Monday, September 30, 2013

ĐẠI THẮNG NGUYÊN MÔNG


ĐẠI THẮNG NGUYÊN MÔNG

 

ĐẠI DANH TƯỚNG TRẦN HƯNG ĐẠO, MỘT THIÊN TÀI QUÂN SỰ…


    Trong lịch sử chiến tranh xâm lược, vó ngựa Mông Cổ chưa một lần thất bại. Trong nửa thế kỷ XIII, một đế chế rộng lớn chưa từng thấy “Đế quốc” Mông Cổ trải dài từ Á sang Âu, từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia bờ Hắc Hải châu Âu. Từ Triều Tiên miền Viễn Đông đến thủ đô Mạc Tư Khoa của đế chế Nga, Hungary, Tehran (Iran), Dammascus (Syria) và từ phương Bắc xuống tận Miến Điện, Ấn Độ Dương…Không một dân tộc nào, một đội quân nào có thể cản đường của vó ngựa Mông Cổ, một đội quân “Bách chiến Bách thắng” trên vó ngựa xâm lăng từ Á sang Âu. Thế kỷ 13, hơn 2/3 nhân loại kinh hoàng khiếp sợ đạo quân Mông Cổ đến độ ví von rằng ngay cả ngọn cỏ cũng không ngóc đầu lên được dưới vó ngựa Mông Cổ.  Thế mà đạo quân thiện chiến tàn bạo được gọi là “Bách Chiến Bách thắng” này khi tiến xuống Việt Nam, không phải một lần mà cả 3 lần đều bị quân dân Đại Việt đánh cho tan tành, không còn manh giáp, chôn vùi vĩnh viễn tên tuổi của đế quốc Nguyên Mông.  Đây là những chiến tích oai hùng của dân tộc Việt, một chiến tích thần kỳ của nhân loại khiến tham vọng xâm lược và ngay cả số phận của đạo quân xâm lược cũng tan thành mây khói. Chính truyền thống hào hùng bất khuất, lòng yêu nước thương nòi của toàn dân Việt với sự chỉ huy tài tình của anh hùng dân tộc, Đại danh tướng Trần Hưng Đạo đã tạo nên chiến tích có một không hai trong lịch sử nhân loại.

 

     Năm 1253, Hốt Tất Liệt và Ngột Lương Hợp Thai đem quân Mông Cổ đánh thẳng xuống Tây Nam Trung Quốc, tiêu diệt nước Đại Lý chiếm toàn bộ vùng Vân Nam uy hiếp trực tiếp nước ta. Đạo quân gồm 3 vạn kỵ binh này chuẩn bị đánh thẳng xuống nước ta rồi đánh ngược lên Ung Châu và Quế Châu (Quảng Tây) hợp với đạo quân của Khubilai ở Ngạc Châu, tạo thành thế gọng kìm chiếm toàn bộ Nam Tống. Trước khi tiến công, Hốt Tất Liệt cử sứ giả sang chiêu dụ buộc nước ta phải thần phục nhưng vua Trần Thái Tông cương quyết chống trả. Vua Trần cho bắt sứ giả và cử Trần Quốc Tuấn làm Tiết Chế đem đại binh trấn giữ cửa ải phía Bắc. Quân Mông chia làm 2 mũi tiến xuống dọc sông Thao để hội quân ở Việt Trì. Trận huyết chiến xảy ra bên dòng sông Thao, đích thân nhà vua chỉ huy nhưng trước sức tiến công như vũ bão của đội quân thiện chiến, nhà vua phải cho lệnh phá cầu Phù Lỗ rồi rút lui để bảo toàn lực lượng. Thừa thế, quân Mông tiến công thẳng về Thăng Long. Thành Thăng Long được bỏ ngỏ, quân ta rút quân về trấn giữ ở khúc sông Thiên Mạc khiến nhà vua  và quần thần lo sợ nhưng Thái sư Trần Thủ Độ vẫn vững tâm tâu với vua rằng : “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ chớ lo”.

 

    Quân Mông tràn vào kinh thành chỉ thấy thành không nhà trống. Theo Nguyên sử thì khi Ngột Lương Hợp Thai kéo quân vào Thăng Long thấy 3 tên sứ giả đang bi giam cầm trong ngục, người nào cũng bị những thanh tre bó chặt vào mình, hằn vào hẳn da thịt. Khi cởi trói thì có tên đã chết. Hợp Thai tức giận cho lệnh tiêu hủy kinh thành, giết hết những người già cả ốm đau bệnh tật vô tội còn ở lại Thăng Long. Sau đó quân Mông lâm vào tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng rồi do không quen thủy thổ phương Nam nên bị bệnh tật rất nhiều, lòng quân hoang mang chán nản.

 

    Biết giặc đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, ngày 29 tháng 1, vua Trần Thái Tông ra lệnh Tổng phản công. Đại quân ta tiến ngược dòng sông về Thăng Long, từ các hướng quân ta khép chặt vòng vây rồi nhất loạt tiêu diệt tòan bộ quân giặc tại Đông Bộ Đầu. Thừa thắng, đại quân tiến thẳng về kinh thành, đánh bật quân giặc ra khỏi Thăng Long. Tàn quân giặc tháo chạy về hướng Vân Nam. Trên đường tháo chạy, đến Qui Hóa Yên Bái lại bị dân quân sơn cước dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Hà Bổng đánh cho tan tác. Viên đại tướng nổi tiếng thiện chiến Uriankhadai bỏ xác tại trận, số còn lại chạy thục mạng về Vân Nam.  Vua Trần Thái Tông tổ chức lễ mừng chiến thắng vào đúng dịp tết Nguyên Đán 1258 rồi tuyên bố nhường ngôi cho Thái Tử, lên làm Thái Thượng Hoàng ở phủ Thiên Trường sau 33 năm giúp dân giúp nước.

 

 

CHIẾN THẮNG NGUYÊN MÔNG LẦN THỨ HAI

 

    Tuy bị thất bại nặng nề trong cuộc xâm lược năm 1258, nhưng triều Nguyên vẫn ỷ vào sức mạnh của đế quốc Nguyên Mông nên cử sứ giả Sài Thung sang nước ta đòi vua Trần sang chầu nhưng đều bị vua Trần tìm cớ thoái thác. Vua Trần cử Trần Di Ái là chú họ của vua sang Tàu nhưng vua Nguyên không chịu. Triều Nguyên xuống chiếu thành lập “Tuyên Phủ Ty” và cử sang “Giám trị” nước ta. Khi viên quan triều Nguyên đến biên giới thì bị quân ta đuổi về. Vua Nguyên tức giận phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương rồi sai Sài Thung hộ tống về nước. Quân nhà Trần bắn Sài Thung mù một mắt và bắt Trần Di Ái phải tội “Đồ” làm lính như một quân sĩ bình thường. Vua Nguyên tức giận cử con là Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương cùng với 2 bộ tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi “mượn  đường” nước ta để đem quân sang đánh Chiêm Thành. Vua Trần Nhân Tông phong cho Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh toàn quân. Tiết Chế  Hưng Đạo Vương ban lệnh cho các vương hầu hội 20 vạn quân thủy bộ tại Đông Bộ Đầu để ban Hịch Tướng sĩ trong buổi lễ duyệt binh. Đồng thời nhà vua cho triệu tập các bô lão trên toàn quốc về điện Diên Hồng trong cung để bàn việc “Hòa hay chiến”. Toàn thể bô lão đồng thanh hô vang “Quyết chiến”, Quyết chiến đấu chống quân Mông cổ xâm lược cho tới người Việt Nam cuối cùng.

 

    Cuối năm 1284, quân Nguyên lấy cớ mượn đường đánh Chiêm Thành để chia quân làm 2 mũi thủy-bộ tiến công nước ta theo thế “Gọng kìm”. Thoát Hoan chỉ huy bộ binh tiến vào nước ta và Toa Đô chỉ huy đại quân theo đường biển đánh chiếm Nghệ An rồi đánh ngược lên phía Bắc. Thế giặc mạnh như vũ bão, tràn vào đánh chiếm Thăng Long. Quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy đoàn chiến thuyền tiến vào cửa bể đánh chiếm các bến sông Hồng để đóng quân từ khúc sông Đại Hoàng ở Hà Nam lên tới bến Thăng Long. Hưng Đạo Vương rước xa giá nhà vua xuống Thiên Trường rồi sai Thượng tướng Trần Quang Khải đem quân vào chặn đánh quân Toa Đô ở Nghệ An. Dũng tướng Trần Bình Trọng tử thủ Thiên Trường để tiêu hao sinh lực quân địch tại đây, trong khi đó Hưng Đạo Vương đưa vua Trần ra Hải Dương. Trần Quang Khải bị quân của Toa Đô từ trong Nam đánh ra, quân của Ô Mã Nhi từ mặt bể đánh vào nên phải lui quân ra mặt ngoài. Quan Trấn thủ Nghệ An là Trần Kiện chống cự không nổi phải đầu hàng. Tại mặt trận Thiên Trường, Trần Bình Trọng anh dũng chống cự với hàng hàng lớp lớp quân Nguyên cho đến khi kiệt sức bị bắt sống, không chịu ăn uống thức ăn của quân thù cho đến khi bị chém đầu. Thoát Hoan chiêu dụ Trần Bình Trọng theo quân Nguyên sẽ phong tước Vương nhưng anh hùng Trần Bình Trọng đã khẳng khái chửi thẳng vào mặt giặc “Các ngươi cứ giết ta đi. Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Tấm gương hào hùng dũng liệt với câu nói khí phách anh hùng đã đi vào lịch sử muôn đời của Việt Nam. Hưng Đạo Vương lại hộ tống xa giá nhà vua ra Quảng Yên rồi cho thuyền tiến thẳng ra cửa bể Ngọc Sơn để nghi binh. Trong khi đó, đưa vua lên bộ rồi lại xuống thuyền vào Thanh Hoá.

 

CHIẾN THẮNG HÀM TỬ  QUAN 1285

 

    Quân của Toa Đô và Ô Mã Nhi bị  quân của Trần Quang Khải chặn đánh nên không tiến ra Bắc được, bèn đem quân vượt bể ra Bắc hội quân với Thoát Hoan. Được mật tin, vua Trần sai tướng Trần Nhật Duật và Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái đem binh ra mai phục chờ đánh đạo quân của Toa Đô ở Hải Dương. Khi quân Toa Đô vừa đến bến Hàm Tử thì Trần Nhật Duật cho đội quân của Triệu Tung nguyên là một tướng của triều Tống về theo quân ta mặc quân phục Tống triều ra đánh quân Nguyên. Quân Nguyên tưởng rằng triều Tống đã đánh chiếm lại Trung Quốc nên hoang mang tháo chạy. Quân ta thừa thắng xông lên đánh giết quân giặc, Toa Đô tháo chạy ra cửa biển Thiên Trường.

 

CHIẾN THẮNG CHƯƠNG DƯƠNG ĐỘ

 

    Tin chiến thắng Hàm Tử Quan làm nức lòng quân dân nhà Trần. Tiết chế  Hưng Đạo Vương biết quân giặc đã  mỏi mệt suy kiệt, tinh thần sa sút nên trình lên vua Trần Nhân Tông cho lệnh tổng phản công. Hưng Đạo Vương sai tướng Trần Nhật Duật đóng quân chặn đường đánh không cho quân của Toa Đô tiến lên Thăng Long. Đồng thời ra lệnh cho đại quân của Thượng tướng Trần Quang Khải vừa từ Nghệ An kéo ra phối hợp với Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân từ Thanh Hoá vòng theo đường biển tiến vào đánh bản doanh quân Nguyên ở bến Chương Dương. Quân ta khí thế dâng cao ngùn ngụt, hàng hàng lớp lớp tấn công ào ạt khiến quân Nguyên tháo chạy. Quân ta bỏ thuyền lên bộ  truy đuổi quân giặc chạy về đại bản doanh của Thoát Hoan đóng ở Thăng Long. Thoát Hoan đem quân ra bị lọt vào trận địa mai phục của danh tướng Trần Quang Khải. Quân ta từ bốn phiá đổ ra tấn công, quân giặc chết vô số kể nên Thoát Hoan phải bỏ Thăng Long tháo chạy sang bờ bên kia sông Hồng. Đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long khí thế ngút trời. Trong tiệc khao quân mừng chiến thắng, Thượng tướng Trần Quang Khải sang sảng ngâm 4 câu thơ đi vào văn học sử nước nhà:

 

Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù

Thái Bình nên gắng sức

Non nước rạng ngàn thu”

 

CHIẾN THẮNG TÂY KẾT

 

    Toa Đô đóng quân ở bến sông Thiên Mạc để tiến về Thăng Long. Sau khi biết đại quân đã tháo chạy, Toa Đô vội cho lui quân về Tây Kết nghe ngóng tình hình. Tiết chế Hưng Đạo Vương sai Thượng tướng Trần Quang Khải và tướng Trần Nhật Duật đóng binh chia cắt quân của Thoát Hoan và Toa Đô, rồi thân chính đem quân tiêu diệt đại quân Toa Đô. Quân của Ô Mã Nhi và Toa Đô tháo chạy lên bờ chạy ra hướng biển thì bị phục binh vây đánh. Toa Đô trúng tên chết tại trận, Ô Mã Nhi lẻn xuống thuyền chạy vào Thanh Hóa rồi trốn về nước. Hưng Đạo Vương bắt sống hơn 3 vạn quân Nguyên, tịch thu toàn bộ quân trang vũ khí giặc chỉ trong một thời gian ngắn. Hưng Đạo Vương mở tiệc khao quân rồi huy động toàn lực tiến đánh Thoát Hoan.

 

CHIẾN THẮNG VẠN KIẾP

 

    Biết Thoát Hoan sẽ tìm đường tháo chạy về nước nên trước khi xuất quân, Quốc Công Tiết chế ra lệnh cho Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái đem 3 vạn quân theo đường núi lên mai phục ở 2 bên rừng sậy ở Vạn Kiếp. Hưng Đạo Vương sai 2 con là Hưng Võ Vương và Hưng Hiếu Vương dẫn 3 vạn quân tiến ra Quảng Yên chặn đường giặc chạy về châu Tư Minh Trung Quốc. Hưng Đạo Vương thân chinh chỉ huy đại quân tiến đánh Thoát Hoan ở Bắc Giang. Đại quân Nguyên tháo chạy về Vạn Kiếp lọt vào trận địa mai phục của quân ta. Tướng giặc Lý Hằng chết tại trận, Thoát Hoan, Phàn Tiếp, A Bát Xích, Lý Quán mở đường máu thoát thân. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trên đường tháo chạy về gần đến châu Tư Minh thì lại lọt vào ổ phục kích của Hưng Võ Vương và Hưng Hiếu Vương, tướng giặc Lý Quán tử trận còn Thoát Hoan, A Bát Xích và Phàn Tiếp chạy thoát về Tàu.

 

    Lịch sử Việt ghi thêm một chiến thắng lẫy lừng của quân dân Đại Việt. Chỉ trong 6 tháng từ cuối năm 1284 đến tháng 6 năm 1285, một đạo quân gồm 50 vạn tinh binh đã bị đánh tan tành không còn manh giáp bởi lòng yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng của vua tôi nhà Trần dưới sự chỉ huy tài ba của Tiết chế Hưng Đạo Vương. Đại danh tướng Hưng Đạo Vương đã đi vào lịch sử không riêng của dân tộc mà còn là đại danh tướng của cả nhân loại nữa.

 

 

CHIẾN THẮNG NGUYÊN MÔNG LẦN THỨ BA 1288

 

 

     Hốt Tất Liệt quyết tâm chiếm Đại Việt bằng mọi giá để rửa mối nhục cho đế quốc Mông Cổ. Đầu năm 1287, vua Nguyên lại cử Thoát Hoan làm Đại nguyên súy đem 30 vạn quân sang đánh phục thù. Để thực hiện ý đồ này, Hốt Tất Liệt hủy bỏ ý định tấn công Nhật Bản để dốc toàn bộ lực lượng vào chiến trường Đại Việt. Ngoài bộ binh và kỵ binh còn huy động lực lượng thủy binh hùng hậu gồm 600 chiến thuyền chở vũ khí lương thực đầy đủ cho một cuộc chiến lâu dài. Ngày 25 tháng 12, đại quân Mông vượt biên giới tiến vào nước ta để phục hận. Cánh quân Vân Nam do A Lỗ chỉ huy vượt biên giới tiến xuống Bạch Hạc rồi hội quân với Thoát Hoan ở Phú Lương. Đại chiến thuyền của Ô Mã Nhi thẳng tiến vào cửa Quảng Ninh. Tướng Trần Khánh Dư được lệnh chặn đánh lấy lệ chờ đoàn thuyền lương tới. Khi đoàn quân lương vừa tới cửa Vân Đồn thì đại quân ta xông ra tiêu diệt toàn binh thuyền hộ tống, tịch thu toàn bộ vũ khí lương thực. Hưng Đạo Vương sai Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái dẫn 3 vạn quân lên trấn giữ Lạng Sơn, Trần Quốc Toản và Lê Phụ Trần dẫn 3 vạn quân trấn giữ Nghệ An. Đích thân Hưng Đạo Vương thống lĩnh đại binh đóng ở núi Phù Sơn trấn giữ Quảng Yên. Thế giặc mạnh tiến như vũ bão, quân ta chống cự không nổi phải rút về Vạn Kiếp. Thoát Hoan điều động Trịnh Bằng Phi đánh Vạn Kiếp, Ô Mã Nhi và A Bát Xích đem quân từ sông Lục Đầu tiến đánh dọc lưu vực sông Hồng. Hưng Đạo Vương lại rút quân về giữ Thăng Long. Quân Mông dưới sự chỉ huy của Lý Hằng và Khoan Triệt đang truy đuổi đoàn binh thuyền chở vua tới sông Tam Trì thì Hưng Đạo Vương rước vua lên bờ rồi xuống thuyền của Dã Tượng đậu sẵn ở sông Bạch Đằng khúc Hải Dương để vượt qua cửa bể Đại Bàng vào Thanh Hóa rồi cử danh tướng Trần Nhật Duật đem đại quân chặn đánh Toa Đô ở Hải Dương. Ô Mã Nhi tức giận không bắt được vua Trần nên cho lính quật mồ vua Trần Thái Tông, phá nát lăng miếu nhà Trần ở Long Hưng cho hả giận để trả mối thù nhục nhã năm xưa. Quân Nguyên đốt nhà cướp của, giết chồng hiếp vợ, tàn sát bất kỳ già trẻ lớn bé đến nỗi Nguyên sử cũng phải ghi lại tội ác tầy trời như sau: “Đốt phá chùa chiền, đào bới lăng mộ, giết người già cả lẫn trẻ em, cướp của tàn phá sản nghiệp của trăm họ, không có điều gì mà không làm khiến một dải đồng bằng từ Thăng Long đến các lộ xơ xác tiêu điều …”.

 

    Thoát Hoan đem đại quân đánh chiếm Thăng Long mãi không được bèn rút về giữ Vạn Kiếp, Chí Linh và Phả Lại. Hưng Đạo Vương đem đại binh tới bao vây quân giặc. Quân Nguyên lâm vào thế phòng ngự, lương thực cạn kiệt dần, tinh thần binh sĩ sa sút …Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi dẫn thủy quân ra cửa bể Đại Bàng đón thuyền binh lương của Trương văn Hổ. Trần Nhật Duật chặn đánh nhưng bị thua nên quay đầu bỏ chạy. Ô Mã Nhi giương giương tự đắc dẫn đoàn binh lương chạy vào cửa bể. Khi đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi mở đường tiến nhanh đi trước, đoàn binh lương của Trương văn Hổ vừa vào vịnh cửa Lục thì bị đoàn binh thuyền của Trần Nhật Duật phục sẵn nhất loạt tấn công. Trương văn Hổ bỏ chạy sang đảo Quỳnh Châu, quân ta cướp toàn bộ lương thực vũ khí của giặc.  Chờ mãi không thấy đoàn quân lương, Ô Mã Nhi dẫn đoàn chiến thuyền ra biển tìm kiếm nhưng vừa đến cửa Đại Bàng thì bị quân ta chặn đánh bắt giữ hơn 300 chiến thuyền. Biết tin đoàn quân lương bị tiêu diệt, Thoát Hoan hoảng sợ vội bỏ Thăng Long lui về Vạn Kiếp. Nguyên sử chép “Ở Giao Chỉ không có thành trì để chống giữ, không còn lương thực để ăn. Khí trời nóng nực, lương hết quân mệt mỏi thì làm sao mà chống giữ nổi. Thật là hổ thẹn cho triều đình …chi bằng rút quân về là thượng sách”. Thoát Hoan vội vã ra lệnh rút chạy theo 2 đường: Đại quân do Thoát Hoan chỉ huy rút theo đường Lạng Sơn, Tướng A Bát Xích Abatri cho kị binh đi trước mở đường. Quân thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp, Thân vương Tích Lệ Cơ, Vạn Hộ Thủy quân Trương Ngọc rút theo đường thủy có kị binh đi dọc 2 bờ sông để bảo vệ cho thủy quân.

 

    Địch quân tháo chạy đúng như tiên liệu của Hưng Đạo Vương nên khi giặc đến Vạn Kiếp rồi tiế về Thăng Long thì quân ta được lệnh vừa đánh để tiêu hao sinh lực địch, vừa kềm chế để bảo toàn lực lượng rồi rút về hướng Đông Bắc chờ lệnh tổng phản công. Đây là trận chiến mở đầu cho chiến dịch tổng phản công của quân ta. Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương phân công cho các danh tướng Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa dẫn quân lên phối hợp với dân quân thiểu số địa phương mai phục sẵn ở ải Nội Bàng Lạng Sơn. Tướng Nguyễn Soái cũng nhận lệnh chặn giặc tại đây. Ngày 30 tháng 3 năm 1288, thủy binh của giặc với kị binh hộ tống bắt đầu rút chạy nhưng quân ta đã cho phá hết các cầu nên kị binh phải quay trở lại Vạn Kiếp. Trong khi đó, đoàn thuyền vẫn di chuyển chậm chạp mãi đến ngày 8 tháng 4 mới đến sông Bạch Đằng. Khi thuyền giặc vừa tiến vào trận địa mai phục thì tướng Nguyễn Khoát dẫn chiến thuyền ra nghênh chiến rồi giả vờ thua quay thuyền bỏ chạy. Ô Mã Nhi thừa thắng cho chiến thuyền đuổi theo, đúng lúc thủy triều xuống nên chiến thuyền giặc lao nhanh theo dòng nước đụng phải những hàng rào chông, những bãi cọc ngầm khiến chiến thuyền giặc thủng vỡ tan tành chìm xuống dòng sông. Giữa lúc quân giặc còn đang hoảng hốt bối rối không biết xoay trở làm sao thì quân ta gồm cả thủy bộ do nhà vua cùng với Quốc Công Tiết chế chỉ huy tấn công ào ạt tứ phía. Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt, cuối cùng quân ta đại thắng, đạo thủy binh của giặc bị tiêu diệt toàn bộ, xác giặc chết máu loang đỏ ngầu cả một khúc sông. Tướng giặc Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ bị quân ta bắt sống, trên 400 chiến thuyền cùng với những chiến lợi phẩm bị tịch thu. Chính lời thề của Hưng Đạo Vương cùng toàn thể quân sĩ “Trận này mà không phá tan giặc Nguyên thì quyết không về đến sông này nữa” đã tạo nên kỳ tích Bạch Đằng Giang lịch sử. Thoát Hoan nhận được hung tin đạo thủy quân đã bị tiêu diệt, Thoát Hoan hồn vía lên mây hốt hoảng lên ngựa tháo chạy.  Đoàn kị binh của Trịnh Bằng Phi, A bát Xích, A Lỗ Xích chạy trước mở đường, ộ binh chạy theo sau về hướng Lạng Sơn. Vừa đến ải Nội Bàng thì đạo quân của danh tướng Phạm Ngũ Lão tứ các ngõ ngách đổ ra vây đánh tới tấp, quân giặc hoảng loạn mạnh ai nấy chạy về Nữ Nhi, Khâu Cấp thuộc Bắc Giang Lạng Sơn đều bị phục kích tiêu diệt gần hết. Thoát Hoan quát tháo thúc giục tàn binh mở đường máu tháo chạy. Tướng hộ tống Thoát Hoan tử trận, xác giặc nằm chết ngổn ngang suốt từ Ải Nội Bàng đến Tư Minh. Thoát Hoan len lỏi trong đám tàn quân may mắn thoát chết, chạy thục mạng về đến nước rồi mà vẫn chưa hoàn hồn. Quân Nguyên Mông tan rã hoàn toàn chạy về nước hú hồn vừa thoát chết, lòng còn lo sợ nên không trình diện mà mạnh ai nấy bỏ về nhà. Cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên Mông lần thứ ba đã thất bại hoàn toàn, quân dân nhà Trần vang ca khúc khải hoàn. Tháng 3 năm 1288, sau chiến thắng Mậu Tý Hưng Đạo Vương cùng các tướng sĩ dẫn quân rước xa giá Thượng Hoàng và vua Trần Nhân Tông về kinh đô. Khi về đến Long Hưng, vua Trần đem bọn tướng Nguyên gồm Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc vào quì chịu tội làm lễ “Hiến phù” trước Chiêu Lăng. Với đức hiếu sinh, lòng từ bi độ lượng, vua Trần quì lạy Chiêu Lăng rồi xin tha tội chết cho những kẻ thù đã đốt nhà cướp của, tàn sát dân Việt dã man, kể cả Ô Mã Nhi, kẻ  đã cho lính quật mồ vua Trần Thái Tông, phá nát lăng miếu nhà Trần ở Long Hưng. Về đến Thăng Long, nhà vua cho mở tiệc khao thưởng tướng sĩ. Nhân dân vui hội “Thái Bình Diên Yến” suốt 3 ngày đêm bù lại những tháng ngày chiến đấu gian khổ với bao tang thương chết chóc của toàn quân toàn dân Việt. Nghĩ tới đất nước vừa trải qua cơn binh lửa nay lại thanh bình, Thái Thượng Hoàng cảm khái làm 2 câu thơ đi vào lịch sử:

 

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu…

Đất nước hai phen chồn ngựa đá,

Non sông thiên cổ vững âu vang…”.

 

MỘT CHIẾN LƯỢC GIA LỖI LẠC CỦA MỌI THỜI ĐẠI

 

    Sách sử Việt chép rằng Trần Hưng Đạo không những là một Danh Tướng, một thiên tài quân sự có một không hai mà Ngài còn là một chiến lược gia lỗi lạc. Sử chép rằng Trần Hưng Đạo đã viết “Binh gia diệu lý yếu lược” mà chúng ta thường gọi là “Binh Thư Yếu Lược” và “Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư” để dạy các tỳ tướng. Đặc biệt bài Hịch Tướng Sĩ tràn đầy lòng yêu nước với những tự tình dân tộc đã kích động lòng người khiến ai ai cũng một lòng giết giặc. Khác với “Binh Pháp Tôn Tử”, một chiến lược gia nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Quốc, Trần Hưng Đạo đã không những viết ra cả bộ “Binh Pháp” mà còn là một danh tướng chỉ huy thực hiện thành công những chiến lược chiến thuật đề ra. Tiết chế Trần Hưng Đạo khi "dụng binh biết đợi thời, biết thừa thế tiến thoái, có một có một lòng tin sắt đá vào sức mạnh và ý chí của nhân dân, của tướng sĩ quân lính …” . 

 

Trong lịch sử chiến tranh, hầu như không có cuộc rút lui nào mà không chịu nhiều thất bại, đặc biệt danh tướng họ Trần đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng chờ cơ hội giặc suy yếu sẽ phát động tổng phản công tiêu diệt giặc. Thiên tài quân sự chủ trương “Tiêu Thổ Kháng Chiến”, áp dụng kế sách “Vườn Không Nhà Trống” để triệt tiêu mọi nguồn thực phẩm cho quân giặc kết hợp với những hoạt động nhịp nhàng giữa quân dân địa phương (hương binh) và quân triều đình, những trận tập kích và phục kích bất ngờ làm quân giặc kinh hoàng đã góp phần lớn cho sự thành công chiến dịch tổng phản công từ chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vân Đồn, và dứt điểm với trận Bạch Đằng Giang lịch sử đã tạo nên một kỳ tích oai hùng nhất trong lịch sử… Chính vì vậy, thế giới phải vinh danh Trần Hưng Đạo là một Đại Danh Tướng, một chiến lược gia lỗi lạc của cả nhân loại.

 

    Mặt khác, trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, người ta nói đến những danh tướng từ Alexandre Đại đế tới Nã Phá Luân (Napole1on) nhưng chỉ nổi tiếng trong những cuộc chiến tranh xâm lược và chính những người được gọi là danh tướng này như người hùng Napoleon của nước Pháp cũng đã thất bại thảm hại trong trận Waterloo nhục nhã ê chề để cuối cùng thân bại danh liệt. Trong khi đó, chiến thắng oai hùng oanh liệt của Trần Hưng Đạo là chiến thắng của người dân bị xâm lược, tự nó đã nói lên tính chất “Đại nghĩa, Chính Nghĩa” của cuộc chiến và cả 3 lần đều chiến thắng quân Nguyên Mông đã chứng tỏ thiên tài quân sự “Bất Khả Chiến Bại” của Đại Danh Tướng Việt Nam mà không có một viên tướng nào khác có được.

 

Là một viên dũng tướng tài ba lỗi lạc xông pha trận mạc, luôn luôn đứng ở đầu song ngọn gió, sống chết với quân lính, đối xử với quân lính như một người cha già khắt khe nhưng bao dung độ lượng vô cùng. Lịch sử cũng chứng minh rằng rất nhiều tướng lãnh nổi danh vì đã áp dụng chiến thuật Biển người, sẵn sàng thí quân bất cứ lúc nào để đạt thắng lợi mà dân gian vẫn thường mỉa mai “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Đại Danh Tướng Trần Hưng Đạo hiểu rõ tâm lý của người dân, luôn nhắc nhở nhà vua phải biết yêu thương nhân dân, phải biết “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.” đừng bắt nhân dân phải đóng góp nhiều quá, bắt nhân dân phải hy sinh nhiều… Tháng 6 năm 1300, Ngài lâm bệnh nặng. Lo ngại Ngài qua đời nên đích thân nhà vua đã đến vấn an “Thượng Phụ” và hỏi kế sách cứu nước:  "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?" Hưng Đạo Vương trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy."

 

ĐẠI DANH TƯỚNG TRẦN HƯNG ĐẠO, MỘT NHÂN CÁCH SIÊU PHÀM…

 

    Không người Việt Nam nào không biết danh tướng Trần Hưng Đạo là người vì nước quên thù nhà, đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi danh vọng cá nhân. Chính hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra bi kịch “Em phải lấy vợ anh…” nhưng cũng chính từ bi kịch này, một Hưng Đạo Đại Vương với nhân cách siêu phàm có một không hai trên cõi đời này. Thật vậy, vị vua cuối cùng của nhà Lý không có con trai nên truyền ngôi cho con gái là công chúa Chiêu Thánh. Năm 1225, công chúa Chiêu Thánh mới 7 tuổi lên ngôi lấy hiệu là Chiêu Hoàng nhưng quyền chính trong tay Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ tư thông với Trần Thái Hậu, cả hai tìm cách lấy cơ nghiệp nhà Lý nên cho cháu là Trần Cảnh vào hầu Chiêu Hoàng trong cung. Đôi trẻ vui chơi vô tư lự nhưng do sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và truyền ngôi cho chồng. Cơ nghiệp nhà Lý trải qua 9 đời vua sau 216 năm trị vì thì chuyển sang nhà Trần. Thế nhưng vua Trần lấy Lý Chiêu Hoàng vẫn chưa có con mà Thái sư Trần Thủ Độ thì muốn họ Trần sớm có người thừa tự nên năm 1237, Trần Thủ Độ ép Trần Liễu, cha của Trần Hưng Đạo phải nhường vợ là Thuận Thiên Công chúa đang có thai 3 tháng, chị của Lý Chiêu Hoàng cho vua Trần Thái Tông là em ruột của Trần Liễu nên Trẫn Liễu họp quân chống lại Trần Thủ Độ. Trước cảnh trái ngang, vua Trần Thái Tông chán nản bỏ đi lên núi Yên Tử đi tu. Thái sư Trần Thủ Độ mang cả triều đình lên họp bàn việc nước tại chùa Yên Tử. Nhà sư trụ trì phải khẩn nài và cả triều đình thỉnh vua Trần về kinh. 

 

    Truyện kể rằng, Trần Liễu lén trèo lên thuyền vua Trần để phân trần tạ tội bị Trần Thủ Độ biết vội lên thuyền toan giết Trần Liễu nhưng vua Trần lấy thân mình che cho Trần Liễu. Trần Liễu được tha tội nhưng quân lính theo ông đều bị giết. Trở về quê, Trần Liễu không quên mối thù Trần Thủ Độ nên tìm kiếm hắp những người tài nghệ để dạy Trần Quốc Tuấn (tức Trần Hưng Đạo). Lúc sắp mất, ông cầm tay Quốc Tuấn, trăn trối: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được".* Quốc Tuấn nhớ lời cha dặn để trong lòng, nhưng không làm theo lời nhắn nhủ không để tình nhà lên trên nợ nước được. Tuy vậy, trong lòng vẫn áy náy khôn cùng nên dọ hỏi hai thuộc tướng thân tín là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai tướng thuộc hạ hiểu lòng dạ chủ tướng nên tâu rằng: "Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu"...Trần Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người hiểu lòng ngài. Một hôm Trần Quốc Tuấn vờ hỏi con là Hưng Vũ vương: "Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào? Hưng Vũ vương thưa: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!". Trần Quốc Tuấn ngẫm cho là phải. Người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng  thưa ngay rằng “ Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ". Trần Quốc Tuấn rút gươm kể tội: "Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra" và định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Trần Quốc Tuấn mới tha. Sau đó, ông dặn Hưng Vũ vương: "Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng".

 

    Trong lịch sử Việt và lịch sử cả nhân loại nữa phải ghi nhận một con người mẫu mực siêu vượt, một người không ham danh vọng làm vua một nước, dám gác thù nhà để lo nợ nước, đành cam tội bất hiếu với cha để không làm chuyện soán đoạt thì trên đời này chỉ có một Đức Hưng Đạo Đại Vương mới làm được, tất cả đã chứng tỏ một nhân cách siêu phàm của Ngài. Chính vì vậy dân gian khắp nơi trong nước đã lập đền thờ “Đức Thánh Trần” như một anh hùng dân tộc, một nhân thần biểu trưng của tâm linh Việt.

 

PHẠM TRẦN ANH

 

         Viết nhân ngày giỗ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo 20-8 Âm Lịch (24-9-2013)

 

* Thật vậy, trong hoàng tộc lúc đó, ai cũng biết giữa 2 gia đình họ Trần có mối hiềm khích riêng nhưng Trần Hưng Đạo đã biết dẹp tình riêng để cùng chung lo việc nước. Một hôm, Trần Hưng Đạo từ Vạn Kiếp tới, Thượng Tướng Trần Quang Khải xuống thuyền đàm đạo rồi vui chơi suốt ngày mới trở về. Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Hưng Đạo thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Trần Quang Khải: "Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: "May mắn lắm, hôm nay mới được tắm cho Thượng tướng". Trần Quang Khải cũng vội vàng nói: "Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho, thật vạn hạnh". Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người một văn, một võ dần dà thắm thiết khôn cùng…

 

Sử sách cũng truyền tụng về truyện Ngài không nhận chức “Tư Đồ” trong lúc Thượng Tướng Trần Quang Khải phải theo hầu vua. Sửu chép rằng “Trước kia, vua Trần Thánh Tông thân đi đánh giặc, Trần Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương bắc đến. Trần Thái Tông gọi Trần Hưng Đạo tới bảo: "Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc". Trần Hưng Đạo thưa: "Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Thái sư theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Thượng tướng. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn.". Sách Đại Việt sử ký toàn thư kể: "Lúc ấy, xa giá nhà vua đang phiêu giạt, mà Trần Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của An Sinh vương, nên có nhiều người nghi ngại. Trần Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi. Còn nhiều việc nữa, đại loại như thế…”

Dân gian còn truyền tụng về bản lãnh anh hùng bị đầu tên đâm chảy máu nhưng không hề biến sắc mặt khiến Sứ Mông bái phục. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Sài Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu... Vua Trần Nhân Tông sai Trần Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Sài Xuân đưa mắt cho người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, để thử bản lĩnh của Ngài nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Sứ Mông Sài Xuân vô cùng bội phục nên khi Ngài đứng dậy, Sài Xuân tiễn Ngài ra tận cửa…”.

 

VUA TRẦN NHÂN TÔNG:

Thế giặc mạnh như vậy, mà ta chống tới cùng thì sinh linh muôn dân tàn hại, hay là Trẫm hãy tạm chịu hàng để cứu muôn dân!!!”

ĐẠI DANH TƯỚNG TRẦN HƯNG ĐẠO:

Bệ hạ nói câu đó thật là nhân đức nhưng còn Tôn Miếu Xã tắc thì làm sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém. đầu thần rồi sẽ hàng sau …

   

 

 

 


No comments:

Post a Comment