Tuesday, March 10, 2015

Ngày nay điện thoại đa năng Smartphone là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta và đã trở thành vật bất ly thân. Theo những nghiên cứu mới nhất, có tới trên 50% người dùng chưa bao giờ khai thác hết hiệu quả của chiếc điện thoại thông minh và đắt tiền kia. Không kể đến tính năng hết sức quan trọng như nghe gọi, nhắn tin, chúng còn lưu trữ rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng. Vì thế điện thoại smartphone cũng có nguy cơ cao bị xâm nhập và tấn công (hack) để ăn cắp thông tin và dữ liệu cá nhân. Sau đây là những biện pháp đề phòng để giúp bảo vệ smartphone được an toàn khỏi các mối đe dọa hàng ngày. 
Thiết lập mã khóa bảo mật (security password)


Đây là quy tắc căn bản để bảo mật điện thoại và thông tin cá nhân. Hãy thiết lập mã khóa ở trang chủ (home screen), có nghĩa là mỗi khi bật điện thoại lên để sử dụng thì phải bấm vào mã khóa. Mã khóa càng phức tạp thì những tên trộm càng khó giải. Một số điện thoại như Samsung Galaxy còn có tính năng bảo mật bằng dấu tay (fingerprint security) cho những người không muốn nhớ mã số. 


Ngoài ra cũng nên cài tính năng tự động khóa điện thoại (automatic screen lock) sau mỗi 10-15 phút, hoặc theo thời gian tùy chọn để đề phòng lỡ có để quên điện thoại hoặc bị mất ở đâu thì người khác không dùng được. Một biện pháp khác là cài mã khóa riêng cho từng thư mục cần bảo mật bên trong điện thoại. Điều này sẽ giữ cho các thông tin cá nhân quan trọng được an toàn trước những người đồng nghiệp tò mò, hoặc kẻ trộm điện thoại. 


                                              Apple App.
Tắt tính năng Theo dõi (cookies/tracking) trong trình duyệt


Theo mặc định, bất cứ thông tin cá nhân như tài khoản, mật khẩu sử dụng trên một website sẽ được thu thập qua tính năng phần mềm gọi là 'cookies'; mục đích là để theo dõi (track) mục tìm kiếm của người dùng để dùng cho những mẫu quảng cáo. Tuy nhiên nếu như website đó sau này bị tin tặc tấn công (hack) hay là một website lừa đảo, thì khả năng bị lộ và mất thông tin cá nhân sẽ rất cao. Để hạn chế điều này, người dùng nên cài đặt tùy chọn "Không theo dõi" (Do not Track) trên trình duyệt của mình. 


Tùy chọn này sẽ bảo đảm rằng các website không thể thu thập thông tin tài khoản cá nhân cho bất cứ mục đích nào. Hiện nay cả hai trình duyệt 


Google Chrome trên Android và Safari trên iOS đều cho phép thiết lập tùy chọn này. Một số trang web sẽ không cho người dùng vào nếu họ tắt đi tính năng theo dõi này, trong trường hợp đó thì người dùng có thể tùy nghi mở lên tính năng theo dõi chỉ cho trang web đó hoặc xem xét có đáng làm hay không. 


Lưu trữ dữ liệu quan trọng trong máy tính hoặc đám mây trực tuyến (online cloud storage)


Khi xã hội càng phát triển cùng với sự nâng cấp của các thiết bị di động, smartphone trở nên nơi chứa đựng tất cả sự riêng tư của người dùng từ hình ảnh cá nhân, danh bạ, tin nhắn và email. Nhưng nếu chẳng may bị mất chiếc điện thoại smartphone thì sao? Để tránh rơi vào trường hợp bị mất tất cả dữ liệu quan trọng hãy sao lưu chúng vào máy tính, một điện thoại dự trữ, hoặc đám mây trực tuyến. 


Mua sắm hoặc giao dịch qua ứng dụ cụ thể (app) thay vì trình duyệt (browser) 
Hầu hết các công ty thương mại đều có ứng dụng riêng của họ để khách hàng có thể trực tiếp vào trang web và tiện lợi mua sắm hoặc thực hiện các dịch vụ giao dịch khác. Ví dụ khách hàng muốn mua hàng từ Amazon thì không nên dùng trình duyệt Google Chrome hay Safari để vào trang web của Amazon. Thay vào đó nên tải xuống và cài đặt ứng dụng riêng của Amazon (Amazon app) để dùng trong điện thoại. Các ứng dụng mua sắm hoặc ngân hàng có cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt hơn là trình duyệt. 


Để tìm ứng dụng hãy vào Google Play Store hoặc Apple Store và đánh vào tên của cơ sở thương mại, chẳng hạn như Amazon hoặc Chase; lập tức sẽ hiện lên danh sách ứng dụng để tải xuống, nhưng phải bảo đảm đó lá ứng dụng thật và chính thức vì cũng có các ứng dụng giả mạo. 


Luôn luôn log out khỏi các ứng dụng    


Thử nghĩ xem chúng ta có dám để thẻ tín dụng công khai ở trên bàn làm việc tại sở làm hay trên bàn ở tiệm ăn không? Dĩ nhiên là không rồi. Đó cũng là lý do tại sao ta không nên để các trương mục giao dịch cá nhân trong tình trạng đăng nhập liên tục (continuous login). Sau khi mua sắm hoặc hoàn tất giao dịch ngân hàng hãy nhớ luôn luôn phải đóng trương mục của mình bằng cách đăng xuất hay log out. Đừng bao giờ đánh dấu chọn chức năng lưu giữ tên đăng nhập và mã khóa (save user name and password). Tuy mất một ít thời giờ nhưng hãy chịu khó đăng nhập vào trương mục mỗi khi cần dùng vì sự an toàn. Nếu không thì khi lỡ mất điện thoại hoặc bị trộm cắp thì người khác có thể vào ngay trương mục của mình. 

No comments:

Post a Comment