Chuyện Tình Việt Dzũng: Lệ Rơi Trên Đôi Nạng Gỗ
(03/01/2014)
Buổi chiều HO San Francisco.
Tết Giáp Ngọ đã qua gần cả tháng, Hội HO của anh Phú San Fran mới tổ chức đón
Xuân muộn. Xác pháo đã chìm mất tiêu sau trận mưa đầu mùa tại Chinatown. Bà con
ta vẫn vui vẻ cùng với biệt đoàn văn nghệ Lam Sơn hát ly rượu mừng của Phạm
Đình Chương.
Sau phần thứ nhất của chương trình mừng tân niên Giáp Ngọ, đến phần thứ hai là
tưởng nhớ Việt Dzũng. Anh Huỳnh Lương Thiện lên nói về người chiến sĩ đấu tranh
số một của hải ngoại. Anh đồng ý với Nguyễn Văn Khanh (Trưởng ban Việt Ngữ RFA)
rằng Việt Dzũng được mọi người nhớ đến qua bài ca bất hủ "Một Chút Quà Cho
Quê Hương" và bản thân anh chính là một món quà rất quý. Có lẽ nên nói rõ
hơn, chính Việt Dzũng là món quà của quê hương dành cho chúng ta, dành cho hải
ngoại.
Ánh sáng của hội trường hạ thấp xuống, mọi người được yêu cầu đứng dậy, thành
viên của văn nghệ Lam Sơn từng bước rước cờ Vàng vào hội trường. Một thiếu phụ
nhỏ bé, mặc áo đen, đeo kính trắng, quấn khăn tang mang di ảnh Việt Dzũng cùng
chậm rãi tiến vào. Đi sau là hai quân nhân mang theo tấm bảng tưởng niệm gắn một
áo thun hình đấu tranh do chính Việt Dzũng vẽ mẫu, và đôi nạng của Việt Dzũng tặng
cho Việt Museum San Jose. Hội trường khoảng 200 người đứng lên đón chào. Mọi
người lần lượt thắp hương. Thiếu phụ đứng bên bàn thờ đáp lễ. Anh Thiện giới
thiệu đây là "cô quả phụ Việt Dzũng" từ Nam Cali đã một mình lái xe
suốt đêm qua đem theo di ảnh Việt Dzũng đến với chúng ta. Hội trường vang dội
tiếng vỗ tay đầy xúc động. Người đàn bà nhỏ bé vóc dáng như sinh viên chưa tốt
nghiệp lại chính là “cô quả phụ”. Không ai biết rõ về thân thế của cô. Quen biết
Việt Dzũng lúc nào?. Lấy nhau bao giờ?.Cuộc đời đôi lứa ra sao?
Đời sống của Việt Dzũng đã đi cùng quần chúng suốt 30 năm dài trên báo chí,
radio, TV, sân khấu, CD và DVD... Ai cũng biết anh chàng tàn tật mang đôi nạng
đấu tranh đi khắp bốn phương trời. Vậy mà cuộc đời tình ái, cuộc sống gia đình
thế nào chẳng ai hay biết!!!
Hình ảnh về Việt Dzũng.
Buổi tối tại San Jose.
Sau chương trình đón xuân và tưởng niệm Việt Dzũng tại San Francisco, đoàn xe
chúng tôi kéo về viện bảo tàng Việt Nam. History Park San Jose đã đóng cửa từ 5
giờ chiều. Chúng tôi mở cửa riêng đón phái đoàn vào Việt Museum. Gần 7 giở tối
mà màn đêm như đã buông xuống từ lâu. Toàn thể công viên tối thẩm. Riêng Việt
Museum mở đèn sáng để chào đón người thiếu phụ bé nhỏ như dáng sinh viên chưa tốt
nghiệp. Một buổi tiếp nhận hết sức đặc biệt được tổ chức để “cô quả phụ Việt
Dzũng” chứng kiến việc trao di vật cho Viện Bảo Tàng. Buổi lễ đơn sơ nhưng đầy
ý nghĩa.
Anh Huỳnh Lương Thiện, chủ nhiệm báo Mõ San Fran nói về câu chuyện nhận đôi nạng
tại buổi sáng ngày đầu tang lễ Việt Dzũng, do cô Hoàng Anh trao lại cho kỹ sư
Nguyễn Tấn Thọ. Anh Thọ tiếp lời, nói về trường hợp tiếp nhận di vật từ tay vợ
Việt Dzũng trong hoàn cảnh tế nhị. Cô đã chứng tỏ bản lãnh và sự can trường của
mình mới thực hiện được tốt đẹp di nguyện của Việt Dzũng trước đây trong một lần
ghé thăm viện bảo tàng lúc còn sinh thời. Sau đó, anh Thọ đã chính thức trao di
vật. Tiếp theo, Hoàng Anh nói đôi lời gửi gấm, cô nói thêm về niềm vinh dự khi
đôi nạng của Việt Dzũng được lưu giữ ở nơi xứng đáng. Hoàng Anh cho rằng Việt
Dzũng đạt được ý nguyện để lại cho đời đôi nạng đấu tranh. Chúng tôi, với tư
cách đại diện Museum xúc động đón nhận và thưa rằng đây là di vật giá trị nhất
mà hải ngoại có được để dành cho thế hệ mai sau.
Tôi cũng ghi nhận thêm rằng, hơn 30 năm trước, khoảng đầu thập niên 80, nghệ sĩ
Việt Dzũng đã từng lên sân khấu CPA tại San Jose hát lần đầu tiên bài món quà gửi
cho quê hương. Thực sự lúc đó đồng bào di tản đợt đầu đang tìm cách gửi quà về
quê nhà. Những hộp quẹt, đá lửa, bút bi, vải vóc, kim chỉ và các vật dụng thường
nhật lại là hàng qu?ý giá. Việt Dzũng với bộ áo vải đen, đứng trên đôi nạng gỗ
vừa hát vừa khóc. Cộng đồng non trẻ Việt Nam ở San Jose vừa nghe vừa khóc theo.
Anh em chúng tôi lúc đó dường như thể hiện hình ảnh của một cộng đồng tỵ nạn nước
mất nhà tan. Dường như ai ai cũng đứng trên đôi nạng gỗ với các bước đi tập tễnh
bất thường.
Từ sân khấu xuống hội trường, tưởng như ai cũng thấy những giọt lệ rơi trên nạng
gỗ. Bài ca của Việt Dzũng sáng tác gửi quà cho quê hương vào ngày hôm đó não nùng
và đậm nét nhiều hơn hoàn cảnh ngày nay.
Nhưng đêm hôm nay, đêm Chủ Nhật 23 tháng 2-2014, giữa khung cảnh u tịch và huyền
ảo của Việt Museum. Một bên là các ngọn đèn nhỏ bé lung linh của mô hình nghĩa
trang quân đội, một bên là ánh đèn mờ ảo của bức tường tù cải tạo. Đêm chứng kiến
cho việc tiếp nhận các di vật này. Khoảng cách thời gian là 1 phần 3 thế kỷ.
Hơn 30 năm trước tại CPA down town San Jose, Việt Dzũng khóc trên sân khấu với
hội trường 2,700 người. Và 30 năm sau tại công viên San Jose Park đường Senter,
có một cô gái cũng khóc trên đôi nạng gỗ, với vài anh chị em chúng tôi chứng kiến,
nhưng ý nghĩa rất gần nhau.
Cô nói rằng: "Con là Bebe Hoàng Anh, vợ của Việt Dzũng. Dù mộ anh ở Nam
Cali, nhưng bây giờ con biết, linh hồn anh đã theo cặp nạng này, sẽ ở đây đời đời
với các vị anh hùng tại Việt Museum. Sau này nếu con có thể làm được gì. Xin
bác cho con biết. Con xin cám ơn".
Tình yêu thầm kín.
Thưa các bạn, trong 30 năm qua tôi đã nhận được biết bao nhiêu là di vật. Quần
áo, quân trang, quân dụng, di sản của thuyền nhân, của quân đội, của chiến
binh, của các lãnh tụ... nhưng đôi nạng của Việt Dzũng quả thực là di vật quý
giá nhất có linh hồn. Cuộc đời của Việt Dzũng, sự nghiệp đấu tranh của Việt
Dzũng đã phơi bày tràn ngập trong cộng đồng. Nhưng tình sử với những giọt nước
mắt trên nạng gỗ quả thực chẳng ai hay biết.
Tôi xin gửi đến các bạn câu chuyện tình hết sức đặc biệt của đôi trẻ. Tôi nói
chuyện với “cô quả phụ" Hoàng Anh tới canh khuya đêm chủ nhật, tôi xin viết
đầu đuôi chuyện cô kể lại như sau:
"...Thưa Bác, Trong đời con có 1 ngày đáng ghi nhớ. Đó là ngày làm lễ Đạo,
thành hôn với anh Dzũng. Ngày đó là 22 tháng 11, 2006. Con qua Mỹ năm 1983 lúc
đó mới ngoài 20 tuổi. Từ quê nhà đã nghe tiếng hát Việt Dzũng qua đài VOA và
anh đã là thần tượng của con từ dạo ấy. Qua Mỹ đi học Anh Ngữ ESL, trong chương
trình có mua nhạc Việt Dzũng viết bằng anh ngữ để học và để nghe. Nhân dịp con
tham dự đại hội công giáo ở New Orlean, lần đầu tiên thấy Việt Dzũng trên sân
khấu. Con nhìn thần tượng yêu dấu, mà điều đặc biệt là không hề quan tâm đến
đôi nạng. Con tưởng như Dzũng là 1 người bình thường. Không hề thấy hình ảnh của
người tật nguyền. Một phần là chính anh Dzũng hết sức tự nhiên khi diễn xuất ca
hát không có chút mặc cảm. Anh Dzũng không hề cảm thấy phiền phức về đôi nạng.
Tất cả khán giả đều không quan tâm đến đôi chân của Dzũng. Con bắt đầu xây dựng
tình yêu với thần tượng của con.
Sau đó con về làm thư k?ý, ký giả, nhiếp ảnh viên và làm quản trị báo chí tại
Nam Cali. Một hôm Việt Dzũng gọi điện thoại cho xếp của con là thi sĩ Du Tử Lê.
Con trả lời điện thoại, nghe giọng nói trầm ấm của chàng mà lòng hết sức rung động.
Còn chàng có cảm thấy gì không con không biết!
Rồi Dzũng đến chơi, rủ Du Tử Lê đi ăn. Con giáp mặt nói chuyện với mối tình đầu.
Hết sức xúc động. Nhưng bác cũng biết, con còn trẻ, tự cho mình là xinh đẹp. Và
tuy yêu nhưng cũng tự ái, vì mình là con gái.. Mối tình thầm kín cố không để lộ
cho chàng biết. Nhưng có thể chàng cũng đoán biết vì Việt Dzũng tinh ma lắm. Và
chuyện tình từ đó khởi đi. Con chờ Dzũng mở lời. Cho đến một ngày đẹp trời, Việt
Dzũng mở lời thú nhận rằng đã yêu con từ lâu rồi. Thế là con ưng thuận."
Bác hỏi cháu là hai bên đã biết nhau từ thời kỳ 85 hay 86 mà sao đến 2006 mới
cưới? Chờ đợi gì lâu thế?.
Cô Hoàng Anh nói ngay."Không, tụi cháu đâu có chờ đợi lâu thế. Biết nhau
hơn 1 năm là tụi cháu về đoàn tụ ngay. Em theo chàng về dinh mà bác..." Quả
thực lạ lùng, như vậy Việt Dzũng đã có vợ từ thời kỳ 80 mà sao chả ai hay.
Bebe Hoàng Anh nói tiếp:
"Thực vậy, chúng cháu rất tự lập và rất kín đáo. Khi cháu qua Mỹ, năm sau
mẹ cháu mất, chỉ còn cha, trong nhà gọi là cậu. Qua đầu thập niên 90, cậu cháu
đau yếu. Để vui lòng cha, cháu yêu cầu cha mẹ Việt Dzũng đến gặp cậu cháu để ngỏ
lời. Dzũng làm thân với cậu. Cậu cho cây mai, Dzũng đem về chăm sóc. Sau đó cậu
cháu và ba Dzũng đều ra đi. Chúng cháu vẫn ở với nhau thủy chung không thay đổi.
Dzũng vừa là chồng, là bạn, là người anh, người thầy hướng dẫn cho cháu. Cuộc sống
bận rộn nhưng rất êm đềm hạnh phúc. Đời sống riêng tư của chúng cháu bên ngoài
chẳng ai biết. Suốt thời gian bên nhau Dzũng luôn ngỏ ý muốn tổ chức hôn lễ,
nhưng cháu ngần ngại khước từ. Cho đến năm 2006, Dzũng hết sức thúc dục và cũng
nói là bác sĩ cho biết sức khỏe của anh không được tốt. Nếu một mai anh không
còn nữa thì sao, cho nên anh muốn có 1 lễ nghi tôn giáo chính thức. Rồi Dzũng
chỉ yêu cầu dành cho anh một ngày. Đó là ngày 22 tháng 11-2006. Đến giờ chót
con mới biết đó là ngày hôn lễ của chúng con. Hôn lễ hết sức giới hạn, chỉ có
gia đình 2 bên. Chú Ngọc Hoài Phương, cô Diễm, chú Du Tử Lê."
"Vậy có Nam Lộc, Trúc Hồ không?" Tôi hỏi.
"Dạ, cũng không có đâu bác". Hoàng Anh trả lời.
"Sao chúng cháu giữ kín vậy. Cô Diễm nào, có phải cô Diễm là em bà Hoa
không?" Tôi hỏi tiếp.
"Đúng đấy. Bà Hoa mới mất! bác biết không?". Hoàng Anh thêm vào. Tôi
trả lời: "Bác biết quá đi chứ. Bác Hoa là vợ ông Đằng bạn của bác Lộc. Bác
Hoa là bạn thân của bác gái mà."
Tôi nói tiếp:"Trở lại chuyện của của cháu bác thấy hết sức lạ lùng. Mối
tình thầm kín. Hôn nhân cũng thầm kín. Chung sống với nhau 10 năm mới đám hỏi,
rồi 10 năm sau mới đám cưới. Rồi từ lễ cưới 8 năm trước đến nay khi có đám tang
thiên hạ mới biết Việt Dzũng có gia đình. Bác tưởng là mới lấy nhau rồi Dzũng
ra đi."
Cô quả phụ nhỏ bé buồn bã nói rằng: "Ai cũng tưởng như vậy. Chuyện tình của
chúng cháu là thiên tình sử lâu dài nhưng hết sức riêng tư. Bác nói đúng, sống
với Dzũng, cháu không bao giờ nghĩ anh Dzũng là người có thương tật. Anh Dzũng
của cháu là người chồng rất bình thường. Với đôi nạng gỗ, anh là người nghệ sĩ
phi thường."
Người cô phụ năm nay cũng ngoài 50 tuổi, đâu có bé bỏng gì, nhưng khuôn mặt
long lanh nước mắt trẻ thơ nhìn tôi như có hình ảnh đầy hãnh diện của người
tình thần tượng. Tôi lại nói rằng: "Từ đám cưới vài chục người với đám
tang cả chục ngàn người, Dzũng đã để cho con quá nhiều kỷ niệm và gánh nặng quá
khứ. Bác mong cho con có đủ khả năng để vượt qua thử thách lớn lao. Thế giới biết
bao người, con đã chọn Việt Dzũng. Anh là món quà quê hương để lại cho hải ngoại.
Bác mong con có được cặp nạng tinh thần để đứng vững với cuộc đời còn lại."
Bebe đứng lên, nước mắt rơi trên đôi nạng gỗ như những giọt lệ tình yêu.
"Con khổ lắm bác ơi". Hoàng Anh nói.
Chiều thứ bảy Bebe Hoàng Anh, môt mình lái xe từ Nam Cali suốt đêm lên San Francisco
dự buổi Tưởng Nhớ Việt Dzũng vào chủ nhật. Chiều thứ hai, lại một mình lái xe về.
Nhà tôi nói: "Con lái xe một mình nên cẩn thận".
Bebe nói: "Con không đi một mình, luôn luôn có anh Dzũng ngồi bên cạnh."
Thực vậy. Vợ lái xe mà như có chồng vẫn ngồi bên cạnh. Suốt 7 giờ rong ruổi đường
trường, cô Hòang Anh nhẹ nhàng, nhẩn nha cằn nhằn cậu Việt Dzũng. Anh đốt hết
cuộc đời cháy trên đầu ngón tay...Anh nói loanh quanh dối trá em suốt bao năm.
Tưởng là lừa được em sao. Em biết hết nhưng em không nói. Anh bay bướm với đàn
bà, anh ăn nhậu với đàn ông. Em biết hết. Rồi sau cùng anh vẫn phải trở về, phải
không?.
Bây giờ anh còn đi đâu nữa. Cô lái xe và tưởng như Việt Dzũng vẫn ngồi trân
mình chịu trận bên cạnh. Chàng không nói được, bây giờ chỉ còn ngồi yên mà nghe
nàng nói. Đây không phải là sân khấu Asia. Đây không phải là Radio Bolsa. Đây
chỉ có 2 người đối thoại chuyện tình yêu. Dzũng suốt đời nói cho ngàn người
nghe. Bây giờ đến lượt Hoàng Anh. Cô nói mà anh chàng không cãi được. Nhưng cô
kể lể cho mà nghe vậy thôi. Nói cho mà biết thôi. Cô tha thứ hết. Việt Dzũng của
cô, có thể đủ thói hư tật xấu của đàn ông nhưng mãi mãi vẫn là thần tượng của
Hoàng Anh.
Vâng thưa Bác, con không lái xe một mình. Mãi mãi vẫn có Dzũng ngồi bên cạnh...
No comments:
Post a Comment