Tuesday, June 11, 2013

NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ của Phạm Trần Anh


 
NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ của Phạm Trần Anh
UYÊN HẠNH  giới thiệu

NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ của Phạm Trần Anh vừa được phát hành. Sách dày trên 430 trang, bao gồm các dữ liệu giá trị và việc đặt lại vấn đề chứng minh sự kiện lịch sử của giống nòi Việt Tộc. Với công trình khảo cứu tìm hiểu công phu sử gia Phạm Trần Anh giải rõ lịch sử tiến hoá của Việt Tộc khởi thủy từ nền văn hoá Hoà Bình, Vân Nam, Ba Thục, qua các nền văn hoá tiếp cận như Lĩnh Nam, Giang Nam, Ngưỡng Thiều, Sa Huỳnh .v.v.. ông đã minh xác nền văn minh Việt Tộc đã bị bóp méo qua một ngàn năm bị Trung Hoa thống trị.

 

Trong phần mở đầu quyển NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ là lời di huấn của Vua Lê Thánh Tông: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào có thể vứt bỏ? ... Nếu ngươi dám đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì ngươi đáng tội tru di...". Trích Di Chúc Muôn Đời của Vua Trần Nhân Tông, nhà biên khảo Phạm Trần Anh ghi lại: "Các người chớ quên, chính những nước lớn mới làm điều bậy bạ. Vì rằng họ cho mình cái quyền làm một đường nói một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải... không thôn tính được ta thì gậm nhấm ta... Vậy nên các người hãy nhớ lời ta dặn: Một tất đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. " 

 

Tôn trọng các lời giáo huấn trên đây cũng như do những sự kiện, mà theo ông "Trong gần một ngàn năm đô hộ, giặc Tàu chủ trương thống trị và đồng hoá dân tộc ta nên không từ một âm mưu thâm độc quỷ quyệt nào để nô dịch văn hoá, triệt tiêu văn tự kể cả sách vở, văn bia, đền đài đình chùa... của dân tộc Việt, thay vào đó là bắt dân ta phải học chữ Hán..." dân ta từ đó đã học những trang sử sai lạc của Trung Hoa và hiện sử mị dân của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, đã là động cơ thôi thúc ông dày công nghiên cứu biên khảo tìm về nguồn sử xa xưa trong thư tịch cổ, qua các nghiên cứu chứng minh của khoa học hiện đại, viết nên những trang sử Việt Tộc trung thực để tạo lòng yêu nước cho các thế hệ con cháu, đạp đổ mặc cảm nhược tiểu và khơi dậy niềm tin để chúng ta cùng vững mạnh trong ý chí bảo vệ giống nòi đất nước. 

 

Đây là một trong những công việc rất khó khăn. Song hành khả năng của một người viết sử với một đầu óc sáng suốt là lòng tôn trọng sự thật trong công việc tìm tòi khảo cứu để đạt được sự giám định khách quan mới có thể phân định và khẳng định được những dẫn giải về các nguồn thư tịch cổ giá trị và từ đó sử gia có thể can đảm đứng lên, đưa ra được những dữ liệu và bằng chứng và quả quyết bác bỏ những quyển sách sử giả tạo do bạo quyền Hán Hoa thiết lập từ ngàn năm qua đối với dân tộc đất nước chúng ta. Những trang chính sử được viết trong tình trạng hiện nay chỉ có thể thực hiện được bởi một tấm lòng yêu nước thiết tha. 

 

NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ của Phạm Trần Anh có một nội dung súc tích, mạch lạc và vững vàng. Sau phần mở đầu với chương sách về điạ lý, thiên nhiên Việt Nam, ông đi vào phần khởi nguyên dân tộc bằng các mục về truyền thuyết, thông điệp lịch sử, hậu duệ Đế Thần Nông, triết lý âm dương, cội nguồn trăm họ, bước tiến hoá nhân loại và minh triết Việt Nam .v.v... Ông viết: "Việc tìm hiểu về cội nguồn dân tộc từ truyền thuyết, từ những mảnh vụn của lịch sử để phục hồi sự thật là một điều hết sức cần thiết. Chân lý khách quan của lịch sử sẽ sáng tỏ, trả lại những gì sự thật lịch sử cho lịch sử chính là ước vọng ngàn đời của tất tả chúng ta, những con dân đất nước Việt hôm nay." 

 

Trong các chương kế tiếp ông đã mở lối cho chúng ta đi vào Nền Văn Minh Việt Cổ theo các bước tiến thứ tự của Ngôn Ngữ Việt Cổ và các nền văn minh Lúa Nước,  Kim Khí, Trống Đồng với các hình ảnh giá trị và dữ liệu lịch sử phong phú. Qua các mục chính trong sách, ông đã từ từ cho chúng ta thấy sự thật lịch sử sáng tỏ và bàng bạc trong từng trang sách hùng khí núi sông và hồn thiêng anh linh của bao anh hùng liệt sĩ đã dựng nước và bảo vệ đất nước qua nhiều thời đại và triều đại. Các trang sử được ông trình bày một cách sống động qua văn phong đơn giản lưu loát, văn thức giàu mạnh, nhờ thế mặc dù sách chứa nhiều dữ liệu chúng ta vẫn nắm bắt được các sự kiện một cách rõ ràng. 

 

Thế hệ con cháu chúng từ lâu bị đánh lừa bằng những sách sử, mà các triều đại Trung Hoa và những kẻ vong bản tại Việt Nam vì danh lợi mà âm mưu bán nước, đã cố tâm thay đổi lịch sử Việt Tộc và đưa những trang sách sử sai sự thật vào phạm vi học đường để đầu độc các thế hệ trẻ. Đối lại chúng ta vẫn có được những nhà viết sử yêu nước và lòng tôn trọng sự thật rất cao. Những vị nầy đã dày công biên khảo tìm tòi để viết cho chúng ta những quyển sách sử giá trị. Con cháu chúng ta sẽ có cơ hội thu thập được sự thật của lịch sử dân tộc Việt, học hỏi được tánh kiêu hùng khí khái bất khuất của tiền nhân, để dũng mãnh đứng lên kêu gọi nhau đồng lòng bảo vệ đất nước và cùng xây dựng một Việt Nam dân chủ.

 

Đi vào phần Thư Tịch Cổ và lần lượt qua các lãnh vực Văn Hoá Khảo Cổ, Tiểu sử học, Tiền sử học, Huyết học, Di truyền học và Đại Dương học trong NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ nhà biên khảo Phạm Trần Anh đưa ta đi sâu vào thế giới chính sử của giòng giống Lạc Việt để chúng ta có được một nhận định rõ rệt chính xác về nguồn gốc dân tộc Việt. Cụ thể như sách minh định rất rõ văn hoá Trung Quốc thật sự đã nhận được sự đóng góp đáng kể từ các dân tộc Bách Việt ở phương Nam. Sách NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ của Phạm Trần Anh đã giúp chúng ta dẹp bỏ được lý thuyết huyễn hoặc là người Việt chúng ta đã bao thế kỷ chịu ảnh hưởng văn minh Hán Hoa. Thực sự Văn hoá Hán Hoa "KHÔNG sinh ra" Văn hoá Việt Tộc.  

 

Để thực thi chính sách xâm lược đè đầu cưỡi cổ một dân tộc, Trung Quốc luôn dùng sách lược tạo cho dân tộc nầy mặc cảm thua kém thấp hèn. Để thực hiện âm mưu nầy, Trung Quốc thẳng tay hủy bỏ những tài liệu lịch sử giá trị của đất nước đó và tạo dựng những trang sử sai lạc nói trên. Sử gia Phạm Trần Anh đã ra công khảo cứu với mục đích chứng minh được, khi đặt lại vấn đề khó khăn là "viết về lịch sử độc lập, hào hùng và bất khuất của giống nòi Việt Tộc". Bằng sự tri ân của một người dân nước Việt, bằng niềm hãnh diện về một lịch sử hào hùng của giống giòng Lạc Việt ông đã làm công việc viết lại những trang sử chính xác, minh định một sự thật đã bị bóp méo và hiện đang bị bóp  méo bởi các "nhà viết sử” của nhà nước XHCNVN. Với công việc nầy ông giúp các thế hệ con cháu chúng ta thoát khỏi sự đầu độc của những kẻ manh tâm xâm lược và những kẻ vong bản đang nuôi dã tâm bán nước. 

 

“Di Chúc Muôn Đời” của Vua Trần Nhân Tông được ông ghi lại trong trang đầu của sách (thay lời bạt) có thể hiểu rằng mục đích viết những trang sử đúng sự thật  là hành động không bó tay chấp nhận việc nhà nước Trung Hoa tạo dựng những trang sử không có giá trị lịch sử, là hành động không chấp nhận việc nhà cầm quyền Việt Nam hiện đang tiếp tay trong việc bóp méo lịch sử Việt Tộc trong việc phổ biến những quyển sách sử viết sai, qua hình thức nô lệ văn hoá bằng sự kiện cúi đầu đưa những trang sử sai lạc vào học đường để hủy phá việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay tại Việt Nam. Đây cũng có thể hiểu là một hình thức đấu tranh bất bạo động, bởi vì qua sách ông, chính ông trực tiếp và gián tiếp thực hiện việc nói đến một thể chế cai trị bằng sự mị dân của nhà nước Việt Nam hiện nay. Qua những quyển sách sử của mình sử gia Phạm Trần Anh muốn nói cho thế hệ con cháu tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại và các quốc gia của thế giới tự do biết rõ hành vi chuyên chế mị dân không có uy tín của nhà cầm quyền Hà Nội tại Việt Nam. Một nhà cầm quyền không tôn trọng nhân quyền, không coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ, một nhà cầm quyền không đáng tin cậy và không đủ uy tín và nhân đạo để dìu dắt người dân.  

 

Sách sử của nhà biên khảo Phạm Trần Anh cũng như tiếng nói của các nhà tranh đấu cho dân chủ hiện nay là hình thức đấu tranh để bảo vệ một Việt Nam, bảo vệ không cho Trung Quốc thực hiện sự kiện “không thôn tính được thì gậm nhấm”, bảo vệ Việt Nam bằng việc “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. " và chống lại sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội sau khi đã dâng Bản Giốc, Ải Nam Quan cho Trung Cộng, đang tiến hành âm mưu dâng Biển Đông và bán nước cho Trung Cộng.  Trong tinh thần của quyển sách sử nầy, cùng với lòng tri ân tiền nhân và sự tranh đấu cho nhân quyền, chúng ta có chấp nhận để mất Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. 

 

NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ của sử gia Phạm Trần Anh là một trong những quyển sách sử cần có để chúng ta giữ vững tình yêu tổ quốc, giáo huấn con cháu chúng ta, giúp ta cơ hội loại bỏ loạt sách mị sử đã đầu độc đời sống người dân Việt từ bấy lâu nay, cho ta niềm tin và dũng khí để ta có can đảm nói lên tiếng nói bảo vệ và xây dựng một đất nước Việt Nam, ở đó quyền sống của người dân được tôn trọng.

 

UYÊN HẠNH

09.06.2013 

No comments:

Post a Comment