Điều trần về tự do tôn giáo ở VN trước Quốc hội Hoa Kỳ
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-03-26
Trong khuôn khổ hai ngày vận động nhân quyền cho Việt Nam 26 và 27
tháng này, buổi điều trần về tình trạng thiếu tự do tôn giáo ở Việt Nam
đã diễn ra hôm qua, ngày 26, trước Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos thuộc
Quốc Hội Hoa Kỳ. Thanh Trúc có mặt tại chỗ với bài tường trình sau đây:
Việt Nam vẫn đàn áp tôn giáo
Buổi điều trần về tự do tôn giáo ở Việt Nam hôm qua, ngày 26 tháng
Ba, trước Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos, do dân biểu Frank Wolf điều hợp,
có tiếng nói và hình ảnh của hai nhân chứng trong nước, linh mục Phan
Văn Lợi, Hội Đồng Liên Tôn Quốc Nội, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam
và cũng là thành viên khối Dân Chủ 8406, nữ chánh trị sự Cao Đài Nguyễn
Bạch Phụng, quyền trách nhiệm nữ tộc đạo châu đạo Vĩnh Long, thư ký ban
đại diện Khối Nhân Sanh đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, thành viên Hội
Đồng Liên Tôn Quốc Nội.
Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do vài tiếng trước khi buổi điều trần
diễn ra, từ Việt Nam, Linh mục Phan Văn Lợi trình bày những ý chính ông
sẽ nói trong buổi điều trần:
Tôi chịu chức từ năm 1981 nhưng tới giờ
vẫn không được hoạt động như một linh mục bình thường vì bị nhà nước
quản thúc do tôi đã cùng với linh mục Nguyễn Văn Lý lên tiếng đấu tranh
cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.
-LM Phan Văn Lợi
“Tôi chịu chức từ năm 1981 nhưng tới giờ vẫn không được hoạt động
như một linh mục bình thường vì bị nhà nước quản thúc do tôi đã cùng với
linh mục Nguyễn Văn Lý lên tiếng đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Việt
Nam.
Ở Việt Nam lúc này các xã hội dân sự đang xuất hiện, các tôn giáo,
Giáo Hội Công Giáo cùng những cơ cấu bên trong giáo hội đó là những xã
hội dân sự. Từ lâu nay những xã hội dân sự đó đã bị cấm cản hoạt động,
luôn luôn bị kiểm soát ngặt nghèo từ vấn đề qui chế pháp nhân cho tới
nhân sự cho tới hoạt động cho tới tài sản và cho tới quan hệ quốc tế.
Nhà cầm quyền cộng sản không muốn cho các tôn giáo và các tổ chức trong
tôn giáo được thực thi quyền lên tiếng cho công lý và cho sự thật. Chúng
tôi được mời gọi để trình bày cái hiện trạng đó ở tại Việt Nam.”
Các Thuyết trình viên
phát biểu tại buổi Điều trần về tình trạng thiếu tự do tôn giáo ở Việt
Nam hôm 26/3, trước Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ.
RFA PHOTO.
Trong khi đó, nữ chánh trị sự Cao Đài Nguyễn Bạch Phụng cho biết
trong tư cách điều trần viên được mời, bà muốn nhấn mạnh sự tác hại đối
với các tôn giáo trong nước qua Nghị Quyết 36 và Nghị Định 92 do nhà
nước Việt Nam ban hành:
“Qua buổi điều trần trước Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos lần đầu
tiên đạo Cao Đài chúng tôi được điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ. Điều mà
đạo Cao Đài chúng tôi cũng như tất cả các tôn giáo độc lập trong nước
đều ao ước tự do tôn giáo. Nhà nước Việt Nam hãy trả lại chủ quyền và
tài sản, trả lại nhân quyền để các tôn giáo độc lập trong nước được tự
do hành đạo như tất cả các quốc gia dân chủ trên thế giới.. của đạo Cao
Đài cũng như tất cả.
Nghị Quyết 36 cũng như Nghị Định 92, áp dụng cho tất cả các tôn
giáo ở trong nước, hoàn toàn khống chế, giải tán và triệt hạ những nền
tôn giáo độc lập và tiêu diệt những nền tôn giáo độc lập. Chúng tôi là
thanh viên trong Hội Đồng Liên Tôn lên tiếng phản đối Nghị Quyết 36 và
Nghị Định 92, liều thuốc độc dược để diệt các nền tôn giáo chân chính và
độc lập trong nước.”
Dùng TPP áp lực VN tôn trọng nhân quyền
Cuộc điều trần được thu âm và thu hình lần đầu tiên áp dụng cho Việt
Nam, do tổ chức BPSOS ở Washington liên lạc và thực hiện. BPSOS Ủy Ban
Cứu Người Vượt Biển cũng là tổ chức khởi xướng hai ngày vận động nhân
quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ ngày 26 và 27, được gọi là Việt
Nam Advocacy Day. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS:
“Chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc điều trần này từ rất lâu. Hiện
chúng tôi được biết là công an tỉnh đang bao vây nhà của bà Bạch Phụng
và cắt đường Internet nhưng ít ra chúng tôi còn liên lạc được bằng điện
thoại. Ông Frank Wolf, dân biểu chủ tọa cuốc điều trần ngày hôm nay đã
được báo động và ông Frank Wolf cho biết sẽ gọi trực tiếp cho đại sứ Hoa
Kỳ ở Việt Nam để yêu cầu theo dõi và can thiệp nếu cần thiết.
Mục đích của chúng tôi hiện nay là đẩy lùi
Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP, để Việt Nam
phải chứng tỏ bằng những nhượng bộ cụ thể về nhân quyền trước đã.
-TS Nguyễn Đình Thắng
Mục đích của chúng tôi hiện nay là đẩy lùi Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP,
để Việt Nam phải chứng tỏ bằng những nhượng bộ cụ thể về nhân quyền
trước đã. Tí nữa đây, đúng 4 giờ, một phái đoàn sẽ đến họp riêng với văn
phòng đại diện mậu dịch của Hoa Kỳ để đặt những vấn đề như vậy.”
Ngoài linh mục Phan Văn Lợi và chánh trị sự Cao Đài Nguyễn Bạch Phụng
từ Việt Nam, buổi điều trần về vấn đề tự do tôn giáo của Việt Nam trước
Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos chiều ngày 26 còn có phần thuyết trình
liên quan của ông Eric Schwartz, Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế
Giới, với chứng cớ và quan điểm của ủy hội về sự đàn áp tôn giáo đang
diễn ra tại Việt Nam.
Thuyết trình viên thứ ba, ông Ron Nay, giám đốc điều hành Tổ Chức
Nhân Quyền Cho Người Miền Núi ở tiểu bang North Carolina, nơi định cư
của nhiều đồng bào Thượng sau 1975 và mãi về sau này, trình bày về chính
sách đàn áp có hệ thống và kéo dài mà chính quyền Việt Nam áp dụng đối
với đồng bào thiểu số Tây Nguyên, trong đó có việc ép người Thượng Tin
Lành bỏ đạo:
“Nói về vấn đề nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam thì không có gì
ngạc nhiên, nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi danh từ mà thôi, còn trên
thực tế vấn đề tôn giáo và nhân quyền không có chi thay đổi hết.”
Người thứ tư điều trần là cô Yunie Hong, Hmong National Development,
Tổ Chức Quốc Gia Phát Triển Hmong, trình bày chi tiết trước Ủy Hội Nhân
Quyền Tom Lantos về sự phân biệt đối xử và ngước đãi người Hmong ở miền
Bắc Việt Nam, đặc biệt những vụ xử người Hmong theo đạo Tin Lành trong
tuần này và tuần tới.
Đối với dân biểu Frank Wolf và dân biểu James McGovern, hai vị đại
diện dân cử Mỹ đồng chủ tịch Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos, và đối với
gần 600 người Việt từ các tiểu bang trong nước Mỹ đổ về Washington cho
ngày Vận Động Nhân Quyền cho Việt Nam, cuộc điều trần ngày 26 vô cùng
quan trọng vào khi Bộ Ngoại Giao Mỹ đang soạn thảo bản phúc trình thường
niên về tình trạng tự do tôn giáo thế giới, trong đó có tình trạng tự
do tôn giáo ở Việt Nam.
Thanh Trúc tường trình từ quốc hội Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment