Bùi Giáng: Thơ phơi giữa nắng
Gs Huỳnh Như Phương
Người và thơ Bùi Giáng là sự kết hợp giữa đất đai nguyên sơ,
hoang dã và nhịp đời phố thị. Tuổi thơ ông trải qua một vùng thiên nhiên
hào phóng ruộng đồng, non nước cỏ cây dọc sông Thu bồn, dưới núi Cà
tang. Thơ Bùi Giáng hóa kiếp và cho đầu thai để tái sinh cả những cánh
bướm, cánh chuồn chuồn, con kiến, con vi trùng, sâu bọ cùng hoa hương cỏ
dại qua ngôn ngữ hiện đại. Ông cũng sớm hòa nhập vào cuộc sống đô thị,
bắt đầu từ Hội An, Huế, rồi Sài Gòn. "Anh đi về đô hội / Ngõ phố thi
mơ màng". Bùi Giáng như cái cây bị bứng khỏi phù sa Thu Bồn, vất giữa
đất Sài Gòn, tưởng thung thổ lạ lẫm mà vẫn hút được dưỡng chất phồn hoa
để tồn tại. Ông vừa lạc lõng giữa đô thành lại vừa muốn là một tế bào -
tuy là tế bào dị thể - của nó. Thơ ông không dửng dưng với những chiều
hôm phố thị. Có lúc ông tự trách mình: "Bây giờ tôi đã quên xưa / Sài
Gòn cám dỗ tôi chưa chịu về". Điều kỳ diệu là Bùi Giáng ngao du sơn
thủy mà vẫn như trụ chân một chỗ. Sau 34 năm, ông mới trở lại quê nhà;
nhưng thật ra, ông đã có bao chuyến về tâm thức, đúng hơn, chân ông đã
đi xa mà tâm ông vẫn còn ở lại: "Hỏi rằng: người quê ở đâu ? / Thưa
rằng : tôi ở rất lâu quê nhà".
Trí giả và hiền giả
Trong thế giới sáng tạo của Bùi Giáng, gắn
liền với kết hợp Quê - Phố là kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại. Đông
phương và Tây phương. Từ một làng quê xứ Quảng [Nam] giã từ bầy dê từng
được ông choàng hoa và đặt tên. Bùi Giáng và những tranh từ điển của
ông mở lối lên thành phố và đi ra nhân loại. Rồi ra Trung Niên Thi Sĩ sẽ
không chỉ thân với Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà ...,
mà còn làm quen với những tâm hồn xứ lạ của Martin Heidegger,
Saint-Exupéry, Gerard de Nerval, André Gide, Albrt Camus ... Ông chơi
với cái cổ điển nhất cũng hết mình như chơi với cái tân kỳ nhất. Ông yêu
Thúy Vân trong vẻ đẹp cổ điển, nhưng cũng ca tụng Thúy Kiều trên nền
nhạc hiện sinh. Nhưng dù là truyền thống hay cách tân, Bùi Giáng vẫn
hướng về cái tĩnh tại uy nghi trường tồn như núi Ngự muôn đời bên bờ
sông Hương là đẹp, đồng thời cái biến dịch muôn sắc huy hoàng cũng là
đẹp, miễn là nó được vĩnh cửu hóa bằng nghệ thuật.
Nếu làm một thống kê tự vựng trong thơ Bùi Giáng, sẽ thấy bảng pha màu
ngôn ngữ của ông đa dạng biết bao; những từ ngữ cổ kính, nghiêm trang
đan kết với những từ ngữ tân thời, nghịch ngợm. Để dùng cách nói thời
thượng hiện nay, ông nhà quê Bùi Giáng * là người mở cửa, hôi nhập sớm
hơn ai hết. Việc ông giỏi chữ Hán, tiếng Pháp thì không khó hiểu. Nhưng
chỉ 10 năm ở Sài Gòn, không qua trường lớp nào, mà ông thông thạo tiếng
Anh, có thể đọc Shakeaspeare trong nguyên tác, và am hiểu tiếng Đức một
cách chuẩn xác, sâu sắc, khi đọc, khi trích dẫn Friedrich Holderlin,
Martin Heidegger, như sự xác nhận qua kiểm chứng trong thực tế của nhà
nghiên cứu [triết học] Bùi Văn Nam Sơn, thì quả là một năng lực ngôn ngữ
thâm hậu.
Một đối cực khác được kết hợp trong tác phẩm và con người Bùi Giáng là
sách vở, nhà trường trang nghiêm với cuộc đời nắng gió, bụi bặm, xô bồ.
Đó cũng là kết hợp quy cách và phá cách. Xuất thân Bùi Giáng là nhà
giáo, ông viết những lời trân trọng về các thầy giáo cũ của mình. Ông
vào trường thi, thi rớt, phải thi lại để có tấm bằng. Nhưng ông cũng sẵn
sàng bỏ trường thi mà đi, khi thất vọng về nó. Khi viết sách giáo khoa,
ông viết mạch lạc, khúc chiết. Khi sáng tác, viết khảo luận và dịch
thuật, ông để dòng ý thức của mình lôi ngòi bút đi miên man bất tận.
Sách vở giúp Bùi Giáng trở thành trí giả: "cuộc đời và số phận biến ông
thành hiền giả. Người trí giả phải chịu lép vế trước người hiền giả
của ông". Người và văn ông không để cho những chuẩn mực câu thúc, ý văn
ông tràn ra ngoài những ranh giới của lý trí. Tư tưởng của ông đi theo
đường dây riêng biệt của nó, từ Nerval đến Shakespeare, từ Shakespeare
đến Nguyễn Du, từ Nguyễn Du đến Gide; rồi lại từ Gide đến
Saint-Exupéry... Qua cái bề ngoài phi logic, văn bản của ông thách đố
người đọc đi tìm sự mạch lạc nội tại của nó.
Người nghịch chữ
Về mặt tâm lý sáng tạo và chức năng biểu
hiện của văn bản, tác phẩm Bùi Giáng là sự pha trộn, nhập nhòa giữa thực
và mộng, giữa tỉnh và mê. Thực và mộng, tỉnh và mê không có ranh giới
rõ ràng mà thực hòa trong mộng, tỉnh hòa trong mê và ngược lại. Có những
trang thơ, trang văn Bùi Giáng viết như lên đồng, như viết tự động,
viết trong giấc thụy du. Theo lời kể của người thân, bệnh án Bùi Giáng
ghi mắc bệnh tâm thần phân liệt dạng sáng tạo chữ. Điên là thoát khỏi
thế giới thực tại để đi vào một thế giới huyền ảo của tâm hồn. Nói cách
khác, điên là lìa xa chuẩn mực của người không còn bị gò bó, vướng bận.
Từ khi được/bị xem là điên, Bùi Giáng thong dong đi tiếp con đường của
mình, không phải chiều lụy gia đình, xã hội; không ai và không điều gì
có thể níu kéo làm phiền ông nữa. Ông có thể nhập thân vào thế giới
của mình, một thế giới mang ít nhiều ảnh tượng của hiện thực, nhưng lại
do chính ông tái tạo, chế biến. Có thể nói, ông là đấng toàn năng, là
hoàng đế trong thế giới của tiêng ông .
Lao động nghệ thuật của Bùi Giáng là sự tương tác giữa nghỉ, viết, và
chơi. Có lẽ ông không phải là phu chữ, như cách nói của Lê Đạt. mà là
người nghịch chữ. Ngay trong khi nghĩ, ông đã nghịch ngợm những từ ngữ
và khi viết ra , thì thực sự là ông bày trò chơi trên trang giấy. Bao
vấn đề suy tư triết học, tư tưởng văn học hóc búa, rối rắm, ông diễn đạt
tuy rườm rà mà đọc văn vẫn thấy vui, nhiều khi ta chưa hiểu hết ý mà
không thấy mệt óc . Ông là bậc kế tục thượng thừa những trò chơi chữ,
giễu nhại ... của văn háo dân gian, của Hồ xuân Hương, Tú Xương, Tú Quỳ
... và khai thác một cách mạnh mẽ, cuồng nhiệt nhất ... Ít thấy trong
văn Bùi Giáng về nghiêm nghị, cau có của người tin rằng mình đang nói
những điều quan trọng, hay đang phát ngôn chân lý.
Có thể nói rằng Bùi Giáng là thứ quả mà cây văn chương chỉ kết được một
lần. Bùi Giáng phơi mình giữa nắng gió cuộc đời, rong chơi bất tận giữa
đám đông mà vẫn bí ẩn trước mắt thiên hạ, thách thức mọi suy đoán, lý
giải . Ai ở Sài Gòn những năm 70, 80, 90 thế kỷ trước, mà không 1 lần
gặp Trung Niên Thi Sĩ. Trên những con đường quanh chợ Trương Minh
Giảng, trước cổng trường đại học Vạn Hạnh, trong sân chơi chùa Già Lam.
Giữa các ngõ hẻm quanh co của xóm Gà Gia Định- tôi có 4 năm là hàng xóm
của ông ở xóm Gà.
Một buổi trưa nắng gắt, tôi chạy xe về hẻm 482 Lê Quang Định, thấy ông
nằm như thiu thiu ngủ trên 1 đống cát nhà ai đang xây, bóng cây không
che hết gương mặt teo tóp đọng nắng của ông. Vài tờ giấy viết dở vương
vãi bên cạnh. Tôi dừng xe lại, chưa biết làm gì: nhặt giúp ông những tờ
bản thảo sắp bay đi hay đánh thức gọi ông vô nhà. Giữa lúc tôi còn phân
vân, thì Bùi Giáng, mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng linh cảm có người bên
cạnh, đưa bàn tay lên xua qua xua lại, ngầm bảo rằng: "hãy đi chơi chỗ
khác đi, đừng quấy rầy ông, hãy để ông yên với cơn mê của ông, thế giới
của ông" .
Chúng ta nói nhiều, viết nhiều về Bùi Giáng, nhưng có lẽ vẫn là người
xa lạ đối với ông. Sau 15 năm, chúng ta thêm 1 lần đón nhận Bùi Giáng,
đón ông về lại không gian văn hóa này, thậm chí có thể nói một cách nào
đó là chuộc tội với ông, bởi có lần ta đã lạnh nhạt, nếu không nói là
xua đuổi ông. Thử tượng tượng có một hôm nào đó, Bùi Giáng tinh anh,
nghe nói có tọa đàm về ông ở một trường đại học [nào đó]. Chắc ông sẽ lò
dò đến đấy, leo lên cầu thang, đứng ngoài cửa ngó vào, nghe [được] đôi
câu, rồi hấp háy đôi mắt, dưới cặp kính dày cộp mà lẩm bẩm : "Các cháu
cứ ở đó mà tọa đàm đi, ông già Bùi rong chơi tiếp đây!". Dầu có như
thế, chúng ta cũng đừng phật ý. Ta hãy đáp lại ông bằng ngôn ngữ của
chính ông: " Vui thôi mà, thưa Trung Niên Thi Sĩ ".
(2) Vương Tâm
Trịnh Công Sơn - Bùi Giáng: Sự Giao Cảm Vô Thường
Sinh thời, người ta nói hai người chơi thân với nhau cũng không hẳn đúng, bởi lẽ mỗi người một tính cách, mặc dù có thời gian nhà hai người ở gần chợ Trưong Minh Giảng, Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng thì ngông nghênh, lãng du và toả sáng bất cứ hoàn cảnh nào bằng thơ ca, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại dịu dàng, trầm buồn và trĩu nặng với sự cô đơn. Thơ Bùi Giáng luôn phớt tỉnh sự đời, suy tư chông chênh với ý tứ bất ngờ như tia chớp. Còn nhạc của Trịnh da diết nhưng không kém phần bảng lảng trong cõi triết luận vô thường. Mặc dù ngoài đời hai người ít để lại những kỷ niệm sinh hoạt hay giao lưu thân thiết đến mức tạo nên giai thoại. Thậm chí, nhiều năm trước khi mất, Bùi Giáng không còn có dịp lui tới gặp gỡ, trò chuyện với Trịnh công Sơn vì những sự cố không đáng có, nhưng hai người lại luôn gần gũi nhau về những nỗi niềm nhân sinh và luôn chia sẻ cùng nhau về cái sự vô thường của ý niệm giác ngộ về đời, về đạo của phật giáo. Những câu hát của Trịnh tựa như: “Tình không xa nhưng không thật gần; Không xa đời và cũng không xa một người; Một phố hồng và một phố hư không... nghe mà sao gần gũi với cảm xúc của thi sĩ họ Bùi kia với những câu thơ đại loại như: “Đã đi đã đến cuối trời- Đã về như vẫn muôn đời đã đi; Xin chào nhau giữa con đường - Mùa xuân phía trước miên trường phía sau".
Những câu chuyện của hai người đều được ghi lại bằng
dấu ấn thơ ca, tựa như sự đùa cợt, giao hoà và tâm đắc cùng nhau. Bùi
Giáng đã từng viết những câu thơ tặng Trịnh Công Sơn: “Anh Sơn vô tận
bấy chầy / Tôi từ lẽo đẽo tháng ngày trải qua / Niềm thống khổ đứt ruột
rà / Còn chăng? Chỉ một ấy là là chi".
Hoặc lại có lúc ông còn trêu Trịnh Công Sơn:“Công Sơn Trịnh trọng phiêu bồng / Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi".
Trịnh Công Sơn đối đáp không nhanh nên khó có thể ứng tác, nhưng ông
lại bị nhiễm cái nét lạ trong thơ Bùi Giáng để nạp năng lượng cho ca
khúc của mình. Theo nhà văn Bảo Trúc nói, thì Trịnh Công Sơn đã mượn của
Bùi Giáng một số câu hoặc ý thơ để viết nên những ca khúc rất hay.
Nhưng thực ra có sự giao thoa tự nhiên giữa ca khúc và thơ của Bùi
Giáng, như trời ban cho vậy, chứ không hẳn là Trịnh chỉ chăm chút mượn
câu thơ nào đó rõ rệt. Vì thế có người dẫn chứng rất thú vị ở ca khúc
"Mỗi
ngày tôi chọn một niềm vui" Trịnh Công Sơn có lời hát như: “Mỗi ngày
tôi chọn một niềm vui / Chọn những bông hoa và những nụ cười / Tôi nhặt
gió trời, mời em giữ lấy / để mắt em cười tựa lá bay...".
Thì nhà thơ
Bùi Giáng cũng có những câu thơ giầu nhạc điệu tương tự trong cấu trúc
của bài "Nhìn thấy”: “Mỗi sáng tôi nhìn mắt trời mọc trong mây / Mỗi
chiều tôi nhìn mặt trời lặn trong mây / Suốt ngày tôi lắng tai nghe
tiếng chim hót trong lá cây reo / Và nhìn thấy rất nhiều mùa xuân mênh
mông đang đi tới...".
Có người còn dẫn hai cấu khá điển hình mà Trịnh Công Sơn đã mượn ý
thơ của Bùi Giáng, đó là lời trong bài hát "Em đi bỏ lại con đường”: “Em đi bỏ lại con đường / Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em".
Tuy
nhiên những dẫn chứng ấy chỉ những ai thật thân thiết với hai
người mới có thể nói chi tiết. Vả lại đó là con số rất ít ỏi trong toàn
bộ gia tài âm nhạc đồ sộ của Trịnh. Nhưng đặc biệt, rõ rệt nhất Trịnh
Công Sơn đã lấy nguyên câu thơ "Còn hai con mắt khóc người một con"
trong
bài thơ "Mắt Buồn" của thi sĩ Bùi Giáng, để viết ca khúc Con mắt còn lại
năm 1992. Mặc dù, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đề sáng tác theo ý thơ
Bùi Giáng, nhưng vẫn dùng nguyên câu "Còn hai con mắt khóc người một
con"
làm nút mở cho những lời hát rất cuốn hút người nghe. Tuy chỉ có một
câu thơ dẫn, nhưng hầu như phần lời đều đậm đặc chất trừu tượng của thi
sĩ Bùi Giáng. Đó là cảm xúc đối chọi được nén chặt trong kịch tính và ý
tứ trùng khít qua đôi hình tượng Đôi mắt đầy ám ảnh. Dường như khổ thơ
thứ hai của Bùi Giáng trong bài thơ đã được Hoá hết trong ba phần lời ca
khúc của Trịnh Công Sơn. Ta có thể đọc lại khổ thơ đó:“Bỏ trăng gió lại
cho đời / Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa / Bỏ người yêu bỏ bóng ma
/ Bỏ hình hài của tiên nga trên trời / Bấy giờ riêng đối diện tôi / Còn
hai con mắt khóc người một con".
Đồng
thời qua lời ca khúc ta cũng thấy sự sáng tạo của Trịnh Công Sơn rất
đặc sắc với những câu hát giầu chất bi kịch của tình yêu: "Còn hai con
mắt khóc người một con / Còn hai con mắt một con khóc người / Con mắt
còn lại nhìn một thành hai /
Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ / Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi / Cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ...".
Có
điều thú vị, vào cái đận 92 ấy, thi sĩ Bùi Giáng không hề có ý tranh
giành về chuyện bản quyền với người bạn của mình, bởi có người nêu thắc
mắc vì sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đề sáng tác theo ý thơ của ông.
Có lẽ theo mọi người suy luận rằng, với tính cách bất cần của thi sĩ họ
Bùi thì cũng chắng coi đó là sự xúc phạm. Vả lại hai người đã ít gặp
nhau từ năm 1988, mãi cho đến năm 1994, hai người mới có dịp giao lưu
lại vì công việc, mà cũng chỉ đối thoại và hỏi thăm nhau bằng thư. Và
hơn nữa, bài thơ "Mắt Buồn" của ông đã quá nổi tiếng, vậy thêm một lần đề
tên mình lên bản nhạc thì cũng chỉ là thêm được tiền rượu mà thôi.
Chuyện giữa hai người không ồn ào về bản quyền như giữa nhạc sĩ Trần
Quang Lộc và thí sĩ A Khuê trong ca khúc "Về đây nghe em" sau này.
Mọi
chuyện trở nên nhẹ nhàng, chứng tỏ tình bạn giữa hai người khá sâu sắc,
mặc dù bị gián đoạn một thời gian dài. Điều còn lại là thành tựu của cả
hai tác phẩm thơ và nhạc đều trở nên bất hủ. Hai người còn giao lưu với
nhau, 6 năm sau cho đến khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời, năm 1998. Đến
viếng cố nhân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong sổ tang những vần
thơ, tại chùa Vĩnh Nghiêm, đúng với giọng điệu của người bạn; ngỡ như
còn đang uống rượu cùng nhau: “Bùi Giang Bàng Dúi Búi Giàng / Ô hay trăm
ngõ bàng hoàng lỗ không / Lỗ không trời đất ngỡ ngàng / Hoá ra thi thể
là ngàn hư vô / Nhớ thương vô cùng là từ / Là từ vô hạn ứ ừ viển vông".
(Trịnh Công Sơn-1998).
Đúng
là nỗi đau chỉ có thể khóc trong lòng và mọi nỗi niềm của cảm xúc với
thi nhân ở đâu đó cõi hư vô, mà nhạc sĩ khó diễn tả thành lời. Sau này
ông còn viết những câu thơ, để kỷ niệm một năm ngày mất của cố thi sĩ,
với những lời hết sức buồn: “Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy / Đảo điên
điên đảo bụi trần gian / Từ ấy tôi buồn như cỏ dại / Buồn vì một chút
bụi lang thang".
Đấy
là chuyện Thơ và Nhạc, hai ông còn cùng nhau vẽ; vẽ tranh và chân dung
bạn bè. Thật đặc biệt, thi sĩ họ Bùi vẽ cũng đẹp và lạ, không khác là
bao so với tài hội hoạ của Trịnh. Hơn nữa hai người cũng đã từng vẽ cho
nhau. Người nọ vẽ cho người kia một bức chân dung cũng rất lạ và đều
được bạn bè lưu giữ cho đến nay.
Đồng thời sự giao cảm vô thường
của hai ông trong nghệ thuật đã đem lại những cảm xúc cho đông đảo bạn
bè trong giới. Nhiều người làm thơ ca ngợi hai ông và cũng nhiều hoạ sĩ
dựng chân dung hai ông với những đưòng nét và mầu sắc độc đáo. Ngay sau
khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cõi vĩnh hằng, nhà điêu khắc Trương Đình Quế ở Đồng
Nai đã tạc hai bức tượng lớn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thi sĩ Bùi
Giáng. Hai tác phẩm điêu khắc này đã toát lên cái thần của hai người và
đem lại sự đồng điệu cho người thưởng ngoạn. Bức tượng toàn thân nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn, ở tư thế ngồi vắt chân chữ Ngũ, một tay chống cằm, một
tay cầm đàn Guitar chìm đắm trong suy tư. Còn bên cạnh là bức tượng nhà
thơ Bùi Giáng, nom rất sinh động khác với nét tĩnh lặng của tượng Trịnh;
người choàng áo mưa, đeo hồ lô rượu bên hông, tay chóng gậy, râu tóc
phất phơ trong gió, cùng một chú chó nhỏ đu trên vai ông thật ngộ
nghĩnh; và thêm nữa là một con mèo và một con gà trống đi cùng. Cả hai
đều hiện lên đúng tính cách rất khác biệt nhưng lại đầy biểu cảm. Sau
hai mẫu tượng này được đúc đồng và đưa về đặt yên vị tại bờ sông Rạch
Chiếc, ở Q.2, Sài Gòn.
Có thể nói Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng, đều lừng danh và tiêu biểu cho những phong cách thơ, nhạc rất đặc sắc của một trăm năm. Sự hoá thân trong cõi Phật của hai người đã tạo nên tinh thần khác biệt và làm nên đỉnh cao sự nghiệp. Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thành công trong một thời gian dài bởi lẽ những cảm xúc và suy tư đậm tính triết luận gần gũi với đạo Phật, chia sẻ và bày tỏ chân thành với người đời, thì ở thơ Bùi Giáng thể hiện sâu sắc một tinh thần tiêu dao, sắc sắc không không của cõi niết bàn. Người đời tặng cho ông danh hiệu thi sĩ Bồ Tát vì lẽ đã cảm thụ và yêu thơ ông như thế. Do vậy sự hội tụ trong thi pháp còn kỳ lạ hơn cả tình bạn của hai ông. Tình bạn ấy khó gọi tên bởi nó lúc xa lúc gần, lúc mong manh, khi lại chói loà bởi sự hoà nhập về nhạc điệu, khúc thức, hình ảnh, và ngôn ngữ lẫn tư duy ở cõi thiền vô vi lan toả trong vũ trụ bao la. Đó chính là sự giao cảm vô thường của những kỳ nhân mang hai cái tên: Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn.
(Source: http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=9661).
(3) Nguyễn Quang Lập
Bí mật 30 năm
Phùng Quán làm bài thơ Lời mẹ dặn
khi mình mới một tuổi (1957), mặc dù bị cấm đoán lung tung nhưng đến
năm 7 tuổi mình đã biết, còn được đọc cả bài thơ, đơn giản vì ba mình
rất thích bài này. Cạnh nhà mình có bác Thông công an, hình như hồi đó
bác làm trưởng hay phó ty công an tỉnh Quảng Bình, cũng rất thích bài
này.
Khi nào hai cụ ngồi với nhau cũng đều nhắc đến Phùng Quán, Trần Dần. Có
người hai cụ nói tiếng Pháp, vắng người các cụ nói tiếng Việt. Mình vẫn
thường đứng ôm cột nhà hóng chuyện hai cụ. Ba mình nói anh đem bài này
giáo dục chiến sĩ công an là tốt lắm, bác Thông gật gù, nói đúng đúng.
Bác Thông nói anh đem bài này vào sách giáo khoa dạy con nít cũng rất
tốt, ba mình gật gù, nói đúng đúng. Ba mình nhìn bác Thông cười cười,
nói nếu trên bảo bắt Phùng Quán, anh có bắt không. Bác Thông cười cái
hậc, nói tôi chấp hành nhưng trước khi chấp hành tôi sẽ phản đối. Rồi
bác thở dài, nói tôi chỉ làm được có thế thôi, khó lắm khó lắm. Đó là
vài câu tiếng Việt mình nghe được, nhớ đến giờ. Còn thì hai cụ toàn nói
tiếng Pháp, mình chẳng hiểu gì, chỉ lâu lâu lại nghe Phùng Quán Phùng
Quản. Cái tính tò mò bẩm sinh, mình lục cho được bài thơ Lời mẹ dặn.
Còn bé chẳng thấy hay gì, chỉ thấy đúng. Yêu
ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/
Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói
ghét thành yêu...giống y chang ba mạ, cô thầy vẫn dạy, có gì đâu nhỉ ?
Sau này chơi thân với Phùng Quán, mình có kể cho anh nghe chuyện ấy, anh
xuýt xoa tấm tắc khen bác Thông, nói công an mà như thế thì quá tuyệt
vời. Khi đó anh mới kể bí mật mà anh đeo đuổi chẵn 30 năm vì bài thơ
này.
Nghĩ cũng hay hay, bài thơ như một chân lý hiển nhiên ấy lại làm cho
thời đó xôn xao, đi đâu cũng thì thào thì thầm, như vừa phát hiện gì ghê
gớm lắm. Tất nhiên bài thơ bị qui chụp là biểu tượng hai mặt, là mưu đồ
đen tối của lực lượng thù địch. Từ Bích Hoàng tương một bài “Vạch thêm
những hoạt động đen tối của một số kẻ cầm đầu trong nhóm Nhân văn-Giai
phẩm” in trên Văn nghệ Quân dội số 5 (5/1958). Nghe thất kinh.
Anh Quán nói thực ra mình viết Chống tham ô lãng phí với "Lờì mẹ dặn"
như những góp ý với Đảng thôi, vì mình nghĩ mình là chiến sĩ, mình không
dám nói thật cho Đảng biết thì ai nói. Cho nên mới có câu này Trung ương Đảng ơi! /Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng cần lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi/ Đi trong hàng ngũ tiên phong!
là mình nghĩ thế thật, khi đó Đảng hô một phát là mình vác súng xung
phòng ngay, mưu đồ gì đâu. Mình cười khì khì, nói mấy ông cũng dở hơi,
nếu có mưu đồ ai lại dại đi nói với Đảng, làm thế hoá ra lộ thiên cơ à.
Anh Quán cười cái hậc, nói thủa bé đến giờ mình cũng chẳng thấy lực
lượng thù địch nào đi góp ý cho Đảng cả. Nó không chửi Đảng thì thôi,
ngu gì lại đi góp ý.
Chuyện tưởng đến đó là xong, ai dè một tối ở chòi Ngắm sóng, anh rút
tiền đưa mình, nói Lập đi mua cho anh chai rượu, anh kể chuyện này hay
lắm. Chỉ chai rượu trắng với nhúm lạc rang, hai anh em ngồi gần sáng
đêm. Anh Quán kể hồi đó phê phán chỉ trích đánh đấm anh rất nhiều, nhưng
đánh đau nhất, độc nhất là bài thơ Lời mẹ dặn- thật hay không dài 112 câu của Trúc Chi, in báo Nhân dân.
Mình hỏi Trúc Chi là ai, anh nói từ từ cái đã, rồi anh ngâm nga cả bài
thơ, không quên một câu nào, chứng tỏ anh đã đọc đi đọc lại bài thơ này
vài trăm lần là ít trong suốt mấy chục năm qua. Hồi này hễ ai bị phê ở
báo Nhân dân, dù chỉ nhắc khẽ bóng gió một câu thôi, cũng cầm chắc là
đời tàn. Thế mà cả bài thơ 112 câu dài dằng dặc, chụp mũ anh không thiếu
một thứ gì.
Nào là "Nó ghét chỗ thầy hiền bạn tốt/Nó yêu nơi gái điếm cao bồi/ Ghét
những người đáng yêu của thiên hạ/Yêu những người đáng ghét của muôn
người,/ Quen học thói gà đồng mèo mả/ Hoá ra thân chó mái chim mồi…".
Nào là "Theo lẽ thường: thì sét đánh không ngã/ Chắc trên đầu có cột thu
lôi/ Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt/ Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi/
Nghề bút giấy đã làm không trọn/ Dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi !…".
Mình nói qui kết tàn bạo thế, anh không bị tù tội là may, cậu Tố Hữu có
ba đầu sáu tay cũng đừng hòng giúp cháu. Anh Quán gật gù, nói đúng rồi,
cho nên mình có trách Tố Hữu đâu. Đột nhiên anh nhìn thẳng vào mặt mình,
nói hơn 30 năm qua mình chỉ làm một việc là tìm cho ra Trúc Chi là ai.
Anh Quán trầm ngâm hồi lâu, uống hết chén rượu, nói sở dĩ mình quyết
tìm cho ra Trúc Chi là ai, vì đời mình tan nát cũng chính ông này chứ
không ai khác.Tìm để biết ông ta là ai, rứa thôi, ngoài ra không có ý
chi hết. Khi đó nhiều người cho mình dại, tìm chẳng để làm gì, nhỡ người
ta biết mình đang đi tìm, có khi mình lại thiệt thân.
Hồi đó cả nước chỉ có mỗi anh Trúc Chi làm thơ ở Hải Phòng, anh là cán
bộ tập kết, thỉnh thoảng lên Hà Nội vẫn gặp Phùng Quán chuyện trò rất
vui vẻ. Phùng Quán đã đi tàu về Hải Phòng hỏi cho ra nhẽ. Trúc Chi cười
buồn, nói anh nghĩ tôi là hạng người nào lại đi làm mấy trò khốn nạn đó.
Phùng Quán bế tắc, đôi khi nghi người nọ người kia nhưng tóm lại là
không phải. Năm 1989, tình cờ có người bạn gửi cho anh tập thơ Một đôi
vần của Trúc Chi do nxb Văn hoá dân tộc Việt Bắc ấn hành, trong đó in
nguyên bài thơ "Lời mẹ dặn- thật hay không", lời nói đầu cho biết Trúc Chi đó là Hoàng Văn Hoan.
Bí mật ba mươi năm đã giải toả, Hoàng Văn Hoan khi đó đã cư trú chinh
trị tại Trung quốc. Anh Quán cười cái hậc, nói mình muốn gặp Hoàng Văn
Hoan quá nhưng không sao gặp được. Mình nói anh gặp làm cái gì, anh nói
để nói một câu, một câu thôi. Mình hỏi câu gì. Anh Quán uống một hơi cán
chén, vuốt râu ngâm nga, nói "anh Hoan ơi… ai quen học thói gà đồng mèo
mả/ ai hoá ra thân chó mái chim mồi…". (Tặng anh Tống Văn Công). (Source: Quechoa Blog)
Chú thích: Hoàng Văn Hoan (1905–1991) nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1950 đến năm 1957 làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Triều Tiên và Mông Cổ. Rồi phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Tháng 6 năm 1979, trong một chuyến đi sang Đông Đức chữa bệnh, ông đã bỏ trốn tại sân bay Karachi (Pakistan), rồi sang Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, ông tố cáo chính quyền Việt Nam đã đối xử với người Việt gốc Hoa còn "tệ hơn cả cách Hitler đối xử với người Do Thái" . Sau sự kiện bỏ trốn, ông bị Việt Nam kết án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự phản bội, đài báo Việt Nam so sánh ông với Lê Chiêu Thống. Đó là thời điểm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng và chiến tranh biên giới Việt-Trung vừa xảy ra hồi tháng 2/79.
Năm 1988, ông xuất bản hồi ký "Giọt nước trong biển cả" và mất tại Bắc
Kinh 3 năm sau đó. Trung Quốc tổ chức lễ tang cấp nhà nước dành cho ông,
thi hài được chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất của các
quan chức cao cấp của Trung Quốc. Gần đây một phần hài cốt của ông đã
được chuyển về Việt Nam.
Theo đại tá Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập
báo Nhân Dân, người cũng bỏ Việt Nam nhưng sang Phương Tây để vận động
cho Dân chủ: "Ông ấy là một người yêu nước, nhưng mỗi người yêu nước
theo hiểu
biết, theo kiểu của người ta. Tôi vẫn tôn trọng ông ấy, nhưng không thể
đồng tình với quan điểm của ông được".
(3) Le Nouvel Observateur:
Ls Lê Quốc Quân "1 trong 50 người thay đổi thế giới"
Tuần báo Pháp nổi tiếng “Le Nouvel Observateur” (Người Quan Sát Mới) vừa có một hồ sơ đặc biệt giới thiệu Ls Lê Quốc Quân là một trong 50 nhân vật đang và sẽ làm thay đổi thế giới”.
Báo “Le Nouvel Observateur” ngoài ấn bản điện tử còn phát hành hơn
500,000 bản in giấy, được mô tả là có khuynh hướng thiên tả xã hội và có
nhiều độc giả nhất ở Pháp. Tập hồ sơ đặc biệt
gồm 35 trang của tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur số ra tuần này
(12-18/09/2013) mang tựa đề « Văn hóa, kinh tế, công nghệ sinh học…50
khuôn mặt làm thay đổi thế giới », với ảnh bìa là chân dung những nhân
vật được đề cập được lấp kín trên hình vẽ Trái Đất.
Tờ báo viết : « Tăng trưởng đã đổi chiều, tương lai trỗi dậy từ phía Nam
và phương Đông. Mời độc giả tham gia cuộc du hành trong thế giới cách
mạng này, trong hồ sơ của Nouvel Obs. Chúng tôi đã tập hợp các ngôi sao
của ngày mai, những người đại diện cho sự chuyển đổi của hành tinh làm
đảo lộn cuộc sống chúng ta. Hầu như mọi thứ từ nay sẽ diễn ra ở châu
Phi, Trung Quốc, Singapore hay tại Bombay, hoặc Yap... ». Trong phần «
Các nhà ly khai phản công », bên cạnh chân dung các nhà đấu tranh
Kalpona Akter (Bangladesh), Casey Camp-Horinek (Mỹ), Slavoj Zizek
(Slovenia), Ricken Patel (Canada), Katharina Nocun (Đức), Fatou Bensouda
(Gambia), có luật sư Lê Quốc Quân của Việt Nam.
Bìa tuần báo Le Nouvel Observateur |
Thụy My (Rfa) dịch riêng đoạn này trong Le Nouvel Observatuer:
Lê Quốc Quân (Việt Nam, 42 tuổi), luật sư bảo vệ nhân quyền
Từ tháng 12/2012, người luật sư đồng thời là blogger bị giam giữ với hơn
một chục người tù khác trong phòng giam trong nhà tù số 1 ở Hà Nội, với
cáo buộc chính thức là « trốn thuế ». Ông bị bắt chín ngày sau khi BBC
đăng một bài báo, trong đó ông đề nghị sửa đổi Hiến pháp – đặc biệt là
điều 4, đặt đảng Cộng sản làm trung tâm đời sống quốc gia. Đây là lý do
thực sự khiến ông bị bắt và bị giam cầm đã hơn bốn tháng – thời hạn tạm
giam luật định trên lý thuyết.
Là người sáng lập một văn phòng luật sư chuyên bảo vệ nhân quyền, ông Lê
Quốc Quân, vốn không còn được phép hành nghề từ sáu năm qua, đã từng bị
bắt vào năm 2007 khi từ Mỹ trở về. Được trả tự do ba tháng sau đó, nhờ
phong trào phản kháng ở Việt Nam và nước ngoài, ông đã viết blog trở
lại. Lê Quốc Quân đòi hỏi đa đảng, tôn trọng các quyền con người và tự
do tín ngưỡng ; trong khi vẫn tiếp tục bị giám sát. Và bị nhắc nhở bằng
cách hành hung.
Trong một đất nước vừa tăng cường các công cụ đàn áp chống lại việc sử
dụng các mạng xã hội mang tính chính trị , Lê Quốc Quân là một trong số
35 blogger bị cầm tù và 7 luật sư bị cấm hành nghề. Phiên tòa xét xử ông
ban đầu được ấn định vào ngày 9/7, nay đã bị hoãn vô thời hạn. Giờ đây
được cả thế giới biết đến, Lê Quốc Quân có nguy cơ bị lãnh bản án từ ba
đến bảy năm tù. (Source: Blog BàĐầmXòe)
(3) Vài bài Thơ cũ
Bùi Giáng
Ông Điên
Ông điên từ bữa hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm
Thanh thiên về dự hội đàm
Thành thân thiên hạ muôn vàn mai sau
Ông điên từ một lần đầu
Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau
Tuyệt mù biển cạn sông sâu
Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ
Vỗ Về
Ta đứng lại bên này chờ đợi
Ồ phải không? Em đó phải không
Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy
Đời chúng ta là mấy trăng tròn
Ngày vui ngắn? Lòng đã vơi mấy bận
Ngày vui đi? Mấy bận giữa lòng ta
Để lây lất mưa về xuân lấm tấm
Ồ thiều quang tan biến vội sao mà
Em có khóc? Ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi dòng ngàn thu hận mang đi.
Tuy Nhiên
Tuy nhiên em có mặc quần
Mà không ắt hẳn là quần thật xinh
Nếu như em chẳng mặc quần
Thì ông trời ắt càng mừng rỡ hơn
Kể ra lúc em còn bé
Mới lọt lòng ra
Trăm năm trong cõi người ta
Thì khi đó quả thật là em chưa mặc quần.
............................................................................................
Kính.
No comments:
Post a Comment