Wednesday, April 27, 2016

TỔNG KẾT CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM     Việt Nam với bờ biển dài như hình chữ S nhìn ra biển Đông Thái Bình Dương, khống chế toàn bộ hải trình từ Đông sang Tây và ngược lại nên được xem như “ngã tư giao thương quốc tế”. Ngoài vị trí “địa lý chiến lược” hết sức quan trọng, Việt Nam còn có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một hải phận rộng 1 triệu km2 với trữ lượng dầu hỏa tiềm tàng đã khiến các cường quốc luôn tìm mọi cách xâm chiếm, can thiệp vào Việt Nam. Lịch sử cận đại chứng minh khu vực Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng là một khu vực địa lý-chính trị và quân sự nên cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo theo cả Đông Dương (Việt, Miên, Lào) và cả khối Đông Nam Á trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở vùng này.
     Ngày 3-2-1930 Hồ Chí Minh thành lập đảng CSVN đến tháng 10-1930 theo chỉ thị của Cộng sản quốc tế đổi tên là đảng Cộng Sản Đông Dương. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh thực dân Pháp. Ngày 11-3-1945, Cơ Mật Viện triều Nguyễn họp khẩn cấp và ra tuyên bố “Huỷ bỏ Hiệp ước 1884 và Khôi phục chủ quyền cuả  Việt Nam”. Ngày 12-3-1945, Cao Miên tuyên bố độc lập và ngày 15-4-1945, Lào tuyên bố độc lập. Như vậy, Việt Nam trên nguyên tắc đã chính thức độc lập kể từ ngày 11-3-1945 với chính phủ Trần Trọng Kim đầu tiên trong lịch sử. Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp mà Cộng Sản phát động dưới danh nghĩa giải phóng các dân tộc Việt Miên Lào trong thực chất là để bành trướng chủ nghĩa  Cộng Sản, nhuộm đỏ cả Đông Dương để mở đường cho Trung Cộng tiến xuống Đông Nam Á. Ngày 18-1-1950, Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31-1-1950 Liên Sô công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa là nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á nên ngày 7-2-1950, Anh, Hoa Kỳ và các nước tự do công nhận chính phủ quốc gia Bảo Đại. Hồ Chí  Minh lãnh đạo chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chính thức đứng vào hàng ngũ Cộng Sản nên cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc đã trở thành chiến tranh ý thức hệ giữa Cộng Sản và tư bản, đưa dân tộc Việt Nam vào thế khốn cùng. Để lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân, ngày 11-11-1945, đảng Cộng Sản Đông Dương giải tán rồi thành lập đảng Lao Động (16-3-1951) trá hình của đảng  Cộng Sản để lãnh đạo phong trào Việt Minh.
     Ngày 2-6-1948, thành lập chính phủ Trung Ương Lâm thời do Nguyễn văn Xuân làm Thủ Tướng, ban hành Hiến chương Lâm thời của nước Việt Nam, chọn quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ và bài “Thanh niên Hành khúc” sau khi đã đổi lời của Lưu Hữu Phưóc làm quốc ca. Ngày 5-6-1948 công bố bản Tuyên ngôn Vìệt Pháp gọi là Tuyên ngôn vịnh Hạ Long minh định Pháp quốc thừa nhận Việt Nam là một quốc gia Độc lập và thống nhất trong Liên Hiệp Pháp với tư cách một quốc gia liên kết.     Từ tháng 8-1945 đến 1-1946, Hồ Chí Minh đã gửi 8 bức thư cho TT Harry S Truman và bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Hoa Kỳ xin được công nhận và giúp ngăn quân đội Pháp trở lại Đông Dương. Thế nhưng, toán OSS cơ quan tình báo chiến lược của Hoa Kỳ ở Đông Dương do Thiếu tá Thomas More và Đại úy Patty sống cùng với Hồ Chí Minh trong hang Pắc Pó đã báo cáo Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Ái Quốc, nhận chỉ thị của Đệ tam quốc tế CS nên vẫn sinh hoạt đảng, hát quốc tế ca, học tập chủ nghĩa Mác Lê. Chính vì vậy, Hoa Kỳ đã không công nhận chính phủ Hồ Chí Minh. Nếu là bất cứ người Việt Nam nào thì vận mệnh đất nước Việt Nam đã thay đổi ngay từ lúc đó, nếu không độc lập ngay thì cũng hưởng qui chế chế độ Ủy trị của Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt là sau thế chiến lần thứ hai, với sự ra đời của Liên Hiệp Quốc và nhất là chủ trương giải thực của Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt đã mở đầu cho phong trào dân tộc tự quyết của các quốc gia Đông Nam Á. Indonesia tuyên bố độc lập ngày 17 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Philippines năm 1946, Burma giành lại độc lập từ tay người Anh năm 1948 và Pháp chính thức rút khỏi Đông Dương sau hiệp định Genève 20-7-1954. Người Anh đã trao lại độc lập cho Malaya năm 1957 và sau đó là Singapore, Sabah và Sarawak năm 1963 trong khuôn khổ Liên bang Malaysia     Từ thực tế lịch sử trên, nếu Hồ Chí Minh không đem chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam thì đất nước chúng ta đã độc lập mà không phải hy sinh oan uổng hàng triệu người Việt Nam vô tội cho tham vọng xâm lược bành trướng của Cộng sản. Chính Cộng Sản Việt Nam đã phản bội kháng chiến để thỏa hiệp với thực dân Pháp, ký kết hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia đôi đất nước trong lúc cao trào kháng chiến của toàn dân đang trên đà thắng lợi.
      Chính phủ quốc gia Việt Nam không đặt bút ký kết hiệp định Genève để phản đối sự cấu kết giữa Cộng sản và thực dân Pháp chia đôi đất nước. Nguồn sử liệu của Đảng Cộng Sản Việt Nam sau này cho biết Trung ương đảng đã nhận chỉ thị của đảng Cộng Sản Trung Quốc phải ký kết chia đôi đất nước. Ngay khi vừa ký hiệp định, Cộng Sản Việt Nam đã chỉ thị cho 85 ngàn đảng viên chưa bị lộ rút vào hoạt động bí mật, chôn giấu hơn 1 vạn súng và nhiều điện đài. Đến năm 1955, bộ máy chỉ đạo của đảng từ xứ ủy, tỉnh ủy đến huyện ủy đã được sắp xếp xong và chuyển hướng hoạt động bí mật chờ thời cơ.     Ngày 8-9-1954, Liên minh Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization gọi tắt là SEATO) được thành lập bao gồm 8 nước là Australia, Pháp, Anh, New Zealand, Pakistan, Philippine, Thái Lan và Hoa Kỳ để ngăn chặn sự xâm lược của chủ nghĩa Cộng Sản xuống Đông Nam Á. Ngày 20-11-1954, Thủ tướng Pháp Mendès France viếng thăm Hoa Kỳ xác nhận: “Chấm dứt sự kiểm soát của Pháp về kinh tế, thương mại và tài chánh tại Việt Nam: Chuyển giao quân đội Quốc gia cho Việt Nam, chuyển giao trách nhiệm huấn luyện quân đội quốc gia cho Hoa Kỳ và rút hết quân đội Viễn chinh Pháp ra khỏi Việt Nam”. Ngày 9-8-1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố chính phủ của ông không ký hiệp định nên không bị ràng buộc bởi hiệp định Genève và việc bầu cử không thể  thực hiện được “Chừng nào mà chế độ Cộng Sản chưa cho phép người dân Việt nam được hưởng những quyền tự do dân chủ và những quyền căn bản của con người.”.
     Ngay sau khi vừa đặt bút ký hiệp định Genève, Ban chấp hành trung ương đảng Lao Động trá  hình của đảng Cộng Sản Việt Nam đã họp để chuẩn bị sách lược đấu tranh thống nhất đất nước. Các cơ sở đảng để lại sau hiệp định có nhiệm vụ phát động nhân dân đấu tranh chính trị đòi hiệp thương giữa 2 miền Nam Bắc, thực hiện tổng tuyển cử, phong trào hòa bình Sài Gòn Chợ Lớn đòi các quyền tự do dân chủ… Để đối phó với các hoạt động nằm vùng này, giữa năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm cho phát động chiến dịch “Tố Cộng” trên toàn quốc. Trước những thiệt hại nặng nề này, Cộng Sản Việt Nam quyết định tiến hành khủng bố và ám sát những viên chức địa phương, những giáo viên có lập trường quốc gia. Theo báo cáo của tòa Đại sứ HK thì cuối năm 1960 đã có 700 viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị sát hại. Tháng giêng năm 1959, đảng Lao Động (CSVN) ra nghị quyết kết hợp đấu tranh chính trị với lực lượng vũ trang, chuyển người và vũ khí vào miền Nam. Tháng 3 năm 1959, chính phủ Ngô Đình Diệm tuyên bố đặt Việt Nam Cộng Hòa trong tình trạng chiến tranh.     Sau khi Trung Cộng đánh chiếm Tây Tạng năm 1959, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả Miên, Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore.Việt Nam là bàn đạp tiến xuống phía Nam, chúng ta phải chiếm cho bằng được …” nên tháng 4 năm 1959, Ủy ban Trung ương đảng họp lần thứ 15 quyết định dùng vũ lực xâm chiếm miền Nam. Ngày 20-12-1960, Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam do LS Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch được thành lập với chiêu bài “Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập, tiến tới thống nhất tổ quốc”.
      Đầu năm 1961, quân đội giải phóng Miền Nam Việt nam hoạt động mạnh với 3 thành phần gồm đội quân chủ lực là binh sĩ miền Bắc và cán bộ tập kết trở về, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ hoạt động hiệu qủa ở miền Nam. Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra sách lược chống du kích do sir Robert Thompson người Anh cố vấn cho chính phủ Ngô Đình Diệm, đồng thời gia tăng quân số, vũ khí với sự giúp đỡ của cố vấn Hoa Kỳ. Giữa năm 1961, kinh tế gia Eugene Staley được phái sang cố vấn chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thành lập Ấp Chiến lược để tách rời dân chúng ra khỏi sự kiểm soát khống chế của quân Cộng sản. Ngày 11-10-1961, Thống tướng Maxwell Taylor được TT Kennedy cử sang nghiên cứu tình hình nghiêm trọng của VN về phúc trình lên TT là để ngăn chặn quân xâm nhập từ miền Bắc qua biên giới Lào cần ít nhất là 3 sư đoàn quân chiến đấu Mỹ. Bản phúc trình của bộ trưởng quốc phòng Mac namara và bộ trưởng Ngoại giao Dean Rush đều nhấn mạnh trách nhiệm của Hoa Kỳ là phải bảo vệ Việt Nam khỏi rơi vào tay Cộng sản. Bản phúc trình viết “… Chúng ta phải chuẩn bị để đưa lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ vào Việt Nam nếu điều đó cần thiết để thành công. Tùy theo hoàn cảnh, có thể quân đội Hoa Kỳ cũng phải đánh vào nguồn xâm lược ở Bắc Việt”.
      Trước tình hình này, TT Ngô Đình Diệm ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc ngày 15-10-1961. Ngày 3-2-1962, thành lập ủy ban trung ương đặc trách ấp chiến lược do cố vấn Ngô Đình Nhu chỉ huy. Theo báo cáo kết qủa 1 năm thực hiện đã lập xong 5.917 ấp chiến lược qui tụ 8 triệu dân. Bộ chỉ huy yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ (MACV) được thành lập, số cố vấn quân sự tăng từ 700 lên 12.000 người vào giữa năm 1962.
     Ngày 23-7-1962, Hiệp định Trung lập Lào được ký kết, phe tả đã đưa Pathet Lào vào chính phủ liên hiệp để không cho Hoa Kỳ can thiệp vào tình hình Lào. Đồng thời, quân Cộng sản vẫn sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh ở phiá Đông do phe Pathet Lào kiểm soát để chuyển vận ồ ạt vũ khí đạn dược vào chiến trường miền Nam. Từ năm 1962, đường mòn được mở rộng để cho những đoàn xe tải dài từ 50 đến 75 dặm (miles) di chuyển vào ban đêm dưới sự bảo vệ của trên 70 ngàn quân chính qui Cộng sản. Mỗi tháng có thể chuyển được 8 ngàn quân và 10 ngàn tấn vũ khí đạn dược cung ứng cho nhu cầu chiến trường ngày càng ác liệt. 

No comments:

Post a Comment