Đèn Cù giải thiêng cách mạng cộng sản Việt Nam
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-08-14
Điều mong mỏi nhất của người đọc khi cầm lên quyển sách tư liệu dày
600 trang của Trần Đĩnh có lẽ sẽ là những tiết lộ về những toan tính,
những âm mưu chính trị bên trong đảng cộng sản Việt nam trong gần 70 năm
qua từ khi đảng này bước lên thống lĩnh đời sống chính trị Việt nam.
Mong mỏi đó ở người đọc không phải là điều gây ngạc nhiên vì chính nhân
thân của tác giả, người làm việc nhiều năm tại cơ quan tuyên truyền của
đảng là báo Nhân dân, và hơn thế nữa ông là người có cơ hội tiếp cận
những nhân vật lớn của đảng như Hồ Chí Minh, Trường Chinh,…
600 trang sách dẫn độc giả đi từ những âm mưu nhỏ giành giật quyền
lực ở cơ quan cho đến âm mưu mang tính toàn cầu, mà trong đó tác giả
cũng phải mất nhiều thời gian để nhận ra. Và điều đáng buồn hơn hết
chính là những âm mưu đó đã đưa đến cuộc chiến Việt nam tương tàn hơn
hai mươi năm mà hệ lụy cho đến ngày nay dường như chưa chấm dứt.
Đó là chuyện ông vua không ngai Lê Đức Thọ, người chỉ giữ chức vụ
khiêm tốn trưởng ban tổ chức trung ương, nhưng nắm trong tay quyền sinh
quyền sát trên không những sinh mạng chính trị mà cả sinh mạng vật lý
của hàng triệu đảng viên ĐCSVN và những người dân Việt nam
Những lời đồn đoán về nền chính trị bí ẩn của đảng cộng sản Việt nam
được tác giả xác nhận một cách rõ ràng, hoặc bởi chính mắt mình trông
thấy, hoặc bởi những người trong cuộc kể lại.
Giải Thánh
Đó là chuyện ông vua không ngai Lê Đức Thọ, người chỉ giữ chức vụ
khiêm tốn trưởng ban tổ chức trung ương, nhưng nắm trong tay quyền sinh
quyền sát trên không những sinh mạng chính trị mà cả sinh mạng vật lý
của hàng triệu đảng viên đảng cộng sản Việt nam và những người dân Việt
nam.
Lê Đức Thọ,tên thật là: Phan Đình Khải sinh ngày 10/10/1911,mất 13/10/1990
Đó là chuyện các anh hùng của cuộc chiến tranh cách mạng do đảng cộng
sản lãnh đạo, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, thực chất đã không còn
quyền lực gì từ những năm 60 của thế kỷ trước, mặc dù họ đã được đảng
phong thánh.
Tác giả Trần Đĩnh đã giải thánh những anh hùng đó, giải thánh bằng
những sự thật về cuộc sống bình thường của họ, mà tác giả mô tả một cách
trần trụi nhất.
Hồ Chí Minh hóa ra không phải là một nhà cách mạng khắc kỷ bỏ hết mọi
thứ riêng tư để hiến thân cho cách mạng và cho dân tộc. Qua lời kể của
họa sĩ Phan Kế An, ông cũng có những đòi hỏi xác thịt bình thường nhất.
Hữu Thọ người đôi khi được báo chí chính thống hiện nay mô tả như một
nhà báo đầy đạo dức và trách nhiệm nghề nghiệp, hóa ra là một kẻ bon
chen, nhỏ nhen, làm tất cả để tiến thân trên những tầng nấc quyền lực
của đảng.
Lê Duẩn, Tổng bí thư có quyền lực tuyệt đối của đảng cho đến chết,
lại có những ý nghĩ rất ngộ nghĩnh về kinh tế quốc gia khi tuyên bố rằng
cứ in tiền thoải mái vì nền kinh tế cộng sản của ông không hề có lạm
phát. Cũng chính vị Tổng bí thư có vẻ bề ngoài điềm đạm ấy lại dùng vũ
lực xốc cổ áo nhà triết học Trần Đức Thảo khi ông này nói rằng ông không
hiểu những điều Tổng bí thư nói.
Qua việc giải thánh các nhân vật cách mạng, cuộc cách mạng cộng sản
đã được giải thiêng, nó đơn giản trở thành một cuộc đấu tranh giành
quyền lực của một nhóm người. Và cuộc đấu tranh quyền lực đó lại bị chi
phối bởi một điều lạ lùng mang tên gọi Ý thức hệ.
Tác giả nói với chúng tôi về Ý thức hệ đó:
Mình không thể hiểu cái ràng buộc về ý thức hệ nó kinh khủng lắm.
Con người ta không dám vượt khỏi cái ranh giới của ý thức hệ đã qui
định được đâu. Anh phải có phe. Anh phải có đầu tàu, đầu tàu cách mạng
ấy, Liên Xô lãnh đạo anh không được vi phạm không được phản bội. Anh nên
nhớ ngày xưa trong đảng Cộng sản quốc tế, chi bộ của quốc tế là chi bộ
của Liên Xô. Anh mà phản bội chi bộ ấy thì còn ra cái gì nữa, đúng
không?
Đó là chuyện các anh hùng của cuộc chiến tranh cách mạng do đảng cộng
sản lãnh đạo, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, thực chất đã không còn
quyền lực gì từ những năm 60 của thế kỷ trước, mặc dù họ đã được đảng
phong thánh.
Âm mưu lớn đằng sau cuộc chiến tranh Việt nam
Chính Ý thức hệ này đã tạo nên một âm mưu lớn hơn mang tầm vóc toàn
cầu, của những đồng chí phương Bắc của đảng cộng sản Việt nam, đó là
nước Trung hoa cộng sản. Đây dường như là lần đầu tiên, một người trong
lòng hệ thống là Trần Đĩnh xác định rõ rằng chính Trung Quốc đã đứng
đằng sau lưng đảng cộng sản Việt Nam để khuấy động cuộc chiến tranh Việt
Nam, mà tác giả không ngần ngại gọi nó là một cuộc nội chiến. Theo tác
giả thì Trung quốc đã khuấy động chiến tranh bằng máu người Việt nam để
đưa Trung Quốc ra đấu trường tranh giành quyền lợi của thế giới.
Phân tích của tác giả cho thấy rằng đảng cộng sản Việt Nam từ khi
thành lập chưa bao giờ độc lập như họ thường tuyên bố. Trong cuộc chiến
Việt nam huynh đệ tương tàn, đảng cộng sản Việt nam phụ thuộc vào Trung
quốc. Chính vì lý do đó đã xảy ra vụ án Xét lại chống đảng mà những
người được coi là thân Liên Xô như tác giả bị tống giam, thẩm tra bằng
những bảng án miệng của Đảng. Rồi sau đó để làm vừa lòng Liên Xô, các
nhân vật được xem là thân Trung quốc, đến phiên mình, lại bị tống giam
không án.
Liên quan đến vụ án xét lại này, Trần Đĩnh cũng làm rõ rằng chính Lê
Duẩn là người tôn vinh Mao Trạch Đông là lãnh tụ vô sản thế giới trong
những năm 60, chứ không phải như dư luận từng xì xào trước đây rằng
Trường Chinh là người thân Trung quốc vì ông chịu trách nhiệm những chết
chóc đẫm máu của cuộc cải cách ruộng đất mà Trung quốc đứng đằng sau
lưng.
Ông Võ Nguyên Giáp và lãnh tụ Hồ chí Minh năm 1945
Và đến phiên mình, khi Trường Chinh đã mất quyền lực thì ông cũng đánh đu theo dòng chính thống thân Trung quốc.
Trong những tư tưởng thân bên này thân bên nọ ấy đương nhiên quyền
lợi dân tộc Việt nam bị quên đi, từ những năm cuối thập niên 50 những
người cộng sản Việt nam đã tin rằng Trung quốc sẽ giữ giùm quần đảo
Hoàng Sa!
Kinh hoàng cải cách ruộng đất
Và cuối cùng, trong những sự thật trần trụi mà tác giả mô tả, là sự
thật chết chóc của cải cách ruộng đất dưới vỏ bọc mỹ miều đấu tranh giai
cấp. Nếu trong Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức, những thảm cảnh trên
đường vượt biển tìm tự do của người Việt sau năm 1975 được mô tả rõ
ràng như chì đen trên giấy trắng không kèm theo lời bình luận, thì thảm
sát cải cách ruộng đất lại được Trần Đĩnh cất lên đầy thê lương như
những câu hờ tang tóc trên đồng bằng Bắc bộ.
Trong những tư tưởng thân bên này thân bên nọ ấy đương nhiên quyền
lợi dân tộc Việt nam bị quên đi, từ những năm cuối thập niên 50 những
người cộng sản Việt nam đã tin rằng Trung quốc sẽ giữ giùm quần đảo
Hoàng Sa!
Và ai là người chịu trách nhiệm về cuộc giết chóc hoang tàn mà chính
đảng cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng đó là sai lầm? Cái nhìn cận
cảnh của tác giả về Hồ Chí Minh, lãnh tụ lớn nhất của đảng lúc ấy, sau
những cái chết của những địa chủ có công với cách mạng như bà Nguyễn Thị
Năm, Cụ Cử Cáp,… làm cho người đọc nghĩ rằng những giọt nước mắt của Hồ
Chí Minh mà nhiều người thấy qua hình ảnh từ trước đến nay không hoàn
toàn là những giọt nước mắt.
Một đặc trưng cơ bản của chế độ cộng sản là tính toàn trị của nó. Nó
muốn kiểm soát hết mọi thứ, kể cả suy nghĩ của người dân. Đèn Cù của
Trần Đĩnh miêu tả những náo loạn tinh thần mà chủ nghĩa cộng sản đem lại
cho một xã hội bình thường vì sự mong muốn toàn trị của nó.
Trong sự mong muốn toàn trị ấy, chủ nghĩa cộng sản bỏ qua cá nhân con người. Trần Đĩnh viết rằng định
nghĩa về con người dưới chế độ cộng sản là một tổng hòa các mối quan hệ
xã hội, và vì thế chính bản thân con người là không quan trọng nữa.
Trong xã hội mà đảng lãnh đạo nổi lên như một tổ chức siêu quyền lực.
Mọi quan hệ giữa người và người với nhau như tình bạn cũng không quan
trọng cái mà Trần Đĩnh gọi là tình đảng, vì tình đảng ấy cho những người
cảm tình của nó đủ thứ, bảo vệ và che chắn cho những người có tình đảng
ấy.
Theo tác giả, chủ nghĩa cộng sản đã lợi dụng hai góc tối tăm nhất của
con người là nỗi sợ và lòng tham để thống trị họ. Ông lấy bản thân làm
ví dụ. Ông biết rằng ông viết theo chỉ thị của ai đó, của đảng là một
việc không nên làm, và khi đã lờ mờ nhận thấy thì cũng khó lòng bứt khỏi
nó.
Và tôi bắt đầu lờ mờ nhận thấy ngoài bồi bút, tôi mang hai bộ mặt
lệch nhau: om xòm ở tư cách kẻ lên án và câm nín với vai tội phạm bị đàn
áp man rợ của chính bản thân.
Mà không phải chỉ có ông, một nhà báo không có vai vế trong đảng. Một
vị đại công thần là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng sợ hãi những cố vấn
Trung quốc, vị Đại tướng phải nhắn nhủ các người thân tín của mình là
phải dè chừng sự sưu tra lý lịch của những viên cố vấn ấy. Guồng máy
cộng sản nội địa và cộng sản quốc tế luôn đè nặng một nỗi sợ lên những
thành viên của họ.
Một loại xã hội mới được mà đảng cộng sản xây dựng nên được Trần Đĩnh mô tả: Đảng tạo ra hẳn một xã hội mới toanh cho loài người bất cần loài người có bằng lòng hay không.
Đọc đoạn này độc giả dễ dàng liên tưởng đến tác phẩm gây chấn động ý
thức hệ cộng sản vào những năm 50 của thế kỷ trước của Milovan Djilas
mang tên Giai cấp mới, trong đó nhân vật số hai của đảng cộng sản
Nam tư mô tả một giai cấp mới là gia cấp cộng sản lên ngôi nắm mọi
quyền lực và quyền lợi. Nay Trần Đĩnh viết rằng trong sự bất cần loài
người có đồng ý hay không ấy thì luật pháp chẳng có ý nghĩa gì cả.
Những nhân vật có thật trong Đèn Cù, từ những văn nghệ sĩ, trí giả
như Đặng Thai Mai, Chế Lan Viên, đến những nhân vật chính trị đều hành
xử trong một tình đảng và không pháp luật ấy. Mà ngay chính bản thân tác
giả, ông cũng cho rằng có những lúc ông đã hành xử rất “cộng sản,” đó
là khi ông đến gặp ông Trường Chinh, và được ông này khoe đứa cháu còn
ẵm ngữa:
Bây giờ, ở trang giấy này, tôi thành thật xin lỗi người ông và
người cháu đích tôn. Tôi đã phản ứng sặc mùi cộng sản: oán hận dai bền.
Hôm ấy Trường Chinh có tình người hơn tôi. Nay tôi thật lòng xấu hổ.
Nhất là khi đọc Cioran: “Hận thù có thể khiến con người dũng cảm nhưng
chỉ bao dung mới làm cho con người có đạo đức.”
Mang những hận thù, oán hận ấy để đi giải phóng loài
người như mục tiêu cao cả mà những nhà tư tưởng cộng sản đầu tiên đề ra
thì quả là khó, Trần Đĩnh viết tiếp
Giải phóng con người là một thứ ngoa ngôn sặc mùi
tâm thần. Giải phóng cho bản thân bình đẳng với dân còn làm không nổi,
nói gì giải phóng loài người?
Và những mục đích cao đẹp đó chỉ đem vào cho chủ nghĩa cộng sản một
đặc tính mà Trần Đĩnh dùng một danh từ của đầu thế kỷ 21 để miêu tả, đó
là một loại thuốc lắc, ý thức hệ gây lắc, như những cơn điên lọan ở vũ
trường.
Giải phóng con người là một thứ ngoa ngôn sặc mùi tâm thần. Giải
phóng cho bản thân bình đẳng với dân còn làm không nổi, nói gì giải
phóng loài người?
Trong cơn lắc say sưa đó, chế độ cộng sản trở nên, như Trần Đĩnh mô
tả, là một chế độ hỗn hào, nó cho mình là đứng lên hết thảy mọi thứ.
Điều này giải thích cho sự ngạc nhiên cách đây gần 40 năm khi những
người dân miền Nam lần đầu tiên tiếp xúc với ngôn ngữ tuyên truyền từ
những người cộng sản, khi họ gọi tất cả những nhân vật, những quốc gia
không thuộc về phe của họ bằng những từ miệt thị, từ những viên tướng
Mỹ, Pháp cho đến những nhà lãnh đạo chế độ Việt nam cộng hòa vừa sụp đổ.
Giữ mình và thoát cộng
Trong khung cảnh mờ mịch đầy kích động do đảng tạo ra ấy, vẫn còn có
những con người bám víu được những mảnh lý lẽ, lương tri cuối cùng của
mình.
Nguyễn Trung Thành, nhân vật đã giúp Lê Đức Thọ dựng nên vụ án xét
lại chống đảng đã cố gắng đòi hỏi minh oan cho những nạn nhân. Vù là sự
minh oan đó vẫn còn nằm dưới…công lý của Đảng.
Bản thân Trần Đĩnh cũng giải thích ông đã phải giữ mình như thế nào
Tôi đã giữ được y tứ với bản thân trước hết. May sao cái chất thú
hoang nó đã giúp tôi giữ lấy nhân cách cho mình, cái nhân cách hết sức
mong manh trong vòng vây của chủ nghĩa tập thể, cái chủ nghĩa nó không
biết đến nhân cách. Cái gì dính đến nhân - con người - là nó ghét lắm.
Có lúc ông vẫn hy vọng là cứu giúp đảng cộng sản, mà ông đã tham gia
vào thuở thanh niên hăng hái tưởng rằng đó là một lý tưởng sống. Cho đến
sau khi cuộc chiến mà ông không ngần ngại gọi là cuộc nội chiến kết
thúc. Khi bị khai trừ ra khỏi đảng cộng sản, ông trích lời bố ông rằng
đó là một sự kiện vĩ đại của cuộc đời ông.
Cuốn sách được Trần Đĩnh hoàn thành vào năm 2014 của thế kỷ 21. Nhìn
lại tư tưởng ủng hộ Liên Xô của ông và các đồng chí vào những năm chiến
tranh lạnh, đối đầu với chủ nghĩa Mao, ông viết:
Có lẽ trong những người phản đối cộng sản, có một số rất ghét xét
lại chúng tôi vì là “tay sai Liên Xô.” Họ nghe Ðảng nên không hiểu là do
kiên trì phản đối nội chiến, chúng tôi đã bị khép tội chống Ðảng, phản
động trong bóng tối bí mật bao la của Ðảng.
Lúc đó với chúng tôi, đào đâu ra Human Right Watch, ra Internet,
ra Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết đòi Việt Nam tôn trọng nhân quyền,
đào đâu ra các thứ blogs ngày ngày đòi thả chúng tôi v. v.?.
Điều này không khác những người cộng sản Đông Âu trước khi bức tường
Bá Linh sụp đổ cũng từng hy vọng rằng họ có thể làm cho chủ nghĩa cộng
sản trở nên có một khuôn mặt mang tính người hơn.
Và trước khi hoàn tất quyển sách này, Trần Đĩnh vẫn còn đề đạt những
gì ông cho là nên làm với chính quyền hiện tại, vẫn còn mang tên cộng
sản, nhưng đã tiến hành một cuộc hôn nhân nhiều gai góc với nền kinh tế
tư bản chủ nghĩa.
No comments:
Post a Comment