Những thảm kịch này có nguyên nhân từ đâu ? Đi ngược lại với sự
mong mỏi của toàn dân về quyền sở hữu đất đai, Hiến pháp 2013 vẫn quy
định đất đai là « sở hữu toàn dân ». Vì vậy dù sống bao đời trên mảnh
đất ông bà để lại, người dân chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở
hữu. Chính quyền có thể thu hồi đất, không chỉ cho các công trình công
ích, mà kể cả các dự án kinh tế xã hội. Có nghĩa là các nhóm lợi ích cấu
kết với chính quyền địa phương vẫn có thể ung dung trục lợi.
Và thế là lại tiếp tục xảy ra những vụ như hai anh em Vi Văn Tùng và
Vi Văn Thế ném bom xăng vào đoàn cưỡng chế ở Bắc Giang vào cuối tháng
2/2014. Trước đó vào đầu tháng 10/2013, hàng loạt vụ cưỡng chế đất cũng
đã diễn ra tại Văn Giang (Hưng Yên) và khu phố Trịnh Nguyễn (Bắc Ninh).
Cho đến nay, các vụ khiếu tố về đất đai vẫn chiếm đến khoảng 80% số
đơn kiện tại Việt Nam. Đội ngũ dân oan ngày càng đông đảo trên cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Ngữ, trong ban vận động thành lập Hiệp hội Dân oan Việt
Nam cho biết trên thực tế hiện nay chính quyền vẫn tiếp tục thu hồi đất
một cách tùy tiện:
Ông Nguyễn Xuân Ngữ : Chúng tôi
bây giờ mới chỉ là dự định, đang xin phép để thành lập ban vận động Hiệp
hội Dân oan Việt Nam, còn đang tập trung nhân sự của các nơi người ta
gửi đến. Bà con dân oan thì nói chung là nội hàm nhiều thứ lắm, hiện tại
chủ yếu chúng tôi đang thu lượm thông tin tham gia của những người dân
oan về đất đai là cơ bản.
Dân thì cả miền Bắc lẫn miền Nam, miền Trung, cao nguyên. Bây giờ
ở Việt Nam cái việc mà người ta lấy đất thì người ta cũng chả theo cái
luật nào. Tôi ở quận 9, ngay sáng hôm nay cũng cưỡng chế hai gia đình,
và quận 2 vừa rồi, thì những chỗ mà tôi biết và bà con các tỉnh như Bến
Tre, Cần Thơ, Bình Thuận, Đắc Nông… người ta đến đây trình bày cũng
tương tự như ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thôi.
Người ta không có đền bù mà cũng không ra thông báo nó thuộc cái
dự án nào, nhưng người ta cứ ra ào cái quyết định cưỡng chế. Rồi lấy một
cái quyết định vu vơ nào đó người ta cho vào chẳng hạn. Như ở Thành phố
Hồ Chí Minh cứ lấy quyết định 266, nhưng mà dân cũng chả nhìn thấy
quyết định 266 đó như thế nào. Nó là trên giấy dày hay giấy mỏng, nó là
mấy trang ? Nhưng mà người ta cứ nói thế, để người ta đến cưỡng chế ào
ào thôi.
Người ta dùng lực lượng – mặc dù trên sách báo thì cấm lực lượng
vũ trang không được tham dự để bảo vệ cho việc lấy đất của dân, nhưng mà
hiện nay vẫn dùng lực lượng công an để lấy đất. Tình hình ở Việt Nam có
sao thì tôi nói vậy à.
Tôi có thể kể vài trường hợp, thí dụ ở quận 2 vừa rồi lấy nhà đất
của anh Hoàng ở ngay ngã tư đường Trần Não và đại lộ Đông Tây. Đã được
Thủ tướng chính phủ chỉ đạo cho Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết đền bù
cho người ta thỏa đáng, nhưng Thành phố không giải quyết.
Ngay mới sáng hôm nay ở chỗ đường Bưng Ông Thoàn phường Phước
Long B quận 9, cũng không có quyết định thu hồi đất, không chứng minh
được đất này để làm dự án nào, chưa bồi thường. Nhưng người ta cứ lợi
dụng con dấu đỏ và một cái chức danh phó chủ tịch. Đáng lẽ Thành phố Hồ
Chí Minh thu hồi mới đúng. Nhưng mà cái ông phó chủ tịch này vốn chỉ là
cò đất, ngày trước ông ấy đi giới thiệu mua bán đất cát, mà giờ ông ấy
lên chức phó chủ tịch, thì thành phố lại bảo vệ cho ông.
Bây giờ dân oan Việt Nam người ta đang muốn kêu cầu quốc tế chứ
còn chính phủ Việt Nam này cũng chả giải quyết được gì. Trên bảo dưới
cũng chả nghe. Họ cứ thích lấy là lấy thôi à !
Bà Huỳnh Kim Lương, một người dân oan ở thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang kể lại hoàn cảnh của mình :
Bà Huỳnh Kim Lương : Tui là
Huỳnh Kim Lương, là một trong 14 hộ « « khán đài » của thành phố Long
Xuyên tỉnh An Giang, đó là khu thương phế binh chế độ cũ. Tui ở đó hồi
năm 1970, tới năm 1972 thì có hợp thức hóa đàng hoàng. Rồi khi mà cách
mạng thành công, có kê khai nhà đẩt mẫu A, mẫu B đồng thời đóng thuế
hàng năm. Có nghĩa là tui hợp pháp trong cả hai chế độ.
Ngày Chủ nhật 31 năm 1993, cách mạng cộng sản đem lực lượng vũ
trang nào là roi điện rồi còng – vũ trang coi như là đầy đủ đó, trang bị
đàng hoàng, đi lại đập phá nhà tui. Từ năm 1993 tới bây giờ không có
cắc nào hết. Mà chúng tôi đi từ dưới lên trên, tới Trung ương, tới Hà
Nội, ra ngoài ấy cũng không có hiệu quả gì hết. Ở đó cho giấy tờ về dưới
này, đối với tấm giấy của Trung ương đưa về, người ta coi như chúng tôi
vừa lượm ở thùng rác đem ra.
Bây giờ người ta cất kiosque lên để cho thuê, với lại cho những
đứa bé chạy xe điện. Vì chỗ đó chúng tôi chưa được đền bù, chúng tôi nói
là bất cứ ai lại xây dựng gì ở đó là chúng tôi sẽ vác búa lại đập phá
bỏ. Chưa có giải quyết bồi thường thì tức nhiên cái của đó vẫn còn của
tôi. Bây giờ cho thuê bỏ đó, làm trung tâm thương mại.
Trải qua mười mấy năm, hồi năm 2012 có Trung ương vào Thành phố
Hồ Chí Minh để giải quyết cho tui, nhưng không đi đến đâu hết. Tui xin
thưa rõ ràng là đất của tui thì tự Nhà nước ra giá đền bù, cũng như là
tự biên tự diễn đó. Cách giải quyết này không phải chúng tôi đòi hỏi mà
do ở đó đặt ra là đất của tui 25 triệu một mét vuông vì là khu thương
mại. Rồi đất ông chánh quyền Nhà nước này giao cho tui là đất có hai
triệu rưỡi một mét vuông thôi. Tức nhiên tiền chênh lệch của tui còn
thừa lại 1 tỉ 472 triệu.
Đó là tiền chênh lệch của đất, chớ không có bồi hoàn những thời
gian mà tui đi khiếu kiện, hoặc là thời gian tui thất thu, thất nghiệp,
còn cái nhà tui hai tầng cũng không nói tới, thì tui không đồng ý. Tui
không chịu ký tên trong biên bản. Lúc đó tui đòi ba tỉ rưỡi, mà đó là
tui chưa có tính tiền oan sai – nghĩa là bắt tui đem về đồn công an cùm
chưn lại, rồi leo lên cây cùm đi trên đó.
Ban đầu tui nghĩ là bước lầm trên đó, nên tui nói ông đi như vậy
rồi gãy cái chưn tui thì sao, thì ổng bước lại nữa, cũng đi trên cây cùm
đó nữa. Ổng bước đi bước lại năm sáu lần, cái chưn tui lở, chảy máu ra
hết. Tui mới bắt đầu tui nói là mấy ông lưu manh chớ hông phải là công
an. Làm cái gì vậy ? Tui tội gì mà mấy ông bắt vô đây cùm, trói tui rồi
lại đi lên cây cùm như vậy ?
Tới bây giờ không có đồng xu nào hết, còn mấy ổng tự biên tự diễn, có nghĩa là lấy của người ta rồi tự đặt ra cái giá đền bù.
Theo bà Huỳnh Kim Lương, chính quyền không thể dùng quyền lực bắt dân
phải chịu thiệt thòi. Bà cho biết cảnh sống vất vưởng, bị sách nhiễu đủ
điều của những người dân mất đất đi khiếu kiện:
Bà Huỳnh Kim Lương : Năm 2012
các ông ấy biểu dân phải hy sinh để Nhà nước chỉnh trang đô thị. Tui
nói, ông nói chuyện nghe buồn cười quá ! Dân miền Nam chúng tôi còn gì
để hy sinh cho mấy ông nữa ? Chúng tôi đã hy sinh rồi, hy sinh hồi lúc
mấy ông còn ở trong rừng đó. Mấy ông mau quên là chúng tôi đã đem lương
thực cho mấy ông ăn, tại vì hồi đó hổng ai ngờ đến cái ngày hôm nay. Nếu
mấy ông mà không có dân miền Nam ông có vào thành phố được hay không ?
Hồi mấy ông vào thành phố, mấy ông có cái gì ? Có cái ba lô với
đôi dép, mà dân chúng tôi có tất cả. Còn bây giờ mấy ông có xe hơi nhà
lầu, thì dân chúng tôi trái lại, ăn bụi nằm bờ, nhịn đói nhịn khát, mưa
thì dầm mưa, nắng thì dang nắng, để đi đòi hai chữ « công lý ». Mà tui
đòi đến bữa nay vẫn chưa được. Bây giờ dân miền Nam tui còn có cái mạng
với hai bàn tay trắng, mấy ông muốn thì lấy mạng luôn đi.
Quá bức xúc rồi cô ! Tui nói thiệt, không còn có lời lẽ gì chúng
tôi không nói. Mới hồi bữa công bố nhân quyền 10/12/2013, như thường lệ,
chúng tôi từ chùa Liên Trì đi – có cái chùa này ông thầy kiên cường,
can đảm mới dám cho chúng tôi tá túc. Vì đi thuê phòng trọ tồi tàn, có
vài chỗ để nằm ngủ dưới ván, trên gạch thôi, thì cũng lại rình rập ở nhà
người ta. Rồi kêu chủ nhà ra nói không được chứa chúng tôi. Nếu chứa,
ban đêm xảy ra trộm cướp, hoạt động chánh trị là chủ nhà chịu trách
nhiệm.
Vì lý do đó mà chủ nhà không cho chúng tôi thuê nữa. Chúng tôi
chịu không nổi mới ra ngoài vệ đường ngủ ở đó. Thì có một đêm đó, chở
một xe tải đá rải đường, biểu chúng tôi phải dang chỗ khác để mấy ổng đổ
đá tại đó.
Tui nói, đây dài lại đằng kia trống trơn như vậy mà ông không đổ
được chỗ nào sao, mà lại ngay chỗ chúng tôi căng lều để đổ đá ? Bây giờ
nếu tui chạy thì ông cứ bắn bỏ, tui ngồi đây nè, để ông chôn sống. Tại
vì tui biết mấy ông ác, nhưng mà tui chưa thấy. Tui muốn thấy cái ác này
nè. Cứ đổ đá đi, tui ngồi đây, nhưng mà sau đó phải xây cái tháp lên
đây nói y cái hoàn cảnh tui chết tại đây.
Chúng tôi thức sáng đêm – làm sao ngủ được, phải đi chỗ khác. Mà
đi hai ba chỗ là lại bị rượt theo, rượt hoài sáng đêm. Chỉ có ông thầy
Thích Không Tánh của chùa Liên Trì ở quận 2, ông này kiên cường, rất là
thương dân chúng tôi, nên đem về tá túc bảy năm mấy nay. Bây giờ tui vẫn
ở chùa. Sáng thì tui đi qua bển, chiều tui trở về bên chùa ngủ.
Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì xác nhận nhà chùa
thường mở cửa đón nhận những người dân oan không nơi tá túc :
Thầy Thích Không Tánh : Mấy năm
nay cũng có một số bà con khiếu kiện nhà cửa đất đai bị mất, họ qua xin ở
tạm tại chùa. Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn. Có khi năm bảy
người, có khi mươi người, rồi có lúc bà con người ta tụ đông thì cũng
có đến hai ba chục người họ lên ở, rồi đi qua bên Sài Gòn khiếu kiện.
Đôi khi bị công an bắt, rồi chở đem về trả dưới quê, ở các tỉnh. Sau đó
quý bà con người ta lại lên lại. Cứ lâu lâu người ta tụ lại để khiếu
kiện.
Nhưng ngay cả chùa Liên Trì cũng đang chịu áp lực phải giải tỏa. Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết :
Thầy Thích Không Tánh : Nhà nước
nhiều lần đến đề nghị mình nên di dời chùa. Họ muốn biến khu Thủ Thiêm
này thành một khu đô thị mới gì đó, coi như họ giải tỏa trắng hết luôn.
Sau đó chúng tôi cũng có gởi cái đơn lên chính phủ xin bằng cách nào đó
sau này đồng bào người ta cũng sẽ về ở khu quận 2 Thủ Thiêm. Thành thử
xin yêu cầu cũng để cho một ngôi chùa, một ngôi nhà thờ cũng như một
ngôi đình, để sau này bà con ở khu đô thị đó có một cơ sở tôn giáo, tâm
linh, có nơi quy ngưỡng.
Chớ bây giờ nếu mà giải tỏa đi trắng hết thì sau này ở khu đó
không còn một cơ sở tôn giáo nào hết cả. Thành ra chúng tôi có gởi đơn
lên chính phủ nhưng rồi không biết thế nào. Nhưng ủy ban giải tỏa mặt
bằng với chính quyền quận 2 họ cứ xuống o ép nhà chùa nên di dời.
Có thể lý giải như thế nào trước hiện tượng tái cưỡng chế đất đai ở
nhiều nơi ? Nguyên nhân có thể là do chủ đầu tư nợ ngân hàng nên phải
triển khai dự án sớm, có hàng hóa bán để trả nợ. Hoặc chủ đầu tư được
ngân hàng rót thêm vốn, nên phải xây dựng sớm. Cũng có thể là do sợ bị
thu hồi dự án, hay đón đầu xu hướng bất động sản tạm phục hồi nên tìm
mọi cách lấy đất để sang nhượng. Bên cạnh đó, các nhóm lợi ích trong đó
có các quan chức cũng được chia phần trong dự án, hối thúc chủ đầu tư
triển khai nhanh để có được đẩt « sạch ».
« Lợi ích nhóm », đó cũng là nghi vấn mà ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch
Hội đồng quản trị công ty Lửa Việt, đã đặt ra với tư cách là một người
dân Bình Thuận, trước việc công ty Rạng Đông sau khi mua lại sân gôn
Phan Thiết đã xin chuyển đổi thành khu đô thị. Tuy người dân địa phương
phản đối, đề nghị chuyển thành công viên, nhưng chính quyền tỉnh Bình
Thuận lại nhanh chóng chấp thuận.
Ông Nguyễn Văn Mỹ : Thật ra cái
sân gôn này đã qua nhiều đời chủ rồi, người chủ đầu tiên là tỉ phú Mỹ
Harry. Từ năm 1994 ông đã thấy được cái tầm phát triển của Bình Thuận
cho nên ông xin làm dự án sân gôn, và tới năm 1997 du lịch Bình Thuận
bắt đầu phát triển thì sân gôn đi vào hoạt động. Sân gôn này nằm ven
biển, ngay trong nội thị, rộng tới 62 hecta.
Mục đích ban đầu theo tôi biết dự kiến định làm sân bóng đá và
một số cơ sở thể thao ngoài trời, cho nên tỉnh chủ trương giãn dân ra để
xây dựng. Nhưng vì ông tỉ phú Harry đề nghị như vậy, tỉnh lúc đó đang
là tỉnh nghèo nên đồng ý cho dự án. Sau đó qua hai ba đời chủ khác nhau,
sân gôn vẫn hoạt động bình thường.
Chỉ từ khi tập đoàn Rạng Đông, một công ty địa ốc tư nhân của
Việt Nam mua lại vào tháng 11/2013, thì lập tức một tháng sau xin đổi
công năng, biến sân gôn thành dự án dân cư. Bởi vì ở đây có thể nói là
một địa chỉ cực tốt, một khu đất vàng, nằm ở cửa ngõ trung tâm đô thị và
giáp biển.
Sẽ không có gì đáng nói nếu hồi xưa đã là dự án đất đai. Nhưng
rất nhiều cán bộ lão thành, đặc biệt là cựu chiến binh và người dân Bình
Thuận họ phản đối quyết liệt. Bởi vì thứ nhất, sân gôn dù không phải là
công trình phúc lợi, nhưng đó là một mảng xanh, tạo một nét đẹp và như
là lá phổi của thành phố.
Người dân phản đối vì cho rằng nếu sân gôn không làm ăn hiệu quả
thì nên biến nó thành công viên. Không thể vì lợi ích trước mắt mà vội
vàng. Người ta đặt rất nhiều nghi vấn : vừa mua từ một đối tác khác, chỉ
trong một tháng sau là xin chuyển đổi công năng ngay. Và mặc dù chưa cụ
thể nhưng họ đã buộc những thành viên chơi gôn ở đó phải chuẩn bị đi
chỗ khác.
Một điều nữa là họ xin đổi chức năng thì lập tức ủy ban tỉnh có
các văn bản vận động hành lang đề nghị đồng ý chủ trương này. Người dân
có quyền đặt dấu hỏi về sự tích cực khác thường của lãnh đạo tỉnh Bình
Thuận. Hầu hết cán bộ hưu trí và lão thành đều phản đối, chỉ có những
người đương chức là ủng hộ. Thì người ta đặt nghi vấn, phải chăng đằng
sau sự tích cực ủng hộ đó có vấn đề gì về « lợi ích nhóm » ?
Với sự hỗ trợ của các quan chức địa phương, những nhóm lợi ích đất
đai tỏ ra vô cảm trước nỗi khổ của những người dân mất đất. Họ tùy tiện
ấn định giá bồi thường, huy động lực lượng an ninh thậm chí đôi khi cả
côn đồ để trấn áp. Bà Huỳnh Kim Lương kể lại việc dân oan bị đối xử thô
bạo và những bức xúc của bà :
Bà Huỳnh Kim Lương : Bữa
10/12/2013, nó chận khúc vắng của đường Lương Định Của, vô trong chùa
kiếm tui vì bên này không biết mặt tui. Tui nói ông hổng có quyền mời
tui đi đâu hết, tui không đi ! Ông mặc đồ xi-vin, tui mặc đồ xi-vin thì
ông hổng có cái chức năng để ông mời tui. Tui hổng biết mấy ông là cái
thứ gì, tui không theo. Tui không muốn quấy động ở trong chùa, bây giờ
tui mời ông ra, tui sẽ ra theo.
Ra đó thì có một công an chở tui đi lên trên chỗ cái khúc vắng
đó, lùa tui lên xe, có bà con An Giang trên đó với hai người Tiền Giang.
Nó chở về, bấm huyệt tui tới bây giờ tui còn xụi cái tay nè. Tui mới
tức quá, không dằn được cô – chứ tui biết là mình nói vậy hổng biết cái
gì sẽ xảy ra cho mình. Tui la lớn : « Hoan hô Nguyễn Văn Thiệu ! » ba tiếng. « Nguyễn Văn Thiệu muôn năm ! », ba tiếng.
Nguyễn Văn Thiệu đã xa cái đất nước Việt Nam rồi, bây giờ không
còn nữa, mà không nói riêng tui, nhưng câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu
lúc nào cũng thấm sâu vào xương thịt và tâm não của người miền Nam Việt
Nam, là « Không có gì quý hơn độc lập tự do » - xin lỗi, của ông Bác Hồ. Ông Thiệu ổng nói là : « Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm ». Tui lặp đi lặp lại vậy.
Còn tội nghiệp Bác Hồ quá. Bác Hồ nói có một câu, mà chính mấy thằng bây đã nhận chìm câu của Bác Hồ dưới đáy đại dương : « Không có gì quý hơn độc lập tự do ».
Độc lập tự do mà như vầy đây hả trời ? Độc lập tự do mà tui không nhà
không cửa ở, sống lang thang đầu đường xó chợ như kẻ ăn mày. Độc lập tự
do mà như thế này sao ?
Làm thế nào hạn chế được nạn cưỡng chế đất tràn lan, xoa dịu bớt sự
phẫn nộ của người dân hiện nay ? Thiết nghĩ trong Luật Đất đai và Hiến
pháp sửa đổi, cần phải quy định rõ đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Không
thể « sở hữu toàn dân » chung chung mà trên thực tế chỉ có một nhóm
người có quyền định đoạt mọi thứ. Không được thu hồi đất của dân cho các
dự án kinh tế, còn các dự án công ích thì phải bồi thường thỏa đáng
theo giá thị trường. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần thanh tra các vụ
cưỡng chế đất trái phép, đem lại công bằng cho người dân.
Nhưng trong thời điểm hiện nay, những cải cách mạnh dạn trên khó có
khả năng xảy ra. Và như thế làn sóng thu hồi và cưỡng chế đất có thể lan
rộng. Phản ứng của người dân cũng sẽ mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể khiến
xảy ra bạo động cục bộ, làm tiền đề cho những người « nông dân nổi dậy »
một khi họ không còn gì để mất.
Cho dù những người dân oan vạ vật trước các cơ quan công quyền lâu
lâu lại bị cưỡng bức đưa về quê để tránh những hình ảnh không đẹp trước
mắt quốc tế, nhưng việc « bắt cóc bỏ dĩa » này tất nhiên không phải là
giải pháp căn cơ. Chúng ta hãy nghe tiếp tâm sự của bà Huỳnh Kim Lương :
Bà Huỳnh Kim Lương : Hiện giờ là
đem chúng tôi đi giấu ! Tui ngồi trước cửa văn phòng Thanh tra Chánh
phủ 210 Võ Thị Sáu, tui ngồi đó mười sáu, mười bảy năm rồi. Sáng lại đó
ngồi, mưa thì dầm mưa, che cây dù lên ngồi chịu trận ở đó, nắng thì dang
nắng. Bây giờ đuổi đi – ém mà, ém dân không cho quốc tế thấy, không cho
trong nước, ngoài nước thấy. Đem ém chúng tôi.
Thì tui lại Tòa đại sứ Mỹ tui la. Bữa nào tui cũng lại Tòa đại sứ
tui la một hồi tui đi, hễ tui thấy nó giàn giá muốn ăn thịt tụi tui thì
tui đi.
Cô coi đó, sống cái thời buổi này một người dân như con chó vậy.
Còn những lần cô biết hông, nó hô cưỡng chế một cái là nó khiêng tụi tui
thảy chất đống trên xe. Què giò sứt càng gãy gọng gì thây kệ, nó liệng
thí lên xe ! Người Việt Nam mà tàn ác như vậy đó.
Làm như vậy có nghĩa là người ta có cơ hội để so sánh hai chế độ.
Tại sao chúng tôi hồi đó ở cái chế độ trước thì no cơm ấm áo trong mái
gia đình, còn bây giờ người Việt Nam cai trị người Việt Nam mà chúng tôi
không nhà không cửa, sống lang thang đầu đường xó chợ ?
Tui bây giờ nói thiệt với cô, tui không còn sợ cái gì nữa hết.
Còn cái mạng bất quá là họ ăn thịt luôn cũng được nữa. Quá mức rồi cô ơi
! Bây giờ chúng tôi – chứ không phải riêng tôi, rất mong có bàn tay
nhiệm mầu của người thứ ba cứu vớt chúng tôi thoát khỏi cái chế độ này.
Chớ quá khổ rồi cô ơi, hổng còn non nước nào để nói. Bây giờ
chúng tôi lại Tòa đại sứ yêu cầu Obama cứu lấy dân oan của Việt Nam
chúng tôi. Lại đó la một hồi, hễ có gì là chúng tôi tản ra. Bây giờ ngày
nào cũng lại đó la hết trơn !
Thôi, tui thay mặt bà con dân oan ở Việt Nam này gởi lời rất là
cảm kích đối với những Việt kiều ở miền nào đó xa xôi tui hổng biết, đã
gởi về một lời nói làm ấm áp chúng tôi. Khuyến khích cho chúng tôi vượt
lên, vươn lên, và dù còn hơi thở cuối cùng, chúng tôi cũng phải tiến
tới, không bao giờ lùi ! Xin cám ơn Đài.
RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa
Liên Trì ; ông Nguyễn Xuân Ngữ, Ban vận động thành lập Hiệp hội Dân oan
ở Sài Gòn; bà Huỳnh Kim Lương, dân oan ở Long Xuyên và ông Nguyễn Văn
Mỹ, một công dân Bình Thuận, đã vui lòng tham gia tạp chí cộng đồng hôm
nay của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment