Friday, January 15, 2016

KHƠI DÒNG SỬ VIỆT

Lịch sử Việt là lịch sử của sự thăng trầm từ khi lập quốc đến ngày nay. Dân tộc Việt đã phải chịu đựng gần một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, sau chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử năm 938 của Ngô Quyền đã mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc. Trong suốt trường kỳ lịch sử, Hán tộc bành trướng với ưu thế của kẻ thắng trận và thủ đoạn thâm độc quỷ quyệt đã dùng mọi phương cách để đồng hóa Việt tộc bằng cách xóa đi mọi dấu vết cội nguồn, bóp méo sửa đổi lịch sử khiến thế hệ sau chỉ biết tìm về lịch sử trong một mớ “chính sử” hỗn độn mơ hồ. Mỗi một triều đại Hán tộc đều chủ tâm thay đổi địa danh, thủy danh xưa cũ của Việt tộc cùng với ảnh hưởng nặng nề của gần một ngàn năm đô hộ của sự nô dịch văn hóa khiến một số người chấp nhận tất cả như một sự thật mà không một chút bận tâm.

     Trình Bá Âu Đại Nhậm, trong tác phẩm “Bách Việt Tiên Hiền Chí” thời Minh đã viết: “Vốn xưa Cối Kê là đất của Việt, miêu duệ của vua Hạ Vũ cai trị đất này. Từ sau biến cố lìa tan, đến định cư trên miền duyên hải Giang Nam, kẻ làm Vương người làm Quân Trưởng, dòng dõi Bách Việt sinh sôi đông đảo, sống đời hạnh phúc, nức danh rạng rỡ ở đây. Đất nước của các Quân Trưởng, xa đến tận Nam Hải, Quế Lâm. Từ Hán về sau, để tiện việc cất quân đánh chiếm đã vẽ họa đồ phân chia Việt thành châu, thành quận lấy lệ mà thôi. Tên đất cũng là tự ý đặt, sai khác khá nhiều với tên đích thực…”. [1]

    Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, ánh sáng của sự thật soi rọi vào quá khứ bị che phủ hàng ngàn năm bởi kẻ thù Hán tộc bành trướng. Trong thiên niên kỷ thứ hai, trước đây nhân loại cứ tưởng tất cả nền văn minh Tây phương là của đế quốc Hy Lạp La Mã để rồi sau đó thấy rằng hầu hết các phát minh đến từ Trung Quốc ở phương Đông. Cuối thiên niên kỷ thứ hai, nhân loại lại ngỡ ngàng khi thấy rằng cái gọi là nền văn minh Trung Quốc lại chính là nền văn minh của đại chủng Bách Việt.

     Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nhìn lại toàn bộ lịch sử để phục hồi sự thật của lịch sử để xóa tan đám mây mờ che lấp suốt mấy ngàn năm lịch sử bởi kẻ thù truyền kiếp của dân tộc khiến chúng ta hoài nghi về nguồn gốc của dân tộc mình. Hàng loạt câu hỏi đặt ra như lịch sử Việt với huyền thoại Rồng Tiên hoang đường huyền hoặc vì thời buổi này ai mà tin người đẻ ra trứng rồi trứng lại nở ra người? Trước đây, một số sách lịch sử không tìm hiểu nghiên cứu về truyện họ Hồng Bàng nên cho rằng dòng Thần Nông phương Bắc là Trung Quốc, dân tộc ta là dòng Thần Nông phương Nam cùng một ông Tổ Thần Nông nên từ Tầu mà ra. Trên thực tế, Hán tộc là tộc người du mục thì làm sao có thể là con cháu của ông Tổ nghề trồng lúa nước Thần Nông? Ngay cả danh từ trăm họ, bách tính bá tánh và các dòng họ Việt Nam do ảnh hưởng của sự nô dịch văn hoá nên cũng cho là của Tàu, từ Tàu di cư qua Việt Nam mà quên rằng chính truyền thuyết mẹ Âu sinh trăm trứng đã dẫn đến ý niệm trăm họ của tộc Việt.

    Biết bao vấn đề cần làm sáng tỏ vì sau gần một ngàn năm dưới ách thống trị của Tầu Hán với chủ trương thâm độc quỷ quyệt, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc đã xuyên tạc bóp méo sửa đổi lịch sử để đồng hoá dân ta. Có một thực tế đau lòng là sau gần một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ của giặc Tây khiến dân tộc chúng ta dường như mang mặc cảm thua kém văn minh Tàu, cái gì hay đẹp cũng nói là của Tàu, cái gì to lớn văn minh cũng bảo là của Tây… đã tạo nên cái tự ti mặc cảm của một dân tộc nhược tiểu. Ai trong chúng ta cũng đều biết rõ mình không phải là Tàu nhưng không dẫn ra những chứng cớ thuyết phục để chứng minh. Thậm chí, ảnh hưởng của sự nô dịch văn hóa khiến một số người tỏ ra hoài nghi tất cả những gì mới lạ cho dù đó là một công trình nghiên cứu có tính khoa học thuyết phục của các học giả ngoại quốc mà vẫn khư khư chấp nhận những nhồi nhét từ ngàn năm qua. Chính vì vậy, một học giả thời danh ngoại quốc J. Needham đã phải viết rằng: “Sự thật bị che phủ hàng ngàn năm cùng với ảnh hưởng của ngàn năm thống trị nô dịch văn hóa khiến ngay cả người Việt cũng ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật!”.

   Trong lịch sử nhân loại, không một dân tộc nào chịu nhiều mất mát trầm luân như dân tộc Việt với những thăng trầm lịch sử, những khốn khó thương đau. Ngay từ thời lập quốc, Việt tộc đã bị Hán tộc với sức mạnh của tộc người du mục đã đánh đuổi Việt tộc phải rời bỏ địa bàn Trung nguyên Trung Quốc xuống phương Nam. Các nhà Việt Nam học khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam vẫn đặt ra 2 câu hỏi mà vẫn chưa được lý giải thỏa đáng, đó là tại sao triều đại nào của Trung Quốc cũng chủ trương xâm chiếm lãnh thổ và tiêu diệt Việt tộc bằng mọi giá và yếu tố nào đã giúp dân tộc Việt Nam tạo nên kỳ tích là sau gần 1 ngàn năm bị thống trị mà dân tộc Việt vẫn vùng lên giành lại được độc lập dân tộc? Thật ra, tìm hiểu suy ngẫm lại toàn bộ tiến trình lịch sử thì chúng ta thấy ngoài lý do vị trí địa lý chiến lược và tài nguyên, có 2 lý do chính để Hán tộc phải tiêu diệt Việt tộc bằng mọi giá. Lý do chính là Hán tộc đã lấy văn hóa Việt cải biến thành văn hóa Hán, văn minh Hán và lãnh thổ Trung Quốc ngày nay chính là địa bàn cư trú của tộc Việt mà Hán tộc đã xâm chiếm và quan trọng hơn nữa là quá nửa dân số Trung Quốc là người gốc Việt cổ. Đây là một nguy cơ tiềm tàng đe dọa sự sống còn của Trung Quốc nên triều đại nào, giới cầm quyền nào cũng chủ trương xâm lược tiêu diệt dân tộc chúng ta.

    Người Việt là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, mỗi chi tộc cư trú trên một địa bàn nằm rải rác trên khắp lãnh thổ Trung Quốc bây giờ và thường đánh lẫn nhau để giành quyền lãnh đạo nên cộng đồng Bách Việt bị phân hóa và suy yếu. Vì vậy, khi Hán tộc du mục thiện chiến từ Tây Bắc tràn xuống đánh chiếm dễ dàng. Thời Xuân Thu Chiến Quốc hết Ngô đến Việt rồi Sở đánh lẫn nhau giành ngôi bá chủ trung nguyên, cuối cùng bị đế quốc Tần đánh đuổi phải chạy xuống phương Nam hội nhập vào phần còn lại của quốc gia Văn Lang ở Việt Nam bây giờ. Chính hoàn cảnh lịch sử đã hun đúc lòng yêu nước thương nòi của con dân đất Việt, mỗi người Việt Nam sinh ra đã có một gene di truyền yêu nước thương nòi. Lãnh thổ Việt Nam hiện tại tập trung đồng bào thuộc các chi tộc Việt đã tạo thành một sức mạnh tổng lực để vùng lên quật khởi giành lại nền độc lập dân tộc sau gần 1 ngàn năm nô lệ vào đúng thời điểm Hán tộc phương Bắc suy yếu.

    Hán tộc là một tộc người du mục, bản chất hiếu chiến hiếu sát với tư tưởng chủ đạo “Độc tôn Đại Hán,” tự cho mình là trung tâm của thiên hạ nên ngay từ triều Thương, sau khi đánh đuổi nhà Hạ của tộc Việt đã chọn tên nước là Trung Quốc. Trung Quốc là nước trung tâm của thiên hạ, triều đình Trung Quốc là “Thiên triều” trong khi các nước khác là chư hầu, vua Trung Quốc là Thiên tử.

     Sau khi đã xâm chiếm nhà Hạ và các nước Bách Việt, hết Thương rồi đến Chu đã xâm thực văn hóa, tiếp thu tinh hoa của nền văn minh Việt rồi cải biến thành văn hóa Hán. Hán tộc tự cho mình là văn minh còn tất cả các nước là man di mọi rợ nên Hán sử viết tên của những dân tộc xung quanh họ kèm theo bộ khuyển (chó), bộ trĩ (côn trùng), bộ mã (ngựa). Các sử gia Hán tộc với quan niệm: “Đại nhất thống” tự nhận là tộc người ưu việt, trung tâm của thế giới là cái rốn của nhân loại. Chủ trương trước sau như một của Đại Hán bành trướng là “Huệ thử Trung Quốc, dĩ tuy Tứ phương” nghĩa là: “lấy ân huệ Trung Quốc để yên định bốn phương.” Đó là chủ trương bành trướng Đại Hán “Dĩ Hạ biến Di” nghĩa là lấy cái cao thượng, tao nhã của Đại Hán để cải hoá man di mọi rợ!

    Sau khi tiếp nhận văn hóa Việt, chữ viết của các dân tộc Việt rồi lợi dụng Hán tự là văn tự duy nhất, các sử gia Trung Quốc từ cổ đại đến nay đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, sửa đổi cho phù hợp với sử quan Đại Hán, đánh đổ lòng tự hào dân tộc của các dân tộc bị trị để dễ bề thống trị và đồng hoá. Đó là chủ trương nhất quán, là bản chất bành trướng thâm độc của họ xuyên suốt dòng lịch sử từ xưa tới nay. Chính vì thế, lịch sử Trung Quốc là lịch sử của những cuộc chiến tranh xâm lược bành trướng, thôn tính và đồng hóa các dân tộc khác. Lịch sử Trung Quốc khởi từ triều Thương với lãnh thổ chỉ rộng bằng 2 tỉnh ngày nay mà bây giờ đã trở thành một đế quốc rộng lớn đô hộ thống trị các dân tộc Mông, Mãn, Tạng và Hồi. Nhà Trung Hoa học Terrien De LaCouperie trong tác phẩm “China Before the Chinese” đã nhận định rằng đế quốc Trung Hoa đã thôn tính và đồng hóa 21 sắc dân khác.

    Chủ trương tiêu diệt văn hóa Việt thời quân Minh xâm lược được sử gia Trần Trọng Kim ghi lại trong Việt Nam Sử Lược như sau: “Triều Minh xóa sạch văn hóa và bản sắc người Việt, bắt người Việt phải sinh hoạt giống người Tàu, từ cách ăn mặc, học hành, đến việc cúng tế. Đàn ông Việt Nam bị hoạn thiến rất nhiều. Sách vở bị đốt phá, báu vật, sách quý và những người tài giỏi đều bị đem về Tàu. Các sách lịch sử, binh pháp có giá trị của Đại Việt được lưu truyền từ nhiều đời, đặc biệt là binh pháp đời Trần, đã bị thất truyền là do vậy. Trong số hơn 7600 nhân tài của Đại Việt trong đó có nhà chế tạo súng Hồ Nguyên Trừng, kiến trúc gia Nguyễn An bị bắt sang Tàu để phục vụ chính quyền nhà Minh, đồng hóa họ, sinh con đẻ cháu và chết luôn bên Tàu. Ngoài ra, triều Minh còn áp dụng hệ thống sưu cao thuế nặng, ra sức khai thác tài nguyên của Đại Việt đem về Trung Hoa.”[2]

     Đế quốc Trung Cộng chỉ mới xâm chiếm Tây Tạng từ năm 1959 đến nay mới có hơn một nửa thế kỷ mà Đức Đạt lai Lạt Ma của Tây Tạng đã ngậm ngùi cay đắng thốt lên: “Tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ và nhân cách của các thế hệ Tây Tạng, vốn quý giá hơn mạng sống của họ, nay đã gần như bị tiêu diệt ! Đảng cộng sản và nhà nước Trung Cộng đã biến Tây Tạng thành một “Địa ngục trần gian”!.

    Đã đến lúc phải trả lại lịch sử những gì của lịch sử. Dưới ánh sáng của chân lý khách quan, lịch sử vẫn là lịch sử của sự thật dù bị sửa đổi vùi lấp hàng nghìn năm bởi sức mạnh của kẻ thống trị. Kết quả của khoa Phân tích Di truyền hoàn toàn phù hợp với thư tịch cổ Trung Hoa, Khoa Khảo cổ học, Nhân chủng học, Khảo tiền sử kể cả truyền thuyết Rồng Tiên về thời kỳ dựng nước của Việt tộc. Chứng cớ khoa học mới nhất có tính thuyết phục nhất, một lần nữa khẳng định tộc Việt và Hán tộc là 2 tộc người khác nhau.

     Việt tộc có yếu tố đột biến di truyền đặc biệt của châu Á trong khi Hán tộc không có yếu tố này.[3] Các công trình khoa học cũng xác định địa bàn cư trú của tộc người Malaynesian=Malayo-Viets từ rặng Tần Lĩnh, hạ lưu sông Hoàng Hà ở Trung nguyên trải dài xuống tận vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Địa bàn cư trú của Việt tộc phía Bắc tới hạ lưu sông Hoàng Hà, phía Tây giáp Tây Tạng, Đông giáp Nam Hải, Nam xuống tận Bắc Trung Việt, chính là cương giới của nước Văn Lang xưa của tộc Việt.

    Trong suốt trường kỳ lịch sử, tuy bị Hán tộc xâm lấn phải bỏ trung nguyên xuống phương Nam nhưng nền văn hóa của Việt tộc đã thẩm nhập vào đất nước và con người Hán tộc để hình thành “cái gọi là văn minh Trung Quốc”. Chính sử gia chính thống của Hán tộc là Tư Mã Thiên đã phải thừa nhận một sự thực là: “Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy …”. Vạn thế sư biểu của Hán tộc là Khổng Tử đã ca tụng nền văn minh rực rỡ, xác nhận tính ưu việt của nền văn minh Bách Việt ở phương Nam. Trong sách Trung Dung Khổng Tử đã viết như sau:

Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ở đấy..!  Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo ở đó ..”.

    Trong kinh “Xuân Thu”, Khổng Tử đã ghi lại bao nhiêu trường hợp cha giết con, con giết cha, cha cướp vợ của con, con cướp vợ của cha, anh chị em dâm loạn với nhau, bề tôi giết chúa … Điều này chứng tỏ Hán tộc du mục vẫn còn dã man mạnh được yếu thua, bất kể tình người, bất kể luân lý đạo đức. Thế mà chính sử Trung Quốc cứ vẫn miệt thị Việt tộc là man di, các Thứ sử Thái Thú Hán vẫn lên mặt giáo hóa dân Việt trong khi Bách Việt ở phương Nam đã đi vào nền nếp của văn minh nông nghiệp từ lâu.

    “Vạn thế Sư biểu” của Hán tộc là Khổng Tử cũng đã phải đem những nghiên cứu, sưu tập, học hỏi của nền văn minh Bách Việt phương Nam đặt để thành những tôn ti trật tự, những giá trị đạo lý cho xã hội Trung Quốc. Tất cả những “Tứ thư, ngũ kinh” được xem như tinh hoa của Hán tộc đã được chính Khổng Tử xác nhận là ông chỉ kể lại “Thuật nhi bất tác”, chép lại của tiền nhân chứ không phải do Khổng Tử sáng tác ra. Chính vì Hán tộc đã lấy văn hóa Việt rồi biến cải thành văn hóa Hán rồi lại ra sức truyền bá nhồi nhét cái gọi là văn hóa Hán suốt gần 1 ngàn năm thống trị nên chúng ta cứ tưởng từ cái tết đến tiết thanh minh, tết Đoan Ngọ, tết trung Thu… là của Tàu trong khi đó chính là lễ hội của cư dân nông nghiệp chúng ta.

     Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi khi giới nghiên cứu đều xác nhận hầu hết các phát minh gọi là văn minh Trung Quốc từ nền văn minh nông nghiệp đến văn minh kim loại, kỹ thuật đúc đồng, cách làm giấy, cách nấu thủy tinh, cách làm thuốc súng, kiến trúc nóc oằn mái và đầu dao cong vút … tất cả đều là của nền văn minh Bách Việt. Chính Hán Hiến Đế, vị vua cuối cùng của triều Hán đã phải thừa nhận như sau: “Giao Chỉ là đất văn hiến, núi sông un đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất ..!”.

     HƠN LÚC NÀO HẾT, tìm hiểu về huyền thoại Rồng Tiên, khởi nguyên dân tộc Việt Nam thời Lập Quốc với Quốc Tổ Hùng Vương là một yêu cầu lịch sử hết sức cần thiết. Thế hệ con em chúng ta sẽ hiểu rõ về bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt, về đời sống văn hoá tâm linh Việt, về những lễ tết, hội hè đình đám của dân tộc Việt. Để từ đó, thế hệ con em chúng ta sẽ thấy rõ hơn gía trị cao đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống nhân bản Việt.

     Chúng ta có quyền tự hào là “con Rồng cháu Tiên” của một dân tộc có lịch sử lâu đời như  danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã  tuyên xưng: “Chỉ  nước Đại Việt ta từ  trước, mới có  nền văn hiến ngàn năm”. Chúng ta hãnh diện được làm người Việt Nam thuộc một đại chủng lớn của nhân loại để ngẩng cao đầu sánh vai cùng các cường quốc trong thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

     Chúng ta phải làm sao xứng đáng với tiền nhân, chúng ta phải làm gì để không hổ thẹn với hồn thiêng sông núi, với anh linh của những anh hùng liệt nữ Việt Nam. Toàn thể đồng bào trong nước và Hải ngoại cùng nắm chặt tay nhau, muôn người như một cùng đứng lên đáp lời sông núi để cứu quốc và hưng quốc, tô điểm giang sơn gấm vóc, xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng.

     Chính niềm tự hào dân tộc sẽ thôi thúc lòng yêu nước của toàn thể đồng bào Việt Nam chúng ta, nhất là thế hệ trẻ trong nước và Hải ngoại để vươn lên làm một cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ xã hội. Điều kiện khách quan của lịch sử đã tạo cho dân tộc chúng ta một thế hệ trẻ có đầy đủ tri thức thời đại để hoàn thành một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật siêu vượt, đưa đất nước chúng ta bước lên sánh vai cùng các cường quốc trong thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

Mùa Giỗ Tổ 4.890 Việt Lịch (2011 DL)

PHẠM TRẦN ANH







[1] Âu Đại Nhậm: Bách Việt Tiên Hiền Chí, Trần Lam Giang dịch, Ban Tu Thư Thư viện Việt Nam ấn hành 2006. Việt Nam Suối Nguồn Văn minh phương Đông của Du Miên trích dẫn, NXB TTNC Văn Hóa Việt Nam tr223.
[2] Trần Trọng Kim: Việt Nam Sử Lược, NXB Tân Việt Sài Gòn tr 235.
[3] S.W. Ballinger& đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45. “The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNA with HpaI/HincII were observed in the Vietnamese….”                        

No comments:

Post a Comment