Lần đầu tiên Mỹ thông báo về “chế tài TPP” đối với Việt Nam
Theo tường thuật của đài Tiếng nói Hoa Kỳ, vào ngày 4/12/2015, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động, ông Tom Malinowski, đã giải đáp một số thắc mắc trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng Việt Nam ở thủ đô Washington.
Buổi gặp gỡ diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau khi xảy ra vụ nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh và nhà báo Trương Minh Đức bị câu lưu và đánh đập khi họ cùng với luật sư tư vấn đến công ty Yupoong Vietnam ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, để bảo vệ quyền lợi cho các công nhân tại đây.
Có thông tin cho biết sau cuộc gặp trên, ông Malinowski có thể đến Hà Nội để thực hiện cuộc Đối thoại nhân quyền cuối năm 2015. Một trong những nội dung quan trọng nhất của cuộc đối thoại này chính là Việt Nam sẽ phải cam kết cụ thể đến mức nào về việc triển khai thực hiện những cam kết về lao động trong TPP.
Thế nhưng, cho tới lúc này và trước khi Quốc hội Mỹ họp để thông qua TPP, rất nhiều người đang lo ngại lịch sử của WTO sẽ tái diễn khi Việt Nam không tuân thủ các yêu cầu về nhân quyền, về quyền của người lao động một khi được chính thức là thành viên.
Điểm đặc biệt là trong cuộc gặp ngày 4/12 với cộng đồng người Việt hải ngoại, ông Malinowski đã lần đầu tiên thông báo về việc TPP có cơ chế để ràng buộc Việt Nam trong việc thực thi các quyền của người lao động:
“Hầu hết các yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi luật pháp, và quốc hội Việt Nam phải thông qua các luật đó. Họ muốn thực hiện trong bao lâu thì tùy. Nhưng một khi quốc hội Mỹ thông qua TPP, nếu điều đó chưa xảy ra, thì lúc đó, Việt Nam cũng vẫn chưa vào được TPP. Vào thời điểm đó, Việt Nam sẽ bắt đầu thực thi các cam kết. Và chỉ khi chúng tôi chứng nhận với quốc hội Mỹ rằng họ đã thực hiện tất cả các cam kết, thì lúc đó Việt Nam mới bắt đầu được miễn thuế và hưởng các lợi ích khác của TPP.
Trong quá khứ, các hiệp ước thương mại khác không đưa các điều khoản về quyền của người lao động vào trong quy trình giải quyết khiếu nại, nhưng TPP thì có.
Malinowski cho biết: TPP thiết lập một ủy ban song phương để giám sát việc thực hiện và báo cáo cho chúng tôi một khi phát hiện ra sai phạm và đề nghị biện pháp xử lý. Ủy ban đó sẽ gồm 3 thành viên độc lập với các chính phủ: một người do chính phủ Việt Nam đề cử, một do Hoa Kỳ chỉ định và một do ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế).
Hoa Kỳ sẽ định kỳ tái đánh giá quá trình thực hiện của Việt Nam. Nếu Việt Nam vẫn không để cho công đoàn độc lập được hình thành, thì những lợi ích về kinh tế tiếp theo sau thời điểm đó sẽ không được áp dụng. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho đây là yếu tố quan trọng, vì các khoản miễn thuế đặc biệt quan trọng của TPP chỉ được chính thức áp dụng sau 5 năm hoặc 10 năm. Điều này cho phép Hoa Kỳ và các tổ chức xã hội, các nhà hoạt động có thời gian và công cụ để giám sát việc thực thi cam kết của Việt Nam.
Vẫn có hy vọng phía Việt Nam sẽ không thể nuốt lời. Malinowski cho biết: Cái mà chúng ta sẽ có là các cam kết bằng văn bản, cho phép các nhà hoạt động như thế có các quyền mà hiện giờ họ không có.
Cần thông tin thêm là sau cuộc trấn áp của công an Đồng Nai, hai nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức tiếp tục bị sách nhiễu. Nhà Minh Hạnh vừa bị công an “kiểm tra hộ khẩu” và còn đòi khám xét cả phòng ngủ của cô.
Lê Dung/ SBTN
No comments:
Post a Comment