TẾT TRUNG THU
TẾT TRUNG THU
RẰM THÁNG TÁM
Hàng năm cứ vào ngày rằm tháng tám nhà nào
cũng lo ăn tết Trung thu, nhà nào cũng giăng đèn kết hoa, trên bàn thờ đầy đủ
mọi loại bánh Trung Thu như bánh dẻo, bánh nướng để khi hạ lễ cho con trẻ tha
hồ mà ăn. Nguyên uỷ tết Trung Thu là tết ngắm trăng vì ngày 15 tháng 8 âm lịch
là ngày giữa mùa Thu nên trăng tròn nhất, thời tiết dìu dịu, khí trời trong
thanh mát mẻ. Việt tộc là cư dân sống về nghề nông nên ngay tự thuở xa xưa,
người Việt cổ đã chiêm nghiệm tứ thời bát tiết để biết thời vụ gieo cấy. Người
Việt cổ đã quan sát mặt trăng để làm ra Nông lịch, đã biết tính nạn hồng thuỷ
và con nước lên xuống.
Theo Nguyễn Siêu trong “Phương Đình Dư địa
Chí” thì tương truyền vào thuở xa xưa, khi vua Nghiêu mới lên ngôi được 4 năm
thì Việt Thường Thị theo tinh thần đại gia tộc Thần Nông đã đến biếu vua Nghiêu
một con rùa Thần, trên lưng có ghi “Đồ phổ” làm lịch bằng chữ Việt cổ mà cổ thư
Trung Quốc gọi là Khoa đẩu tự. Vua Nghiêu sai chép lấy rồi rồi cử hai anh em Hi
Hòa về Nam Giao học cách làm lịch, học thiên văn ứng dụng vào số học để tính
nạn hồng thủy và thủy triều. Sử cũ chép rằng vua Nghiêu xuống phương Nam tới thành
Luy Lâu năm thứ 59 đời Nghiêu tức vào năm thứ 581 đời Hồng Bàng (năm 2.259TDL).
Luy Lâu sau đọc là thành Liên Lâu rồi Câu Lâu, Cú Lũ là hang rùa. Đó là quận
trị Giao Chỉ với các địa danh Long Biên, Mê Linh, Chu Diên lúc này còn ở Thương
Ngô Nam Trung Quốc ( Hoa Nam). Sau này khi phải thiên cư xuống Bắc và Trung
Việt Nam bây giờ tiền nhân mang theo địa danh cũ đặt tên cho vùng đất mới ở Bắc
Việt Nam. Thư tịch cổ TQ cũng ghi là đời Chu Thành Vương năm thứ 6 tức năm
1.110 TDL, phái đoàn sứ bộ Việt Thường sang biếu chim Bạch Trĩ. Như vậy chính
cổ sử Trung Quốc cũng phải xác nhận nước Việt Thường hiện hữu ngay từ thời Đế Nghiêu
mà trên thực tế có thể có trước thời Đế Nghiêu nhiều.
Lịch nhà Hạ chính là Việt lịch tính theo chu
kỳ mặt trăng. Việt lịch khởi đầu năm từ cung Dần, tháng năm ở vào cung Ngọ nên
ngoài tết Âm lịch, Việt tộc còn ăn tết Đoan Ngọ nữa. Theo học giả Lê Quí Đôn
thì “Việt Lịch tức Âm lịch tính theo hệ thống quĩ đạo mặt trăng ứng cho con nước
mà bia đá dựng ở Cối Kê, kinh đô nước
Việt thời Việt Vương Câu Tiễn ghi rõ là nước
thuỷ triều lên xuống đúng chu kỳ với mặt trăng”. Vì vậy, ngay từ thuở xa
xưa tiền nhân ta đã có tục “thưởng trăng”, các thi nhân ngâm vịnh thi phú “ Khi
xem hoa nở, khi chờ trăng lên ...”.
Trong dịp tết Trung Thu, dân gian làm mâm cỗ
với bánh dẻo, bánh nướng gọi là bánh Trung Thu cho con trẻ ăn, chơi đùa ca hát
rồi rước đèn đi khắp phố phường. Nói tới trăng thì phải nhớ tới câu truyện
“Thằng Cuội” và “Chị Hằng” trên mặt trăng. Dân gian Việt thường ví von “Nói dối
như thằng Cuội” để chỉ những người chuyên dối trá người khác nên cuối cùng phải
ở một mình thui thủi trên mặt trăng. Dân gian truyền tụng về sự tích “Thằng
Cuội ngồi gốc cây đa” như sau:
“Ngày
xửa ngày xưa có một người tên là Cuội chuyên môn đi lừa dối người khác để trục
lợi, thậm chí cả cha chú là người trong nhà cũng bị y lừa dối nên dân gian gọi
thằng Cuội là kẻ
đi xa
nói dối cha, về nhà nói dối chú … Từ đó tên thằng Cuội gắn liền với sự lừa dối
khiến không ai có thể tin được nữa. Truyện kể rằng, có lần thằng Cuội đi lấy
củi, thoát nạn bị hổ
ăn
thịt được ông Tiên cho một cây đa thần, lá cây đa này dung để chữa bách bệnh
thậm chí người chết có thể cứu sống được. Ông Tiên còn dặn dò Cuội là phải
thường xuyên tưới nước sạch và cây phải trồng ở hướng Đông, cấm kỵ đi tiểu vào
gốc cây vì cây bị ô uế sẽ bay lên trời mất. Chú Cuội nhà ta hí hửng mang về
trồng ngay ở hướng Đông và ra vẻ bí mật dặn dò vợ rằng nhớ tưới cây bằng nước
sạch và không được tiểu tiện vào gốc cây. Cuội dặn đi dặn lại vợ rằng: “ Có đái
thì đái hướngTây, chớ đái bên Đông cây dông lên trời ...”. Lần nào cũng vậy, trước
khi đi làm chú Cuội dặn đi dặn lại mãi khiến chị vợ vốn đã không tin Cuội nói
thật mà nghĩ là y nói dối mình. Đã thế lại làm ra vẻ quan trọng cứ dặn đi dặn
lại mãi khiến chị phát cáu bèn nảy ra ý nghĩ “ Đã vậy bà đái bên Đông xem sao”
Nào ngờ cây đa thần gặp nước đái thì gốc rễ lung lay rồi từ từ bay lên trời.
Đúng lúc đó chú Cuội về tới nhà thì thấy cây bay lên, y vội cầm chiếc cuốc móc
vào cây kéo xuống nhưng cây đa vẫn bay thẳng lên trời kéo theo chú Cuội. Từ đó
dân gian dưới hạ giới nhìn lên mặt trăng thấy chú Cuội ngồi một mình dưới gốc cây
đa suốt đời này qua đời khác vì lòng tham và tội nói dối”.
Dân gian vẫn kể câu truyện này nhân dịp tết
Trung Thu để nhắc nhở mọi người chớ vì lòng tham mà đi dối lừa người khác thì
có ngày sẽ gặp hoàn cảnh hẩm hiu như thằng Cuội. Từ đó vào dịp tết Trung Thu
trẻ con thường tụ tập nhau vui chơi ca hát rằng “ Chú Cuội ngồi gốc cây đa, Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời .. Cha còn cắt
cỏ trên trời, Mẹ còn gánh lúa đi mời quan viên ..!”.
SỰ
TÍCH NÀNG HẰNG NGA VÀ CHÀNG HẬU NGHỆ
Theo nhà văn Toan Ánh trong tác phẩm “Phong
tục Việt Nam qua Lễ Tết Hội hè” thì sự tích con Thiềm thừ trên mặt trăng như
sau: “Theo truyền thuyết thì tiền thân
con thiềm thừ là nàng Hằng Nga, vợ chàng Hậu Nghệ là vua xứ Hữu Cung có tài
thiện xạ bách phát bách trúng. Hậu Nghệ có dịp lên vườn Lãng Uyển, xin Đức Giao
Trì Vương Mẫu ban cho thuốc trường sinh bất tử. Mang thuốc về, Hậu Nghệ không
uống ngay vì phải đi đánh giặc nên cất thuốc vào lọ. Cô vợ là Hằng Nga thấy vậy
sinh lòng tham lấy trộm thuốc uống rồi bay lên mặt trăng ra mắt Thái Âm Thần nữ
kể rõ sự tình và xin thần che chở cho. Thái Âm Thần nữ biến Hằng Nga thành con
Thiềm thừ rồi đem giấu trong cung Quảng Hàn. Hậu Nghệ đi trận về thấy mất cả thuốc
trường sinh lẫn vợ nên tức giận vô cùng. Hậu Nghệ cho là vợ đã trốn lên trời
nên nhất quyết đi tìm vợ cho bằng được.
Thuở
ấy trên trời có tới 10 mặt trời, Hậu Nghệ tức giận bắn rớt chín mặt trời nhưng
không thấy vợ đâu. Còn một mặt trời chàng tính bắn nốt nhưng sợ tối trời không
thấy đường tìm vợ nên không dám bắn. Mặt trăng thuở ấy chỉ có một nên chàng sợ
ban đêm không thấy đường đi tìm vợ nên cũng không bắn. Cuối cùng Hậu Nghệ không
tìm thấy vợ và nàng Hằng Nga vì tham lam thuốc trường sinh bất tử mà phải chịu
kiếp làm con Thiềm Thừ ẩn nấp trên cung Quảng Hàn mãi tới ngày nay …”. Trên mặt trăng còn
có một vết đen trắng trông giống như hình con thỏ trắng nên dân gian truyền
tụng sự tích con Ngọc Thố như sau: “Ngày
xửa ngày xưa, gặp lúc trời hạn hán kéo dài mùa màng thất bát, cả người lẫn vật
đều lâm vào cảnh đói khát nên tàn sát lẫn nhau để giành sự sống cho riêng mình.
Thỏ là loài vật yếu đuối lại không có vũ khí để tự vệ nên chúng đành nhịn đói
nằm chờ chết cùng nhau chứ không dám ra ngoài. Trời khuya lạnh thấu xương, đã
đói lại rét nên sẵn có đống lửa, chúng rủ nhau cùng tới nằm quanh đống lửa sắp
tàn mà lòng đói cồn cào. Con nọ nhìn con kia rồi nhỏ từng giọt nước mắt xuống
đất thương cho thân phận bọt bèo của chúng. Trong đàn thỏ có con thỏ trắng thấy
vậy thương đồng loại, cầm lòng không được bèn nhảy vào đống lửa tàn để cho các
con khác ăn thịt mình cho đỡ đói hi vọng qua cơn hoạn nạn. Lúc ấy ở trên trời
Đức Phật nhìn xuống thấy con thỏ trắng có nghĩa khí biết thương đồng loại dám
hi sinh cả mạng sống của chính mình trong khi loài người còn chẳng biết thương
nhau ăn thịt cả đồng loại, còn chém giết hận thù thua một con vật. Đức Phật
nhặt nắm xương cháy đen của nó rồi hóa phép cho nó sống lại với hình hài toàn
bằng ngọc trong sáng đẹp đẽ vô ngần. Ngài đưa nó lên mặt trăng, xin cho nó một
viên thuốc trường sinh và nói với Thái Âm Thần nữ cho nó ở luôn trên mặt trăng”.
Từ đó, dân gian hạ giới thấy có hình con Ngọc Thố trên mặt trăng là do sự tích
ấy”.
LỄ HỘI TRUNG THU
Vào dịp Tết Trung Thu dân gian miền Hoa Nam
Trung Quốc (Khoa Khảo Tiền sử đo chỉ số sọ và khoa Di Truyền Học đều xác nhận
người dân TQ ở miền Đông Bắc và người TQ ở miền Nam đều là người Trung Quốc gốc
Việt cổ) và Việt Nam bây giờ đều tổ chức lễ hội thi cỗ và thi đèn Trung Thu.
Gia đình nào cũng nô nức trổ tài nữ công gia chánh chuẩn bị làm đủ mọi loại
bánh ngon miệng và giăng đèn kết hoa đủ loại nào là đèn ngôi sao, đèn mặt
trăng, đèn kéo quân... để cho con trẻ mang đi thi rồi rước đèn thành từng đoàn người
dài dằng dặc khắp phố phường. Người lớn thì tổ chức hội hát Trống quân truyền
thống của Việt tộc.
Hát Trống quân là điệu hát dân gian gồm 2
bên nam nữ hát đối đáp nhau theo vần hoặc theo ý hoặc bằng những câu hát đố
nhau để bè bên kia hát đối liền, thường là những câu đối sẵn hoặc do tự ý sang tạo
ra để ứng khẩu đối đáp với nhau. Mỗi năm 2 lần, dân gian Việt khắp nơi đều tổ
chức lễ hội mùa Xuân và mùa Thu, dịp này trai thanh gái lịch dập dìu tài tử
giai nhân đi dự lễ hội để tìm hiểu nhau, bày tỏ tình yêu nếu yêu nhau thì sẽ
hợp than ngay trên bãi cỏ, nương dâu. Đây là truyền thống dã hợp cùng trời đất
để mùa vụ tốt tươi, đơm bông kết trái, sinh sôi con cháu đầy nhà.
Thuở xa xưa, người Việt cổ là cư dân nông
nghiệp, bản chất hồn nhiên, hiền hòa chân chất nên hàng năm vào ngày lễ hội mùa
Xuân mùa Thu nếu trai gái yêu nhau thì về nhà làm lễ cưới và không đi dự lễ hội
Xuân Thu nữa. Nếu chưa có ý trung nhân thì mùa sau lại đi dự lễ hội tìm người
bạn đời. Ý tưởng đơn sơ chân chất đó thể hiện tình cảm bình thường của một con
người chứ không mang tính “Dâm bôn” như Hán tộc phong kiến Hán tộc gán ghép
cho. Đó chính là quyền tự do luyến ái, tôn trọng giá trị và nhân phẩm phụ nữ
chứ không xem nhẹ phụ nữ, tước đoạt quyền sống của người phụ nữ như cái gọi là
lễ giáo phong kiến Hán tộc buộc hôn nhân phải qua mai mối áp đặt, gả bán để
người phụ nữ thiệt thòi, gia đình mất hạnh phúc. Trong dịp lễ hội này, tại các
làng xã xa xôi hẻo lánh tới nơi phồn hoa đô hội đều tổ chức hát trống quân. Người
ta lấy một chiếc thùng gỗ hoặc thùng thiếc rỗng, trên mặt thùng có căng một sợi
dây gai chắc về sau là một sợi dây thép hai đầu buộc chặt vào 2 chiếc cọc đóng
xuống đất ở hai bên chiếc thùng, cách xa chiếc thùng mỗi bên là 1 mét. Để cho dây
thật căng, người ta dùng 1 hoặc 2 que nhỏ chụm vào nhau trên mặt thùng cùng
chống đỡ sợi dây. Khi vào hội, người ta dùng chiếc dùi tre nhỏ đánh vào sợi dây
tạo ra những âm thanh “thình… thùng…thình…” bắt nhịp cho câu hát mở đầu lễ hội:
Trống
quân trống quít trống còi,
Ta
chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta ..
Thình
… thùng … thình !
Trống
quân anh đánh nhỉp ba,
Lúc
vào nhịp bảy, lúc ra nhịp mười ..
Thình
… thùng … thình ..!
Trước đây một số nhà văn cứ đọc sách Tàu nói
về một sự tích gì là cứ nhắm mắt sao y bản chính cho là của Tàu. Từ cái gọi là
tết Hàn thực mồng ba tháng ba, tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm, tết Trung thu …
tất cả đều là của Tàu. Thí dụ như ngắm trăng chơi đèn đêm rằm tháng tám là cho
là sự tích của ông vua Tàu Đường Minh Hoàng du nguyệt điện xem vũ Nghê Thường,
rồi hát trống quân bắt đầu bắt đầu từ đời vua Tống Nhân Tông do Bao Chuẩn đặt
ra lối hát trống quân cho quân lính tranh đua nhau hát quên đi nỗi nhớ nhà.
Thật ra “Nghê Thường Vũ y khúc” mà Đường Minh Hoàng xem thì “Nghê” chỉ màu ráng
đỏ của phương Nam, “Thường” là chiếc váy, “Y vũ” là áo bằng lông chim ngũ sắc
lấy từ núi Vũ Di Sơn về có sự tích từ thời vua Thuấn chính là của Việt tộc chứ đâu
phải của Tàu. Đường Minh Hoàng chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Nam nên thích
điệu vũ này cũng như Lưu Bang tức Hán Cao tổ sinh trưởng ở vùng Giang Hoài chịu
ảnh hưởng của văn hóa Việt nên khi lên ngôi cũng tế Xuy Vưu (Li Vưu) rồi lại
chọn rồng làm vật tổ là chuyện dễ hiểu. Theo triết gia Kim Định thì trong lãnh
vực văn hóa nước ta, nếu ai muốn đưa ra một sự kiện vừa căn bản vừa bao trùm
hơn hết còn sót lại từ buổi sơ nguyên thì đó là “Trống Quân”. “Chính tục lệ này nếu không cung ứng thì cũng
biểu thị một cách chói chang, phong phú hơn hết cái cơ cấu uyên nguyên về vũ
trụ quan của tiền nhân Việt tộc cũng như về mối nguyên lý hướng dẫn trọn nền triết
lý nhân sinh của phương Đông, nơi nhân sinh quan đặt nền tảng trên đạo vợ
chồng: Chồng tín vợ trinh. Trống quân chính là biểu diễn lại cái nét lưỡng hợp
sinh động. Cho nên nắm vững tinh thần trống quân chính là hiểu được đầu mối cái
cơ cấu triết lý sinh động của tổ tiên xưa kia vậy … Sở dĩ hát liên hệ với trống
quân vì trống quân chính là đạo trời đất hay nói cách khác là lễ hòa hợp trời
đất nên cần tiết nhịp như đất cùng trời, nhất là trời. Tiết trời thì như sáng
với tối, Xuân với Hạ. Tiết đất thì như Đông với Nam, sông với núi. Vậy mà hát
cũng đầy nhịp, có thể nói đó là nhịp nghĩa là chưa cần đến lời thì nhạc đã khởi
sự có từ lúc có nhịp. Do đó, ngôn ngữ nào giàu nhịp nhàng nhất cũng là giàu
nhạc tính nhất, hợp với trống quân hơn cả. Việt ngữ là một trong những tiếng
giàu song ngữ như thanh thanh, nhẹ nhõm, nhảy nhót, vàng vọt, lung tung, lè
phè, tà tà .. Vì vậy nhiều người ngoại quốc đã nhận xét rằng người Việt nói như
ca hát, nói tiếng Việt đã là ca hát. Đa âm như tiếng phương Tây hay độc âm như
tiếng Tàu không nói lái được thì làm sao mà co dãn biến hóa để mà hát trống quân.
Đặc biệt tiếng Việt, nói với thơ hầu như gieo một vần ngay trong câu nói “Có
mới nới cũ, vì cây dây quấn”, mà đó là thể lệ trong khi hát trống quân. Khi hát
trống quân, nói bằng thơ, hỏi bằng thơ và đáp cũng bằng thơ. Hỏi là phải thưa
liền, ứng khẩu thành thơ hoặc dùng câu vè là một lối ở giữa thơ và nói. Nói như
thơ, thơ như nói mới là hát trống quân. Về thơ thì vè là thơ không những trong
tiếng đôi mà luôn trong câu đối, đó là thể lục bát so le làm nên nhịp câu. Cả
nhịp tỏ trong từng từ (6-8) lẫn nhịp ngầm trong cặp đôi (3-4). Còn về mặt triết
lý thì nó ẩn trong một nét lạ lùng là gieo vần trên lưng câu sau ví dụ như hai
câu mở đầu Truyện Kiều cùa Nguyễn Du”:
Trăm
năm / trong cõi / người ta
Chữ
tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau …
Học giả Granet đã nhận xét một cách hết sức
tinh tế như sau: “Lễ tế Giao phát xuất từ
hát Trống Quân nhưng sau bị Hán tộc
đàn áp Trống quân thì tế Giao có thể đóng vai trò thay thế và nhân đấy là biến thể của Trống quân”. Sử thần Ngô Sĩ Liên
trong “Đại Việt Sử ký Toàn thư” viết:
“Mãi đến thế kỷ XII vẫn còn hát đối nam nữ. Từng đôi trai gái kết tay giao chân
rồi cài hoa kết hoa gọi là hát lý liên. Lối hát giao tình này về sau biến thể thành hát Đúm, hát Xoan (
Xuân), hát quan họ là những tiết mục chính trong các lễ hội dân gian, hội làng
Việt Nam”.
Hát Trống quân là lối hát truyền thống của
Việt tộc nên được duy trì mãi cho đến
ngày nay. Đặc biệt là vào thời nhà Trần,
Đức Trần Hưng Đạo cũng thường xuyên cho quân lính hát trống quân để vui chơi giải trí, quên bớt những gian khổ nhọc nhằn của chiến binh đã góp phần
làm nên chiến thắng oanh liệt đạo
quân Nguyên Mông hung hãn một thời. Hoàng
Đế Quang Trung cũng thường cho quân lính hát trống quân trong những lúc nhàn rỗi, những đêm trăng thanh gió mát và đặc biệt trong dịp tết Trung Thu, nhà
vua chia quân lính ra làm 2 bên, một
bên nam và một bên giả nữ để cùng nhau hát đối đáp sinh động hào hứng quên đi nỗi nhớ nhà và những gian khổ nhọc nhằn của đời sống chiến binh.
Chính những trị vui chơi giải trí này
đã tạo nên bầu không khí tươi vui hào hứng
góp phần không nhỏ vào chiến thắng oai hùng của dân tộc ta suốt trường kỳ lịch sử.
PHẠM TRẦN ANH
No comments:
Post a Comment