Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 21.12.2015
Không được chết
Gần đến Năm Mới, để bạn đọc có dịp nghỉ ngơi vui vẻ, khỏi phải đọc những “tin tức mình” như những bài tôi thường viết. Tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc vài câu chuyện vui chỉ có ở Việt Nam. Những câu chuyện rất mới và là chuyện có thật 100%. Những chuyện vừa cười vừa đau của người dân Việt, biết nói đến bao giờ cho hết. Ngay đến khi chết vẫn chưa hết chuyện. Đây chỉ là môt sự việc điển hình của nền hành chính nông thôn. Chuyện nghe vừa tức vừa buồn cười.
Không được chết, vì “nợ” thôn 1,7 triệu đồng
Thời gian qua, người dân thôn Chùa, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bàn tán xôn xao về chuyện bà Nguyễn Thị Lê “không được chết” vì nợ chính quyền thôn 1,7 triệu đồng…
Gia đình bà Nguyễn Thị Lê đang đau xót vì sự bất công của chính quyền
Nguồn tin chính thức do phóng viên báo Lao động của Liên Đoàn Lao Động TP Hà Nội đã tìm về thôn Chùa (xã Hương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) để tìm hiểu rõ thông tin.
(anh trai của bà Nguyễn Thị Lê) mắt ngân ngấn, chia sẻ về việc làm thiếu tình người của chính quyền nơi đây khi em gái mình qua đời.
Ông Nguyễn Văn Nam vừa khóc vừa kể lại: Ngày 9/11/2015, bà Lê qua đời, gia đình đã thông báo cho chính quyền địa phương biết để làm giấy chứng tử, phát loa truyền thanh thông báo, cũng như hỏi mượn xe tang, kèn trống… Tuy nhiên, những việc đó không được chính quyền địa phương cho mượn. Lý do đưa ra là bà Lê còn nợ thuế đất nông nghiệp, tiền đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân… với số tiền hơn 1,7 triệu đồng (khoảng 85 USD).
Chính quyền đi ngược lại với đạo lý làm người
Ông Nam than thở thảm cảnh cay đắng của gia đình em gái:
“Có lẽ chẳng nơi đâu lại có chuyện như vậy. Em gái tôi bị tàn tật từ nhỏ, thuộc diện gia đình nghèo, lại ở cùng hai người em cũng bị tàn tật. Ấy vậy mà khi qua đời, chính quyền địa phương lại “bỏ rơi” như thế. Việc này không chỉ đi ngược lại với đạo lý làm người mà còn vi phạm pháp luật. Là người tàn tật, thuộc hộ nghèo được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước, nhưng không hiểu lý do gì, mặc dù đã có văn bản của tỉnh, của huyện về việc cấp cho em gái tôi mảnh đất để sinh sống, nuôi hai đứa em bị tật nguyền, nhưng qua nhiều năm, với nhiều văn bản của cấp trên, UBND xã vẫn không thực hiện. Đến khi em gái tôi qua đời, chính quyền thôn cũng không cho nó được chết như người khác chỉ vì một khoản nợ vô cùng vô lý, trái quy định…”.
Ông trưởng thôn nói gì?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khúc - trưởng thôn Chùa - cho biết: Gia đình tôi và gia đình bà Lê có quan hệ họ hàng rất gần. Việc này cũng làm tôi mất ngủ và suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, nếu không làm thế thì người dân có ý kiến. Trước khi làm, tôi đã hỏi ý kiến của lãnh đạo cấp trên, họp chi bộ thôn và căn cứ vào hương ước của làng. Bà Lê bị tàn tật, thuộc hộ nghèo đã nhận được hỗ trợ của nhà nước, còn nghĩa vụ đóng góp với địa phương, xã hội thì vẫn phải làm. Tổng số tiền bà Lê chưa đóng góp, còn nợ là 1.716.000 đồng. Ở thôn có 11 hộ nghèo cũng đều phải đóng góp đầy đủ những khoản thu ấy…”.
Ông trưởng thôn cãi chày cãi cối sai luật
Không biết ông Khúc không hiểu hay cố tình bất chấp mọi quy định của nhà nước, pháp luật đối với người tàn tật, hộ nghèo về các khoản thu, khi tại Nghị định số 55/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã nêu việc miễn 100% tiền thuế đất nông nghiệp cho hộ nghèo có hiệu lực từ năm 2011. Cũng như tinh thần của Nghị định Chính phủ về các khoản thu đóng góp không được ấn định số tiền cụ thể. Trong đó, ở vụ việc này, có 6 đối tượng là người bị tàn tật, hộ nghèo… lẽ ra không phải đóng góp những khoản thu này.
Vậy vì sao, bà Nguyễn Thị Lê và 11 gia đình khác trong thôn nằm ngoài đối tượng phải thu, nhưng thôn vẫn yêu cầu thực hiện đầy đủ? Cũng như căn cứ vào đâu để có con số hơn 1,7 triệu đồng mà bà Lê nợ thôn, để rồi chính quyền nơi đây “bỏ rơi” bà Lê như vậy?
Dư luận của người dân
Ông Nguyễn Văn Tuấn viết trên Facebook của mình:
Tôi đoán rằng nếu ai đó hỏi cái chính quyền xã Hương Phong tại sao họ hành xử như thế với bà Lê, chắc chắn họ sẽ trả lời: làm đúng qui định, theo đúng qui trình. Họ có thể rất tự hào vì đã làm đúng qui định, và thế là được tưởng thưởng. Nhưng đó là câu nói đầu môi, câu nói thời thượng của các quan chức Nhà nước ngày nay. Đó cũng là một cách biện minh cho những hành động bất chính, những hành vi tàn nhẫn, những quyết định vô cảm, và sự bất tài của họ. Đó cũng là câu nói cho thấy họ là cái máy, chứ không phải con người (bởi con người thì phải có tình cảm).
Đọc bài này làm tôi nhớ đến chuyện ở Úc. Dạo đó, Nhà nước chuyển sang hệ thống quản lí bằng điện toán, nên tất cả giấy đòi nợ, trợ cấp xã hội, v.v. đều do máy tính làm. Đến ngày thì máy tính in ra hàng triệu thư và gửi đến cho đương sự. Dĩ nhiên, hệ thống này rất hiệu quả vì giảm nhân viên và tiết kiệm ngân sách. Nhưng có một vụ mà báo chí làm ồn ào, là giấy đòi nợ được gửi cho bà cụ mới qua đời. Số tiền mà thư đòi nợ là … 1.5 đôla! Thế là gia đình của bà cụ lên đài truyền hình nói về sự vô cảm của Nhà nước, của cái xã hội mà họ gọi là “máy”. Sự việc ồn ào đến độ bà bộ trưởng Bộ An sinh xã hội phải đứng ra xin lỗi.
Nếu chính quyền xã Hương Phong và vị Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh xã hội muốn chứng tỏ họ văn minh và có đạo đức, họ nên chính thức xin lỗi gia đình bà Nguyễn Thị Lê.
Bạn đọc đã thấy cái cám cảnh của người dân nông thôn VN là như thế nào. Chết cũng chẳng được chết cho yên thì khi sống còn bị hành lên hành xuống như thế nào nữa? Đây cũng là thứ chuyện khôi hài độc nhất vô nhị chỉ có ở VN, phải không bạn?
Môt bài thơ “tếu” nói lên sự thật
Lại thêm một chuyện cười nữa, trước hết mời bạn đọc bài thơ “tếu” mà phản ánh đúng một sự thật đang xảy ra tại Bạc Liêu, một tỉnh mà sự giàu sang xưa nay dân gian vẫn ca tụng là “ăn chơi như công tử Bạc Liêu”. Nghe nói hồi đó có một vị công tử ngồi trong vũ trường đã đốt tờ giấy bạc “con công” để tìm một điếu thuốc lá của người bạn vừa đánh rơi. Chơi sang đến như thế là nhất xứ rồi, dân gian không phục sao được.
Trụ sở "hoành tráng" của Thành ủy Bạc Liêu mà nợ đầm đìa
Nhưng ngày nay thì khác, đến Thành Ủy Bạc Liêu – một cơ quan được thuộc vào loại quan trọng nhất của cả tỉnh– cũng hết tiền hoạt động và còn nợ đầm đìa. Tỉnh Cà Mau cũng rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. Nếu thanh tra kỹ có thể còn nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình trạng này, chỉ là còn trong vòng… bí mật mà thôi.
Ví thế mà một bạn đọc của tỉnh bên cạnh bèn “tức cảnh sinh tình” làm một bái thơ đăng trên báo Dân Trí ngày 07 tháng 12 – 2015 vừa qua. Mời bạn cùng đọc:
Tiền hết, nợ đìa, cơ quan ơi
Tỉnh bạn hôm qua “cháy túi” rồi
Chỗ mình rồi cũng “cháy” mà thôi
Ất Mùi ắt hẳn là đại hạn
Tiền hết, nợ đìa, cơ quan ơi
Tiền hết, nợ đìa, cơ quan ơi
Bạc Liêu truyền thống đất ăn chơi
Lo chi cháy túi, dân đóng thuế
Ngân khố rỗng rồi lại đầy thôi!
Ngân khố rỗng rồi lại đầy thôi
Dự án nhỏ to đã vẽ rồi
“Hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”
Tiền hết, nợ đìa, đâu chết ai?
Tiền hết, nợ đìa, đâu chết ai
Gánh nợ trao vai dân chúng thôi
Quan vẫn ung dung ngồi tận hưởng
Vinh hoa, phú quí đến muôn đời!
Nguyễn Duy xuân
Nguyên do là đầu năm 2015, Thành ủy Bạc Liêu được ngân sách nhà nước cấp 7,876 tỷ đồng kinh phí hoạt động năm 2015. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015, cơ quan này đã chi tới 7,671 tỷ đồng. Việc chi tùy tiện của bộ máy lãnh đạo Thành ủy trong nhiệm kỳ cũ đã để lại hậu quả là quỹ tiền mặt tại đây giờ chỉ là những con số trên giấy.
Nợ nần chồng chất
Theo biên bản bàn giao công nợ (tính đến ngày 31/7/2015) được lập ngày 21/9/2015, Thành ủy Bạc Liêu đã liệt kê số nợ là hơn 2,818 tỷ đồng, với 19 khoản. Trong đó có 10 khoản nợ từ 100 triệu đồng trở lên như tiếp khách, quà tặng, khám sức khỏe, bảo hiểm,…
Chiều 1/12, ông Trần Văn Khánh- Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cho biết, năm 2012, bệnh viện và Thành ủy Bạc Liêu có ký hợp đồng khám sức khỏe cho cán bộ do Thành ủy Bạc Liêu quản lý. Tống số tiền hợp đồng này là hơn 268 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay Thành ủy Bạc Liêu vẫn chưa thanh toán đồng nào.
Trong khi đó, phía Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, phía Thành ủy Bạc Liêu còn thiếu một số khoản tiền bảo hiểm hơn 478 triệu đồng.
Cãi cọ ngay trong phòng của Chánh văn phòng Thành Ủy
Cũng vì vậy một vụ hỗn loạn đã xảy ra trong cuộc bàn giao giữa những người làm việc cũ và thủ quỹ mới. Vì nợ nần, tại phòng làm việc của Chánh văn phòng Thành ủy Nguyễn Quốc Minh đã xảy ra vụ “náo loạn”. Sáng 16/10, ông Minh cùng kế toán Văn phòng Thành ủy Đỗ Thu Hương có buổi làm việc về bàn giao công nợ, có Phó Bí thư Thành ủy Trà Văn Bắc dự.
Làm việc xong, ông Bắc ra về nhưng bà Hương không đồng ý, chỉ tay vào mặt ông Bắc và hỗn loạn xảy ra. Nhiều người chạy đến, lập biên bản với gần chục chữ ký, có cả Đội trưởng Đội bảo vệ. Theo biên bản, bà Hương “cầm bình trà ném mạnh xuống bàn, bình trà bị bể, văng mảnh vỡ khắp phòng, bể một khay đựng bình, ly”.
Biếm họa việc chi tiêu ngân sách
Những vụ có liên quan đến tiền bạc trong nhiều cơ quan ở VN phần đông là có nhiều điều mập mờ, nẩy sinh nhiều mâu thuẫn, cãi cọ, đánh lộn là việc chẳng có gì lạ, làm sao mà đoàn kết được. Họ chỉ đoàn kết thành một “nhóm lợi ích” khi nào có món bở chia chác tiền “chùa” của dân thôi. Làm việc ở các cơ quan cứ như ở chợ. Vui thật.