Cái Tết thứ ba: Suy thoái cùng kiệt sức
Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Năm mới 2014. Trong bầu không khí sôi
sục khí thế “đổi mới thể chế” từ bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng về một “nhà nước không làm thay cho dân”, thi thể cứng
buốt của một nam thanh niên bất chợt được người đời phát hiện trong một
ngôi nhà hoang nằm trên đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu tại thủ phủ nghỉ
dưỡng miền Trung mang tên Đà Nẵng.
Sát Tết Giáp Ngọ. Cái Tết thứ ba
liên tiếp nền kinh tế Việt Nam chìm trong cơn suy thoái kể từ khi nhóm
lợi ích ngân hàng được thả cương trục lợi từ năm 2011.
Nhưng từ nhiều năm trước đó, người dân đã phải tự lo cho nhau trước khi được trời cứu.
Ngôi nhà hoang phế
Xác chết trong ngôi nhà hoang quê quán ở Quảng Nam là của một thanh niên hành nghề nhặt ve chai.
Những người dưng nhưng hảo tâm xúm lại giúp mai
táng thi hài kẻ xấu số. Kẻ ra đi bất đắc kỳ tử ấy đã không chịu nổi đợt
giá lạnh bất thường như một điềm gở vào những ngày cuối năm 2013.
Ngôi nhà hoang trơ tàn, thò ra những khung cửa
trống hoác tối đen, với cả một khoảng trời trắng ngợp lộ thiên phía
trên, khiến cho mưa gió dột từ nóc xuống bê bết cả cái nền nhà hiếm khi
được gọt nhẵn.
Khắp đất nước, đâu đâu người ta cũng có cảm giác
không thể sống động và buốt giá hơn về tình trạng hoang phế thân thể
cùng tâm lý phế bỏ niềm tin.
Vào mùa đông năm 2013, báo chí đã lên cơn kích
động trước tình cảnh những học sinh vùng cao phía Bắc áo quần xơ xác
phải bắt chuột để ăn thay cơm. Nhiều cô giáo cũng phải ăn khoai trừ bữa,
hệt như thời đói kém những năm 1978 - 1980.
Khẩu hiệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuyện
không để giáo viên nào phải nghỉ việc đã mau chóng dạt về vùng thinh
không hoang lạnh.
Lời chứng cuối cùng cho việc này là hình ảnh
hàng loạt giáo viên từ Thanh Hóa đến Mũi Cà Mau phải rời bỏ mái trường
thân yêu, còn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân
lại ấm áp trong bộ đồng phục mới ủy viên Bộ Chính trị.
Con tin mãn tính
"Chợ búa những ngày sát Tết vắng tanh, không khác gì những ngày thường lặng gió. "
Người dân Việt Nam luôn có đủ lý do để ủ dột
trong một ngôi nhà dột nát toàn diện từ trên xuống dưới. Khi năm mới
2014 được bắt đầu bằng báo cáo thành tích của Chính phủ về “nền kinh tế
có nhiều dấu hiệu phục hồi”, đồng loạt 15 tỉnh đã xướng công văn xin gạo
cứu đói. Chưa bao giờ kể từ thời mở cửa kinh tế 1990 đến nay, câu
chuyện cứu đói lại dân gian đến như thế.
15 cũng là con số các nhà máy thủy điện đã đồng
loạt xả lũ lên đầu dân chúng tại các tỉnh miền Trung như Quảng Nam,
Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc vào nửa cuối năm 2013, mà đã dẫn đến một
triết lý đúc kết không thể chí lý hơn “thủy điện xả lũ đúng quy định,
chỉ có dân chết không đúng quy trình”.
Hơn năm chục mạng người đã bị hiến dâng trong
cơn xả lũ mất nhân tính đó, trong lúc không có bất kỳ một quan chức hoặc
một cấp thẩm quyền nào, từ Bộ Công thương đến các nhà máy thủy điện,
phải gánh tội trước vành móng ngựa.
Khoảng cách biệt ghê gớm giữa chủ nghĩa thành
tích và thực tiễn khác quan vẫn là khoảng tối bao trùm trong khu nhà
hoang thể chế. Những địa phương kêu gào cứu đói lại chính là những nơi
được tuyên dương thành tích tiên tiến về tăng trưởng GDP và cả về năng
suất trồng lúa. Không kể đến những tỉnh “có lý do chính đáng” như Nghệ
An, Quảng Bình khi phải trở thành nạn nhân của đợt xả lũ giết sống, ngay
Khánh Hòa – một địa danh du lịch nổi tiếng ở miền Trung – cũng đã biến
hiện tượng “GDP có chân” trở thành một thực thể di động.
Luôn cao gấp đôi GDP bình quân quốc gia, nhiều
địa phương như Khánh Hòa dường như đã khiến ngân sách xóa đói giảm nghèo
hỗ trợ cho tỉnh từ năm 1975 đến nay rất tương xứng với hình ảnh “gió
vào nhà trống”.
Hiện tình đất nước đang lao xuống vùng đáy?
Không thể nói khác hơn là có quá nhiều cái thùng không đáy đang hiện hữu trong hiện tình đất nước đang lao xuống vùng đáy.
Những cái thùng được kết cấu bởi các nhóm lợi
ích ngân hàng, bất động sản, vàng, chứng khoán và tất nhiên phải kể đến
những nhóm lợi ích độc quyền chính sách như điện lực, xăng dầu, gas,
sữa… Những cái thùng không đáy đó cũng kết dính với một phạm trù khá mới
mẻ là “nhóm thân hữu”. Nhưng với người dân thì từ lâu nay đã không còn
lạ lẫm: đó chính là các nhóm chính khách móc xích với các nhóm lợi ích
để trục lợi sức dân.
Sự trục lợi thâm dày vô cảm và vô tận như thế đã
làm nên một hình tượng quá cay độc từ năm 2011. Vào quý cuối của năm
đó, những tay phản biện độc lập can đảm nhất trong công luận đất nước đã
phải kêu lên “Nhóm lợi ích ngân hàng đang bắt toàn bộ doanh nghiệp, nền
kinh tế và người dân làm con tin của nó”.
Bởi Tết năm 2012 đã chứng nghiệm cho chân lý
này: ít nhất 55.000 doanh nghiệp phải phá sản và ngừng hoạt động; hàng
chục ngàn công nhân không có tiền mua vé tàu về quê. Các đô thị tràn
ngập sắc thái sầu muộn… Trong khi đó, giới ngân hàng vẫn ung dung thưởng
Tết với mức bình quân lên đến 40-50 triệu đồng cho mỗi nhân viên, còn
giới chủ gấp mười lần như thế.
Sát Tết năm sau đó, nền kinh tế lại được báo cáo
của Chính phủ và giới chuyên gia cận thần tô hồng về triển vọng “thoát
đáy”. Một quan chức tuyên giáo còn nói như chưa bao giờ được nói “Chưa
bao giờ người dân Việt Nam ấm no như bây giờ”.
Trong khi đó, tình cảnh đón Tết của công nhân
lao động trở nên thê thảm hơn cả Tết năm trước. Bắt đầu xuất hiện cảnh
thưởng Tết bằng tất cả những gì tồn kho trong doanh nghiệp như hạt dưa,
quần đùi…, và cả gạch cùng tương ớt.
Mãi lực thị trường đã liên tục đi xuống trong
những năm qua. Bất chấp báo cáo về “thị trường đang phục hồi sức mua”
của Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và đầu tư, các siêu thị lớn nhất vẫn
phải cay đắng thừa nhận sức bán của họ đã giảm đi một nửa qua từng năm.
Chợ búa những ngày sát Tết vắng tanh, không khác gì những ngày thường
lặng gió. Chưa bao giờ hàng đại hạ giá từ 50% đến 80% xuống đường nhiều
đến thế.
Vài chuyên gia trong hệ thống nhà nước ước tính
tỷ lệ vòng quay vốn xã hội trong năm 2012 đã chỉ còn 0,8 lần so với hơn 2
lần vào thời hoàng kim năm 2007. Còn vào năm 2013, không hiểu do ẩn ý
gì mà đã hầu như biến mất con số ước đoán này.
Cùng lúc, giới chuyên gia phản biện độc lập lại
cho rằng việc sụt giảm đến 60% của vòng quay vốn xã hội như vậy vẫn còn
là một cách nói khiên tốn. Bởi chỉ cần tính sức mua giảm đều 30% qua
từng năm kể tử năm 2011, thì sau 3 năm suy thoái, vòng quay vốn xã hội
phải giảm đến ít nhất 70%. Tất cả tình cảnh đó là khá tương đương với
khung cảnh thời đại suy thoái của nước Mỹ vào những năm 1929-1932.
Còn báo chí, bị nén chặt trong một tâm thế lò xo ép, chỉ dám buột miệng “Dân kiệt sức cả rồi…”.
Ánh mắt vô hồn
Năm 2013 cũng là cao trào chưa hề kết thúc của
rất nhiều cái chết vì nghèo khó. Từ Bắc chí Nam, người dân phải chứng
kiến không biết bao nhiêu vụ nhảy cầu, uống thuốc trừ sâu, dùng xăng tự
quyết… Những cái chết tập thể của ba mẹ con ở tỉnh nọ đã làm rúng động
tận tâm can những người còn lương tri sót lại.
Nhưng bỏ mặc mọi khốn khó nhiễu nhương như thế,
triết lý có giá trị đương đại nhất vẫn là “phong bì không chứa nổi tiền
hối lộ”. Hình ảnh phổ cập khó có thể bi tráng hơn là những chiếc cặp
Samsonite đầy ngoại tệ với giá chót một triệu USD – được minh họa tối
thiểu bằng khối lượng 5 kg mà ông chủ Vinalines khai đã tuồn cho Thứ
trưởng Công an Phạm Quý Ngọ.
Lồng trong bối cảnh hiện hình chủ nghĩa tư bản
dã man từ ba thế kỷ trước, xã hội Việt Nam lại đang nổi lên làn sóng
phẫn uất ngày càng bất khuất của nhiều tầng lớp nông dân và công nhân.
Thu hồi đất vô lối và bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường, điều kiện làm
việc khắc nghiệt…, chưa kể đến nguy biến suy sụp kinh tế đang khiến giới
đảng viên hồi hưu phải nhận thức lại điều được gọi là “kiên định ý thức
hệ cộng sản”.
Một trong những bằng chứng rõ rệt nhất cho tình
trạng ngân sách có nhiều dấu hiệu cạn kiện là nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã
hội và cả quỹ lương hưu. Chẳng cần theo dự đoán đến năm 2030 mới vỡ,
chỉ mới đến giữa tháng Giêng năm 2014, nhiều cơ quan vẫn chưa có tiền để
trả cho cán bộ nhân viên. Tại Sài Gòn, một số cán bộ hưu trí đã phải
đến tận trụ sở ủy ban nhân dân thành phố để kêu cứu.
Đó cũng là bối cảnh mà lần đầu tiên, những quan
chức có trách nhiệm của nhà nước như bộ trưởng kế hoạch đầu tư Bùi Quang
Vinh phải thốt lên từ “vỡ nợ”, còn giới chuyên gia nhà nước như các ông
Võ Trí Thành, Trần Đình Thiên đã không còn quá ngần ngại khi ám chỉ về
tương lai “đổ vỡ” của ngân hàng.
"Ánh
mắt vô hồn vô vọng của một em bé ăn xin lang thang trên hè phố Sài Gòn
những ngày lạnh lẽo giáp Tết năm 2014 có lẽ cũng đủ để khoát tả toàn
diện cái tương lai của “nhà nước kiến tạo phát triển” trong thông điệp
đầu năm nay của thủ tướng Việt Nam."
Cũng là lần đầu tiên hệ thống ngân hàng Việt Nam
bị trực chỉ nguy biến đổ vỡ, khi trước đó đã chưa từng tồn tại đặc ngữ
này trên cửa miệng giới phát ngôn của Đảng và chính quyền.
Cùng với một dự thảo về tình trạng phá sản ngân
hàng được nêu ra bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu năm 2014, có lẽ
không ai dám chắc là giới ngân hàng sẽ bằng an tuyệt đối vào cuối năm
nay, khi ít nhất 500.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ hiện hình không phương cứu
chữa.
Một cơn động kinh suy thoái kép đang chực chờ.
Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp có lẽ sẽ không thể kém thua tính trạng 26% và
27% của Tây Ban Nha và Hy Lạp hiện thời.
Thế nhưng điều không thể hiểu nỗi là nhiều số
liệu thống kê năm 2013 cũng nằm trong tình trạng không thể suy thoái
hơn. Trong khi vào đầu năm 2013, chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải
lên tiếng chính thức về chẵn 100.000 doanh nghiệp phải giải thể và phá
sản - chiếm gần 20% số doanh nghiệp đăng ký trên cả nước, thì đến cuối
năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn kiên định với báo cáo
tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc chỉ khoảng 2%.
Trong trường hợp này, khoảng cách giữa dối trá và chân thật đã lên đến hàng chục lần.
Rõ là cái thành tích bất minh như thế của các bộ
ngành chức năng đã trực tiếp ngược chiều với lời trần tình “yêu trung
thực, ghét giả dối” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông mới nhậm chức
vào năm 2006.
Ánh mắt vô hồn vô vọng của một em bé ăn xin lang
thang trên hè phố Sài Gòn những ngày lạnh lẽo giáp Tết năm 2014 có lẽ
cũng đủ để khoát tả toàn diện cái tương lai của “nhà nước kiến tạo phát
triển” trong thông điệp đầu năm nay của thủ tướng Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Phạm Chí Dũng từ TPHCM.
No comments:
Post a Comment