Vì sao TQ tấn công Việt Nam năm 1979?
TS Hoàng Chí Hiếu
Gửi tới BBC từ Huế
Dân quân tỉnh Quảng Tây hỗ trợ cuộc tấn công Việt Nam năm 1979
Một trong những nguyên
nhân khiến Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 có thể xuất phát từ tưởng
tượng của Bắc Kinh về nguy cơ bị bao vây bởi “vòng cung chữ C” trong
lúc đường biển ra thế giới chưa được Mỹ dỡ bỏ.
Từ nửa sau thập niên 70 của thế kỉ 20, bước ra
khỏi Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc tập trung vào thực hiện Bốn hiện đại
hóa, đẩy mạnh chống Liên Xô và thúc đẩy quan hệ chiến lược với Mỹ, Nhật
và Tây Âu nhằm tranh thủ vốn và kĩ thuật.
Tuy quan hệ với Mỹ đang đi đến chặng
cuối của tiến trình bình thường hóa song cửa ra thế giới bằng đường
biển của Trung Quốc còn bị bịt chặt. Từ Alaska xuống Nhật Bản, Hàn Quốc,
Đài Loan, Philippines và Singapore là chuỗi dài căn cứ quân sự của Mỹ
và đồng minh Mỹ.
Đó là chưa kể sự hiện diện bước đầu của hải quân
Liên Xô tại cảng Cam Ranh là mối đe dọa thường trực đối với hạm đội Nam
Hải của Trung Quốc.
Vòng cung bao vây
Trên đất liền, với chiều dài 22.143,34 km, tiếp
giáp với 11 quốc gia, ngoại trừ Pakistan có quan hệ tốt, phần lớn đường
biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Liên Xô và đồng minh Liên Xô như Mông
Cổ, Ấn Độ và Việt Nam, khiến Trung Quốc không khỏi suy tưởng về một
hình thế bị bao vây bởi một vòng cung lớn hình chữ C.
Điểm khởi đầu của vòng cung này là biên giới
Liên Xô - Bắc Triều Tiên, chạy xuyên suốt lãnh thổ Liên Xô ở châu Á,
băng qua Mông Cổ, vòng theo đường biên giới phía Tây của Trung Quốc
xuống Nam Á, qua Đông Nam Á đến điểm cuối là Việt Nam.
Đặng
Tiểu Bình gặp lại Jimmy Carter năm 1987 nhưng từ 1978-79 trước
đó, Bắc Kinh đã có quan hệ thắm thiết với Washington
Mối nguy cơ bị Liên Xô bao vây của Trung Quốc
ngày càng tăng, nhất là trước những diễn biến ở Afghanistanvà Campuchia
trong những năm 1978-1979.
Ở Afghanistan, dưới sự hậu thuẫn của Liên Xô,
ngày 27-4-1978, Đảng PDPA Mác-xít lật đổ chính quyền độc tài Daoud, lập
nhà nước Cộng hòa Dân chủ Afghanistan.
Tháng 5-1978, chính phủ Kabul ký kết thỏa thuận
với Moskva về việc gửi 400 cố vấn quân sự Liên Xô tới Afghanistan. Tháng
12-1978, Moskva và Kabul ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác song
phương cho phép quân đội Liên Xô triển khai trong trường hợp có sự yêu
cầu từ phía Cộng hòa Dân chủ Afghanistan.
Viện trợ quân sự Liên Xô gia tăng và chế độ PDPA dần lệ thuộc vào các thiết bị quân sự và cố vấn Liên Xô.
Ở Campuchia, sau khi lên cầm quyền (tháng
4-1975), lực lượng Khmer Đỏ một mặt thực thi chính sách “tự diệt chủng” ở
trong nước, mặt khác tiến hành cuộc chiến tranh chống các nước láng
giềng, trong đó tập trung vào Việt Nam.
Với thiện chí hòa bình, Đảng và Nhà nước Việt
Nam đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột bằng con đường
thương lượng hòa bình song phía Campuchia Dân chủ tìm mọi cách khước từ.
Điều đáng nói là hành động chống Việt Nam trên đây của phe Khmer Đỏ là nhờ có được sự hậu thuẫn tích cực của Trung Quốc.
Thời kì “đu dây” giữa Liên Xô và Trung Quốc của Việt Nam không còn nữa.
Việt Nam buộc phải có sự lựa chọn. Trước những
sức ép từ phía Trung Quốc, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế
(6-1978) và kí kết hiệp ước hữu nghị toàn diện với Liên Xô (11-1978).
Ngày23-12-1978, cuộc chiến tranh trên biên giới Tây Nam nổ ra. Ngày 7-1-1979, quân đội Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh.
Trước những diễn biến ở Afghanistan và
Campuchia, Trung Quốc không thể không lo ngại. Trong nỗ lực xích lại gần
Mỹ, Trung Quốc ngày càng mâu thuẫn sâu sắc với Liên Xô.
Sự kiện Liên Xô đưa quân vào Afghanistan đã thay đổi cục diện quân sự châu Á
Với việc Liên Xô gia tăng ảnh hưởng ở
Afghanistan, Ấn Độ từ sau Chiến tranh 1962 với Trung Quốc và cuộc chiến
1971 với Pakistan đã ngả hẳn về Liên Xô để đối đầu với Trung Quốc và
đang có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Bangladesh.
Cùng lúc, Việt Nam đưa quân sang Campuchia và
có những va chạm trên biên giới với Thái Lan khi truy kích quân Khmer
Đỏ, dường như đối với Trung Quốc, các gạch nối của “vòng cung chữ C” đã
dần được khép kín.
Để phá bỏ “vòng vây” đó, Trung Quốc tiến hành hàng loạt bước đi.
Mục tiêu chiến lược
Khi sức mạnh quân sự không đủ để đối đầu với
Liên Xô thì việc chọn Việt Nam là đối tượng thích hợp và nếu thắng được
Việt Nam, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều mục tiêu chiến lược.
Ngày 7-12-1978, Quân ủy Trung Quốc thông qua quyết định tấn công Việt Nam.
Ngày 17-2-1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc mở
cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Đến ngày 5-3-1979,
Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18-2 thì rút hết.
Trước tình hình đó, với tư cách là siêu cường
đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, không như cam kết tại Điều 6 của Hiệp
định Hữu nghị và Hợp tác Liên Xô - Việt Nam, ngoài việc ra tuyên bố lên
án hành động xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, phía Liên Xô thực hiện
cuộc tập trận trên biên giới với Trung Quốc, cử đoàn chuyên gia quân sự
đến Hà Nội, viện trợ khẩn cấp một số vũ khí, lập cầu hàng không vận
chuyển Quân đoàn II từ Campuchia về, điều động các tàu chiến đến Biển
Đông.
Tương tự như đối với cuộc chiến tranh Triều Tiên
năm 1950, sự can thiệp của Liên Xô chỉ dừng lại ở những hành động mang
tính hỗ trợ mà không phải là sự tham chiến như phía Việt Nam mong muốn
hay như Trung Quốc chờ đợi.
Trung Quốc vẫn tôn thờ Đặng Tiểu Bình và đang quyết tâm hiện đại hóa quân đội
Giới hạn của lợi ích dân tộc đã giữ Liên Xô dừng lại ở đó.
Như vậy, trên thực tế, mức độ can thiệp của Liên
Xô vào cuộc chiến mà Trung Quốc phát động là không lớn như giới cầm
quyền nước này đã lầm tưởng.
Cái giá phải trả cho nhận thức sai lầm của Trung
Quốc là quá lớn bởi những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm
lược Việt Nam.
Tuy nhiên, nó mang lại hệ quả tích cực cho quốc
gia này là xóa bỏ được mối lo ngại về nguy cơ bị bao vây từ phía Liên
Xô, để từ đó tập trung nỗ lực vào thực hiện công cuộc cải cách, mở cửa
và nhanh chóng đạt được những thành tựu lớn lao.
Bài viết thể hiện quan điềm riêng của tiến sỹ Hoàng Chí Hiếu, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế.
No comments:
Post a Comment