Họ không còn sợ hãi
Mặc dù chính quyền đàn áp tiếng nói của người dân bằng mọi cách nhưng người tranh đấu mỗi ngày lại nghĩ ra một phương pháp mới để tiếng nói của họ vượt ra khỏi sự cấm đoán, bưng bít của chế độ. Điều gì đã thúc đẩy họ vượt qua nỗi sợ hãi này.
Bị dồn tới tận cùng của uất ức
Khi người ta bị dồn tới tận cùng của uất ức thì nỗi sợ hãi sẽ bị đẩy ra xa. Điều này đang thể hiện rất rõ trên những người đang theo đuổi mục tiêu lên tiếng cho toàn xã hội biết những sai trái, bóp nghẹt công luận hay vận động cho một phong trào mà tự nó có thể giải thích tất cả bản chất của sự việc.
Các vụ giật băng tang ghi tên, tổ chức người phúng điếu nếu tên hay tổ chức ấy có vấn đề với nhà nước đang gây phẫn nộ trong dư luận khắp nơi. Điều này động chạm tới truyển thống đạo đức văn hóa của dân tộc và người ta không thể im lặng khi thấy cách hành xử vượt mọi chuẩn mực này.
Những thằng sĩ quan trẻ chúng nó chưa biết cái gì, chúng nó chưa trải nghiệm cuộc đời nên chưa hiểu nỗi đau, nỗi mất mát của người ta. Nó chưa thấm đạo lý của cha ông.
-Blogger Nguyễn Chí Tuyến
Vụ mới nhất xảy ra trong đám tang thân mẫu anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, kẻ được nhận diện là một đại tá công an đã lớn tuổi và người phản ứng công khai trên công luận là blogger Nguyễn Chí Tuyến, tức Anh Chí với status nhấn mạnh tới sự thiếu nhân cách này. Anh Nguyễn Chí Tuyến cho biết phản ứng của mình trong việc giật băng tang:
“Những thằng sĩ quan trẻ chúng nó chưa biết cái gì, chúng nó chưa trải nghiệm cuộc đời nên chưa hiểu nỗi đau, nỗi mất mát của người ta. Nó chưa thấm đạo lý của cha ông còn ông đại tá này không thể như những thằng khốn nạn còn trẻ nên tôi không chửi mà ở đây tôi tâm sự thật với ông ấy bởi có thể ngày mai ông ấy sẽ chết. Tầm tuổi của ông ấy thì có thể ngày mai ông ấy sẽ gặp ung thư hay gặp một tai nạn và sẽ chết cho nên tôi nói ra quan điểm có thực chứ không sai một tí nào.”
Khi được hỏi việc nói trực tiếp tới một đại tá công an có tên họ chức vụ hẳn hoi như vậy anh có sợ hậu quả hay không, anh Tuyến cho biết:
“Đối với cá nhân tôi tôi đâu có gì phải sợ họ? Tôi không sợ họ từ rất lâu rồi chứ không phải đến bây giờ. Tại sao tôi phải sợ họ? Tôi và các anh em khác đang đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn. Bởi vì xã hội này dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng cộng sản Việt Nam mấy chục năm nay nó quá khốn nạn phải có những người quét nhửng rác rưỡi ấy đi. Hành động của chúng tôi là đem ánh sáng ra cho người dân người ta biết. Nhân dân Việt Nam vốn dĩ mù lòa có mắt như mù có tai như điếc có mồm như câm. Chúng tôi đã nhìn thấy và phải nói cho họ biết vượt qua nỗi sợ, còn đối với những người như chúng tôi có gì phải sợ?
Chúng tôi sẵn sàng lấy cái chết của chúng tôi ra để nếu như chế độ cộng sản này nó sụp đổ thì tôi sẵn sàng lấy thân mình cho nhân dân con cháu chúng tôi cũng như con cháu của những người đang thụ hưởng của chế độ này được có cuộc sống mai sau không bị chà đạp, không chém giết nahu để mà sống mà tồn tại như những con sinh vật, những con vật chứ không xứng đáng như con người. Chúng tôi có gì nghĩ cho cá nhân mà phải sợ?”
Miễn nhiễm sợ hãi
Cái sợ tuy dễ lây nhưng cũng có những con người miễn nhiễm nếu va chạm nỗi sợ hãi hàng ngày nhất là sự va chạm ấy nảy sinh từ việc làm hướng thiện. Anh Huỳnh Công Thuận, một blogger đóng góp rất nhiều trong chương trình giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa do nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài gòn tổ chức. Anh kể lại những chặng đường của mình:
“Trước đó khi đưa ra những phong trào này chúng tôi chịu bầm dập rất nhiều rồi nhưng riết rồi nó cũng quen đi. Thứ hai nữa người ta muốn làm gì mình như muốn bắt, muốn nhốt, muốn ghép bất cứ tội gì thì người ta đều gán cho mình được hết vì vậy bây giờ mình có sợ có tránh có né cũng có được đâu? Đó là sự thật tôi nói thẳng với mấy người công an rồi, muốn bắt, muốn nhốt, muốn bắn là quyền của mấy anh tôi không thay đổi cái đầu của anh được tôi làm đúng với lương tâm thôi nhất là đúng với luật pháp của mấy anh thì tôi cứ làm. Mấy ngày đó họ chận cửa chặn nẻo tụi tôi phải tránh né đi chỗ khác chứ không phải dễ đâu anh.”
Từ trước đến nay khi đi tất cả mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam chỗ nào khi chúng tôi ngồi hàn huyên hiện tình đất nước thì hầu như người ta không chấp nhận chế độc độc tài toàn trị này.
-Anh Trương Văn Dũng
Một người khác nữa là anh Trương Văn Dũng, anh nổi tiếng bị công an, côn đồ nhiều lần tấn công nhất trong tất cả những người theo đuổi công việc đấu tranh giúp đỡ dân oan. Anh bị đánh, bị bắt, bị mang vào nhà thương nhiều lần với những vết thương trầm trọng vậy mà vẫn liên tục tham gia bất cứ một phong trào nào nhằm chống lại bất công, chống lại cái ác, bạo lực trên đất nước. Nói về phong trào mới nhất mang tên: “Tôi ghét đảng cộng sản” đang rầm rộ khắp nơi hiện nay anh Trương Văn Dũng chia sẻ:
“Từ trước đến nay khi đi tất cả mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam chỗ nào khi chúng tôi ngồi hàn huyên hiện tình đất nước thì hầu như người ta không chấp nhận chế độc độc tài toàn trị này. Người dân ở đâu bất kể từ Nam ra Bắc ngay cả vùng sâu vùng xa họ đều có quan điểm như vậy nên vì thế chúng tôi mới có chương trình gọi là “Tôi không thích đảng cộng sản”. Đây là mình muốn nói cho toàn dân để người ta hưởng ứng chương trình này, dậy lên phong trào cho mọi người ta thấy thực chất chế độ độc tài toàn trị này, nhất là thời gian rơi vào chuẩn bị đại hội đảng.
Chúng tôi làm việc này khởi đầu vì những người bị đàn áp, bị bóc lột. Những người dân oan bị cướp đất họ rất đồng lòng, hưởng ứng. Tôi hy vọng từ việc làm nhỏ bé của chúng tôi sẽ có sự lan tỏa rộng lớn hơn.”
Anh Nguyễn Chí Tuyến chia sẻ quan điểm của anh về phong trào này:
“Cái phong trào “Tôi không thích đảng cộng sản Việt Nam” thì ngay pháp luật ở Việt Nam mà người ta gọi là củ chuối thì nó cũng không có điều khoản nào nó quy định rằng người dân Việt Nam sinh ra là phải yêu cộng sản Việt Nam cả. Tôi có quyền yêu có quyền ghét có quyền thích ai hay không thích. Chúng tôi muốn dùng cái phong trào này để người dân biết và hiểu rằng ngay cả pháp luật này cũng không có quy định người ta sinh ra phải yêu đảng cộng sản cả.”
Cũng có người chưa bao giờ xuất hiện trước đám đông nhưng lại công bố thư ngỏ với chính quyền trên mạng lề trái vạch trần những sai trái của chế độ. Những khuyết tật ấy phơi ra trước công luận như một cách phản ứng sự trì trệ và làm ngơ trước sự đấu tranh của quần chúng.
Ông Nguyễn Tiến Dân, một viên chức giáo dục bình thường đã có bức thư gửi Chủ tịch nước với lời lẽ không chút sợ hãi. Nói với chúng tôi ông cho biết cũng lo lắng cho bản thân lằm nhưng lo lắng cho vận mệnh đất nước mạnh hơn khiến ông không còn sợ hãi nữa:
“Tôi suy nghĩ rất nhiều cái điều ấy và tôi cũng như nhiều người khác là chúng tôi trăn trở với tình hình đất nước hiện nay. Tôi biết hệ quả nó đến có thể rất nặng nề với tôi thế nhưng tôi cũng như những người khác buộc phải lên tiếng, buộc phải nói những sự thực đắng cay này. Những sự thực mà bây giờ ông Bộ trưởng Quốc phòng, ủy viên Bộ chính trị công khai nói là “ý đảng tức là lòng dân” thì như vậy cay đắng vô cùng cho đảng cộng sản và cho cả dân tộc này nữa.”
Từ xưa tới nay, người trẻ tuổi trong nước ít theo đuổi việc đấu tranh chống bất công vì gánh nặng học hành và miếng cơm manh áo. Nếu sinh viên trong nước lo một thì sinh viên du học lại lo mười. Họ không còn thời gian suy nghĩ bất cứ điều gì khác khi sách vở và tiền ăn học đè nặng tâm trí họ. Nhưng đối với Nguyễn Vũ Sơn, một du học sinh đang theo học tại Oklahoma lại khác, anh công khai sáng tác ca khúc chống lại đảng cộng sản và viết thư gửi cho Đảng và người dân Việt Nam tuyên bố mục tiêu của mình. Anh có sợ không và tại sao lại vượt qua được nỗi sợ hãi ấy? anh Nguyễn Vũ Sơn tức Na Sơn, bút danh của một Rapper chia sẻ:
“Sau khi đắn đo thì em nghĩ là nếu bây giờ mình không làm thì không ai làm hết, không có ai làm chuyện này hết thành ra bây giờ mình làm mà có được thì mừng còn nếu mà không được thì coi như mình đã cố gắng rồi còn nếu chưa cố gắng thì làm sao biết được hay không? Thành tra em cứ làm thôi, ba mẹ có nói thì em cũng rất buồn, phải nói là em rất buồn nhưng mà biết sao được? Nhiều người thân của em, bạn gái em, gia đình bạn gái em, bạn bè em những người rất thân từ bảy tám năm cũng quay lưng với mình.
Một khi đã làm thì chấp nhận hậu quả, em nghĩ như vậy. Nếu như những du học sinh khác cứ cái kiểu sợ không về được thì nó sẽ không đi tới đâu hết. Em cảm thấy là mình cũng có chút tiếng nói trong giới trẻ vì nhiều bạn trẻ nghe nhạc của em thì em nghĩ rằng mình nên dựa vào điều đó để làm gì đấy tốt hơn chứ nếu suốt ngày cũng chỉ lo học rồi về đi chơi hay làm nhạc linh tinh thì nó phí hoài tuổi trẻ và chút tên tuổi của mình.”
Mỗi người một gánh nặng sợ hãi ẩn dấu trong tiềm thức tuy nhiên điều đáng quý ở họ và hàng ngàn người khác là gánh nặng đất nước vẫn đáng gánh vác hơn, có lẽ do vậy mà họ không còn sợ hãi nữa.
No comments:
Post a Comment