Human Rights Watch : Áp lực nhân quyền với Hà Nội có hiệu quả
Phương Uyên ngay sau khi được trả tự do (DR)
Sự kiện tòa án Việt Nam giảm án cho hai sinh viên Đinh
Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên bị quy tội chống chính quyền trong
phiên xử phúc thẩm hôm qua 16/08/2013 được báo chí nước ngoài xem là hy
hữu. Human Rights Watch xem đây là thành quả của một chiến dịch áp lực
quốc tế cần phải được áp dụng lâu dài với chính quyền Việt Nam.
Trong phiên tòa phúc thẩm mà thân nhân không được thông báo và
tham dự, sinh viên Đinh Nguyên Kha, từ 8 năm tù giảm án xuống một nửa.
Nhưng đặc biệt là án tù của Nguyễn Phương Uyên trở thành án treo và cô
sinh viên 21 tuổi này đã được thả ngay tại tòa phúc thẩm Long An vào
trưa hôm qua.
Bình luận về sự kiện này, các hãng thông tấn quốc tế AP và AFP gọi
là một màn « trình diễn khoan hồng » và « rất hiếm hoi ». Công tố viên
lúc đầu đề nghị giảm một ít năm tù nhưng sau đó đã thay đổi bản án mà
không giải thích tại sao trong khi « can phạm » vẫn khẳng định mình là
người yêu nước và « chống đảng không có nghĩa là chống tổ quốc Việt
Nam ».
Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Ritghs Watch nhận định là chính quyền
Việt Nam chưa thay đổi hẵn chính sách về nhân quyền nhưng áp lực quốc tế
bắt đầu có tác dụng và Hà Nội biết lắng nghe thông điệp của tổng thống
Mỹ Obama cải thiện nhân quyền.
Phil Robertson, giám đốc HRW tại châu Á phân tích thêm trên làn sóng RFI :
« Đúng là ngoài sức tưởng tượng nhưng chúng ta phải thận trọng.
Bản cáo trạng vẫn còn treo lơ lững trên đầu cô gái (Phương Uyên) và cô
có thể bị đưa trở lại vào nhà tù một cách dễ dàng mặc dù cô chẳng có tội
tình gì để phải bị truy bắt.
Do vậy, thật tình mà nói, sự kiện cô (Phương Uyên) được thả là
một cử chỉ khéo léo của chính quyền Việt Nam. Nhưng điều này không có
nghĩa là họ thay đổi hẳn chính sách đối với những người có lời phát biểu
không lọt tai chế độ.
Ngược lại, tôi nghĩ do có một phong trào vận động quốc tế bảo vệ cho cô và như vậy áp lực quốc tế đã mang lại kết quả. Đây
là một bài học mà cộng đồng quốc tế, chính phủ cũng như các nhà tài trợ
phải suy ngẫm khi hỗ trợ hay giao dịch với Việt Nam : từ nay về sau
quốc tế phải cứng rắn hơn với chính quyền Việt Nam trên hồ sơ nhân quyền
».
No comments:
Post a Comment