Saturday, September 5, 2015

Văn Hiến Vận Động


Sự kiện thời Bắc thuộc, dân tộc ta phải chịu tác động khống chế và trùm lấp của các giá trị văn hóa ngọai nhập lên trên đời sống hàng ngàn năm mà vẫn tồn tại với bản sắc riêng, phát lộ cho thấy được sức tự chủ vượt thắng và khả năng hóa giải điều hợp, thích ứng, đãi lọc, dung hóa và hội nhập nhưng không tha hóa của dân tộc. Đồng thời nó cũng cho ta thấy cái bản lãnh sống trường tồn của dân tộc đã bắt nguồn từ sức mạnh tự thân, từ đạo sống uyên nguyên, tự động điều chỉnh, tự động khép mở và triển sinh thường hằng miên viễn suốt dòng sinh mệnh của lịch sử dân tộc.


Đó là cái hồn sống dân tộc, là tinh thần Việt Nam, là thần tính dân tộc có tính truyền thống được tích tụ trong tập thể và nơi tâm hồn của mỗi người Việt nam. Đó là nền tảng đồng thời cũng là cái bản lãnh của Văn hóa Việt nam.


Ông cha chúng ta nói đến nước Việt nam 4000 năm văn hiến, và “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi nói đến “nước Đại Việt ta xưng nền văn hiến đã lâu,” là có ý nói tới các giá trị nền tảng và bản lãnh tinh thần kể trên của dân tộc ta đã hình thành từ thời lập quốc và vận động xuyên suốt trong dòng sống dân tộc. Ta có thể gọi vận động xuyên suốt đó là “Văn Hiến Vận Động”


Văn Hiến Vận Động xảy ra trong mỗi người và ở mọi người Việt nam. Là người Việt nam thì Văn Hiến Vận Động sống trong ta, và ta sống trong dòng Văn Hiến Vận Động của lịch sử dân tộc.


Trải qua ba thời kỳ Bắc thuộc, tổng cộng 989 năm, dân tộc ta đã vô hiệu hóa được chính sách đồng hóa của Trung quốc. Đó chính là nhờ ở sức Văn Hiến Vận Động Tự Thân nơi Đáy Tầng sinh hoạt quốc dân không cần có lãnh đạo chính trị hay văn hóa trên Mặt Tầng thúc đảy.


Chính hiện tượng Văn Hiến Vận Động tự thân sản sinh ra văn hóa, tư tưởng bình dân mang tính dân tộc phổ quát trong dân chúng nơi Đáy Tầng xã hội.  Ca dao, tục ngữ, truyện tích, truyền thuyết, bài hát, câu hò của văn chương truyền khẩu hầu như đã biểu hiện được hết thực trạng của đời sống quốc dân, nói lên hết được cái tính, cái tình, cái chí, tư tưởng và tinh thần của dân tộc.  Đây chính là Hồn sống của quốc dân và là văn hóa truyền thống dân tộc.


Trong khi đó thì trên Mặt Tầng, giới có học của ta từ đời Nguyễn trở về Bắc thuộc là giới học chữ Tàu, đọc sách Tàu, nên dễ đi đến chỗ hâm mộ, say mê văn hóa Trung Hoa. Nhưng nói chung, các cụ không bị vong thân vào văn hóa Trung Hoa; trái lại, do bản lãnh Văn Hiến từ đáy tầng tâm thức vận động lên mặt tầng ý thức, các cụ đã tìm cách đọc chữ Tàu theo âm Việt, và đã dựa vào chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm và sau này đưa tới Văn Nôm của ta.


Có thể nói văn hóa ngọai nhập, ngay những khi có ảnh hưởng khống chế và trùm lấp, thì cũng chỉ có thể tác động trên Mặt Tầng Văn Hóa chớ không xâm phạm được tới Đáy Tầng Văn Hiến. Nếu nó (tức văn hóa ngọai nhập) có làm cho người Việt ta hâm mộ say mê thì thường cũng chỉ nhất thời lung lạc được phần ý thức trên mặt tầng, chứ chưa dễ gì lay chuyển nổi phần tâm thức nơi Đáy Tầng trong lòng người Việt.


Văn Hiến Việt Nam khi vận động được lên Mặt Tầng, - tức từ Tâm thức dân tộc lên Ý thức dân tộc, từ Đạo sống uyên nguyên lên mô hình sinh hoạt văn hóa, xã hội, chính trị, từ dân chúng lên lãnh đạo- đã đưa dân tộc Việt Nam đến những phát triển và thành tựu đặc sắc trong các đời Lê, Lý, Trần, Hậu Lê.  Thành tựu nổi bật nhất trong những đời này là: đối với ba hệ tư tưởng lớn ngoại nhập vào nước ta là Phật, Lão, Khổng thì ta đã đi từ chỗ Dung tam giáo đến Tam giáo Đồng nguyên, tức là kéo tất cả tư tưởng của tam giáo về một gốc chung và dung nhiếp cả ba tôn giáo này vào dòng Văn Hiến Dân Tộc.


Tuy nhiên, mỗi khi Văn Hiến Vận Động suy giảm tác động của nó trên mặt tầng thì ta thấy xuất hiện sự khống chế trên Mặt Tầng của các hình thái văn hóa vong thân, vọng ngoại hay nô dịch. Thời gian đó giới có học thường được mệnh danh là kẻ sĩ lại là giới không giữ nổi tinh thần độc lập và bản lãnh tự chủ truyền thống về văn hóa; giới lãnh đạo thống trị đi vào con đường sai quấy, phi dân tộc, phản tiến hóa, trở nên bất lực trong vai trò chỉ đạo cho tiến trình phát triển của dân tộc. Lúc đó sức Văn Hiến Vận Động sẽ phải vận động tự thân nơi đáy tầng quốc dân để tự tìm hướng đi cho dòng Sinh mệnh và cho Tiền đồ dân tộc.


Lịch sử cận đại cho thấy, khi nhà Nguyễn đầu hàng giặc Pháp, dân tộc ta ở trong tình trạng thiếu vắng lãnh đạo trên Mặt tầng, thì dòng Văn Hiến Vận Động Tự thân nơi đáy tầng đã tác động mạnh mẽ trên dòng sinh mệnh dân tộc. Chính trong thời kỳ này ta thấy có các cuộc kháng chiến của phong trào Cần Vương, của Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Đề Thám, Nguyễn Thiện Thuật ..., các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghiã Thục. Đặc biệt phong trào Chữ Quốc Ngữ với Nam Phong Tạp Chí, Tự Lực Văn Đoàn,… đã đi những bước đầu để ngày nay hình thành được một nền văn học hiện đại đầy sinh lực mang tính dân tộc và đại chúng, đồng thời khai mở cho chúng ta một nền quốc học trong tương lai. Cũng trong thời kỳ này, có sự xuất hiện của Phật Giáo Tứ Ân và Đạo Cao Đài. Rõ rệt là đã nối tiếp truyền thống dung hợp tôn giáo và điều hợp dung nhiếp các giá trị ngoại nhập vào dòng sinh mệnh dân tộc.


Khi dân tộc càng bị khống chế về chính trị hoặc văn hóa trên Mặt tầng, thì Văn Hiến Vận Động phải chìm xuống nơi Đáy Tầng càng phản ứng mạnh mẽ.  Bản lãnh Văn Hiến Vận Động trong Quốc dân thêm tích tụ; sức vận động văn hiến tự Đáy tầng để trào dâng lên mặt tầng càng thêm thôi thúc dữ dội.


Lịch sử hiện đại cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam đã đi vào lịch sử với tâm thức dân tộc chống ngoại xâm, với khát vọng và ý chí độc lập tự do được tích tụ nơi lòng dân tộc trong suốt thời gian Pháp thuộc. Thế nên khi phất lên ngọn cờ độc lập tự do và giải phóng, họ đã kéo được cả một dòng Văn hiến Vận động trào dâng từ Đáy Tầng Dân Tộc, khiến hồn dân tộc trở về và thần tính dân tộc hiển hiện nơi mỗi con dân Việt nam để đi vào cuộc chiến.
Đảng Cộng sản Việt nam dựa vào phong trào dân tộc để phát triển, vận dụng thủ đoạn chính trị là đội lốt dân tộc để dành được quyền lực lãnh đạo kháng chiến, khai thác triệt để lòng yêu nước nhiệt thành của dân chúng Việt nam để chiến thắng giặc Pháp.  Nhưng sau khi cả nước rơi vào quyền lực thống  trị của Cộng sản, thì trên Mặt Tầng thống trị dân tộc lại là một đảng Cộng sản Việt nam đã hoàn toàn vong thân vào ý hệ Mác-xít ngoại lai đối kháng hẳn với các giá trị văn hiến truyền thống của dân tộc.  Đảng Cộng sản Việt nam đã mù quáng áp đặt các mô thức chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá Mác-xít phi dân tộc lên toàn bộ sinh hoạt quốc dân. Với tham vọng Mác-xít hoá toàn dân, tức nô dịch hoá toàn dân dưới ý hệ Mác-xít, đảng Cộng sản Việt nam đã ra sức  hủy hoại hầu hết mọi giá trị truyền thống của Văn hiến Việt Nam trên Mặt tầng Văn hoá.  Tuy nhiên cũng giống như thời Bắc thuộc, sự khống chế của các hình thái văn hoá Mác-xít chỉ tác động được ở trên Mặt Tầng và nhất thời phần nào có thể lung lạc được con dân Việt nam trên mặt ý thức, chứ chưa thể hủy hoại được phần tâm thức của dân tộc và xâm kích được Đáy Tầng Văn Hiến Việt nam. Ngược lại, dòng Văn Hiến Vận Động Tự Thân nơi Đáy Tầng, qua các hình thái sinh hoạt sinh động và đa dạng của Quốc dân, đã có tác dụng vô hiệu hoá mọi nỗ lực Mác-xít hoá quốc dân của chính quyền, đã thực sự bẻ gãy mọi chương trình và kế hoạch xây dựng các mô thức sinh hoạt trái nghịch với Văn hiến truyền thống dân tộc.


Ngày nay, khi khối Cộng sản Đông Âu và đế quốc cộng sản Liên-Sô đã sụp đổ và tan rã, ý hệ cộng sản đã tan vỡ, mô thức cộng sản đã bị lịch sử hoàn toàn đào thải, thì đảng Cộng sản Việt nam, ngoài khả năng lợi dụng được thế địa lý chính trị quốc tế để có thể tiếp tục khống chế về mặt quyền lực, nó buộc phải từng bước đến mức hoàn toàn buông tay tháo chạy khỏi các lãnh vực khác như văn hóa, tư tưởng, kinh tế, và xã hội. Áp lực khống chế trên mặt tầng giảm sút, Văn Hiến Vận Động với năng lực và bản lãnh được tích tụ suốt thời gian bị khống chế vừa qua, đã đến lúc trào dâng lên mặt tầng của ý thức quốc dân, để trở thành Cao Trào Quốc Dân Văn Hiến Vận Động, chuẩn bị cho giai đoạn Đại Bừng Tỉnh, Đại Hội Nhập và Đại Thống Nhất Quốc Dân, đảy dòng sinh mệnh lịch sử Việt nam lên giai đoạn phát triển vinh quang trong thế kỷ thứ 21.


Hiện nay, hiện tượng Văn Hiến Vận Động Tự Thân đang diễn ra sống động trong các gia đình Việt nam định cư tại hải ngoại.


Báo Người Việt số Chủ nhật ngày 07-11-1993 tường thuật trường hợp của một thiếu nữ Việt nam (cô Mimi Lê) tham dự cuộc tuyển lựa “Tài Năng Mới 93,” là cuộc thi hát nhạc Việt nam được tổ chức mới đây tại Orange County, California.  Cô (Mimi Lê) cùng gia đình di tản sang Hoa Kỳ từ khi cô mới 7 tuổi.  Theo học trường Mỹ và sắp tốt nghiệp bác sĩ nha khoa, nhưng cô nói tiếng Việt ở mức hoàn hảo. Được chính cha mẹ cô khuyến khích, cô đã dự thi và hát rất hay.  Cô có những quan niệm và phong cách sống rất đậm nét truyền thống Việt nam mà cô cho là đã được thụ hưởng nhờ đường lối giáo dục của cha mẹ. Cô ca ngợi đường lối giáo dục của cha mẹ cô là tuyệt vời, và cô nguyện sẽ áp dụng lại đường lối này cho chính con cái của cô trong tương lai. Cô là hình ảnh của một trong rất nhiều người trẻ Việt nam (hầu như) hoàn toàn lớn lên và trưởng thành ở ngoại quốc. Sở dĩ họ thành công về mặt học vấn và xã hội ở nước ngoài nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt nam và tự hào về truyền thống Việt nam là nhờ ở môi trường trưởng dưỡng tại gia đình họ. Trong một xã hội mới và môi trường văn hóa mới, nhiều gia đình Việt nam đã chứng tỏ sức sống tự chủ và khả năng tự thân thích ứng, đãi lọc, dung hóa, hội nhập mà không tha hóa.  Chính tại các gia đình Việt nam này đã thấy nổi bật lên sức vận động của các giá trị Văn hiến truyền thống tích tụ nơi bản thân của mỗi người Việt chúng ta.


Xét qua về vận động xuyên suốt trong đời sống dân tộc và trong đời sống cá thể của mỗi gia đình và mỗi người Việt nam, chúng ta có thể kết luận:
Văn Hiến Vận Động là dòng vận động lịch sử dân tộc nền tảng nhất, chân chính nhất; chính nó đã thúc đảy và vạch đường tiến hóa cho dân tộc.


Nếu ta có thể góp nỗ lực để cùng Quốc Dân đảy dòng Văn Hiến Vận Động, hiện đang còn nằm ở đáy tầng và ở bình diện tự thân nơi tâm thức, trào dâng lên Mặt Tầng trên bình diện ý thức, chúng ta có thể kết được mối Đồng Tâm trong Quốc Dân, chuẩn bị cho cuộc Đại Bừng Tỉnh, Đại Hội Nhập và Thống Nhất Dân Tộc.


 Trần Thứ, viết ngày 14/11/1993


Đăng trên Nguyệt San Người Việt Illinois, số 393, Tháng 7, 2015


No comments:

Post a Comment