Monday, September 28, 2015

Công du của ĐGH Francis 'rất thành công về mặt chính trị và tôn giáo'


Sunday, September 27, 2015
Đỗ Dzũng/Người Việt


PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) - “Chuyến thăm Hoa Kỳ của Đức Thánh Cha đã rất thành công về mặt chính trị và tôn giáo.”


Đó là nhận xét của Linh Mục Nguyễn Khắc Hy, giáo sư Thần Học tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ, Washington, DC, khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt qua điện thoại.


Đức Giáo Hoàng Francis (giữa) tặng sách Phúc Âm Thánh Luca cho hai người
trong một gia đình Việt Nam. (Hình: Carl Court/Getty Images)


Linh mục cũng là thông dịch viên chính thức cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Đại Hội Gia Đình Thế Giới được tổ chức ở Philadelphia trong mấy ngày qua.


Linh mục giải thích thêm: “Về mặt chính trị, ba bài diễn văn của ngài tại Tòa Bạch Ốc, Quốc Hội Mỹ, và Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã đánh động chính sách của Hoa Kỳ, nhất là trong hai đề tài di dân và môi trường. Tất nhiên, chúng ta chưa biết các chính trị gia Mỹ sẽ làm gì trong những ngày tới, nhưng kết quả cụ thể chúng ta có thể thấy là sự từ chức của Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner.”
“Về mặt tôn giáo, tôi nhận thấy người Công Giáo rất vui mừng, và họ nhận thức được thông điệp của Đức Giáo Hoàng, đó là 'Sống Tin Mừng trong gia đình' có nghĩa là 'Sống Tin Mừng bằng đời sống hôn nhân và gia đình.' Đây là sứ điệp được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt,” vị linh mục nói thêm.


Giáo dân Việt Nam tham dự Thánh Lễ


Nói về Thánh Lễ tại Philadelphia, do Đức Giáo Hoàng Francis chủ tế, trong ngày cuối cùng của ngài ở Hoa Kỳ, Linh Mục Hy nhận xét: “Tôi thấy có rất nhiều người Việt Nam. Có hàng chục người trong ca đoàn, có hát tiếng Việt, có hát Đáp Ca bằng tiếng Việt, có đọc Thánh Thư bằng tiếng Việt, có Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn, tổng giám mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, sang tham dự, rồi có Giám Mục Nguyễn Văn Hiếu, giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Toronto, Canada,... và rất nhiều linh mục Việt Nam.”


“Năm nay là 'Năm Lòng Thương Xót' của Vatican. Trong số năm gia đình đại diện năm châu mà Đức Giáo Hoàng chọn ra để trao Phúc Âm Thánh Luca, có một gia đình từ Việt Nam sang, đại diện cho Châu Á. Nói chung, người Việt Nam chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong giáo hội tại Hoa Kỳ,” Linh Mục Nguyễn Khắc Hy nói tiếp.


Được biết, người hát Đáp Ca trong Thánh Lễ là anh Võ Sinh, thuộc ca đoàn giáo xứ Thánh Helena ở Philadephia.


Còn người đọc bài Thánh Thư thứ hai là Soeur Mary Nguyễn Hồng Quế, giám đốc chương trình gia đình, thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn.


Được biết, Soeur Mary Nguyễn Hồng Quế có mang đến Hoa Kỳ một bức tranh Đức Mẹ Maria làm bằng những hột gạo để tặng Đức Giáo Hoàng Francis.
Soeur Mary Nguyễn Hồng Quế đọc bài Thánh Thư thứ hai tại Thánh Lễ.
(Hình chụp qua TV)


Kỹ sư Đỗ Ngọc Dũng, một giáo dân Công Giáo ở Brooklyn Park, Minnesota, cùng gia đình đến tham dự Thánh Lễ nói rằng lòng tin của ông được vững mạnh hơn sau khi trông thấy Đức Giáo Hoàng Francis.


“Đức Giáo Hoàng là người thay mặt Chúa. Khi đến gần ngài, tôi cảm thấy gần gũi hơn là nhìn qua truyền hình, cảm thấy niềm tin của mình đầy đủ hơn. Mặc dù Chúa nói rằng 'Phúc cho những ai không thấy mà tin,' nhưng với tôi, được thấy thì vẫn tốt hơn,” ông vừa cười vừa nói với nhật báo Người Việt qua điện thoại.
Ông nói thêm về Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Francis chủ tế: “Có đến đây mới thấy đức tin của người Công Giáo rất lớn. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, không ai biết ai, nhưng đều hiểu nhau. Khi Đức Giáo Hoàng Francis làm lễ, lúc thì bằng tiếng Anh, lúc bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng tôi có cảm giác mọi người đều hiểu rất rõ và cảm thấy đức tin dâng cao.”


Bà Hoài Phạm, cư dân Buffalo, New York, có nhận xét như sau: “Trước khi đi cảm thấy mình tội lỗi vô cùng, nhưng bây giờ thì cảm thấy khá hơn, vì được nghe những lời giảng về gia đình, về thăng tiến hôn nhân, rất tốt.”


“Trong Thánh Lễ, tôi chỉ lo cho sinh mạng của Đức Thánh Cha. Lúc ngài bước ra khỏi xe để lên bàn thờ, tôi cứ cầu nguyện, sợ đứa nào nó bắn ngài. Tôi thấy mọi người dự Thánh Lễ rất sốt sắng,” bà nói thêm.


Bà cho biết, đây là lần đầu tiên được thấy Đức Giáo Hoàng, rất là vui, nhưng chưa bao giờ đến Vatican.


“Sau chuyến này về, tôi sẽ thúc chồng tôi đi Vatican một chuyến. Tôi muốn gặp ngài lần nữa,” bà quả quyết.


Nhà báo Trần Đông Đức, chủ nhiệm tuần báo Người Việt Đông Bắc, có mặt tại Thánh Lễ từ đầu đến cuối và cảm thấy tự hào.


“Tôi không phải là người theo Công Giáo, nhưng cảm thấy rất tự hào, vì thấy có nhiều người Việt Nam tham dự Thánh Lễ, và có cả tiếng Việt được đọc nữa. Tôi thấy người Việt là một lực lượng 'chủ lực' ở đây. Họ có tinh thần hiệp thông cao, tin vào Thiên Chúa, có sự bình đẳng, bác ái, không phân biệt đẳng cấp,” nhà báo Trần Đông Đức nhận xét.


Ông nói thêm: “Nói thật, tôi chỉ đến tham dự vì hiếu kỳ, nhưng thấy nghi thức rất trang trọng, tôn nghiêm, và đúng là một sự kiện lịch sử tại Philadelphia. Và một lần nữa, có tới dự Thánh Lễ mới chứng kiến là người Việt Nam mình rất mạnh. Tôi rất hãnh diện.”


Gặp nạn nhân lạm dụng tình dục


Trước khi cử hành Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng đã gặp một số nạn nhân tình dục và nói “Chúa đã khóc” cho họ, theo CNN.


Đức Giáo Hoàng gặp năm nạn nhân, ba phụ nữ và ba đàn ông, theo thông cáo báo chí của Vatican.


Tất cả năm người này đều bị các linh mục, thành viên gia đình, hoặc thầy giáo, lạm dụng tình dục khi còn là thiếu niên.


Đức Giáo Hoàng Francis đã nghe họ kể chuyện, nói với họ, từng cá nhân cũng như cả nhóm, và sau đó cầu nguyện cùng với họ.


Nơi đức giáo hoàng gặp các nạn nhân là nhà dòng St. Charles Borromeo, một nơi thuộc Tổng Giáo Phận Philadelphia, từng có hai vụ lạm dụng tình dục được đại bồi thẩm đoàn đề cập năm 2005 và năm 2011, trong đó, những người đứng đầu tổng giáo phận bị tố cáo không có biện pháp thích đáng để ngăn chặn tình trạng linh mục lạm dụng tình dục trẻ em.


Sau đó, trong cuộc họp với các giám mục, Đức Giáo Hoàng Francis hứa sẽ “xem xét cẩn thận” để bảo đảm trẻ em được bảo vệ và nói rằng những người lạm dụng phải chịu trách nhiệm.


“Những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ em lại vi phạm lòng tin và làm họ đau đớn,” vị giáo chủ đứng đầu Vatican được CNN trích lời nói. “Những ai chịu đựng sự lạm dụng này đã trở thành những sứ giả của lòng thương xót. Chúng ta biết ơn họ, bởi vì họ bị lạm dụng một cách đau khổ, lạm dụng tình dục trẻ em.”


Tại Vatican năm 2014, Đức Giáo Hoàng Francis từng gặp nạn nhân lạm dụng tình dục. Trong một Thánh Lễ riêng tư với sáu nạn nhân, vị giáo hoàng đã xin lỗi và xin họ tha tội.


Gặp tù nhân trong nhà tù


Cũng trong ngày Chủ Nhật, Đức Giáo Hoàng Francis đã gặp một số tù nhân và cai tù trong nhà tù Curran-Fromhold, lớn nhất ở Philadelphia.


Đức Giáo Hoàng đã ngồi trên một chiếc ghế, do các tù nhân làm đặc biệt cho ngài, nói chuyện với một số tù nhân, và bài nói chuyện của ngài được loa phóng thanh truyền đi khắp nhà tù, theo NBC.


Đức Giáo Hoàng Francis nói với các tù nhân rằng họ không cô đơn, và không nên cảm thấy bị ruồng bỏ trong thời gian ở tù.


“Tôi đến đây như là một linh mục, nhưng trên hết là một người anh, để chia sẻ tình trạng của các bạn, và cảm nhận của tôi,” Đức Giáo Hoàng được trích lời nói. “Bất cứ xã hội nào, gia đình nào, mà không thể chia sẻ hoặc cảm nhận một cách nghiêm túc sự đau đớn của con cái, và coi đây là chuyện bình thường, hoặc là điều tất nhiên, thì đó là một xã hội đáng bị chê trách là tự trói mình.”
Đức Giáo Hoàng ban phép cho một tù nhân trong nhà tù Curran-Fromhold,
Philadelphia. (Hình: Todd Heisler-Pool/Getty Images)


Đức giáo hoàng cũng nói lòng tin sẽ giúp các tù nhân trong thời gian “hồi phục” bởi vì không ai là hoàn hảo.


“Tất cả chúng ta có một điều gì đó cần phải tẩy rửa, hoặc làm cho tinh khiết. Cầu mong những hiểu biết về chuyện này làm cho chúng ta sống trong sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, và tìm thấy cái tốt nhất trong mỗi con người,” Đức Giáo Hoàng Francis nói.


Đại Hội Gia Đình Thế Giới


Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 8 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 25 Tháng Chín tại Trung Tâm Hội Nghị Philadelphia, với chủ đề “Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta: Để gia đình được sống dồi dào,” với cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Francis trong hai ngày 26 và 27 Tháng Chín, và kết thúc bằng Thánh Lễ do ngài chủ tế tại Benjanmin Franklin Parkway, có khoảng hơn 1 triệu người tham dự.


Đại Hội Gia Đình Thế Giới năm nay là đông nhất, với 18,000 người ghi danh tham dự, mà theo Đức Ông Trịnh Minh Trí, chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, kiêm chánh xứ giáo xứ Thánh Helena, có tới hơn 1,100 người Việt Nam.


Đại Hội Gia Đình Thế Giới được tổ chức ba năm một lần, qua sáng kiến của Đức Giáo Hoàng John Paul II, với lần thứ nhất ở Rome, Ý, năm 1994. Sau đó, đại hội được tổ chức ở Rio de Janeiro, Brazil (1997), Rome, Ý (2000), Manila, Philippines (2003), Valencia, Tây Ban Nha (2006), Mexico City, Mexico (2009), và Milan, Ý (2012).


Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 8 ở Philadelphia năm nay là đại hội đầu tiên được tổ chức tại Mỹ.


Giã từ nước Mỹ


Sau sáu ngày thăm Hoa Kỳ, qua ba thành phố lớn, đọc 18 bài diễn văn, gặp gỡ hàng triệu người, Đức Giáo Hoàng Francis kết thúc chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài đến Mỹ.


Tại bất cứ nơi đâu Đức Giáo Hoàng Francis cũng được mọi người hoan nghênh, dù là người Công Giáo hay không.


Trước khi đến Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Francis đã thăm Cuba trong bốn ngày, gặp cả hai anh em ông Fidel và ông Raul Castro, chủ tế Thánh Lễ, thăm người nghèo... Ngài là vị giáo hoàng thứ ba thăm đảo quốc này.


Đức Giáo Hoàng Francis bước lên cầu thang máy bay, chuẩn bị bay về Rome, Ý.
(Hình: AP Photo/Susan Walsh)


Tại phi trường Atlantic Aviation, Philadelphia, lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, Đức Giáo Hoàng Francis, đứng cạnh Hồng Y Charles J. Chaput, tổng giám mục Tổng Giáo Phận Philadelphia, đã ngỏ lời cảm ơn ban tổ chức, thiện nguyện viên, và các nhà bảo trợ Đại Hội Gia Đình Thế Giới.


Lúc 7 giờ 30 phút tối, Phó Tổng Thống Joe Biden có mặt tại phi trường để tiễn Đức Giáo Hoàng Francis bước lên chiếc máy bay của hãng American Airlines, cất cánh lúc 7 giờ 40 phút để bay về Rome, Ý, kết thúc chuyến thăm lịch sử nước Mỹ.


Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com


No comments:

Post a Comment