Thursday, January 28, 2016

TÔI PHẢI SỐNG …


Buổi lễ Tưởng niệm ba mươi hai năm “NGÀY MẤT NƯỚC” được tổ chức ở tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, tôi đến tham dự và được ban tổ chức mời phát biểu cảm tưởng và thay mặt các Hội đoàn, Đoàn thể đọc Tuyên Cáo. Buổi lễ ngoài trời với đông đảo bà con đồng hương tham dự, mãi đến gần 7 giờ tối, tôi lên tuyên đọc Tuyên Cáo lên án chế độ CS việt gian Hại dân bán nước. Chính vì vậy, tôi không đến kịp để dự “Bữa Cơm Cay Đắng” do Tổng hội cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và thân hữu tổ chức. Mục đích buổi họp mặt này chính là để anh em tâm tình, nhắc lại những buồn vui để chung lòng chung sức tiếp tục công cuộc đấu tranh giải thể chế độ cộng sản mang lại tự do dân chủ hạnh phúc thực sự cho hơn 84 triệu đồng bào Việt Nam. 

Tôi còn nợ anh em vì đã đến không kịp nên phải viết một bài về chuyện tù, thơ tù để đăng trên tạp san Hoài Bão và báo Thời Luận để tạ lỗi với anh em. Khi đặt bút viết, ý nghĩ cứ tuôn trào nên mới chọn những bài thơ tù "Đứt Ruột" của những tù nhân bất khuất để gửi đến quí vị...Vâng, tôi xin tản mạn đôi điều tâm tình về những ngày tháng lao tù đày ải trong các trại tù của Cộng sản. Đây không phải là hồi ký nên nhớ đến đâu viết đến đó, không có đầu đuôi gì, xin quí vị thông cảm mà đại xá cho ...


Khoảng tháng bảy năm 1978, tôi được mở cùm chân còng tay đi “làm việc” với Viện Kiểm sát nhân dân để kết cung ra tòa. Sau một thời gian dài nằm trong ngục tối, bị cùm còng đói ăn khát uống lại nếm đủ mùi vị kỹ thuật khai thác cung cán của những tên cộng sản chuyên chính dày dạn kinh nghiệm tra khảo nên khi vừa bước ra ngoài xà lim, người tôi lảo đảo phải dựa vào tường mấy phút mới đứng vững được. Cô công an dẫn tôi tới một căn phòng, vừa bước vào tôi thấy một người mặt mày nhẵn bóng, bận đồ vest đàng hoàng nhưng lại ngồi chồm hổm trên ghế, để lộ cả đôi bí tất chân cao chân thấp. 

Thấy tôi bước vào phòng, y vội bỏ chân xuống, đưa mắt nhìn cô thư ký như trách móc sao không gõ cửa báo trước để tôi nhìn thấy cảnh ngồi chồm hổm kiểu ngồi nước lụt này. Bắt đầu “khúc dạo đầu” là màn hỏi thăm sức khoẻ rồi gợi tới tình cảm gia đình, mẹ già vò võ, vợ dại con thơ rất ư là bài bản. Tuy biết là tên cáo già này nhắc tới những tình cảm thân thương ruột làm mình mềm yếu tình cảm để mình “thành khẩn khai báo”, thế mà tôi thấy mình như chựng lại, tự nhiên thấy xót xa rồi lòng mình mềm nhũn... Tên cán bộ ngồi nước lụt này có vẻ đắc ý nên y nói giọng nhân nghĩa nào là “Cán bộ ở đây đối xử với anh có tốt không? Có ai đánh đập anh không? Nghiên cứu hồ sơ tôi thấy anh còn ngoan cố chưa thành khẩn nhận rõ tội lỗi của mình. Nếu anh thành khẩn khai báo, thì khi ra toà tôi sẽ tha tội chết cho, may ra còn có ngày về đoàn tụ với mẹ và vợ con anh …”. 

Đến đây thì tôi chịu không nổi nữa, tôi cũng muốn kết thúc một lần cho xong nên phản ứng liền: “Anh đừng giả vờ giả nhân giả nghĩa nữa, chính anh ra lệnh đánh tôi chứ ai. Anh không cần nói nhiều nữa, đưa tôi tờ giấy trắng tôi ký tên, khỏi cung với cán gì nữa ...”. Tên viện kiểm sát tức giận đập tay xuống bàn rồi bỏ đi ra khỏi phòng … 


Khi tên kiểm sát vừa bước ra khỏi phòng, cô bé thư ký bước vội tới nắm lấy vai tôi nói vội: “Tại sao chú lại nói vậy, chú có biết ông này... thằng này nó giết bao nhiêu người rồi không? Chú phải sống ...”. Nói xong như lỡ lời, cô bé trở về chỗ ngồi nhìn tôi bằng đôi mắt ái ngại... Tôi cũng ngạc nhiên trước thái độ của cô thư ký “Cộng Sản” giàu lòng nhân ái này, hình ảnh bộ mặt hốt hoảng của cô bé theo tôi mãi cho đến bây giờ, xin cảm ơn người cán bộ “ba mươi” còn lại chút tình người này...

ĐÒN THÙ PHỦ ĐẦU


Tôi bị bịt mắt hai tay còng quặt ra sau lưng rồi hai tên công an đi kè hai bên đẩy tới trước, mình đi theo như một cái xác không hồn. Không biết cuộc đời sẽ đi về đâu, một ý nghĩ chợt loé lên “Đã tới nước này rồi thì kệ nó tới đâu thì tới, chết là cùng chứ gì ...”. Vừa bị đẩy vào phòng thì nghe tiếng quát, giọng Bắc kỳ đặc sệt: “Địt Mẹ mày, giờ này mà còn phản động… để tao xem gan mày to bao nhiêu mà dám chống lại chúng ông, úp mặt vào tường, khẩn trương lên ...”. Bất thình lình một báng súng như trời giáng vào lưng, đau nhói tá hoả tam tinh. Chưa kịp hoàn hồn thì những cú đấm, cái đá dồn dập, tôi lảo đảo té xấp vào tường không biết gì nữa... 


Đêm xuống cái lạnh buốt giá của hơi sắt cùng với mùi hôi tanh xen lẫn khai khai của nước đái làm tôi tỉnh lại tự lúc nào. Tôi thấy người ê ẩm, hai tay bị còng ra đằng trước, hai chân thò ra ngoài cùm run lên vì lạnh, nhìn mãi cũng không nhận ra nằm ở đâu, định thần nhìn lại mới thấy chung quanh lờ mờ khoảng hơn 2 thước vuông. Tôi chợt nhận ra là mình đang nằm trong cái thùng sắt mà ngày xưa thường gọi là cô nếch là cái thùng đựng hàng mà bây giờ gọi là container loại nhỏ, "tàn dư của đế quốc Mỹ đây mà". Ban đêm thì lạnh cóng, ban ngày thì hơi nóng của cái hộp sắt kín mít như một lò hấp người. 


Hôm sau chúng giải tôi lên Trại tạm giam Đà Lạt nguyên là trung tâm thẩm vấn của chế độ cũ. Tôi bị đẩy vào một xà lim nhỏ khoảng 2mx1m4 và cao khoảng 2 m. Nằm ngửa chân tay xiềng xích, mắt nhìn thẳng lên cái trần bêtông ở giữa có khoét một lỗ vừa đủ thò ra một cái bóng đèn tròn rọi thẳng vào mắt. Tôi chợt hiểu đây chính là đòn tra tấn nhẹ nhàng cân não làm mắt mình mỏi mệt, cộng với chính sách bao tử cho ăn cầm hơi để cho tù đói ăn khát uống, tinh thần sẽ suy xụp để chúng dễ bề khai thác. 


Tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng những gì chúng biết thì mình cứ từ từ khai như có vẻ “thành khẩn” khai báo như chữ thường dùng của Việt cộng và một số chi tiết dự phòng khi bị tra tấn thì làm như đau quá chịu không nổi phải khai ra để chúng cho là “thật” nhưng đã được chuẩn bị trước. Quan trọng nhất là đã khai lý lịch rồi, khai điều gì rồi thì phải nhớ nằm lòng, phải tử thủ, khai đi khai lại cũng trước sau như một. Chứ trật hoặc thêm một chi tiết nào là đời khốn nạn liền. Chúng cứ nắm lấy những sơ hở rồi lấy cung liên tục để moi ra cho bằng được. Khi chúng đưa ra những lời khai của người khác là phải phủ nhận và đòi đối chất với người đó ngay để chứng tỏ mình khai thật và cũng là cách để mình hoãn binh chi kế rồi tính sau…


Tôi mỉm cười nhưng nằm ngửa suốt cả ngày, mệt mỏi rã rời, bụng đói cồn cào... Cái cảm giác khó chịu nhất là mắt hoa lên, dường như tấm đan bêtông trên trần nhà thấp lè tè như đang ụp xuống đè lên người tôi. Cái khó chịu nhức nhối ám ảnh mà bây giờ sau mấy chục năm vẫn còn ám ảnh, không thể nào quên nổi và cũng chẳng có ngôn từ nào có thể diễn tả được. Thế nhưng cũng chính thời gian đó tôi làm được 4 câu thơ đầu tiên trong đời mà tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi lại có thể làm thơ được:

Gươm Đàn, hề nửa gánh,
Sầu cố quốc khôn khuây.
Nam nhi, hề chí khí,
Vuốt mặt, luống đoạn trường...





No comments:

Post a Comment