Friday, September 18, 2015

TRUYỀN THUYẾT KHỞI NGUYÊN DÂN TỘC
 
     Nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba với thời cực thịnh của nền văn minh cơ khí kỹ thuật cùng với cuộc cách mạng điện tử, con người sống trong một xã hội hậu công nghiệp với mọi tiện nghi vật chất và một cuộc sống thực dụng. Thế nhưng trong tâm thức mỗi người vẫn vang lên tiếng gọi trở về nguồn cội để được tắm mát trong nguồn suối tâm linh, giải tỏa mọi ức chế tinh thần, mọi gò bó thôi thúc của cuộc sống đời thường. Nhu cầu tâm linh đã trở nên một yêu cầu bức thiết từ trong sâu thẳm của tâm hồn mỗi chúng ta. Khác với Thần thoại thường được thần thánh hóa những sự việc không có thật nên đầy tính hoang đường huyền hoặc, truyền thuyết thường dựa trên những nét căn cơ nền tảng được hư cấu cho thêm phần huyền ảo nên một triết gia đã nói “Huyền thoại thật mà không thật”.
 
     Ngày nay không ai có thể phủ nhận được giá trị của những truyền thuyết huyền thoại mà nó còn được xem như lịch sử dân gian nên có giá trị trung thực hơn cái gọi là chính sử của các chế độ độc tài trong lịch sử. Triết gia thời danh Carl Jung đã xem huyền thoại là “Đạo sống” của một dân tộc mà theo ông thì “Nếu một dân tộc nào quên đi huyền thoại thì dân tộc đó, dù là những dân tộc văn minh nhất sớm muộn gì cũng bị tiêu vong ..”. Wallace Clif cũng cho rằng “ Nếu dân tộc nào để mất đi huyền thoại là đánh mất mạch nối vào nguồn cội qúa khứ của tổ tiên và cũng mất luôn căn bản cho việc xây dựng tiền đồ của dân tộc đó...”.
 
     Trong lịch sử nhân loại, nhiều dân tộc đã không tồn tại được với thời gian vì không có truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc. Huyền thoại là mạch sống nối cội nguồn qúa khứ với thế hệ hiện tại và mai sau, chính là tài sản vô giá ghi nhận những cảm nghiệm nội tâm của người xưa đã thực chứng suốt dòng vận động của lịch sử. Cũng như nhiều học giả ngoại quốc khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, nữ sĩ Blaga Dimitrova đã hết sức ngạc nhiên xen lẫn thán phục dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà huyền thoại và hiện thực đan quyện hòa lẫn với nhau đến nỗi khó có thể phân biệt đâu là huyền thoại đâu là hiện thực nữa. Huyền thoại Việt tuy huyền mà không ảo, tuy hư mà lại có phần thực đến độ không thể ngờ được. Đặc biệt, huyền thoại Việt hầu như vắng bóng thần linh mà thay vào đó là hình ảnh những ông Tiên bà Tiên hiền lành cứu người giúp đời.
 
     Người Việt vốn là cư dân nông nghiệp nên có một lối suy nghĩ tổng hợp và linh hoạt khác với lối suy nghĩ phân tích của dân du mục Hán tộc và phương Tây. Chính vì vậy, huyền thoại Việt mang tính lưỡng hợp và hiện thực. Với một cái nhìn tổng hợp, người Việt cổ xưa tin thờ cả thần linh lẫn nhân thần mà ngay cả thần linh cũng được người xưa nhân cách hóa với đầy đủ tính người buồn vui, thương yêu hờn giận như người thường. Điều này chứng tỏ tri thức của người Việt cổ xưa đã vượt qua thời kỳ bái vật để đạt mức tâm linh, hướng tới vai trò của con người, chủ thể của cuộc sống để con người đứng vững trên đôi chân của chính mình. Người Việt cổ còn siêu vượt lên để trút bỏ bộ áo thần tiên của vật tổ biểu trưng Rồng Tiên để hóa thân thành những con người hiện thực: Bố Lạc Mẹ Âu, người anh hùng lập quốc và khai sáng văn hóa của nền minh triết nhân bản tâm linh Việt.
 
     Mỗi dân tộc đều có những truyền kỳ lịch sử được thần thoại hóa thể hiện lòng tự hào dân tộc mang tính sử thi của mình. Thật vậy, huyền thoại Rồng Tiên về ngọn nguồn huyết thống Việt tuy đượm vẻ huyền hoặc nhưng lại tràn đầy tính hiện thực, thấm đậm nét nhân văn của truyền thống nhân đạo Việt Nam. Huyền sử con Rồng cháu Tiên là niềm tự hào của nòi giống Việt. Đã là người Việt Nam thì từ em bé thơ ngây đến cụ già trăm tuổi, từ bậc thức giả uyên bác đến bác nông dân suốt đời chân lấm tay bùn, không ai không một lần nghe truyện cổ tích Họ Hồng Bàng. Thật vậy, ai trong chúng ta mà không biết về nguồn cội Rồng Tiên với thiên tình sử của “Bố Lạc Mẹ Âu” mở đầu thời kỳ dựng nước của dòng giống Việt. Truyền thuyết Việt Nam nói đúng hơn đó là truyền kỳ lịch sử Việt Nam được hư cấu dưới lớp vỏ huyền thoại nhưng thực chất lại đề cao con người với ý nghĩa nhân bản truyền thống.
 
     Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng một triết lý văn hóa cao đẹp không những thấm đậm tính nhân đạo, chan chứa vẻ nhân văn, tràn đầy tình đồng bào, nghĩa ruột thịt qua hình tượng “Bọc điều trăm trứng nở trăm con”. Từ ý niệm đồng bào dẫn đến lòng yêu nước, thương nòi, yêu quê cha đất tổ, tất cả đã trở thành giá trị đạo lý truyền thống của nền văn minh đạo đức Việt Nam. Henri Bernard Maitre đã ca tụng nét đẹp văn hiến của Việt tộc qua đền thờ gọi là “Văn miếu”. “Văn Miếu không phải để cầu kinh hay làm bùa phép mà là nơi trang trọng ghi ơn các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, các vị Tiến sĩ với những chuẩn mực đạo đức để con cháu đời sau ghi sâu vào tâm khảm bài học về đạo làm người Việt Nam, xứng đáng với hoài bão của Tiền Nhân”.
 
     Đối với người Việt, việc thờ cúng Ông bà Tiên tổ là đạo lý làm người, một phần trong đời sống tâm linh của người Việt. Từ xa xưa người Việt coi trọng đạo nghĩa nên thường nghĩ tới ngày giỗ của người thân hơn là chú trọng đến ngày sinh nhật của mình. Ngày nay, dù giới trẻ quan tâm nhiều đến ngày sinh nhật nhưng cũng không quên những ngày kỵ giỗ người thân trong gia đình. Đạo thờ cúng Ông bà là một “Việt đạo” thể hiện đạo lý làm người của Việt tộc. Linh mục Cadière một thừa sai ngoại quốc đến Việt Nam truyền giáo phải thốt lên “Việt Nam là một dân tộc có tinh thần tôn giáo cao độ …”.
 
     Học giả P. Mus nghiên cứu về Việt Nam cũng thừa nhận rằng “Dân tộc Việt có một đời sống tâm linh cao, người Việt không làm việc, họ tế tự”. Thật vậy, người ngoại quốc ngạc nhiên khi thấy “Mỗi gia đình Việt Nam là một nhà thờ, nhà nào cũng có bàn thờ gia Tiên ở chính giữa nhà. Trong đời sống tâm linh Việt, Nhất cử nhất động, việc gì cũng tràn đầy tính chất thiêng liêng, thờ phượng, tế lễ, cúng giỗ với tất cả tấm lòng chí thành”. Đây chính là điểm đặc thù độc đáo thấm đậm bản sắc dân tộc, tràn đầy vẻ nhân văn của triết lý văn hóa nhân chủ. Thật vậy, trong đời sống tâm linh Việt không chỉ hiển hiện ở bàn thờ Gia Tiên mà đền thờ ngự trong tâm thức mỗi người. “Người Việt không tham dự vào các buổi lễ để được ban phát ân sủng, mà họ hiệp thông cầu nguyện như một người Tư tế, với tất cả tính chất thiêng liêng của một tôn giáo”. Điều này thể hiện giá trị cao đẹp đặc trưng đời sống tinh thần của người Việt cổ.
 
     Thờ cúng tổ tiên chính là đạo lý làm người, là cái gì thiêng liêng cao cả truyền từ đời này sang đời khác. Chính dòng sống tâm linh này đã góp phần bảo tồn dòng giống Việt. Truyền thống thờ cúng ông bà không còn là một tập tục, một tín ngưỡng đơn thuần mà đã trở thành đạo lý của dân tộc. Đạo thờ cúng ông bà được xem như Tổ Tiên chính giáo của đạo làm người Việt Nam mà Nguyễn Đình Chiểu một sĩ phu yêu nước thế kỷ XIX đã ân cần nhắc nhở “Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”. Là người Việt Nam ai cũng biết uống nước phải nhớ nguồn vì “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con! Ơn cha mẹ thề không lỗi đạo, Thờ sống sao thờ thác làm vầy …Công cha nghĩa mẹ xưa nay, Con nguyền ghi nhớ thảo ngay một lòng!.  Đây chính là điểm độc đáo của dịng sống tâm linh Việt vẫn tiếp nối truyền lưu trong mỗi con người Việt Nam chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Thật vậy bên cạnh đời sống thực tế khổ đau trước mắt, vẫn hiển hiện một đời sống tâm linh sâu thẳm thấm đậm tính nhân bản hiện thực cao đẹp … Chính dòng sống tâm linh đó đã tạo cho mỗi người Việt Nam một quan niệm sống lạc quan yêu đời, an nhiên tự tại nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nền độc lập thực sự, quyền tự do thực sự và sự ấm no hạnh phúc thực sự cho mỗi con dân đất Việt.
 
     Lịch sử Việt là lịch sử của sự thăng trầm từ khi lập quốc đến ngày nay trải qua hàng ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, gần một trăm năm nô lệ giặc Tây và hơn nửa thế kỷ nô dịch văn hóa ngoại lai. Trong suốt trường kỳ lịch sử, Hán tộc bành trướng với ưu thế của kẻ thắng trận và thủ đoạn thâm độc quỉ quyệt đã không những dùng mọi phương cách để đồng hóa Việt tộc bằng cách xóa đi mọi dấu vết cội nguồn, bóp méo sửa đổi lịch sử khiến thế hệ sau chỉ biết tìm về lịch sử trong một mớ “chính sử” hỗn độn mơ hồ. Mỗi một triều đại Hán tộc đều chủ tâm thay đổi địa danh, thủy danh xưa cũ của Việt tộc cùng với ảnh hưởng nặng nề của một ngàn năm đô hộ của sự nô dịch văn hóa khiến ta chấp nhận tất cả như một sự thật mà không một chút bận tâm. Thế nhưng… Lịch sử vẫn là lịch sử của sự thật dù bị sửa đổi vùi lấp hàng nghìn năm dưới ánh sáng của chân lý khách quan trước thềm thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại. Hán tộc thống trị với những thủ đoạn thâm độc quỷ quyệt đã triệt tiêu ngôn ngữ, sửa đổi lịch sử, thay đổi địa danh để xóa nhòa chứng tích sử liệu về nguồn cội dân tộc. Tiền nhân Việt cổ đã để lại những nguồn sách sử mà chính sử Trung Quốc gọi là Ngoại Thư như Giao Châu Ký, Quảng Châu Ký, Liêu Nghi truyện, Quân Quốc Lợi Bệnh Thư và nhất là Bách Việt Tiên Hiền Chí của Trinh Bá Âu Đại Nhậm đời Minh cùng với kho tàng Thông sử dân gian như Lĩnh Nam Trích Quái, Việt Điện U Linh, Thiên  Nam Ngữ  Lục… hoặc dưới dạng những truyền kỳ lịch sử truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác đã giúp chúng ta truy tìm về ngọn nguồn dân tộc. Từ những mờ ảo của huyền tích Việt đã trở thành hiện thực lịch sử với những chứng cứ khoa học hết sức thuyết phục đã phục hồi sự thật của lịch sử để trả lại những gì của lịch sử cho lịch sử.
 
     Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, ánh sáng của sự thật soi rọi vào quá khứ bị che phủ hàng ngàn năm bởi kẻ thù Hán tộc bành trướng. Trong thiên niên kỷ thứ hai, nhân loại sửng sốt trước cái gọi là “Nghịch lý La Hy” khi trước đây nhân loại cứ tưởng tất cả nền văn minh Tây phương là của đế quốc Hy Lạp La Mã để rồi phải xác nhận đó chính là nền văn minh của Trung Quốc. Cuối thiên niên kỷ thứ hai, nhân loại lại ngỡ ngàng khi thấy rằng cái gọi là nền văn minh Trung Quốc lại chính là nền văn minh của đại chủng Bách Việt. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nhìn lại toàn bộ lịch sử Việt để phục hồi sự thật của lịch sử để xóa tan đám mây mờ che lấp suốt mấy ngàn năm lịch sử bởi kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
 
     Trong lịch sử nhân loại, có lẽ không một dân tộc nào chịu nhiều mất mát trầm luân như dân tộc Việt với những thăng trầm lịch sử, những khốn khó thương đau. Ngay từ thời lập quốc, Việt tộc đã bị Hán tộc với sức mạnh của tộc người du mục đã đánh đuổi Việt tộc phải rời bỏ địa bàn Trung nguyên Trung quốc xuống phương Nam để rồi trụ lại địa bàn Việt Nam bây giờ. Trải qua gần một ngàn năm đô hộ, với chiến thắng Bạch Đằng Giang năm 938 của Ngô Quyền mới chính thức mở ra thời kỳ độc lập của Việt tộc. Tuy thất bại về quân sự nhưng nền văn hóa của Việt tộc đã thẩm nhập vào đất nước và con người Hán tộc để hình thành cái gọi là văn minh Trung Quốc. Chính sử gia chính thống của Hán tộc là Tư Mã Thiên đã phải thừa nhận một sự thực là “ Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy …”. Vạn thế sư biểu của Hán tộc là Khổng Tử đã ca tụng nền văn minh rực rỡ, xác nhận tính ưu việt của nền văn minh Bách Việt ở phương Nam. Trong sách Trung Dung Khổng Tử đã viết như sau:“Độ luợng bao dung, ôn hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử hành xử như vậy ... Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo hành động như thế ...”. Trong kinh “Xuân Thu”, Khổng Tử đã ghi lại bao nhiêu trường hợp cha giết con, con giết cha, cha cướp vợ của con, con cướp vợ của cha, anh chị em dâm loạn với nhau, bề tôi giết chúa … Điều này chứng tỏ Hán tộc du mục vẫn còn dã man với lối sống du mục ngay trong giới quí tộc chứ đừng nói đến bình dân. Thế mà chính sử Trung Quốc cứ vẫn sao chép Việt tộc là man di, các Thứ sử Thái Thú Hán vẫn lên mặt giáo hóa dân Việt trong khi Bách Việt ở phương Nam đã đi vào nền nếp của văn minh nông nghiệp từ lâu. Chính“Vạn thế Sư biểu” của Hán tộc là Khổng Tử cũng đã phải đem những nghiên cứu, sưu tập, học hỏi của nền văn minh Bách Việt phương Nam đặt để thành những quy luật, trật tự cho xã hội phương Bắc. Tất cả những “Tứ thư, Ngũ kinh” được xem như tinh hoa của Hán tộc đã được chính Khổng Tử xác nhận là ông chỉ kể lại “Thuật nhi bất tác”, sao chép lại của tiền nhân chứ không phải do ông sáng tác ra. Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi khi giới nghiên cứu đều xác nhận hầu hết các phát minh gọi là văn minh Trung Quốc từ nền văn minh nông nghiệp đến văn minh kim loại, kỹ thuật đúc đồng, cách làm giấy, cách nấu thủy tinh, cách làm thuốc súng, kiến trúc nóc oằn mái và đầu dao cong vút … tất cả đều là của nền văn minh Bách Việt.
 
     Bước sang thế kỷ XIX, dân tộc Việt chưa tháo gỡ được cái ách thống trị của thực dân Pháp thì chủ nghĩa cộng sản đã tràn vào Việt Nam đưa dân tộc Việt vào thế khốn cùng. Cộng sản Việt Nam đã núp dưới chiêu bài giải phóng dân tộc để bành trướng chủ nghĩa cộng sản, tạo cơ hội cho tư bản nhân danh thế giới tự do nhảy vào can thiệp, ngăn chặn làn sóng đỏ xuống Đông Nam Á. Hậu qủa là gần một chục triệu người đã phải hi sinh oan uổng để rồi hơn tám mươi triệu đồng bào đang phải sống dưới chế độ cộng sản bạo tàn phi nhân và đất nước Việt Nam ngày nay vẫn còn là một đất nước nghèo nàn nhất thế giới. Với chủ trương nô dịch của cộng sản, biết bao thế hệ Việt Nam bị nhồi nhét nền văn hóa Mác-Lê phi nhân tàn bạo mà hậu qủa là tạo ra những cỗ máy vô hồn, những con người vô cảm lạnh lùng, vong bản mất gốc.
 
     Hơn bốn triệu đồng bào Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do nên thế hệ con em chúng ta ở hải ngoại phần nào bị ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai mang tính thực dụng, quên đi bản sắc văn hóa truyền thống Việt chan chứa tình người. Chính vì vậy, vấn đề hết sức khẩn thiết là làm sao phải phục hoạt văn hóa Việt, phục hưng minh triết Việt để tẩy rửa mọi ý hệ ngoại lai. Thế hệ con em chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cội nguồn dân tộc, thấy rõ hơn gía trị cao đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống Việt và có quyền tự hào là “con Rồng cháu Tiên” của một dân tộc có gần năm ngàn năm văn hiến để ngẩng cao đầu sánh vai cùng các cường quốc trong thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

PHẠM TRẦN ANH 

No comments:

Post a Comment