Friday, November 14, 2014

Trung Cộng không chỉ nguy hiểm về quân sự

image

Với 4000 tỷ usd thặng dư ngoại hối, khối dự trữ lớn này sẽ như quả “bom nguyên tử” đối với Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, nếu Trung Cộng không cân đối sử dụng chuẩn mực hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm thì “phóng xạ” của nó sẽ gây nên căng thẳng tác động tiêu cực đến một phần trật tự, kinh tế tài chính, xã hội toàn cầu”.

Ngày 10/11/2014 Nguyên thủ 21 nước thành viên lãnh đạo các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) Khai mạc phiên họp thượng đỉnh tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Cộng.

image

Danh chính ngôn thuận là “hợp tác” nhưng tại phiên họp APEC lần này (2014) người ta có cảm tưởng bên cạnh khái niệm “hợp tác ” (cùng nhau cho một việc chung) thì chính danh từ “tác” đi kèm lại nảy thêm một ý nghĩa khác là “tác động tạo ảnh hưởng riêng”- Thực tế chứng minh đã hiển hiện dù chưa đậm nét.

Một tháng, trước ngày thượng đỉnh APEC hội tụ, 2/10 trong chuyến thăm Indonesia quốc gia đông dân nhất trong khối Asean, tại diễn đàn Quốc Hội nước này ông CT/Tập Cận Bình thông báo Trung Cộng sẽ thành lập AIIB Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank).

Cũng nên lưu ý, cùng thời điểm này các đối tác Hiệp Ước “TPP” do Mỹ chủ động khởi xướng (không có Trung Cộng) đang nỗ lực đàm phán hy vọng đạt được một tuyên bố thỏa thuận chung.

image

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại quốc hội IndonesiaJakarta.

Còn trước đó nữa tại Bắc Kinh ngày 24/10 ông Tập Cận Bình nước chủ nhà cùng đại diện các quốc gia Châu Á bao gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thailand, Uzbekistan và Việt Nam đã cùng ký một bản ghi nhớ về việc thành lập ngân hàng AIIB mà số vốn khởi điểm chủ yếu từ Bắc Kinh sẽ là 50 tỷ usd và dự kiến tương lai gần tăng lên gấp đôi, theo kế hoạch sẽ chính thức hoạt động trong năm tới (2015). 


image

Tại Bắc Kinh ngày 24/10 ông Tập Cận Bình cùng đại diện 20 nước Châu Á, Asean “thai nghén”ngân hàng AIIB

“AIIB” một tổ chức ngân hàng “đa phương” trụ sở đặt tại Trung Cộng và do Trung Cộng “chủ xị” vốn 50 tỷ usd, như một thể chế tương tự Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Trung Cộng muốn thành lập AIIB như là một đối trọng với WB và ADB, những thể chế mà Bắc Kinh cho là hình thành từ nguồn vốn của Mỹ và Nhật bị 2 quốc gia này chi phối.

Bước đi này, tại khu vực Châu Á - Trung Cộng rõ ràng là trước tiên muốn đè bẹp “việt vị” ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) “đóng băng” ảnh hưởng Nhật Bản chứ không muốn đạt một vị trí lớn hơn trong tổ chức này nếu nâng phần đóng góp của mình nhiều hơn.

Lại không thể không quan tâm, AIIB chẳng phải là “đột biến gen” mà là sản phẩm chính qui “made in China” nối tiếp theo sau một sản phẩm tài chính “cộm cáng” khác mà Trung Cộng tham gia thiết kế đã chào hàng, đó là hồi trung tuần tháng 7/2014 Khối BRICS (Trung Cộng, Brazil, Nga, Ấn Độ, và Nam Phi) loan báo thành lập một ngân hàng mới có vốn 50 tỷ usd để hỗ trợ cho công cuộc giảm thiểu nghèo túng trên thế giới. Tổ chức này có tên “Ngân hàng Phát triển Mới” (New Development Bank) trụ sở đặt tại Trung Cộng (Thượng Hải) Đây được xem là một nỗ lực của năm nước khối BRICS nhằm thay thế Ngân hàng Thế giới (WB) và phát huy ảnh hưởng của khối này trong hệ thống tài chánh toàn cầu.


image

Lãnh đạo 5 nước trong khối BRICS tại Fortaleza, Brazil, ngày 15/7/2014.

So sánh nguồn vốn USD từ AIIB = 50 tỷ và BRICS= 50 tỷ với ADB = 175 tỷ và WB = 223 tỷ, khoảng cách Trung Cộng đầu tư còn thấp (so với WB+ADB) tuy nhiên với con số thặng dư ngoại hối nắm trong tay gần 4000 tỷ usd người ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh bất ngờ mở rộng hậu bao thêm nữa? Chuyện không phải là võ đoán, khi mới đây một quan chức ngành ngân hàng Trung Cộng khi đề cập việc Bắc Kinh thành lập AIIB nói rằng: "Trung Cộng cảm thấy không có ảnh hưởng gì ở WB và ADB hay IMF nên muốn thiết lập một hệ thống ngân hàng thế giới riêng như là điều tất yếu cần phải có của một nền kinh tế lớn” (WB nằm trong quỹ đạo của Mỹ, còn ADB là Nhật Bản. Tại ADB, Nhật Bản và Mỹ hiện là hai cổ đông lớn nhất với quyền bỏ phiếu lên tới 26%, trong khi Trung Cộng chỉ có 5,47%.)

11/11/2014, ngày thứ hai của Thượng đỉnh Diễn đàn (APEC) tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình “vui vẻ” thông báo, lãnh đạo các thành viên APEC đã thông qua “lộ trình” hướng tới việc thành lập FTAAP (Khu Vực Thương Mại Tự Do Châu Á Thái Bình Dương) . FTAAP bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cộng thêm 6 quốc gia khác ở Châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand và tất nhiên là Trung Cộng “chủ xị” - Bắc Kinh phớt lờ coi như Hoa Kỳ là khách không mời mà đến.

 image

Dự án FTAAP cạnh tranh với dự án Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương “TPP” mà Hoa Kỳ mong muốn thực hiện trong khuôn khổ chiến lược tái cân bằng lực lượng ở Châu Á, Trung Cộng bị gạt ra ngoài dự án này (TPP) và theo giới phân tích Trung Cộng, đây là một ý đồ của Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Cộng ngày càng gia tăng trên các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao.

Các nền kinh tế APEC chiếm tới 51% tổng sản phẩm quốc nội thế giới và 44% trao đổi thương mại toàn cầu vì vậy Bắc Kinh rất ủng hộ dự án FTAAP ngược lại các thành viên APEC củng ủng hộ tiến trình hội nhập FTAAP bởi quyến rũ từ một thị trường khổng lồ hàng tỷ người tiêu dùng Trung Cộng.

Tất cả dường như là những “nước đi” đầy tính toán trên bàn cờ di động địa chính trị của Trung Cộng phục vụ cho khát vọng “bá quyền” nhuộm màu cực đoan.

image

Bởi người ta không lý giải nổi, Trung Cộng là một trong 5 thành viên “nước lớn” trong HĐBA/LHQ với kho vũ khí hạt nhân đầy ắp, đã phóng vệ tinh, đưa được người lên không gian trở về an toàn, cũng có nghĩa không nơi nào trên trái đất này mà đầu đạn hạt nhân liên lục địa của TQ không chồm tới, nếu chuẩn mực sống trong hòa bình thì liệu có nước nào dám khiêu chiến tấn công TQ? Vậy mà 2 thập niên qua, liên tiếp % ngân sách quân sự quốc phòng luôn gia tăng 2 con số? Trong khi thu nhập bình quân (GDP) người dân TQ chỉ 5.000 usd/năm so với khu tự trị Macau là 91.000usd- HongKong là 36.000usd và Đài Loan là 20.000usd… Dù Bắc Kinh đang thặng dư mậu dịch để dành trong hầu bao là 4000 tỷ USD!? 

Thêm một điều mà chúng ta cần lưu ý quan tâm là các định chế tài chính thế giới hiện có như WB (Ngân hàng Thế giới) ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) hay IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) hoạt động trên tiêu chí đi kèm là “môi trường” và “nhân quyền” như là bổn phận trách nhiệm tất yếu phải cam kết nơi các đối tác thụ hưởng thì Trung Cộng nơi đang hy sinh môi trường để phát triển và cũng là nơi vi phạm nhân quyền nhất thế giới lại là “chủ xị” cho 2 định chế tài chính mới là AIIB và BRICS hầu mong cạnh tranh thay đổi cục diện!

Người ta có quyền hỏi, tại sao thừa tiền nhưng Trung Cộng không “rót” thêm vào WB, ADB hay IMF để nâng tỷ lệ vốn tạo thêm ảnh hưởng mà lại có chiều hướng mới như vậy? Không cần câu trả lời mà khái quát nhìn ra 4 hướng biên giới Trung Hoa lục địa…


image

Trung Cộng có tất cả 14 láng giềng, quá khứ và hiện nay từng có tranh chấp lãnh thổ với tất cả, trừ Pakistan. Mao Trạch Đông cho rằng các quốc gia và vùng đất gồm Myanmar, Lào, Bắc Ấn Độ, Việt Nam, Nepal, Bhuttan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, các hòn đảo Ryukyu, 300 hòn đảo trên Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải cùng với Kyrgyzstan, Mông Cổ, Đài Loan, Nam Kazakhstan, tỉnh Bahdashan và Transbaikalia của Afghanistan và vùng Viễn Đông cho tới Nam Okhotsk Nga... là của Trung Cộng “đáng lẽ” đã không bị mất nếu triều đại nhà Thanh không sụp đổ.(*)

Trung Cộng đang cuồng tín cực đoan trỗi dậy vì từ ngữ “đáng lẽ” này.

 image

Tóm lại với 4000 tỷ usd thặng dư ngoại hối, khối dự trữ lớn này sẽ như quả “bom nguyên tử” đối với Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, nếu Trung Cộng không cân đối sử dụng chuẩn mực hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm thì “phóng xạ” của nó sẽ gây nên căng thẳng tác động tiêu cực đến một phần trật tự, kinh tế tài chính, xã hội toàn cầu.


Hoàng Thanh Trúc


No comments:

Post a Comment