Thêm một đảng viên từ bỏ đảng Cộng sản
Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-12-05
2013-12-05
Vừa có thêm một đảng viên Cộng sản tại Việt Nam công khai từ bỏ đảng. Đó là ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập, người vào đảng từ năm 1993. Lý do ông nêu ra là Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân. Gia Minh hỏi chuyện ông và ông cho biết:
Tôi cũng đau khổ khi nghĩ đến chuyện này anh ạ.Vấn đề là người ta đã đau khổ nhiều năm và còn lại những đau khổ thì vẫn phải tiếp tục nỗi đau khổ để chiêm nghiệm trong tương lai còn có những đau khổ tiếp nối nào. Khi phải bỏ Đảng Cộng sản đối với tôi đó là sự đau nhức giống như là anh Hiếu Đằng, anh ấy cũng rất buồn.
Chiều nay, chúng tôi vào thăm anh ấy ở trong bệnh viện 115. Anh ấy đang bị cơn bạo bệnh ung thư tiền liệt tuyến hành hạ mà bác sĩ thì bảo là khó rồi. Khi thấy anh ấy nói về quá khứ, về hiện tại và cả tương lai mà giọng anh ấy nghèn nghẹn, không rõ nữa và ngân ngấn nước mắt. Lúc đó thì tôi có quyết định ngay. Từ bỏ không phải vì một công thức nhất thời mà tôi đã suy nghĩ từ lâu. Tôi làm điều đó và mong muốn cũng như anh Hiếu Đằng là mọi người còn có cốt cách, còn có lương tâm, còn có suy nghĩ, nhìn lại để thấu hiểu đằng sau, điều gì, nguyên nhân nào, những nguồn cơn nào đã đẩy đất nước đến tình trạng ngày hôm nay.
Quá xấu, quá tệ, quá suy đồi. Tất cả mọi thứ đều xuống cấp một cách trầm trọng. Thật sự tôi cũng cầu mong những người Việt ở hải ngoại như các anh thấu hiểu được phần nào tâm trạng của người dân ở Việt Nam, một đất nước khốn khổ như thế nào - khó khăn từ kinh tế, suy thoái đến đạo đức. Vậy ai làm ra những điều đó?
Không còn ai khác ngoài sự lãnh đạo toàn diện của đảng thôi. Đảng chỉ đạo làm được cái gì? Trong khi đó, người ta chấp nhận những đối trọng chính trị có phải tốt hơn không. Người ta có cơ chế tam quyền phân lập và đồng thời cơ chế này có thể giám sát người dân từ ngoài xã hội đến trong nội bộ để làm tốt hơn. Những người đảng viên cần nhận thức ra điều đó để thấy là đã đến lúc cần phải có cơ chế mới thay cho cơ chế cũ.
Ai sẽ quyết định số phận của ĐCS
Gia Minh: Như ông nói cái việc này cũng đã được ấp ủ suy nghĩ từ lâu nay và cần phải có một cơ chế mới thay thế cho cái cũ. Theo ông thì cơ chế như thế nào có thể đáp ứng được cho tình hình hiện nay mà mọi người cần nên theo ạ?
Ông Phạm Chí Dũng: Dứt khoát là phải có đối trọng về mặt chính trị. Có điều là đối trọng như thế nào, đó là cơ chế hoàn toàn sương mù trong thời điểm hiện nay tại Việt Nam. Cho đến lúc này thì nhà nước Việt Nam mới đặt ra vấn đề nhà nước pháp quyền nhưng vẫn chưa thừa nhận chuyện tam quyền phân lập. Không tam quyền phân lập thì làm sao có được nhà nước pháp quyền. Thực ra chỉ là trò chơi chữ để người ta kéo dài thời gian. Kéo dài thời gian thì được lợi cho ai? Chẳng được lợi cho ai cả, lẫn nhà nước và người dân. Tất cả đều khủng hoảng từ xã hội đến kinh tế trong những năm sắp tới. Tất cả đều bị kéo theo. Vì vậy vấn đề là cần phải hành động ngay, cần phải giải quyết ngay. Rất may mắn là Việt Nam đã có một tiền lệ đó là kịch bản Myanmar.
Vấn đề đặt ra là Myanmar có thuận tiện, thuận lợi và những ứng lợi nào đối với Việt Nam trong thời gian tới. Chính lãnh đạo nhà nước Việt Nam cần rút ra điều đó vì kết quả của Myanmar đã thấy rõ rằng chính quyền tổng thống Thein Sein gần như không mất gì cả. Họ giữ nguyên được quyền lực, quyền lợi và những chiến công mà không gặp phải sự phản đối của cộng đồng Myamar ở nước ngoài.
Tôi cho là giới lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã biết tự quyết định số phận của họ, ngay từ bây giờ chứ không phải là dân chúng, nhưng trong những năm tới thì chính dân chúng sẽ là người quyết định số phận của họ.
- Ông Phạm Chí Dũng
Họ chỉ cần thêm một chút dân chủ và nhân quyền cho người dân mà thôi. Những người lãnh đạo Việt Nam nên nhìn đó để có được phương án và giải pháp tối ưu cho Việt Nam trong thời gian sắp tới. Còn lại như thế nào thì tùy thuộc vào bản lĩnh và trí khôn của họ. Tuy nhiên tôi e rằng trong hoàn cảnh này thì khó có thể có được sự sáng tạo đột biến nào trong giới lãnh đạo chính trị của Việt Nam
Gia Minh: Vừa qua thì giới nhân sĩ trí thức cũng như một số tầng lớp người dân đã có ý kiến nhưng qua việc sửa đổi hiến pháp thì tất cả những ý kiến đều đã được không nghe. Vậy ông có thấy cần phải có những mức độ như thế nào nữa thì mới có thế tác động để có được mọi người đang mong đợi, thưa ông?
Ông Phạm Chí Dũng: Không cần điều gì nữa anh ạ vì bản hiến pháp đã đóng khung và đã được đồng thuận 98%. Tuyệt đại đa số như vậy cho thấy Quốc hội không còn của dân, do dân và vì dân nữa. Đó không còn là đại diện do người dân bầu ra nữa. Tôi cho đó là tiền đề chấm dứt cho một triều đại. Vì thế sự kiến nghị đối với chính phủ, đối với nhà nước Việt Nam hiện nay không còn quá cần thiết nữa.
Đặc biệt những vấn đề liên quan đến những vấn đề trọng yếu như là hiến pháp thì không có gì thay đổi cả. Điều này cho thấy một sự bảo thủ gần như là tuyệt đối và như vậy có thể dẫn đến cực đoan. Theo qui luật thì tất cả những gì cực đoan đều có thể nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ, càng cực đoan thì càng sụp đổ nhanh chóng.
Tôi cho là giới lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã biết tự quyết định số phận của họ, ngay từ bây giờ chứ không phải là dân chúng, nhưng trong những năm tới thì chính dân chúng sẽ là người quyết định số phận của họ. Còn giới nhân sĩ trí thức Việt Nam thì tôi cho là những vấn đề mà họ kiến nghị những tâm thư, những tâm huyết thư mà họ kiến nghị thì sắp tới thì chỉ có thể là chữa cháy thôi. Chữa cháy thì vẫn phải làm vì nhờ vào đó người dân sẽ hiểu, biết thêm thông tin. Đặc biệt là tầng lớp dân chúng, họ là những nạn nhân về môi trường và thiệt thòi về đất đai....Họ hiểu thêm và biết thêm về cách thức để đấu tranh để bảo vệ quyền sinh tồn, quyền sống của mình, đặc biệt là vấn đề nhân quyền mà vừa qua nhà nước Việt Nam đã chính thức tham gia vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Chính yếu là người dân. Và từ đó kết tựu với nhau để tạo ra những tiền đề, những manh nha hầu mong có thể dẫn đến một mô hình nào đó, một mảnh ghép nào đó của xã hội dân sự Việt Nam trong tương lai.
Liệu có ánh sáng cuối đuờng hầm?
Gia Minh: Những hành động như là công khai ra khỏi đảng Cộng sản Việt nam rồi kêu gọi thành lập xã hội dân sự...theo ông thì cần có thêm những gì và thời gian bao lâu nữa thì mọi người có thể đoàn kết chung tay để đạt được những điều mong muốn lâu nay, thưa ông?
Ông Phạm Chí Dũng: Tôi thấy cần có một sự kết đoàn anh ạ.Chúng ta cần có một vòng tay lớn giữa những tầng lớp nhân sĩ trí thức và người dân. Điều đặc biệt là không nên bỏ qua thành phần trí thức trong đảng. Đó là nguồn lực và nhân lực chính có thể làm dịch chuyển cả một quả núi bị trì trệ như hiện nay. Tôi muốn nói là năm 2013 là một năm đặc biệt, khác hẳn với những năm trước. Khởi đầu của năm nay là nhóm kiến nghị 72 với những kiến nghị động trời liên quan đến những vấn đề nhạy cảm đặc biệt là liên quan đếnay đổi hiến pháp mà trước đây chưa từng xảy ra. Cho đến cuối năm tôi hy vọng thấy điều được coi là phát pháo hiệu nổ ra được coi là của anh Lê Hiếu Đằng khi anh ấy từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam thì sẽ có một cơn sóng nhỏ dẫn đến một rừng sóng trí thức đảng viên của đảng và người ta tự quyết định xem người ta còn có trách nhiệm đối với đảng hay là nên có trách nhiệm đối với nhân dân. Nếu những cơn sóng nhỏ kết tụ lại với nhau thì có thể dẫn đến một cơn sóng lớn và nó sẽ tốt hơn cho xã hội dân chủ của Việt Nam trong tương lai. Theo tôi thì ít nhất là hai năm nữa mới có thể nhìn ra được ánh sáng.
Gia Minh: Trong giờ khắc mà có những trăn trở và khắc khoải và phải đi đến một quyết định mà ông cho rằng là đau khổ như thế thì ông còn có những tâm tư muốn chia sẻ gì với mọi người ạ?
Nếu những cơn sóng nhỏ kết tụ lại với nhau thì có thể dẫn đến một cơn sóng lớn và nó sẽ tốt hơn cho xã hội dân chủ của Việt Nam trong tương lai. Theo tôi thì ít nhất là hai năm nữa mới có thể nhìn ra được ánh sáng.
- Ông Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment