Một nhà hoạt động được nhiều người biết đến vì tích cực tranh đấu cho
nhân quyền, công lý, và chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông sắp bị khởi
tố, theo thông tin từ gia đình bà.
Bà Bùi Thị Minh Hằng cùng hai người bạn bị công an huyện Lấp Vò, tỉnh
Đồng Tháp, bắt giam từ ngày 11/2 về tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’
khi đang trên đường đi thăm thân nhân cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc
Truyển.
Gia đình bà Hằng cho biết nhận được thông tin về quyết định khởi tố bà
từ một cán bộ thuộc phòng cảnh sát điều tra, công an huyện Lấp Vò, Đồng
Tháp.
Anh Trần Bùi Trung, con trai bà Hằng nói với VOA Việt ngữ:
“Sáng nay tôi có xuống Đồng Tháp, nhận được thông tin chính thức từ
phía công an huyện Lấp Vò rằng họ đang làm thủ tục để khởi tố, đưa mẹ
tôi ra tòa. Họ không trả lời chính thức tội danh, mà chỉ bảo cứ về nhà
sẽ có thông tin bằng văn bản gửi về nhà trong nay mai. Theo quy định tạm
giữ, họ chỉ được giữ người trong 9 ngày thôi. Hôm nay đã sang ngày thứ
10. Tôi hỏi họ về vấn đề đó, họ bảo bây giờ đã chuyển sang tạm giam và
họ đã làm thủ tục khởi tố, vì vậy không còn là tạm giữ nữa.”
Chúng tôi gọi điện cho Trưởng và Phó Công an huyện Lấp Vò để xác nhận thông tin, nhưng không được hồi đáp.
Trong vụ việc ngày 11/2, có 20 người cùng bị bắt với bà Hằng khi họ về
Đồng Tháp để thăm hỏi gia đình nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển
vì nghe tin ông bị công an hành hung, bắt giữ hôm 9/2.
18 người sau đó đã được phóng thích. Hai người bị giữ lại cùng với bà Hằng gồm bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh.
Bà Bùi Thị Diễm Thúy, vợ ông Nguyễn Văn Minh, thuật lại sự việc:
“Hai vợ chồng em đi chung với phái đoàn. Vừa tới gần chỗ cầu Nông
Trại thì một đoàn đông lắm họ nhào ra, không nói nguyên do tự nhiên xông
vô đánh, đánh dữ lắm. Một lát sau một nhóm công an mặc sắc phục lại,
nhào vô đánh chúng tôi tiếp. Tới lúc vào cơ quan công an làm việc thấy
những người đánh chúng tôi toàn bộ là người của họ không. Chúng tôi
không chống cự gì cả, tự họ chặn đường đánh, đánh rồi bắt chở về huyện
luôn. Bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Trần Thị Tú Quỳnh la lên là ‘Ăn cướp,
ăn cướp’, nhưng càng la họ càng đánh. Họ đánh bể tan nát nón bảo hiểm.
Họ đánh dã man lắm. Sau đó xe công an giao thông kéo lại đông lắm, còng
tay những người la làng như cô Hằng và chị Quỳnh. Còn tôi và những người
khác không bị còng. Họ chở về đồn hết thảy 21 người. Về đồn công an
huyện Lấp Vò, họ đưa từng người vô phòng làm việc từng người một. Họ hỏi
tôi nguyên do đi về đây, đi từ đâu từ đâu..v..v.. Tôi hỏi lý do tại sao
bắt chúng tôi về đây, họ nói ‘tụ tập đông người’. Toàn bộ vụ việc tự họ
gây ra mà họ đảo ngược lại đặt tội cho mình.”
Hàng chục nhà hoạt động trong nước đã gửi thư tới Quốc hội Hoa Kỳ, Nghị
viện Châu Âu, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, và Hội đồng Nhân
quyền Liên hiệp quốc để tố cáo ‘nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ‘vi phạm
Công Ước Liên Hiệp Quốc về chống bắt giam tùy tiện, chống tra tấn nhục
hình’ trong vụ việc này, đồng thời kêu gọi sự can thiệp để phóng thích
ba người đang bị cầm giữ.
Thư nói dù luật pháp và Hiến pháp Việt Nam có những điều khoản bảo vệ
nhân quyền, nhưng trên thực tế nhà cầm quyền ‘thường xuyên xâm phạm thân
thể, sức khỏe và tính mạng công dân cũng như thường xuyên bắt bớ, giam
giữ những người vô tội mà ngay cả báo chí của nhà nước cộng sản Việt Nam
cũng thừa nhận rằng hàng ngàn công dân Việt Nam từng bị bức cung, nhục
hình và chịu án tù oan sai.’
Thế nhưng, vẫn theo bức thư, chưa có bất cứ giải pháp nào để có thể chấm
dứt việc chính phủ Hà Nội vi phạm Hiến pháp, pháp luật cùng các Công
ước quốc tế về nhân quyền mà họ đã ký kết với thế giới.
Cuối năm 2011, bà Bùi Thị Minh Hằng từng bị Hà Nội tuyên phạt 2 năm giam
giữ trong 1 trại cai nghiện khét tiếng ở tỉnh Vĩnh Phúc mà không thông
qua xét xử sau khi bà tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung
Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Trước áp lực từ công luận quan tâm và cộng đồng quốc tế trong đó có Hoa
Kỳ, bà được phóng thích sau 5 tháng bị giam tại Trung tâm Phục hồi Nhân
phẩm Thanh Hà về cùng tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’.
Bà Hằng đã nhiều lần bị sách nhiễu và bắt giam vì khẳng khái chống bất công, bạo quyền.
No comments:
Post a Comment