Monday, August 24, 2015

Khi Công đoàn thừa nhận 'Đảng lãnh đạo'

Nguyễn Giang bbcvietnamese.com



Công đoàn Đoàn kết từng có 10 triệu người Ba Lan ủng hộ

Tháng 8 năm nay, báo chí Ba Lan kỷ niệm 35 năm ngày cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân thời xã hội chủ nghĩa đã lập ra Công đoàn Đoàn kết, mở đường cho các biến đổi lớn trên toàn Đông Âu cuối Chiến tranh Lạnh.

Các tài liệu mới công bố cho thấy cuộc thương thảo đầy kịch tính đến sự kiện Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, tổ chức do Moscow bảo trợ và chỉ đạo, đã chọn giải pháp thức tiễn là để Ba Lan có nghiệp đoàn độc lập.

Đổi lại, các trí thức và công nhân hàng đầu của phong trào đình công tại Ba Lan cũng chấp nhận chế độ xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp và 'vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản' trong khuôn khổ thể chế lúc đó.

Sự kiện 'Tháng Tám 1980' ở Ba Lan bắt đầu bằng các cuộc đình công của 17 nghìn công nhân Xưởng đóng tàu Lenin ở Gdansk, với ông Lech Walesa là thủ lĩnh nổi bật.
Họ đóng cổng các xưởng đóng tàu lại để cố thủ bên trong, đòi chính quyền chấp nhận các yêu sách về lương bổng, việc làm, và quan trọng hơn cả là nhu cầu có ban đại diện của họ, chứ không phải công đoàn của nhà nước.
Đáp lại, chính quyền Ba Lan khi đó đã chỉ định phó thủ tướng Mieczyslaw Jagielski vào cuộc để trực tiếp chỉ đạo các hướng giải quyết đình công.

Lech Walesa và Tadeusz Mazowiecki với công nhân ở Gdansk
Khắp nơi, người ta lập ra các công hội nằm ngoài hệ thống công đoàn do Đảng Cộng sản chỉ đạo.
Cùng với phong trào đang lên như thế, công nhân Gdansk đình công trở lại để ủng hộ các nhà máy trên cả nước và ngày 23/8, phó thủ tướng Jagielski đã phải đến Gdansk mở cuộc thương thuyết trực tiếp của cấp chính quyền trung ương với công nhân.
Theo nguồn này, ông Rakowski, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, đã khuyên Bộ Chính trị nên đạt 'Thoả thuận Brzeski' với công nhân.

Vào giữa tháng 8/1980, ông Walesa cùng các cộng sự như Bogdan Lis, Andrzej Gwiazka, Anna Walentynowicz có được các trí thức từ Warsaw như Tadeusz Mazowiecki, Bronislaw Geremek đến ủng hộ.

Lần đầu tiên, trí thức và công nhân Ba Lan phối hợp lập ra Ủy ban Đình công Liên xưởng, kết hợp các nhóm đình công nhỏ lẻ từ nhiều nhà máy.

Nhóm trí thức trong Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR) cũng công bố Hiến chương quyền công nhân (Charter of Workers’ Rights), văn bản tạo cơ sở lý luận cho yêu sách nổi tiếng của công nhân Gdansk.

Hai bên cùng nhượng bộ

Theo bài của Anna Machcewicz trên trang Polityka số 19/8/2015 thì vào thời điểm nổ ra đình công 35 năm về trước, về mặt chính trị, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Ba Lan muốn chứng tỏ với Liên Xô rằng họ tự có thể giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng.

Về mặt kinh tế, họ cũng muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất 'như bình thường' chứ không thể để tình trạng đình đốn sản xuất kéo dài và lan rộng.

Ngày 16/8 công nhân đạt được thành công ban đầu: chính quyền ký thỏa thuận cấp phân xưởng với họ và đồng ý tăng lương, trả lại việc làm cho hai vị Lech Walesa và Anna Walentynowicz vốn bị sa thải vì 'vi phạm quy định lao động' do tổ chức 'đình công trái phép'.

Nhưng thắng lợi nhỏ ở một phân xưởng tại Gdansk chỉ làm các nhà máy ở những nơi khác thêm phấn khích và họ tổ chức đình công để được hưởng các quyền lợi như tại Gdansk.

Cho đến cuối tháng 8, trên 700 nghìn công nhân Ba Lan ở nhiều thành phố, hầm mỏ đã đình công.

Điểm mấu chốt trong bản yêu sách ban đầu có 24 điểm nhưng sau ban tổ chức đình công rút xuống còn 21 điểm là mục về nghiệp đoàn độc lập.

Chúng tôi không đấu tranh chống lại thể chế xã hội chủ nghĩa, mà chỉ đấu tranh vì hội đoàn nghề nghiệp của mình mà thôiLech Walesa (bên phải)

Phía chính phủ cũng nêu ra yêu cầu của họ, rằng dù đình công hay không, công nhân phải tôn trọng Hiến pháp gồm điểm nói rằng "Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan là lực lượng chính trị lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội".

Cả hai vấn đề này không còn thuần tuý là chuyện 'cơm áo gạo tiền' hay giờ làm, ngày nghỉ của công nhân viên là đã động đến bản chất của thể chế.

Trên nguyên tắc, chính quyền Ba Lan giống như các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô khác, không bao giờ phủ nhận vai trò của các công hội và nghiệp đoàn.

Nhưng trên thực tế, họ chỉ công nhận các nghiệp đoàn do nhà nước lập ra và điều khiển được.

Về phía mình, các phe phái khác nhau trong giới trí thức và công nhân Ba Lan cũng tranh cãi ghê gớm về "vai trò của Đảng".

Nói ngắn gọn thì họ chia làm ba xu hướng:

Những người không chấp nhận đảng cộng sản coi ký thỏa thuận như thế là đầu hàng lý tưởng.

Những người bi quan thì cho rằng ký kết hay không cũng sẽ bị bắt, bỏ tù hoặc trấn áp như hồi năm 1970, khi 42 công nhân biểu tình trong phong trào lan ra ở vùng biển (Gdansk, Gdynia, Elblag, Szczecin) bị quân đội và dân quân bắn chết.

Những người có đầu óc thực tiễn tin rằng hãy cứ giành lấy quyền lập nghiệp đoàn của mình trước khi tính đến các mục tiêu lớn hơn.

Ông Lech Walesa đã thể hiện rõ cách nhìn này khi phát biểu trong cuộc gặp với phó thủ tướng Mieczyslaw Jagielski:

"Chúng tôi chỉ muốn có nghiệp đoàn tự do, không phụ thuộc, tự chủ...Khi nói chuyện với chúng tôi, chắc ông đã thấy, chúng tôi không đấu tranh chống lại thể chế xã hội chủ nghĩa, mà chỉ đấu tranh vì hội đoàn nghề nghiệp của mình mà thôi...Chúng tôi cũng không muốn xâm phạm nguyên tắc sở hữu tư liệu sản xuất, vì chúng tôi coi các nhà xưởng đều là thuộc sở hữu của cả dân tộc Ba Lan. Nhưng chúng tôi yêu cầu hãy để cho chúng tôi làm người chủ thực thụ trong phân xưởng và trong đ̣ất nước. Chúng tôi đã được nghe hứa rất nhiều và nay đang nêu ra yêu cầu đó bằng các cuộc đình công."

Về mặt ngôn từ, phía chính phủ dần chấp nhận định nghĩa 'nghiệp đoàn tự quản' trong tiếng Ba Lan là 'samorzadowe' nhưng vẫn e ngại khái niệm 'tự do' (wolne).

Công đoàn Đoàn kết không dùng biểu tượng búa liềm

Vì trong thể chế xã hội chủ nghĩa, tự do là khái niệm 'cấm kỵ', có thể dẫn tới sự tan rã của thể chế, theo quan niệm ở khối Đông Âu khi ấy.

Sau nhiều cuộc bàn thảo, hai bên chấp nhận rằng các nghiệp đoàn có tư cách 'không phụ thuộc' (niezalezne, có thể dịch là 'độc lập') nhưng không ghi từ 'tự do' vào văn bản.

Đổi lại, nghiệp đoàn mới sẽ tuân thủ các nguyên tắc thể chế ghi trong hiến pháp, gồm cả 'sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với Nhà nước'.

Sự nhượng bộ từ phía Ban lãnh đạo Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan là không buộc công nhân chấp nhận "sự lãnh đạo của Đảng với toàn thể xã hội".

Mềm dẻo để tồn tại

Anna Machciewicz nhắc lại chuyện một trí thức tham gia phong trào, Karol Modzelewski từ Gdansk trở về Warsaw đã nói chuyện với bạn ông, Mieczyslaw Rakowski (sau là thủ tướng cộng sản cuối cùng của Ba Lan) về thỏa thuận Tháng 8.

Thỏa thuận Brzeski (còn gọi là hiệp ước Brest-Litovsk tháng 3/1918) được giới chức cộng sản coi là 'kinh điển' về thiên tài ngoại giao của Lenin, khi ông đồng ý mất nhiều phần lãnh thổ của Nga cho các đại cường để đổi lại sự công nhận chính quyền cộng sản Nga vừa ra đời sau Cách mạng 1917.

Tướng Jaruzelski ban bố Thiết quân luật ngày 13/12/1981

Có vẻ như vào năm 1980, vì bị động trước tình hình, lãnh đạo Ba Lan cũng muốn tỏ ra mềm dẻo 'như Lenin'.

Về phía phe đấu tranh, ông Andrzej Gwiazda cũng phải giải thích với công nhân rằng các nghiệp đoàn "sẽ chỉ tự do nếu chính các thành viên muốn tổ chức của mình tự do", thậm chí họ có thể "không phụ thuộc" luôn vào các ký kết hai bên.

Ngày 22 tháng 9/1980, chừng 36 ban đại diện các nhóm công nhân từ nhiều vùng của Ba Lan đổ về Gdansk và căn cứ vào thỏa thuận với chính quyền, họ long trọng tuyên bố lập ra Công đoàn Đoàn kết, lấy ý từ sự đoàn kết khắp cả nước của nhiều nhóm đình công.

Biểu tượng của họ không phải là búa hay liềm mà là chàng cao bồi đi dưới dòng chữ Đoàn kết 

'Solinarnosc' màu đỏ trên nền trắng như màu cờ Ba Lan.

Tổ chức này không đòi lậ̣t đổ chế độ mà chỉ muốn 'không phụ thuộc' vào công đoàn của Đảng Cộng sản vốn vẫn có các thành viên riêng trong nhiều năm về sau.

Nhưng tình hình Ba Lan lại diễn biến theo hướng 'cái gì phải đến sẽ đến'.

Công đoàn Đoàn kết trở thành một phong trào xã hội với chừng 10 triệu người Ba Lan trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia.

Các hội nghề nghiệp, từ nông dân, giáo viên, y bác sỹ, thậm chí cả cảnh sát sau này cũng có phân bộ Công đoàn Đoàn kết để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Cuộc xung đột với chính quyền là không thể tránh khỏi và tháng 12/1981, Đại tướng Wojciech Jaruzelski ban bố Thiết quân luật, đình chỉ mọi quyền tự do dân chủ (dù chỉ là hình thức) và đặt đình công ra ngoài vòng pháp luật.

Chỉ trong một lần 'ra quân', cảnh sát cơ động Ba Lan có xe tăng yểm trợ tấn công vào mỏ than Wujek vùng phía Nam đất nước đã bắn chết 9 công nhân, làm bị thương nhiều người.

Nhưng bạo lực cũng là biện pháp cuối cùng để cứu vãn thể chế ở Ba Lan, như chính các lãnh đạo cộng sản sau này thừa nhận.

Hai ông Jaruzelski và Walesa bắt tay sau ngày thay đổi chế độ

Tháng 7/1983, chính quyền bãi bỏ Thiết quân luật và cho Công đoàn Đoàn kết hoạt động trở lại, đồng thời công bố một loại cải cách từ 1986.

Trong trưng cầu dân ý tháng 11/1987, đa số cử tri Ba Lan ủng hộ cải cách 'thị trường xã hội chủ nghĩa', cho thấy chính quyền vẫn được tín nhiệm khá rộng nếu có chính sách đúng hướng.

Nhưng các diễn biến quốc tế đã xảy ra nhanh hơn tiến trình cải cách dần dần ở Ba Lan.

Cùng thời kỳ Mikhail Gorbachev tung ra perestroika tại Liên Xô, Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan một lần nữa trở thành tâm điểm của chuyển đổi mô hình chính trị Đông Âu khi họ tham gia Hội nghị Bàn tròn để chia sẻ quyền lực với phe cộng sản cải tổ năm 1989.

Sau bầu cử Quốc hội lập hiến cùng năm, các phái của Công đoàn Đoàn kết nắm 99 trên 100 ghế trong Thượng viện.

Cũng đúng một lá phiếu đã giúp Tướng Jaruzelski thắng cử lên làm Tổng thống cuối cùng của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan và Tổng thống đầu tiên của Ba Lan dân chủ (tháng 7/1989 - tháng 12/1990).

Lịch sử đã sang một trang mới.

No comments:

Post a Comment