LTS
- Tác phẩm Ðèn Cù chính thức ra mắt độc giả sáng 20 Tháng Tám. Từ ba
tuần nay, sau khi các trang mạng loan truyền bài viết của Ngô Nhân Dụng
và Mặc Lâm, rất nhiều người đến tòa soạn Người Việt hoặc email hỏi mua
sách. Ông Trần Ðĩnh năm nay 84 tuổi, sống ở Sài Gòn. Ông vào đảng Cộng
Sản từ năm 18 tuổi, làm báo đảng và từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh và
nhiều lãnh đạo cao cấp khác như Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng... Ông đã
sáng tác và dịch nhiều tác phẩm Anh, Pháp và Hoa ngữ sang tiếng Việt.
Ông trả lời cuộc phỏng vấn này qua điện thoại sáng ngày 21 Tháng
Tám.
Người
Việt (NV): Thưa ông, Ðèn Cù đã chính thức ra mắt độc giả. Sáng hôm qua,
quang cảnh tòa soạn Người Việt nhộn nhịp khác thường vì số đông độc giả
đến mua Ðèn Cù. Xin ông cho biết cảm tưởng của ông ra sao khi đứa con
tinh thần của mình được chào đón nồng nhiệt như vậy?
Trần Ðĩnh: Xin
cảm ơn ông Ðinh Quang Anh Thái vừa phỏng vấn tôi bằng điện thoại và còn
gửi hình cho thấy quang cảnh người đọc nhộn nhịp đến mua sách. Ðèn Cù
là một tiếng kêu đau thương dài cả hàng chục năm, ít nhất là của tôi,
Hồng Linh (vợ tôi), Trần Châu (anh tôi) và các bạn bè gần gũi của
tôi, phần lớn là nạn nhân chính trị như tôi. Trong Ðèn Cù tôi có dành
nhiều trang nói đến số phận bà con trong Nam sau năm 1975 - gồm có bố
tôi và các em tôi - vậy thì có thể nói tôi cũng đã kêu hộ cả bà con
trong đó, những số phận mà tôi thấy giống số phận tôi. Tại sao kêu? Có
lẽ ở giữa sa mạc nếu bị đau con người ta cũng kêu. Kêu cho vợi nỗi đau.
Và kêu với Trời. Mong Trời thấu. Nhu cầu nỗi niềm riêng được rọi thấu
thực chất là nhu cầu được cứu giúp, chia sẻ, nó chính là nhằm vào cái
kho báu sẵn sàng nhạy bén mở ra ban phát ở trong mỗi ai còn có lương
tri: Tình thương đồng loại. Tôi cảm ơn nhà xuất bản Người Việt đã bắc
một cây cầu nối tiếng kêu của tôi với người đọc. Và khi biết người đọc
sẵn sàng chia sẻ, cứu giúp
mình thì còn gì bằng được như thế nữa.
NV: Hẳn rằng tin tức Ðèn Cù đã về tới Việt Nam; ông có gặp khó khăn nào không với guồng máy an ninh - vì nội dung cuốn sách?
Trần Ðĩnh:
Chưa thấy gì. Tôi hy vọng nhà cầm quyền đã thấy được lòng dân đang quá ư
bồn chồn chờ thay đổi. Phải nói là dân bất bình lắm rồi. Càng đàn áp
thì càng nung sôi lòng bất bình của dân lên.
NV: Trong
Ðèn Cù ông viết: “Tôi đã tự nguyện làm thủ phạm tàn phá trước hết vào
chính ngay mình. Tôi vốn yêu viết. Nhưng đã không viết
nổi. Ðứa thủ phạm là tôi bắt tôi viết dưới bóng tối của “Hận Thù và Dối
Trá.” Viết Ðèn Cù, ông đã vĩnh viễn thoát khỏi “Hận Thù và Dối Trá”;
xin hỏi ông, số người như ông hiện nay tại Việt Nam có nhiều không?
Trần Ðĩnh:
Thật ra, từ khi cầm bút viết, tôi chưa kêu gọi hận thù bao giờ. Còn
viết Ðèn Cù là tôi đã thoát khỏi hai cái gông cùm kẹp: “Hận Thù và Dối
Trá.” Còn câu hỏi của ông Thái là số người như tôi có nhiều không, thì
khó trả lời nhỉ. Vì chả lẽ đổ vấy cho người khác cái mà họ không có, thí
dụ bảo là họ sợ. Nhưng trong những người viết thực thụ thì động cơ hận
thù và dối trá nay có lẽ đã nhạt đi nhiều rồi.
NV: Trong
mắt ông, ông Hồ Chí Minh là người “Lòng trung của ông Hồ đối với Lê
Nin, Stalin, Mao Trạch Ðông là vô bờ. Cho nên lòng trung của ông Hồ với
nước Việt, dân Việt vơi đi.” Ông có thấy giới lãnh đạo hiện nay tại Việt
Nam vẫn giữ nguyên “lòng trung” như ông Hồ đối với Bắc Kinh không?
Trần Ðĩnh:
Ý thức hệ Mác xít kêu gọi đoàn kết - với khẩu hiệu “Vô sản toàn thế
giới liên hiệp lại.” Nhưng đến Ðệ tam Quốc tế của Lê-nin thì khẩu hiệu
ấy đã cõng thêm nội dung trung thành với Liên Xô, Stalin. Cần nói rõ,
với người cộng sản, nguyên tắc tập trung dân chủ và đảng cộng sản của
mỗi nước là chi bộ của quốc tế, mà quốc tế là Lê-nin, Stalin, Liên Xô
và rồi dần dà thêm cả Mao Trạch Ðông. Người Cộng Sản Việt Nam không chỉ
mang có chữ trung này mà phảng phất như còn mang cả chữ hiếu đễ nữa. Vì
Cộng Sản Việt Nam vẫn dạy nhau “uống nước nhớ nguồn,” mà nguồn là Liên
Xô, Trung Quốc (như câu ca dao “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”).
Ðặc biệt ngoài ý thức hệ đòi phải trung thành lại còn thêm đủ các thứ
ràng buộc chung thủy như “môi răng,” “anh em một nhà.” (Tất cả tội nợ là
vì chúng ta quá xính ví von, hò vè, hình tượng hóa các phạm trù chính
trị.) Chẳng hạn dân vẫn được dạy phải “trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình”
để ghi nhớ và đền đáp lại viện trợ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc. Nhìn
chung,
có thể nói cho đến trước khi xẩy ra vụ giàn khoan HD 981 mà mới đây
Trung Quốc đưa vào lãnh hải Việt Nam, thì giới lãnh đạo Hà Nội còn cố
trung thành với Bắc Kinh, nhưng từ sau vụ sấp mặt đáng sợ đó thì Ðảng
Cộng Sản bắt đầu có dấu hiệu khác. Nếu họ dám cương quyết “thoát Trung”
như thế thì đó là hành động đáng khuyến khích.
NV: Trước
tình hình Trung Quốc ngày càng ngang ngược lấn chiếm biển đảo của Việt
Nam, đồng bào mình tại quê nhà đang kêu gọi đảng Cộng Sản phái “thoát
Trung”; một số người còn cho rằng, muốn “thoát Trung” thì trước hết phải
“thoát Cộng.” Xin nghe quan điểm của ông về vấn đề này.
Trần Ðĩnh: Trong
những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã nói với anh em an ninh Hà Nội,
rằng tôi không theo chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là tôi muốn “thoát Cộng.”
Bây giờ, đảng Cộng Sản sắp đại hội, các anh - như Nguyễn Chí Hùng, Lê
Tiến, Ðoan, Tuấn. v.v... - hay hỏi tôi nghĩ gì về nhân sự lãnh đạo sắp
tới của đảng, thì tôi lại nói tôi không nghĩ gì. Vì sao tôi dửng dưng
thế? Vì một: vẫn cứ là tiến lên chủ nghĩa xã hội, cái mục tiêu tôi không
thích; hai: nhân sự vẫn chỉ là con súc sắc do một người tiện, rồi chính
lại vẫn người ấy tung ra, ngửa ra số mấy thì số đó trúng.
Thế
thôi. Trong Ðèn Cù tôi có viết: “Những
ngày Tháng Tám 1945 tưng bừng, đứa thiếu niên 15 tuổi là tôi chỉ thấy
đảng là chấp nhận tù đày, máu me, biểu tượng của hy sinh cao quý. Vào
đảng để theo vị ‘Chúa Tể Tân Thời’, để được hy sinh, gian khổ chuộc lại
những tháng năm nhởn nhơ của của mình. Và tôi đã có một thời đắm chìm
trong cuồng ảo xóa bỏ chế độ tư hữu, dựng xây chế độ đại đồng cho loài
người sung sướng với công hữu mà chuồng xí khi ấy cũng dát vàng...”
Nhưng
rồi tôi bắt đầu thấy vị “Chúa Tể Tân Thời” phát hành bạc giả. Chấp nhận
bạc giả thì tôi vinh hoa, từ chối thì tan nát. Hai ngả rõ như ban
ngày.
Ðảng
nói xây dựng xã hội công bằng, dân chủ nhưng đảng coi dân là quần chúng
chỉ có sứ mệnh là tuân theo và vỗ tay hoan hô sự lãnh đạo của đảng mà
thôi, bởi thế đảng mới đề ra “ý đảng lòng dân”, tức là dân chỉ có lòng
nô nức làm theo ý đảng. Nói một cách dân dã, đảng không nghe “đằng ấy”
đâu mà “đằng ấy” mở miệng. Hay thí dụ khẩu hiệu “đảng cử dân bầu,” lãnh
đạo cả đến từng lá phiếu của dân thì hỏi ở đâu ra công bằng được nữa
chứ. Tôi hy vọng đảng đang nhận ra chỗ so le đáng buồn giữa lời nói và
việc làm này, giữa phận dưới đáy của dân và uy cao chót vót của đảng. Vị
thế chót vót này tự nó làm cho mục tiêu công bằng đảng nêu ra trở thành
trò cười.
NV: Ông có lạc quan vào tương lai Việt Nam không?
Trần Ðĩnh: Xưa nay tôi vẫn có máu lạc quan nhưng tôi luôn tự dặn mình chớ có lạc quan tếu.
NV: Cuối cùng, ông có tâm sự gì muốn nói với độc giả Người Việt.
Trần Ðĩnh: Người
ta hay nói gợi hứng cho nhà thơ là một cô gái đẹp. Với tôi, kẻ kêu lên
nỗi đau thì người đọc là bến bờ an ủi. Xin chân thành cảm ơn trước những
bến bờ chìa tay đón nhận tôi.
NV: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.
No comments:
Post a Comment