CHIỀU CUỐI NĂM GỢI NHỚ…
Làm sao quên được những tia nắng vàng hoe của những buổi chiều cuối năm lọt qua khe cửa xà lim. Vệt nắng vàng hoe gợi nhớ cả một trời kỷ niệm … Ôi những buổi chiều cuối năm, thời gian như lắng đọng trong tâm tư mỗi người chúng ta một chút gì bâng khuâng nuối tiếc của những ngày tháng đã qua. Nỗi nhớ nhà ập tới, cùng những hình ảnh thân thương đầm ấm của gia đình trong giờ phút Giao thừa thiêng liêng. Không khí trang nghiêm ấm cúng khi đứng trước bàn thờ gia tiên, nhìn khói hương nghi ngút lan toả mùi trầm thơm lạ lùng. Chờ cho đến đúng giờ phút giao thừa để khấn lạy ông bà tiên tổ rồi chúc thọ cha mẹ …
Đêm Giao thừa là một đêm ý nghĩa nhất trong đời, hiển hiện trong tâm khảm mỗi người Việt Nam chúng ta. Làm sao mà không nhớ cho được, không khỏi chạnh lòng cho được!? Tôi chợt thấy xót sa khi nghĩ tới mẹ già vò võ chờ đợi, mong tin thằng con trai bao năm rồi bỏ mẹ chờ trông khắc khoải mỏi mòn … Mẹ ơi, nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mẹ nhỉ!? Tự nhiên tôi cảm thấy có tội với mẹ tôi nhiều, đã đành tôi xa mẹ không phải vì cá nhân tôi mà vì một cái gì lớn hơn nên tôi phải xa mẹ. Hồ Huân Nghiệp, một kẻ sĩ anh hùng trước khi lên đoạn đầu đài với tất cả uy phong dũng lược nhưng vẫn phải thở dài ngao ngán thốt lên:
“Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờLàm trai trung hiếu quyết tôn thờ …Thân này sống chết không màng nhắcThương bấy mẹ già tóc bạc phơ!”. Mẹ tôi chắc cũng hiểu và thương tôi nhiều nhưng tránh sao mẹ không khỏi ngậm ngùi buồn bã mà thương thằng con tính khí khác người. Con trai mẹ thì bao nhiêu chiều cuối năm, bao nhiêu cái tết xa nhà nhớ mẹ, mẹ ơi ...
Chiều cuối năm gợi nhớTrở về mái nhà xưa …Ngập tràn bao kỷ niệmThương biết mấy cho vừa! Chiều cuối năm gợi nhớĐôi mắt huyền năm xưaNụ hôn đầu bối rốiCuộc tình xót sa đưa... Chiều cuối năm gợi nhớSài Gòn những chiều mưaHàng me xanh lá đổGiọt lệ sầu đong đưa... Chiều cuối năm gợi nhớMột thoáng buồn xa đưa ...Những người thân thương cũChờ ai … đón giao thừa ..! Cho đến bây giờ tôi vẫn ân hận mãi là tôi lỗi đạo làm con đối với mẹ tôi. Hồi còn ở trong tù, tôi viết bao nhiêu lá thư hứa với mẹ là sẽ cố gắng “Học tập” tốt để trở về đoàn tụ với gia đính, để hầu hạ phụng dưỡng mẹ hết cuộc đời cho thoả lòng mong ước bấy lâu … Viết là để mẹ tôi yên tâm và cũng cố tình để bọn giám thị trại giam đọc mà thôi…
Tôi còn nhớ là khoảng tháng tám năm 1991, mẹ tôi từ Mỹ trở về với bà chị thăm tôi rồi cụ đi Mỹ. Tôi nhận được tin trong lòng khấp khởi mừng thầm, chỉ mong cho sớm tới ngày mai là mẹ tôi và chị tôi lên thăm. Đang ngồi xếp hàng trước sân trại, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ thì nghe tên phó Giám thị nói chuyện trước khi các đội xuất trại đi lao động. “Các anh đi đứng như bầy bò, các anh phải biết tự trọng, đi đứng ngay hàng thẳng lối …!”. Mặt tôi nóng bừng lên, tôi định đứng dậy phản đối nhưng một thoáng suy nghĩ, ngày mai mẹ lên thăm nếu mình phản ứng nó không cho ra, chắc mẹ tôi buồn lắm. Một thoáng suy nghĩ trong đầu, nếu mình phản ứng, mẹ tôi sang Mỹ có bề gì thì tôi mang tội bất hiếu. Suy đi nghĩ lại nhưng nếu mình không nói thì mình là thằng hèn à. Tôi đứng phắt dậy nói: “Tôi yêu cầu cán bộ rút lại lời nói. Cán bộ đã xúc phạm nhân phẩm chúng tôi, cán bộ coi thường cái Pháp lệnh thi hành án phạt tù của Thủ tướng cán bộ ... Cán bộ nói chúng tôi là con bò thì cán bộ là con gì, con trâu à?”.
Anh em đang ngồi xếp hàng bỗng xôn xao tức giận. Ngoài cổng tên giám thị điều động đám cán bộ võ trang chạy ra vị trí ấn định quanh trại nằm chĩa súng vào sân trại sẵn sàng chống bạo động. Tên Phó giám thị hoảng hồn vội nói bào chữa: “Anh Anh bớt giận. Tôi nói là nói anh em bên hình sự chứ có nói các anh đâu”. Tôi nói lớn tiếng “Hình sự cũng là con người, cán bộ không được xúc phạm người ta…”. Khi tôi vừa ra đội thì tên “Hùng la” Giám thị trại mời tôi vào nói chuyện. Y nhân danh giám thị nói “Thằng Hăng nó nói bố láo bố lếu không coi ai ra gì. Tôi làm giám thị trại nhưng tôi biết trọng ông lớn tuổi như cha chú tôi, trình độ ông như thầy tôi nên “mũi dại thì lái chịu đòn”, tôi xin lỗi ông.”. Tôi nói “ông chẳng có lỗi gì với tôi cả mà ban giám thị các ông có lỗi với toàn thể anh em trại viên vì đã xúc phạm tới nhân phẩm của họ, chính các ông đã xé cái gọi là Pháp lệnh thi hành án phạt tù của Thủ tướng các ông ..”. Y ngồi im ra dáng vò đầu bứt tai suy nghĩ, tôi biết y đang sợ tôi làm lớn chuyện thì mất cái ghế giám thị của y nên phải xuống nước thôi, chứ thằng này đâu phải tay vừa. Tôi bồi thêm “Cán bộ Hăng nói vậy thực ra là chỉ hại ông thôi. Thời đại bây giờ điện thoại viễn liên siêu tần số chỉ cần ai đó gọi sang Mỹ là ngày mai đài ngoại có bản tin dư luận thế giới “lên án” liền …” . Nghe tôi hù y lại càng xuống nước thêm, tôi nghĩ tới ngày mai mẹ tôi lên thăm nên tôi nói được rồi: “Tôi muốn ông ngày mai phải kiểm điểm cán bộ Hăng và chính ông phải xin lỗi trước trại”.
Y mừng quá gật đầu, tôi nói tiếp “Nếu ông không làm như vậy hoặc tìm cách trả thù tôi thì ngày mai tôi sẽ không đi lao động, làm đơn lên thủ tướng các ông để giải quyết vấn đề này”. Y phân bua vã lả . “Nếu ông thấy bất cứ thằng cán bộ nào xúc phạm đến các ông, đánh đập thì không dám rồi … ông cứ nói với tôi, đừng làm lớn chuyện ông Anh nhé”. Tôi nói “Nếu cán bộ còn đánh anh em hình sự thì sao?”. Y nói ngay, ông cứ bảo nó ngưng ngay rồi nói trực trại báo cho tôi, tôi ra giải quyết liền. Rồi y nói lấy lòng tôi là: “Năm ngoái tôi đề nghị cho ông giảm án nhưng trên bộ nói ông đã tuyên bố trước trại là không cần giảm án nên khó quá ... Ông phải nghĩ tới mẹ ông, bà cụ giáo già rồi, còn vợ con ông nữa. Thôi ông cứ làm đại cái đơn đi, tôi hứa với ông là cuối năm nay sẽ giảm án cho ông”. Tôi cười nói cám ơn ông, tôi không cần chừng nào giảm thì giảm ...
Số là mẹ tôi trước khi đi Mỹ đã cho tôi 800 ngàn để dành chi tiêu. Tôi lấy mua 1 chiếc TV cho anh em theo dõi tin tức tình hình đồng thời để khuây khoả đỡ buồn. Nhờ vậy bầu không khí vui nhộn hơn chứ cứ để như trước, đi làm về ăn uống xong là vào nằm vắt tay lên trán suy nghĩ đủ mọi thứ chuyện trên đời, ai cũng “rầu rĩ râu ria ra rậm rạp”, thậm chí thở dài thườn thượt chắc chắn là giảm thọ đi nhiều … Số tiền còn lại tôi mượn cớ kế hoạch VAC nghĩa là "vườn ao chuồng" nên mua 2 con heo và nuôi khoảng 200 con gà và mấy chục kí cá rô, cá trám cỏ về nuôi cho đội. Tên Trưởng trại nghe vậy mừng húm ra đội để 'biểu dương' rồi hứa là cuối năm sẽ đề nghị giảm án chung thân xuống 20 năm. Tôi nói ngay: "Sở dĩ tôi làm điều này để tương trợ cho anh em trong đội, gà đẻ trứng thì chia ra để anh em bồi dưỡng chứ không nhằm mục dích để được giảm án. Tôi không cần…".
Sáng hôm sau, chị tôi từ Mỹ về thăm tôi rồi đón mẹ tôi sang Mỹ vì tất cả gia đình tôi đều đã sang định cư bên đó. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, sau 16 năm xa cách. Lúc sắp về mẹ tôi cầm tay tôi nói: “Thôi con cố gắng học tập cho tốt đi rồi khi con về, con đi thì mẹ đi, con ở lại thì mẹ ở với con!”. Tôi cảm động quá cầm lòng không được, nghĩ tới mẹ tôi đã già rồi, không biết tôi có còn gặp lại mẹ hay không? Tôi quay mặt đi giấu những giọt nước mắt trào ra tự lúc nào! Mẹ tôi nói “Thôi con ạ, cứ làm đơn xin giảm án đi còn có ngày về gặp mẹ. Ban Giám thị họ hứa với mẹ là sẽ giảm án cho con trong năm nay”. Tôi hiểu chúng lại nhờ mẹ tôi để vì tình thương, lòng hiếu thảo tôi sẽ vâng lời. Như vậy là chúng đạt yêu cầu để bôi bác rêu rao là “Các anh thấy đấy, thằng Anh chống đối vậy mà bây giờ cũng phải làm đơn xin giảm án ...”.
Tôi buộc lòng phải bất hiếu với mẹ tôi: “Mẹ đừng nói nữa, con không bao giờ làm đâu. Con cam tội bất hiếu với mẹ còn hơn là nghe lời mẹ ký vào đơn xin giảm án thì mẹ sẽ không bao giờ mẹ gặp con nữa. Con sẽ đập đầu vào tường chết cho mẹ xem …”. Mẹ tôi vừa khóc vừa chửi tôi “Cha mày, vẫn cứ tính nào tật đó, thôi mẹ không ép con nữa … con đừng làm bậy nhé, cố gắng giữ sức khoẻ để trở về với mẹ, con nhé. Con hứa với mẹ đi...”. Tôi cười nói trấn an cụ là mẹ yên trí, con cao số lắm, thế nào con cũng về, con hứa với mẹ là sẽ nghe lời mẹ giữ sức khoẻ để còn có ngày về với mẹ... Bây giờ tôi đã về nhưng không bao giờ được gặp mẹ tôi nữa, vì mẹ tôi đã qua đời. "Mẹ ơi..! Xin mẹ tha tội bất hiếu cho con, mẹ nhé!"
Thật sự nhiều lúc bây giờ tôi cũng chẳng tha thiết điều gì nữa dù trải qua bao nhiêu khổ đau nhưng đã “Nguyện thề giác tha” không còn hận thù những kẻ đã hại tôi, làm khổ đồng bào tôi. Thế nhưng tập đoàn Việt gian Cộng sản, tội đồ của dân tộc sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Tôi phải làm hết sức mình cùng với mọi người để mang lại tự do dân chủ, hạnh phúc thực sự cho hơn 84 triệu đồng bào Việt Nam chúng ta. Đó là ước vọng của cả đời tôi, thế thôi!
No comments:
Post a Comment