Người viết bài này đã trăn trở rất nhiều về điều này nhưng hôm nay mới đánh bạo chia sẻ. Mong các anh em chị xem đây là sự góp ý để mang lại lợi ích cho phong trào chung chứ không phải là sự chỉ trích bất cứ cá nhân nào. Đối với tôi, các anh chị em đồng chí hướng luôn đáng quý trọng nhưng sự thật vẫn là sự thật và cần phải nói.
Sự yếu đuối của con người
Con người là sinh vật yếu đuối. Sự yếu đuối về tinh thần dẫn con người chìm vào những điều không mong muốn, thậm chí là xấu ác mà chính họ từ đầu không nhận ra. Cũng chính sự yếu đuối này, chứ không phải là điều gì khác, khiến con người rời xa bổn phận, bỏ mặc danh dự, đánh lừa lý trí chỉ để cầu an trong các toan tính mà họ cho là khôn ngoan hoặc hợp lý.
Chính sự yếu đuối khiến hơn 90 triệu người dân Việt Nam tiếp tục sợ hãi và im tiếng trước tình hình bế tắc tồi tệ của đất nước. Cũng chính nó, khiến anh chị em, cha mẹ con cái, vợ chồng… có thể bán đứng nhau, đấu tố nhau chỉ để đổi lại sự an toàn hoặc quyền lợi tức thời cho bản thân. Xét cho cùng, bản thân sự yếu đuối không đáng trách, bởi nó là thuộc tính tinh thần của con người; nhưng những hệ luỵ mà nó gây ra có thể làm phẫn uất lương tâm con người.
Bởi vậy, những người vượt qua được những phút yếu lòng của bản thân, giữ vững nghị lực để bảo vệ những điều mình cho là đúng, đề cao tình yêu và lẽ phải, luôn được cả xã hội ca ngợi vì họ đã vượt ra khỏi cái yếu đuối thường tình của bản tính con người. Những ai sống và thực hiện được các giá trị nhân văn và thoát khỏi những thấp kém bản năng để đạt được những thành tựu khác người luôn được ca tụng và có một vị trí đặc biệt trong lòng người. Đó là lý do vì sao thế giới kính yêu mãi mẹ Teresa de Calcuta hay Mahatma Gandhi, mà không phải là một kẻ tầm thường, đầy sợ hãi nào khác.
Đơn giản thôi, không ai có thể buộc bạn phải trở thành người vĩ đại, hay ít ra là hơn người. Nhưng một khi bạn làm được thì bạn sẽ cảm nhận sống động các giá trị rất “người”, thậm chí rất “thánh” mà những kẻ trung thành với nỗi sợ hãi và toan tính nhỏ nhoi không bao giờ biết được.
Đúng vậy, không ai bắt buộc bạn phải đứng mũi chịu sào trong giông bão, không ai có thể nhét vào tay bạn cái sứ mạng mà bạn không mong muốn. Nhưng nếu bạn làm được điều vĩ đại cho anh em, cho cộng đồng, cho thế giới, bạn sẽ nhận thấy rằng Chúa không ở trong những giáo điều sáo rỗng, mà ở ngay giữa lòng bạn. Nhưng kẻ bỏ cuộc, những người chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước không thể nào có trải nghiệm này. Có ai buộc các Thánh tử đạo phải tử vì đạo không?!
Trách nhiệm chung
Đó là người viết chỉ nói đơn giản để áp dụng cho một xã hội bán khai. Chứ trong một xã hội văn minh, bất cứ ai chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng thì sẽ bị cộng đồng xa lìa bởi ở đó, tinh thần trách nhiệm là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá một cá nhân hay một tập thể trong xã hội. Ở đó, anh gần như không có quyền thích thì có trách nhiệm, không thích thì từ bỏ nó nữa vì đó là nghĩa vụ gần như bắt buộc. Các sinh viên Hoa Kỳ nếu chưa từng tham gia các hoạt động xã hội thì sẽ rất khó có công việc làm như ý. Các chường trình scholarship, fellowship hoặc internship có giá trị trên thế giới đều có một điều kiện bắt buộc là cá nhân đó phải có đóng góp cho cộng đồng. Trong những xã hội tiến bộ, bất cứ ai từ bỏ trách nhiệm với cộng đồng đều tự mang lấy viễn cảnh bị đào thải.
Dù rất yêu quý blogger Nguyễn Hữu Vinh, nhưng tôi rất choáng váng với ý kiến của anh: hơn 90 triệu người dân, bao gồm các cộng đoàn tôn giáo khác nhau không lẽ được miễn trừ trách nhiệm chung, không lẽ dòng Chúa Cứu Thế cứ phải đứng mũi chịu sào? Sao anh có thể so sánh như thế? Chúng ta vẫn thất vọng vì người dân Việt Nam thờ ơ với vận mệnh đất nước, nay ta so bì với họ để biện minh cho sự yếu đuối của mình? Các hội đoàn tôn giáo khác cũng có trách nhiệm không khác dòng Chúa Cứu Thế; nhưng nếu họ hợp tác với chính quyền mà rũ bỏ trách nhiệm tôn giáo và xã hội của mình thì chính họ đã tự bôi tro vào mặt mình; nay ta muốn bôi tro lên mặt mình nên mang ta ra so sánh với họ sao? Giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật và người bị gạt ra bên lề xã hội không phải là sứ mạng vốn có của những người nhận lãnh cuộc đời phục vụ Chúa và tha nhân sao? Đấu tranh cho Công lý trong một xã hội độc tài nhiễu nhương này không phải là cách chúng ta thể hiện tình yêu với Thiên Chúa và anh em sao? Giũ bỏ trách nhiệm và tình yêu với những người bị chà đạp nhân quyền không phải là giũ bỏ trách nhiệm của những người tu trì trước Thiên Chúa của họ sao?
Sự lựa chọn cá nhân (không chỉ nói về DCCT)
Những người đấu tranh hiện nay luôn mắc phải một sự nhập nhằng lớn về trách nhiệm và sự lựa chọn cá nhân. Khi anh thực hiện tốt trách nhiệm của mình, anh được tôn trọng bởi công luận, anh tự cho đó là giá trị vốn có của mình. Đến khi anh sai lầm, vấp ngã, anh nguỵ biện rằng đó là lựa chọn cá nhân.
Hoàn toàn không phải vậy! Một khi anh đã dấn thân cho cộng đồng, những người khác biết đến anh, thế giới ca ngợi và ủng hộ anh thì dù muốn hay không, một phần cuộc sống của anh thuộc về cộng đồng chứ không hoàn toàn thuộc về cá nhân anh nữa. Nếu mỗi một hành động tốt đẹp của anh là sự khuyến khích lớn cho cộng đồng, mang về vinh dự và uy tín cho riêng anh. Thì cũng mỗi một hành động sai trái hoặc tiêu cực của anh sẽ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, đến uy tín của phong trào chung, chứ không chỉ uy tín của cá nhân anh nữa.
Anh không thể có uy tín và tiếng vang lừng lẫy trong nước và thế giới; rồi đến lúc bị đẩy vào bế tắc, anh chỉ cân nhắc đến lợi ích cá nhân mà quên hẳn đi trách nhiệm với cộng đồng. Để rồi sau đó anh biện minh là anh phải lùi một bước để tiến hai bước, phải bảo toàn sinh mạng để tiếp tục đấu tranh… Những người dấn thân hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn nhưng không phải ai vào tù cũng chết. Ba tôi vào tù năm 1992, không nhận tội, ở tù không thiếu một ngày, ra tù năm 2002, mang về nhà nhiều bệnh tật nhưng ông không chết được. Nếu chúng ta mang cái chết ra để biện minh cho mình, thì vô tình chúng ta gây thêm nỗi sợ hãi cho người dân mà thôi. Thiển nghĩ nếu Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính đồng ý đầu hàng quân Pháp để thoát chết, thì họ có thể giữ được mạng sống, nhưng sẽ không giữ nổi uy tín để gây dựng lại phong trào cách mạng.
Tất nhiên, không ai có quyền và có khả năng buộc anh phải tiếp tục kiên cường và phải dấn thân đến chết. Khi anh từ bỏ trách nhiệm để đưa ra sự lựa chọn hoàn toàn mang tính cá nhân, anh em vẫn yêu thương anh, xã hội vẫn quan tâm nâng đỡ anh vì những đóng góp không thể phủ nhận, nhưng thẩm quyền đạo đức của anh đối với phong trào chung đã không còn nguyên vẹn nữa. Vì thế, hãy dũng cảm nhận trách nhiệm dấn thân; và nếu vì lý do gì đó, ta từ bỏ nó, hãy dũng cảm công nhận rằng: tôi đã thua, tôi đã sai, tôi đã đầu hàng, tôi đã sợ hãi; để rồi có thể an lòng và vui vẻ làm lại từ đầu.
Là một người trẻ, chưa từng chịu tù đày, nhưng tôi tin rằng những người dấn thân cho tự do và nhân phẩm hiện nay cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những lựa chọn cá nhân vì tác động của nó đến phong trào chung. Nếu bạn có lý tưởng thực sự, nếu bạn luôn giữ trong tâm mình một lý do trong sáng để dấn thân, nếu bạn thực sự có lòng tin kiên định vào sự tốt đẹp của thể chế dân chủ pháp trị…, tôi tin rằng những điều này sẽ giúp bạn có một động lực tinh thần mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, thậm chí là lao tù.
No comments:
Post a Comment