gia hơn các anh em, nên tôi đã nghĩ đến
một lối đi riêng cho tôi”. Và lối đi đó đã mở ra bằng một phát súng,
trưa ngày 30-4-1975.
-Tướng Phạm Văn Phú: “… Tôi không thể bỏ ra
đi khi đất nước của tôi trong tình trạng như thế này. Tôi sẽ ở lại đây
để chết chớ không đời nào chịu đầu hàng Cộng sản”. Tướng Phú đã trả lời
tướng Smith ngày 27-4-1975 như vậy khi ông này ngỏ ý mời tướng Phú và
gia đình di tản. 32 viên Chloroquines uống vào lúc khoảng 2 giờ trưa
ngày 29-4-1975.
Cái danh sách mà Thần Chết được lệnh phải đi đón
trong những ngày đó còn dài. Những sĩ quan cấp Tá, cấp Úy, những hạ sĩ
quan, binh sĩ, cảnh sát, công chức, cán bộ… Cái danh sách đó đang được
lão Thần Chết trân trọng giữ gìn, chờ một ngày để trao lại cho những nhà
viết sử,
Từ lâu rồi, lão đã học được một điều, là khi người ta
lấy Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm làm trọng, thì người ta sẽ không còn
sợ lão. Rồi theo lẽ tự nhiên, lão đâm ra sợ ngược lại những con người
kia. Khi họ gọi lão đến, lão cung kính đến trình diện và mẫn cán làm cái
nhiệm vụ mà Danh Dự và Trách Nhiệm của những người kia giao cho lão.
Lão kính cẩn khắc tên họ vào bia Tuẩn quốc. Như vậy thì xét ra cái lão
Thần Chết này cũng không đáng sợ và đáng ghét cho lắm. Lão là người đôi
khi cũng biết điều. Lão hay dọa dẫm người ta. Nhưng nếu gặp người, gặp
lúc lão cũng biết cách cư xử. Lão cũng làm được nhiều việc đáng làm. Lão
rất rạch ròi phân minh. Lão đã kính cẩn khắc những cái tên Trần Bình
Trọng, Nguyễn Thái Học… vào lịch sử. Lão đã đặt tên ai vào chỗ nào là
không bao giờ sai chạy. Đâu ra đó. Không bao giờ lão lầm lẫn để những
cái tên Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh lẫn lộn với những cái tên Nguyễn
Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ… Không bao giờ! Bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu
sách vở, tài liệu ngụy tạo dấu diếm đều không qua được mắt lão. Không
bao giờ!
Trần Bình Trọng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khoa Nam, Lê
Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú… cùng những con người
khác nữa; đứng trước cổng lịch sử, họ dõng dạc lên tiếng gọi lão. Lão
đã kính cẩn mở cái cổng ấy ra, CỔNG CHÁNH, và kính cẩn, lão rước họ vào!
LÃO MÓC
tieng-dan-we ekly.blogspot.com
MOT Y CHI CHONG CONG
MOT LOI THE GIANH LAI QUE HUONG
No comments:
Post a Comment