Giới hoạt động trong nước sang Châu Âu vận động nhân quyền cho VN
Trà Mi-VOA
20.06.2014
Các nhà hoạt động đại diện cho 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập trong
nước đang có mặt tại Geneva (Thụy Sĩ) để tham dự phiên họp thông qua báo
cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền
Liên hiệp quốc chiều nay 20/6.
Đây là một chặng dừng chân của 4
nhà hoạt động gồm tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A, blogger-nhà báo độc
lập Phạm Lê Vương Các, và hai luật sư nhân quyền Nguyễn Thị Vy Hạnh và
Trịnh Hữu Long trong chuyến vận động nhân quyền cho Việt Nam kéo dài hai
tuần tại Châu Âu.
Phiên họp UPR của Việt Nam hôm nay tiếp nối
quy trình kiểm điểm nhân quyền bắt đầu từ ngày 5/2 khi Hà Nội ra trước
Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc báo cáo nhân quyền lần thứ nhì.
Trong buổi họp chiều nay, Việt Nam sẽ hồi đáp về việc đồng ý thực thi
hay bác bỏ những khuyến nghị nào trong số 227 khuyến nghị mà hơn 100
quốc gia đã nêu lên tại phiên UPR hồi tháng 2.
Tôi sẽ kiến nghị LHQ
và cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam cải thiện luật liên quan đến quyền
con người. Chỉ thay đổi các luật căn bản như thế mới có thể có những cải
thiện về nhân quyền ở Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Luật sư Trịnh Hữu Long cho biết thêm về các hoạt động của phái đoàn xã hội dân sự Việt Nam tại Châu Âu:
“Chuyến đi lần này của chúng tôi nối tiếp chuyến đi lần trước. Trong 1
tuần ở Geneva Thụy Sĩ, chúng tôi tham dự phiên họp UPR của Việt Nam vào
chiều nay 20/6; đi gặp gỡ các cơ quan nhân quyền của Liên hiệp quốc,
phái bộ ngoại giao của các nước, và các tổ chức nhân quyền quốc tế đóng ở
Thụy Sĩ. Sau đó, chúng tôi ghé Bỉ 2 ngày để gặp Liên minh Châu Âu trước
khi lên đường sang Ba Lan và Cộng hòa Séc.”
Về các địa điểm ghé chân trong hành trình vận động ở Châu Âu lần này, luật sư Long nói:
“Chúng tôi tới Thụy Sĩ vì phiên họp UPR của Liên hiệp quốc tổ chức ở
đây và ghé Bỉ vì trụ sở của Liên minh Châu Âu đặt ở Bỉ. Còn Ba Lan và
Cộng hòa Séc là hai nước đã đưa các khuyến nghị rất mạnh mẽ cho Việt Nam
trong phiên UPR tháng 2 vừa rồi. Họ trình bày thẳng thắn các vi phạm
nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm và những
khuyến nghị rất thực tế của họ. Ngoài ra, đây là hai nước hậu cộng sản.
Chúng tôi hy vọng có thể tiếp xúc, học hỏi những kinh nghiệm đấu tranh
cho nhân quyền từ các quốc gia này, những tấm gương thành công. Thêm
nữa, tại hai nước này có cộng đồng người Việt đông đảo. Chúng tôi mong
được kết nối với họ để trao đổi thông tin.”
Các nhà hoạt động cho
biết khác với phiên họp UPR hồi tháng 2, khi tham dự phiên họp chiều
20/6 ở Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, phái đoàn xã hội dân sự từ
Việt Nam lần đầu tiên sẽ có cơ hội trình bày quan điểm về thực trạng
nhân quyền trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ông sẽ ưu tiên nhấn mạnh đến khía cạnh cải cách pháp lý:
“Tôi sẽ kiến nghị Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam cải
thiện luật liên quan đến quyền con người. Chỉ thay đổi các luật căn bản
như thế mới có thể có những cải thiện về nhân quyền ở Việt Nam. Đòi hỏi
thả người này, người kia là chuyện nên làm, nhưng không giải quyết được
tận gốc rễ, vì họ thả 2, 3 người mà lại bắt vào 4, 5 người thì rất là
vô nghĩa.”
Chúng tôi tới Thụy Sĩ vì phiên họp UPR của Liên hiệp
quốc tổ chức ở đây và ghé Bỉ vì trụ sở của Liên minh Châu Âu đặt ở Bỉ.
Còn Ba Lan và Cộng hòa Séc là hai nước đã đưa các khuyến nghị rất mạnh
mẽ cho Việt Nam trong phiên UPR tháng 2 vừa rồi.
Luật sư Trịnh Hữu Long
Blogger Phạm Lê Vương Các nói sự góp mặt của phái đoàn xã hội dân sự
Việt Nam tại buổi họp UPR này là một thông điệp chứng tỏ khao khát và
quyết tâm vì nhân quyền của người dân Việt Nam:
“Tham dự buổi
UPR này mục đích chính của chúng tôi là vận động dân chủ và nhân quyền
cho người dân Việt Nam. Trong phiên họp này, dù chúng tôi không thể thay
đổi được quyết định của Việt Nam đối với các khuyến nghị, nhưng chúng
tôi tham dự để cho nhà nước Việt Nam thấy rằng chúng tôi có quyết tâm và
nỗ lực theo đuổi đến cùng trong việc bảo vệ nhân quyền, sử dụng các cơ
chế của Liên hiệp quốc để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong Việt Nam.”
Trong thông cáo báo chí của phái đoàn, luật sư nhân quyền người Mỹ gốc
Việt Nguyễn Thị Vy Hạnh nói vận động quốc tế là cách mà cộng đồng người
Việt hải ngoại có thể hỗ trợ rất tốt cho công cuộc tranh đấu nhân quyền
của người dân trong nước.
Cuộc vận động ở Châu Âu lần này có sự
tham gia của Diễn đàn Xã hội Dân sự, Hiệp hội Đoàn kết Công nông Việt
Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị-Tôn giáo Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ,
Hội Bầu bí tương thân, No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn, Phật giáo Hòa Hảo
Miền Tây, Phong trào Con đường Việt Nam, và VOICE, tổ chức thiện nguyện
quốc tế của người Việt hải ngoại có trụ sở tại Philippines chuyên bảo vệ
người Việt tị nạn và cổ xúy xã hội dân sự.
Giới hoạt động trong nước sang Châu Âu vận động nhân quyền cho VN
Like
No comments:
Post a Comment