Một blogger sinh viên tại Hà Nội nói ông bị trường "khuyên" nghỉ học vì không có "lý tưởng cộng sản".Nhưng phó hiệu trưởng trường đại học nói với BBC rằng không có việc ông khuyên người này nghỉ học vì "sức ép của an ninh". Hôm 2/9, blogger Phạm Lê Vương Các trình bày trên Facebook về việc ông bị phó hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa Đại học Liên thông, Trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội mời gặp ở văn phòng hôm 1/9 sau tuần đầu tiên nhập học. Ông Các cho biết mình đã phải trả khoản tiền 15 triệu đồng/năm để được học ở trường này. Ông Các dẫn lời ông Hà Đức Trụ nói: “Em nên nghỉ học ở trường này đi, rút lại hồ sơ và kiếm trường khác mà học!”. “Ai cũng có lý tưởng của riêng mình, em có lý tưởng tự do dân chủ, còn chúng tôi có lý tưởng cộng sản. Trường này do những người cộng sản lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị cộng sản này”, ông Các tường thuật lời ông Trụ. Dù bị áp lực, ông Các vẫn kiên định: “Nhà trường chỉ có thể buộc tôi thôi học khi tôi có những hành vi vi phạm phạm luật qua một bản án xét xử của tòa án. Cơ quan An ninh không có chức năng xét xử mà họ chỉ là cơ quan điều tra. Họ điều tra và báo cáo như thế nào là việc của họ, nhà trường đừng để họ làm thay công việc của tòa án và xem họ như là tòa án”. Nhà trường phủ nhận Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt hôm 4/9, phó hiệu trưởng Hà Đức Trụ, người gặp Vương Các, cho biết: “Vấn đề trao đổi giữa tôi và sinh viên Các chỉ là việc sinh viên học trái ngành nên cần học chuyển đổi bổ sung. Tôi khẳng định không hề có chuyện khuyên sinh viên này nên nghỉ do sức ép của an ninh. An ninh không có quyền can thiệp vào trường của tôi, trong lúc việc kiếm được một sinh viên học liên thông là không dễ”. Ông Trụ cho biết đã đọc bài viết của ông Các trên Facebook và nói ‘không quan tâm vì đó là tự do tư tưởng và quan điểm cá nhân, dù thông tin đó có thể ảnh hưởng không hay đến nhà trường’. Ông còn nhận xét rằng ông Các "thẳng thắn, có chính kiến, tư chất để làm một người tốt". Cùng ngày, một luật sư ở Hà Nội, Trần Vũ Hải, cho biết ý kiến: “Một trường đại học không có lý do gì để từ chối một sinh viên nếu không có căn cứ pháp lý rằng người ấy phạm pháp. Đã có luật về đại học, sinh viên và tuyển sinh nên mọi thứ cần được xử lý căn cứ trên pháp luật.” Ông Hải nói thêm rằng những trường hợp sinh viên nhận thấy mình bị nhà trường đối xử "không đúng mực" thì cần yêu cầu văn bản trả lời để khiếu nại theo luật. “Vì trách nhiệm nghề nghiệp của mình, các luật sư chắc chắn sẽ đứng về phía những người bị hành xử không đúng luật”, ông Hải nói.‘Tổn thương sâu sắc’ Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 4/9, ông Các cho biết mình "tổn thương sâu sắc". Tuy vậy ông vẫn "đang đợi động thái tiếp theo từ nhà trường để có phản ứng thích hợp". “Đây là lần thứ hai tôi bị nhà trường đề nghị thôi học vì cùng một lý do. Lần trước, năm 2013, tôi đã học đến năm cuối trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thì bỏ học do sức ép khá nặng nề và chưa có bản lĩnh vững vàng như bây giờ”. Ông nhấn mạnh: “Tôi quyết tâm không bỏ cuộc, đấu tranh để đòi hỏi quyền học tập của mình vì không muốn tạo ra một tiền lệ xấu sau này trong giáo dục." Năm 2013, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói ông Các cùng blogger Nguyễn Hoàng Vi bị hành hung. HRW khi đó nói ông Các thuộc nhóm “phản ánh tiếng nói bất đồng của một thế hệ trẻ hơn, không có ràng buộc gì với bộ máy nhà nước”.
No comments:
Post a Comment