TBT Nguyễn Phú Trọng có sang Mỹ năm nay?
- 16 tháng 2 2015
Truyền thông Việt Nam cho biết Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, hôm 13/2 trong cuộc điện đàm với người tương nhiệm, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, đã nhắc lại việc chính phủ Mỹ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ trong năm 2015.
Được biết năm 2015 là năm quan trọng trong bang giao giữa hai nước.
Năm nay kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ và 20 năm ngày hai quốc gia cựu thù này thiết lập quan hệ ngoại giao, và cũng là năm mà cả hai dường như đang có những chia sẻ chung về tình hình an ninh của khu vực trước sự trỗi dậy mãnh liệt và ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
Hoa Kỳ với chiến lược “chuyển trục Á Châu-TBD” đã chứng tỏ với các đồng minh và đối tác trong khu vực rằng họ quyết tâm xây dựng một “trật tự an ninh mới” trong khu vực với chuyến đi đầy kịch tính hôm tháng 1 vừa qua tại Ấn Độ, sự hợp tác an ninh quốc phòng ngày càng sâu rộng với Úc, Nhật và đặc biệt với ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ năm nay tăng 8% dành riêng cho khu vực Á Châu-TBD.
Theo một nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc thì Tổng thống Obama dự kiến sẽ có hai chuyến công du sang Châu Á năm nay.
Chuyến đi thứ nhất hoàn toàn tùy theo tiến độ đàm phán của TPP và đặc biệt với Nhật. Tòa Bạch Ốc dự kiến hồi trung tuần tháng 12 là chuyến đi này sẽ có thể thực hiện vào đầu mùa Xuân 2015 khi đạt được thỏa thuận kết thúc vòng đàm phán với Nhật.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, mặc dù Hoa Kỳ và Nhật vừa nối lại đàm phán hồi tuần qua nhưng chưa có chỉ dấu sẽ có tiến bộ đáng kể.
Giả dụ như không có thoả thuận gì cụ thể thì theo một số nguồn tin hành lang, TT Obama vẫn đi thăm Nhật Bản, Nam Hàn và Singapore để một, thúc đẩy kết thúc đàm phán TPP và hai, thảo luận thêm chi tiết về hợp tác an ninh, chính trị và quân sự cho khu vực.
Còn chuyến đi thứ hai thì theo dự kiến TT Obama sẽ đi dự Hội nghị APEC 2015 tại Philippines vào tháng 11 năm nay, đồng thời sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Malaysia. Cả hai điểm này đều là những trọng tâm trong chiến lược chuyển trục của Hoa Kỳ trong khu vực.
Phi là một quốc gia đồng minh lâu đời còn Mã là một quốc gia đối tác mới mà Hoa Kỳ đang ve vãn. Cả hai quốc gia này đều đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Một quốc gia ẩn số khác cũng được đưa vào lịch trình thăm viếng lần này của TT Obama là Việt Nam. Tuy có nhiều chỉ dấu cho thấy TT Obama có nhiều khả năng đến Việt Nam nhưng vấn đề không phải là Hoa Thịnh Đốn có muốn hay không mà là Hà Nội đã, đang và sẽ làm gì để Obama đến Việt Nam.
Mỹ mời ông Trọng sang thăm?
Thật sự Ngoại trưởng Hoa Kỳ có mời ông Trọng sang thăm Mỹ không thì điều đó nên hỏi thẳng ông Kerry hoặc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhưng cho đến hôm nay thì chỉ có truyền thông Việt Nam loan tin về điều này. Không có một cơ quan truyền thông quốc tế nào đưa tin.
BNG Hoa Kỳ, ĐSQ Mỹ tại Hà Nội, thậm chí Đại sứ Ted Osius cũng hoàn toàn im lặng!
Vậy tại sao Hà Nội lại loan tin này?
Chúng ta cần hiểu rằng tin này được đưa ra ngay sau khi Hà Nội cũng loan tin là ông Trọng được Chủ tịch Tập Cận Bình mời sang Trung Quốc. Thực ra đây chỉ là chiêu ngoại giao của Hà Nội để đánh bóng chuyến đi sắp tới của ông Trọng đến Bắc Kinh: một chuyến đi báo cáo tình hình chủ trương chính sách và nhân sự của Đảng tiền Đại hội 2016.
Nếu chúng ta phân tích kỹ sẽ thấy rằng không có lý do gì Mỹ phải mời ông Trọng sang Hoa Kỳ. Dẫu sao thì trong thể chế chính trị Việt Nam, ông Trọng cũng thuộc hàng nguyên thủ quốc gia nhưng nếu tiếp thì chẳng nhẽ TT Obama phải mời ông Trọng vào Tòa Bạch Ốc?
Trong lich sử của Tòa Bạch Ốc, chỉ có 2 vị lãnh đạo cộng sản Liên Xô không có chức danh nhà nước được mời đó là Brezhnev (1973) và Gorbachev (1987) còn Khrushchev (1959) lãnh đạo Liên Xô đầu tiên thăm Hoa Kỳ cũng như Đặng Tiểu Bình (1979) và nhiều vị lãnh đạo CS Trung Quốc khác đều có chức danh lãnh đạo chính phủ.
Đây là những nhà lãnh đạo cường quốc và sự mời họ vào Tòa Bạch Ốc cũng có tầm quan trọng vì những hồ sơ nóng bỏng mà các bên liên quan cần giải quyết. Ông Trọng dù là nguyên thủ quốc gia nhưng không thuộc tầm cỡ đó và nếu như đảng của ông thật sự có sự chuyển trục quan trọng nào đó phục vụ quyền lợi tối thượng của Hoa Kỳ thì cũng chưa đến nỗi buộc Hoa Kỳ phải làm một việc ngoại lệ.
Ngay như trong bản tin của truyền thông nhà nước Việt Nam đưa ra thì cũng chỉ nói chung chung là Ngoại trưởng Kerry nhắc lại lời mời của chính phủ Mỹ nhưng chính phủ Mỹ thật sự là ai? Tại sao không nêu rõ là TT Obama mời hoặc đích danh Ngoại trưởng Kerry, nhân vật số ba của chính phủ Mỹ, mời?
Chính khoảng trống lơ lửng này mới bắt đầu ló dạng một ý đồ nào đó của Hoa Thịnh Đốn và đôi khi cũng của cả Hà Nội. Hai đối tác mới này dường như đang đóng một vở tuồng nào đó?
Còn nếu cho rằng ông Kerry có thật sự mời ông Trọng sang thăm Mỹ theo lời mời của chính phủ Mỹ đi chăng nữa thì đây chỉ là “lời mời khách sáo” vì những lý do như đã phân tích bên trên. Ông Trọng sẽ không bao giờ đi và nhất là đảng của ông cũng không cho ông đi như thế chỉ để bêu xấu họ.
Hơn thế nữa, tại sao lại là ông Trọng trong khi Hoa Kỳ biết rõ rằng ông Trọng đang trong vị thế rất yếu trong chính trường Việt Nam và gần như chắc chắn sẽ về hưu sau kỳ Đại hội Đảng năm 2016?
Vì người đáng được mời nếu quả thực Hoa Kỳ muốn tăng tốc quan hệ với Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông này được cho là thân phương Tây từ khi mới nhậm chức Thủ tướng 8 năm trước. Ông có nhiều phát biểu phù hợp với quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực và được xem như một chính trị gia quyền lực bậc nhất hiện nay tại Việt Nam. Ông cũng đang được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất vào chức vụ TBT Đảng CSVN vào năm 2016.
Thủ tướng Dũng có nên thăm Mỹ năm nay?
Từ 2009 đến nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có dịp gặp TT Obama tuy chưa trực tiếp tại Tòa Bạch Ốc. Thủ tướng Dũng cũng đã bước vào Tòa Bạch Ốc hồi tháng 6/2008 thời TT Bush.
Việc Thủ tướng Dũng thăm Tòa Bạch Ốc năm nay hoàn toàn không có giá trị nhất là trong bối cảnh tiền Đại hội Đảng 2016 với những biến động khôn lường của bàn cờ chính trị Việt Nam và đặc biệt sự lấn áp ngày càng táo bạo của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sinh mạng và sự nghiệp chính trị của Thủ tường Dũng gần như chắc chắn sẽ được quyết định trong năm nay. Mọi sự phiêu lưu quá mức an toàn cho phép đều hoàn toàn không cần thiết.
Cái mà Việt Nam nói chung và chính Thủ tướng Dũng cùng nhóm lực lượng chính trị của ông nói riêng đang cần hiện giờ là những chuyến viếng thăm của các chính khách nặng cân của Hoa Kỳ và quan trọng hơn hết là chuyến dừng chân của TT Obama tại Việt Nam trước chuyến công du đến Philippines và Malaysia vào tháng 11 năm nay.
Những chuyến viếng thăm này sẽ được đánh giá như những chỉ dấu ủng hộ mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Đối với Hoa Kỳ, chuyến công du Đông Nam Á 2015 này cũng cực kỳ quan trọng vì nó được thể hiện cùng lúc cả trên lãnh vực kinh tế lẫn an ninh, chính trị và quốc phòng. Nó sẽ xác định vị trí lãnh đạo chiến lược của Hoa Kỳ ở Á Châu-TBD.
Có nhiều nguồn tin cho biết TT Obama sẽ dừng chân đầu tiên tại Việt Nam trước khi đến Manila và Kuala Lumpur. Tại đây ông được cho là sẽ có bài phát biểu quan trọng định hình tương lai khu vực Châu Á-TBD đến năm 2050. Vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng sẽ được đánh giá lại rõ ràng hơn.
Và vì chuyến viếng thăm này lại rơi vào thời điểm cuối năm 2015 cho nên nó cũng làm giảm đi độ “nhạy cảm” với những hình ảnh của Tòa Đại sứ Mỹ vào những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam cách đây 40 năm.
TT Obama mang một thông điệp mới đến Việt Nam, một thông điệp của trang sử mới trên cơ sở hợp tác toàn diện vì sự thịnh vượng của hai quốc gia và cũng vì nền hòa bình và thịnh vượng chung của Châu á-TBD. Đó là “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, cường thịnh và tôn trọng nhân quyền.”
Trên nền tảng của những giá trị chung và những quyền lợi tương đồng, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì an ninh, hòa bình và thịnh vượng chung cho khu vực.
Được biết có nhiều khả năng là tháng 6 này tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ sang thăm Việt Nam, một chuyến đi mà đáng lý ra cựu Bộ trưởng Chuck Hagel đã phải thực hiện.
Và tháng 7 sắp tới là Ngoại trưởng Kerry sẽ trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của TT Obama vào tháng 11 năm nay.
Qua những phân tích nêu trên, khó mà hình dung có một chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của bất cứ lãnh đạo cấp cao nào của Đảng CSVN trong năm nay. Ngược lại thì bắt đầu từ tháng 5 trở đi sẽ có rất nhiều hoạt động ngoại giao của Mỹ dồn dập tại Việt Nam.
Vấn đề được đặt ra là liệu Đảng CSVN đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới này đến đâu? Họ có chấp nhận rủi ro và khả năng chịu đựng của họ đến mức độ nào khi phải hứng chịu những “cú đấm thép” của Trung Quốc vào một nền kinh tế què quặt, quản trị yếu kém và tham nhũng tràn lan?
Chúng ta thừa biết rằng Bắc Kinh không khoanh tay đứng yên nhìn Việt Nam từ từ thoát ra khỏi quỹ đạo của họ nhất là với những gì mà họ đã xây dựng được với Đảng CSVN từ Hội nghị Thành Đô.
Và cuối cùng nếu Hoa Kỳ nghĩ rằng mọi sự thay đổi ở Việt Nam nếu có chỉ có thể xảy ra ở thượng tầng lãnh đạo và họ đã đánh cược vào một cá nhân hay lực lượng nào đó thì đó là một sai lầm chiến lược cơ bản. Hoa Kỳ cần hiểu rằng bất cứ lãnh đạo hay chế độ nào cũng sẽ cáo chung trước lịch sử, chỉ có dân tộc nhân dân mới trường tồn. Mọi sự thỏa hiệp đi ngược lại nguyện vọng của người dân không sớm muộn gì cũng sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại.
Tốt nhất, trong đoản kỳ cũng như trường kỳ, Hoa Kỳ nên đồng hành với nhân dân Việt Nam vì chỉ có họ mới thực sự là những người chia sẻ những giá trị cơ bản và quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ ở khu vực.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, một luật sư sống tại Canada.
No comments:
Post a Comment