TẬN CÙNG ĐỊA NGỤC "Hai Mươi Sáu Năm Lưu Đày"
CHƯƠNG I
THỜI THƠ ẤU
Tôi
Tỳ kheo Thích Thiện Minh, thế danh Huỳnh Văn Ba sinh ngày 29 tháng 8 năm1955,
tại xã Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Thân phụ là Ông Huỳnh Văn Cầm,
thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Khéo. Tôi có 7 chị em, chị gái lớn thứ hai, em gái kế
tôi thứ tư và 4 em trai. Tôi xuất thân trong gia đình đạo đức, cha tôi có tấm
lòng nhân hậu, tánh tình rộng rãi hay giúp người, mẹ tôi một người đàn bà hiền
thục, mẫu mực vất vả quanh năm vì chồng vì con cho đến cuối đời. Song thân tôi
vốn là tín hữu Đạo Cao đài, trực thuộc Tòa thánh Tây Ninh, phụ mẫu tôi thường
đi lễ bái ở Thánh thất hoặc ở các đền, chùa trong những ngày "Tam nguơn Tứ
quý". Từ bé tôi đã được sự hấp thụ giáo dục và uốn nắn của gia đình, đặc
biệt là sự nghiêm huấn của phụ thân. Cha
mẹ tôi có một thời phải rời nơi chánh quán Bạc Liêu để tha hương lưu lạc, lập
nghiệp nơi xứ lạ quê người, tận đến tỉnh Trà Vinh, còn gọi là tỉnh Vĩnh Bình,
hai chữ "Vĩnh Bình" cũng là tên của ngôi chùa “Vĩnh Bình” tôi làm trụ
trì cách đây 26 năm về trước tại tỉnh Bạc Liêu. Tên ngôi chùa là để ghi nhớ lại
những dấu ấn mang nhiều kỷ niệm của những ngày thơ ấu, khi tôi bắt đầu tập tễnh
đi chùa lạy Phật, đọc kinh. Tôi xin lược thuật lại câu chuyện sau đây...
Năm
lên sáu, bảy tuổi, tôi còn nhớ ở nơi đây, ngang nhà tôi trong làng thuộc ấp
Long Bình, xã Phú Vinh, huyện Châu Thành tỉnh Vĩnh Bình có một người chị hàng
xóm tên là Điệp khoảng trên hai mươi tuổi. Hằng đêm chị thường dắt tôi cùng một
vài bạn trẻ trong xóm, trạc tuổi tôi đi ngang những hàng cây "Cồng"
loại cây cổ thụ lâu đời, cành lá xum xuê, dưới gốc cây um tùm cỏ dại, trông rất
rợn người nhất là về ban đêm rồi còn phải qua dốc cầu Long Bình, để đến chùa
Long Khánh đọc kinh lạy Phật. Chính tại nơi đây tôi được xem bộ phim "Lược
sử Đức Phật Thích Ca, từ Sơ sinh cho đến Thành Đạo", được Chùa Long Khánh
tổ chức trình chiếu nhân những mùa Phật Đản hằng năm. Tôi thường đi theo cộ xe
hoa cùng hàng đoàn người đi dạo khắp các ngã đường trong tỉnh lỵ. Từ bé, tôi đã
cảm thấy thích thú say sưa khi nghe tiếng tụng kinh rất thánh thoát với giọng
đọc trầm bổng của quý Cô, quý Thầy, tiếng mõ với những âm thanh đều đặn và tiếng
chuông chùa ngân nga êm ái, làm lắng đọng cả tâm hồn. Khói hương nghi ngút xông
lên bay lượn trong một khoảng không gian thu hẹp phảng phất thoang thoảng mùi
trầm, dưới mái chùa trang nghiêm thanh tịnh, bên cạnh những pho tượng từ bi của
chư Phật và những hoa văn tinh xảo của 4 chữ "Đại Hùng Bửu Điện" hòa
lẫn với những nét kiến trúc độc đáo của ngôi chùa cổ hơn trăm tuổi, càng làm tăng
thêm vẻ cổ kính tôn nghiêm. Bá
tánh thập phương đến viếng chùa khi nhìn thấy cảnh trí, cảnh sắc, cảnh quan của
ngôi tam bảo thì tự nhiên cảm thấy lòng mình như thoát tục, sẽ giải trừ bớt
những đam trược của cuộc đời và quên đi phiền não, muốn huân tập đạo lý, giữ
gìn phẩm hạnh, quyết tâm tu học bằng trí tụê tự giác, tự tỉnh trong niềm vui
đạo vị để mong sớm thoát khỏi cảnh bể khổ trầm luân. Đặc biệt lúc còn bé tôi
nhìn chiếc áo nâu sòng sao đẹp quá và tự nhiên muốn mặc quá! Tôi có ý nghĩ
trong lòng và ước mơ thầm kín, ước gì sau nầy mình sẽ được đi tu. Nhưng có điều
ngài ngại là mỗi khi đến chùa trông thấy ông thầy trụ trì, thì tôi né tránh
không dám đến gần, không dám nhìn thẳng mặt Thầy, lúc ấy tôi sợ lắm! Vì thầy
trụ trì có hàm râu quai nón, đôi mắt sáng quắc như hai vì sao, trông nét mặt,
cử chỉ và cách nói năng rất từ tốn, điềm đạm và nghiêm trang, oai nghi tế hạnh,
ít đùa cười!. Lúc đó tuổi thầy ước chừng khoảng 40-50. Tôi nhớ mang máng dường
như Pháp danh là Thích Hoằng Thông? Nếu giờ nầy Ngài còn sinh tiền ắt là vị Đại
lão Hòa Thượng khoảng chừng 80-90 tuổi... Thế rồi, thời gian vài năm sau, song
thân tôi lại rời tỉnh Vĩnh Bình về quê Bạc Liêu. Tôi cũng từ giã con đường mòn
cũ, của những ngày thơ ấu cắp sách đến trường. Tôi đến chào thầy, chia tay bạn
cùng lớp và từ biệt người chị hàng xóm kính yêu và cũng không quên chia tay vài
người bạn trẻ thiết thân thường rủ nhau đi chùa lễ Phật hôm nào! Tôi cảm thấy
một nỗi buồn rười rượi, rộn rạo, xao xuyến trong lòng, khi phải rời xa nơi có
nhiều kỷ niệm, lưu luyến mến yêu. Tôi đến nhà chào chị lần cuối trước khi xuống
ghe, cùng cha mẹ, theo dòng sông Cửu long, xuôi thuyền về đất Bạc! Chị ôm tôi
vào lòng, tôi bật khóc… Nét mặt chị buồn buồn và mí mắt như long lanh những
giọt lệ cảm mến yêu thương. Chị khuyên tôi “Về
Bạc Liêu em hãy cố gắng học hành, sống phải có hiếu với mẹ cha, thương yêu anh,
chị, em trong gia đình, lễ phép với bà con lối xóm và nhất là đừng quên đi chùa
lạy Phật, đọc kinh, nếu có chùa gần nhà là tiện nhất. Em nên đến thường xuyên”.
Chị còn nói "Khi nào có dịp về Vĩnh
Bình, em nhớ ghé nhà chị, hoặc gửi thư thăm chị nhé ! Riêng chị, trong tương
lai nếu đủ cơ duyên có lẽ chị sẽ xuất gia. Em nhớ niệm Phật Di Đà mỗi đêm trước
khi đi ngủ hoặc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để Phật phò hộ cho mình”. Từ đó đến
nay tôi chưa có lần về lại chốn xưa, không biết giờ nầy chị đã xuất gia hay còn
ở dưới mái gia đình, tôi tin tưởng rằng, chị luôn giữ vững niềm tín, Hạnh,
Nguyện, bồ đề tâm kiên cố, cho dù chị chưa xuất gia để trở thành bậc Giáo thụ
Thiện tri thức đi nữa. Chắc
chắn hiện nay chị vẫn là người Phật tử thuần thành, một trong những người Ngoại
hộ Thiện tri thức, một Đàn việt thiện tâm, góp phần hưng long cho Phật Đạo để
xiển dương Chính pháp. Câu chuyện thật trên đây, là những kỷ niệm nhỏ của tuổi
thơ. Nhưng mãi ghi nhớ trong tôi suốt cả cuộc đời tu hành. Tôi muốn nói lên
tiếng nói cảm ơn chị... Nhờ chị mà em nay đã và đang là kẻ xuất gia, đang dấn
thân trên con đường giải thoát. Em đang mặc chiếc áo nâu sồng, chiếc áo của Như
Lai, ở trong toà nhà Như Lai, đang “Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự”. Thưa chị,
Em đang là Sứ giả của Như Lai, đang đi trên con đường tìm chân lý bằng một tấm
lòng Chánh tín để thấu hiểu Chánh pháp nhằm phụng sự cho Chánh Đạo.
Hôm
nay ngồi ghi lại những trang hồi ký, tựa đề “Hồi ký 26 Năm lưu đày” nên ít
nhiều phải lược sơ về tiểu sử của mình trong đó có những bước khởi đầu của cuộc
đời tu học, ắt hẳn em không quên chị và em tưởng chừng như chị đang ngồi trước
mặt của em đây! Em cố nhớ lại đầy đủ những lời chân tình chị khuyên bảo, và cố
hình dung chiếc áo tràng màu nâu sẫm mà chị thường mặc trong những ngày đi chùa
lễ Phật, trông rất dịu hiền và mỗi khi chị cầm tay em dẫn đi trên con đường mòn
sỏi đá năm xưa… Trong
thời gian trở về cố quán Bạc Liêu, tôi còn nhớ, song thân tôi thỉnh thoảng đưa
tôi đến Thánh thất Cao Đài Bạc Liêu trong những ngày lễ lạc, cúng bái. Cha tôi
dạy đọc kinh, nhưng, tôi lại thích tham gia sinh hoạt trong nhóm gia đình Phật
tử. Tôi rất thích đội chiếc nón hướng đạo. Lúc đó tôi cho là đội chiếc nón ấy
trông vừa đẹp, vừa hiền. Tôi thường đến chùa lạy Phật, đọc kinh hay đi lạy sám
hối trong những ngày Sóc, Vọng. Tôi vừa học giáo lý tại chùa, vừa đi học chữ
phổ thông bên ngoài. Tôi học rất chăm giỏi, thường xuyên phải đạt từ hạng nhất,
kém lắm là hạng ba của mỗi tháng học và luôn được lĩnh phần thưởng cuối mỗi
năm. Tôi rất kén chọn bạn để tiếp giao, để trao đổi việc học hành. Túc phúc
thay! Duyên lành đến, tôi đã Quy y Tam Bảo và chẳng bao lâu sau đó, tôi xin phép
mẹ cha được thí phát xuất gia, cắt ái từ thân và kể từ đây chính thức cuộc đời
tôi bước sang một trang mới "Một con
đường đầy hương hoa của đạo giác ngộ giải thoát". Sự tu hành của tôi
rất tinh tấn tôi đã được tham dự nhiều khoá học Phật và kiết hạ an cư hàng năm,
tham dự liên tiếp mấy khoá huấn luyện trụ trì từ Bạc Liêu cho đến Sóc Trăng,
được nhiều cao tăng thiền đức chỉ giáo. Tôi thọ giới Sa di năm 1972 tại chùa
Long Phước Bạc Liêu, lúc ấy Hòa Thượng Thích Đổng Minh còn mặc áo “Thiên Sam Nâu”.
Ngài từ Nha Trang Sài Gòn đến Bạc Liêu được cung thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng và
tôi thọ “Cụ Túc Giới” tại giới đàn “Thiện Hoa” nơi Tổ Đình Chùa Ấn Quang năm
1977 do Hòa Thượng Thích Trí Thủ, nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo làm đàn chủ
và Đại lão Hoà Thượng Thích Hành Trụ đương kiêm phó Tăng Thống, (Tức Sa Môn Lê
Phước Bình ) làm Chứng minh Đạo sư. Nói
tóm lại, trong thời gian tu học, tôi được bổ nhiệm về làm trụ trì tại ngôi chùa
Vĩnh Bình, lúc tuổi rất còn trẻ chỉ 17 tuổi thôi, cho nên sự thông hiểu kinh,
luật luận của tôi còn hạn chế. Tôi làm trụ trì, nhưng chỉ là chú Sa di, chứ lúc
đó tôi chưa đủ tuổi thọ Tỳ Khưu Giới, ngôi chùa tôi trụ trì toạ lạc tại ấp Cái
Dầy, xã Châu hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Bởi vì còn quá trẻ cho nên
huynh đệ hay gọi tôi là "Tu sĩ sữa”, còn đồng bào phật tử xa gần họ gọi
tôi đủ cách “có người gọi bằng huynh, có người gọi bằng thầy, có người gọi bằng
ông đạo và có người lại gọi bằng cậu, bằng con, bằng cháu nữa!”. Tôi từng bước
điều chỉnh một cách khéo léo và tế nhị, để mọi người thống nhất cách xưng hô. Bước
đầu về chùa, tôi vừa tu, vừa mở trường dạy học và còn phải tiếp tục học phổ
thông cho đến khi tốt nghiệp. Sau đó vì nhu cầu thiết thực của địa phương, tôi
bắt đầu tham dự khoá 18 tháng Nam Y Dược và châm cứu do Đông y dược sĩ kiêm
Châm cứu sư Trần Bá Lân nhiệt tâm truyền dạy. Khi mãn khóa học tôi trực tiếp
điều hành phòng mạch hốt thuốc Nam và châm cứu tại Chùa Vĩnh Bình cùng với các
môn đệ để điều trị bệnh giúp cho đồng bào, phật tử xa gần. Song song tôi còn
được mời phụ trách cả ngôi chùa Vĩnh Bữu tại ấp Trà Văn xã Châu Hưng. Ngoài ra
có thiện duyên được Hòa Thượng Thích Thiện Định chùa Lộc Hòa tại huyện Thạnh
Trị, tỉnh Sóc Trăng ngỏ lời nhận làm Trưởng tử nối nghiệp truyền thừa, lại vừa
Cố vấn và hướng dẫn bộ mạch Đông y - Châm cứu cho Đại Đức Thích Thiện Tâm là
Huynh đệ của tôi đang trụ trì tại chùa Khánh Lâm, xã Tuân Tức nữa! Tôi đang bận
rộn công việc Phật sự liên miên thì nhận thêm quyết định phân công của Hòa
Thượng Thích Trí Đức đến khai mở phòng thuốc Nam, Châm cứu và giảng dạy giáo lý
hằng tuần cho quý Phật tử tại chùa Từ Quang ấp 1 Cây Gừa, xã Thạnh Bình, huyện
Giá Rai tỉnh Minh Hải. Chính
hoàn cảnh ấy tôi phải đình hoãn học phổ thông nên không thể lên thành phố tiếp
tục việc học được và tôi bắt đầu học hàm thụ tại Trung tâm giáo Dục “VÌ SAO” ở
Sài gòn. Tôi học chuyên khoa Báo chí, bài vở được nhà trường gởi về tận chùa
rất đầy đủ qua đường dây Bưu điện có cả những tài liệu chuyên nghiệp của các ký
giả và phóng viên quốc tế. Hôm nay sẵn tiện trên trang mở đầu giới thiệu sơ
lược về tiểu sử bản thân, tôi xin trần thuật lại tâm tư của mình về một sự việc
rất ấn tượng diễn ra khoảng một vài năm trước năm 1975 có liên quan đến tôi
trong thời gian làm trụ trì tại chùa Vĩnh Bình như sau: Vào thời điểm tôi đang
học hàm thụ về khoa báo chí cho nên tôi thường xuyên đọc các loại báo để cập
nhật phương pháp viết bản tin, ký sự, phóng sự điều tra, phóng tác, tùy bút,
bình luận … Một
hôm tôi đọc đến mục giới thiệu các tác phẩm mới vừa xuất bản, tôi chợt nhận ra
1 tập thơ với tựa đề “Khói Lửa 20” của nhà thơ Lý Thụy Ý sẽ dành tặng miễn phí
ưu tiên cho một số đọc giả biên thư về sớm nhất theo địa chỉ. Thật là “thiên
tải giai kỳ” dịp may hiếm có, tôi vội vàng biên thư ngay hỏi xin tác giả. Lúc
ấy thật tình tôi không biết nhà thơ là nam hay nữ để gọi cho đúng cách xưng hô,
vì chữ lót giữa nếu là “Thị” thì dễ nhận, còn chữ “Thụy” thì khó phân biệt, bởi
nam giới cũng có nhiều người dùng chữ lót nầy. Tôi phải đắn đo suy nghĩ để chọn
từ cho thích hợp, cho dù tác giả thuộc giới tính nào cũng không bị sơ xuất nên
tôi chỉ viết chung chung là: “Tình cờ đọc
được tin trên báo, tôi thấy nhà thơ giới thiệu tập thơ tựa đề “Khói Lửa 20” vừa
mới xuất bản. Đặc biệt sẽ dành tặng ưu tiên cho những độc giả biên thư về sớm
nhất, tôi là nhà tu nhưng rất hâm mộ “Thi ca”. Nay mấy lời này xin nhà thơ hoan
hỷ thi ân cho tôi 1 thi tập để học những thi pháp, tham khảo những thi tứ, ngâm
vịnh những thi khúc và thưởng thức những thi vị của thi nhân. Xin kính gởi đến
thi sĩ lời chân thành cảm ơn và cầu chúc mọi sự an lành, muôn điều phúc lạc”.
Tác giả nhận được thư của tôi không biết có buồn cười họăc cảm thông cho một
ông Sư vụng về hay không mà khoảng 1 tháng sau tôi nhận được tập thơ của tác
giả gửi về tới tận chùa. Lúc nầy vì quá bận nhiều công tác Phật sự nên tôi vô
tình không viết thư cảm ơn hồi âm đến tác giả. Đây là một điều thiếu sót đáng
trách, mãi hơn 2 tháng sau tôi tiếp tục nhận thêm 1 tập thơ nữa. Lúc bấy giờ
tôi rất lấy làm xấu hổ về sự khuyết điểm của mình nên không chần chờ thêm phút
giây nào nữa cả, tôi bèn biên thư hồi âm và xin lỗi ngay. Tôi hy vọng tác giả
sẽ nhận được sự hồi âm của mình, chỉ bấy nhiêu thôi tôi thấy tác giả là người
rất đáng mến mộ và trân trọng. Thời gian hơn 30 năm sau, cho đến khi tôi được
thuyên chuyển từ nhà tù Xuân Phước tỉnh Phú Khánh về trại giam Z 30A huyện Xuân
Lộc, tỉnh Đồng Nai, tôi có cơ duyên tiếp xúc với 2 nhà văn, Bác Doãn Quốc Sĩ và
Ông Hoàng Hãi Thủy. Hai vị có giới thiệu nên tôi mới nhận ra tác giả Lý Thụy Ý
của tập thơ “Khói Lửa 20” mà hồn thơ tôi rất tâm đắc là một nữ thi sĩ tài hoa.
Hôm nay ngồi tại tư gia ghi lại mấy dòng hồi ký nầy chứ không phải tại mái chùa
xưa nơi đón nhận tập thơ thuở trước. Lòng tôi cảm thấy man mác bồi hồi một nỗi
niềm hoài cảm với những thi sĩ có những vần thơ dạt dào rung động ngày xưa… của
một thời đã qua. Cho dù tôi chưa có dịp tiếp kiến với nữ thi sĩ, cũng như hơn
một phần tư thế kỷ tôi bị giam hãm trong chốn lao tù, thì tập thơ hay có nhiều
kỷ niệm kia cũng âm thầm, buồn lặng mai một trôi theo dòng thời gian nay không
biết đã về đâu !?
No comments:
Post a Comment