Biểu tình chống vi phạm nhân quyền của VN nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền
Giữa lúc Hà Nội đánh dấu thành tích nhân quyền năm nay nhân Ngày Quốc
tế Nhân quyền 10/12 bằng thắng lợi dành được một ghế tại Hội đồng Nhân
quyền Liên hiệp quốc, cộng động người Việt hải ngoại kỷ niệm ngày này
bằng các cuộc biểu tình đánh động thế giới về những đàn áp nhân quyền
tiếp diễn tại Việt Nam.
Hàng trăm người Việt từ nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ và cả Canada theo dự
kiến sẽ kéo về trung tâm thủ đô Washington DC để tham gia Ngày Sinh hoạt
Đấu tranh diễn ra ngay trước trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 7/12.
Sự kiện do cộng đồng người Việt khu vực thủ đô DC-Maryland-Virginia phối
hợp với các đoàn thể tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam cùng tổ chức với
các sinh hoạt kéo dài từ 11 giờ sáng đến 7 giờ tối như biểu tình, văn
nghệ đấu tranh, tọa kháng, và thắp nến cầu nguyện.
Bác sĩ Đặng Vũ Chấn, một thành viên trong Ban Tổ Chức, cho VOA Việt ngữ biết về mục đích của các sinh hoạt này:
“Sinh hoạt ngày mai nằm trong một loạt chuỗi sinh hoạt của đồng bào
khắp nơi trên thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền hằng năm. Năm nay
sinh hoạt này nằm trong bối cảnh nhà nước cộng sản Việt Nam mới được
gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Đây là cơ hội để chúng tôi
rọi đèn vào những sự đàn áp nhân quyền của cộng sản Việt Nam và đồng
thời gửi thông điệp tới bà con trong nước rằng người Việt hải ngoại luôn
đồng hành với họ trong cuộc đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền tại Việt
Nam.”
Bác sĩ Chấn cho biết ban tổ chức không chọn đại sứ quán của Hà Nội tại
Mỹ làm địa điểm tiến hành các sinh hoạt kêu gọi nhân quyền Việt Nam nhân
Ngày Quốc tế Nhân quyền năm nay mà tổ chức ngay trước cơ quan lập pháp
Hoa Kỳ, quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thăng tiến nhân quyền trên thế
giới, với trọng tâm thu hút sự chú ý của công luận trong cuộc quốc tế
vận đòi Hà Nội phải cải thiện nhân quyền.
Bác sĩ Chấn nói sinh hoạt tương tự hồi năm ngoái đã diễn ra trước tòa
đại sứ Việt Nam ở thủ đô Washington với một cuộc tuyệt thực tập thể suốt
24 giờ đồng hồ.
Bấm vào để nghe bài tường thuật
Theo Ban tổ chức, ngoài sinh hoạt biểu tình tập thể trước Quốc hội Mỹ,
hôm nay một nhóm các nhà hoạt động trẻ có các buổi gặp gỡ với các nhà
lập pháp Hoa Kỳ để vận động thêm áp lực buộc Việt Nam phải thả tù nhân
lương tâm, những người bất đồng chính kiến đang bị giam cầm vì thể hiện
quan điểm ôn hòa bất đồng với nhà nước.
Trao đổi với VOA Việt ngữ trước khi tháp tùng chuyến xe buýt của kiều
bào từ Canada về thủ đô Hoa Kỳ tham dự ngày sinh hoạt vì nhân quyền Việt
Nam, anh Trịnh Vinh, một người Việt sinh sống tại Toronto nói anh xem
các sinh hoạt này là một nghĩa vụ lương tâm với mong muốn dân chủ cho
Việt Nam.
Anh Trịnh Vinh: Ngày Quốc tế Nhân quyền hằng năm
thường cộng đồng người Việt có tổ chức ở thủ đô DC, tôi tham dự lần này
là thứ 3, thứ 4 rồi. Tôi tham gia vì chúng ta sống ở hải ngoại được
hưởng tất cả các quyền con người, nhưng đồng bào chúng ta ở trong nước
thì không có, nên tôi muốn góp sức vận động thế giới lưu ý đến vấn đề
nhân quyền của Việt Nam.
VOA: Chính quyền Việt Nam nhìn thấy thành quả nhân
quyền của họ nổi bật nhất là một chiếc ghế ở Hội đồng Nhân quyền Liên
hiệp quốc. Trong ánh mắt một người Việt quan tâm đến nhân quyền Việt
Nam, nhìn lại nhân quyền Việt Nam trong năm qua, anh thấy nổi bật nhất
điều gì?
Anh Trịnh Vinh: Tôi không nhìn thấy điểm nổi bật
nào về vấn đề Việt Nam, mà tôi thấy nó càng tồi tệ. Nhà cầm quyền cộng
sản bắt giam hàng loạt những người đấu tranh ôn hòa. Khi Hà Nội có chân
trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc thì xét đoán của các quốc gia
trên thế giới sẽ rõ ràng hơn đối với những nghĩa vụ mà một thành viên
của Hội đồng phải thực thi trong những Công ước quốc tế về nhân quyền mà
Việt Nam đã ký kết.
VOA: Một cách cụ thể, anh mong muốn chính quyền Việt Nam phải có những
bước đi như thế nào trong lĩnh vực nhân quyền mới được gọi là cải thiện?
Anh Trịnh Vinh: Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là
tích lũy tất cả suy nghĩ của nhân loại. Cho nên, điều dễ dàng nhất là cứ
thực thi theo đúng những gì đã được ghi trong đó. Với tình trạng của
Việt Nam hôm nay, theo tôi, điều căn bản nhất là phải trao lại quyền tự
quyết cho người dân trong đó có một số quyền mà mọi người dân trên thế
giới đều được hưởng như tự do báo chí, tự do tôn giáo. Cứ làm đúng theo
bản Tuyên ngôn đó thì sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước Việt
Nam.
Ngoài cộng đồng người Việt tại Mỹ, người Việt Nam sinh sống ở Vương Quốc
Anh cũng thông báo tổ chức cuộc biểu tình lớn đúng vào Ngày Quốc tế
nhân quyền 10/12 trước đại sứ quán Việt Nam ở London nhằm ‘ủng hộ phong
trào đòi thực thi quyền dân sự và chính trị trong nước’ và yêu cầu Hà
Nội ‘tuân thủ các cam kết nhân quyền để xứng đáng là một thành viên của
Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.’
Đề cập đến thông điệp của cuộc biểu tình, Ban tổ chức kêu gọi Việt Nam
cho phép quan sát viên Liên hiệp quốc đến điều tra các tố giác vi phạm
nhân quyền, chấm dứt nạn tra tấn, phóng thích những người đang bị giam
giữ chỉ vì thực thi các quyền con người, hủy bỏ những điều luật có nội
dung mơ hồ như 258, 79, hay 88 được Hà Nội dùng để bóp nghẹt các tiếng
nói chỉ trích, chấm dứt nạn độc quyền trong lĩnh vực báo chí-xuất bản,
và bảo đảm quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt của người dân.
Năm 1950, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc công bố lấy 10/12 hằng năm làm
Ngày Quốc tế Nhân quyền, nhắc nhớ mọi người trên thế giới về Bản Tuyên
ngôn Quốc tế Nhân quyền, một chuẩn mực chung để tất cả các quốc gia
hướng tới trong lĩnh vực bảo vệ, thăng tiến quyền con người.
No comments:
Post a Comment