Friday, August 2, 2013

Tư tưởng Phan Châu Trinh và hiện tình Việt Nam

Tư tưởng Phan Châu Trinh và hiện tình Việt Nam
Đỗ Thái Nhiên

Đối diện với mỗi tình huống của đời sống, con người đều có những suy nghĩ riêng nhằm giúp cho xã hội có được những ứng xử thích nghi. Đó là mối liên hệ giữa tư tưởng và hiện tình của đời sống. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu tư tưởng Phan Châu Trinh và hiện tình Việt Nam.


Tư tưởng Phan Châu Trinh đã chỉ ra rằng: bất cứ xã hội nào cũng có ba khối vấn đề căn bản: dân sinh, dân trí, dân khí.


Dân sinh Việt Nam.


Dân sinh là hoạt động của guồng máy kinh tế ở mỗi quốc gia. Hoạt động này làm cho đời sống thể chất của người dân đạt mức cân bằng. Như vậy phục vụ người dân là mục tiêu hàng đầu của kinh tế. Thế nhưng trong thực tế, một số tư nhân đã nhân danh “quyền tự do kinh doanh” của cá nhân để sản sinh ra chế độ tư bản tư nhân.  Chế độ này mở đường cho tệ trạng cá lớn nuốt cá bé trên lãnh vực sản xuất và tiêu thụ. Dĩ nhiên đây là một hình thức hoạt động kinh tế phản nhân quyền.

Đảng CSVN đã nhân danh “quyền làm chủ tập thể” của quần chúng nhân dân để thâu tóm toàn bộ tài nguyên quốc gia vào guồng máy kinh tế độc quyền của đảng. Từ đó, chế độ tư bản nhà nước ra đời. Tư bản nhà nước kiểu Cộng Sản Việt Nam độc hại hơn tư bản tư nhân vạn phần ở điểm  đảng viên Cộng Sản Việt Nam hành sử quyền ưu tiên trong kinh doanh với sự hổ trợ tích cực của hệ thống quyền bính do đảng CS tổ chức và điều động. Vụ Vinashin 2006 và các năm kế tiếp gây thiệt hại cho ngân quỹ quốc gia khoảng 4 tỷ Mỹ Kim. Mới đây, 01/2013, qua những tranh cãi giữa Thanh Tra Chính Phủ và ông Văn Hữu Chiến Chủ Tich UBND TP Đà Nẵng, dư luận được biết TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác thông qua tác vụ “Chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đã tham nhũng số tiền nhiều tỷ Mỹ Kim( Báo Thanh Niên 19/01/2013).  Hai vụ tham nhũng vừa nêu chỉ là hai giọt nước trong biển tham ô tại Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản.  Tham ô là ác quỷ của dân sinh. Vì vậy , một trong những mục tiêu hàng đầu của tư tưởng Phan Châu Trinh là lời dặn dò: mọi người Việt Nam hãy quyết tâm xây dựng cho người dân một đời sống sung mãn trong no và ấm: HÂỤ DÂN SINH.  Muốn có được hậu dân sinh, người dân Viêt Nam phải đấu tranh đòi hỏi CSVN, một tập thể độc tài và tham ô, phải trả lại quyền điều hành guồng máy quốc gia vốn của nhân dân, về lại với nhân dân.


Dân trí Việt Nam


Có ý kiến cho rằng “hiểu biết là sức mạnh”. Thật vậy, muốn có sức mạnh để diệt trừ tham ô và để xây dựng cuộc dân sinh hạnh phúc, dân trí ( hiểu biết của người dân ) phải được nâng cao. Dân trí gồm hai mặt:


1)Giáo dục đời sống thể chất: Giúp con người có nghề nghiệp để sinh sống tự lập. Đồng thời, nuôi sống gia đình, tiếp tay xây dựng xã hội.


2)Giáo dục đời sống tinh thần: Giúp con người hiểu biết quyền và nghĩa vụ làm người. Đây là lãnh vực giáo dục dân trí mà nhà ái quốc Phan Châu Trinh nhấn mạnh là KHAI DÂN TRÍ . Từ nhiều thập niên qua, do gian ý  bảo vệ ngôi vị độc quyền cai trị đất nước để tự do tham ô và củng cố quyền hành, chế độ CSVN áp dụng chính sách giáo dục hai mặt:


                  Một là giáo dục học đường: sinh viên học sinh được nhồi sọ là phải trung với đảng, hiếu với dân. “Hiếu với dân” chỉ là lời dạy sáo ngữ. Trung với đảng là đảng nói sao, phải  nghe vậy, mọi phản biện đối với đảng đồng nghĩa với  đaị phản động.


                 Hai là giáo dục xã hội: CSVN ngấm ngầm truyền bá loại văn hoá cá nhân hưởng thụ, tiền bạc là trên hết, dối gạt là thông minh. Từ đó con người sống trong xã hội chẳng khác gì con vật sống với bầy, đàn động vật: chỉ biết “chăm sóc cho bộ lông của chính nó”, tương lai của đất nước đã có đảng lo.  Một cách căn bản, đảng có hai điều lo: lo tham ô và lo hạ cánh an toàn.


Dân trí Việt Nam ngày nay là “dân trí bỏ rơi việc nước”. Đối diện với “dân trí ngu dân” kia. Tư tưởng Phan Châu Trinh hô hào “ Khai dân trí ”.  Khai ở đây là mở trí cho người dân để họ hiểu rằng lương tâm làm dân đòi hỏi người dân có bổn phận tích cực tham dự việc nước thông qua cấu trúc chính trị dân chủ đa nguyên.


Dân Khí  Việt Nam


Dân gian thường nói: “ Có thực mới vực được Đạo”.  Đạo ở đây là đạo yêu nước. Thực là dân sinh. Thấy và hiểu được Đạo là dân trí.  Có đủ sức và đủ can trường để “Vực Đạo” hay không, đó là vấn đề dân khí.  Làm thế nào để củng cố và tăng cường dân khí, để chấn dân khí? Những hành động của Phan Châu Trinh trong đấu tranh chánh trị để phục vụ tổ quốc là lời giải đáp cho câu hỏi vừa nêu.


Tại Quảng Nam, mùa hè năm 1906 cùng với hai nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,  trong một lần vận động cho tư tưởng Duy Tân, Phan Châu Trinh đã kêu gọi quần chúng Việt Nam hãy “Tự lực khai hoá”. Lời kêu gọi vừa kể hàm ý: chỉ có người Việt mới yêu thương người Việt, chỉ có người Việt mới có khả năng bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam.


Phan Bội Châu sanh năm 1867. Phan Châu Trinh sanh năm 1872. Cả hai nhà chí sĩ này đều chống Pháp dứt khoát.  Phan Bôi Châu chủ trương chống Pháp bằng hoả lực quân sự.  Phan Châu Trinh chủ trương chống Pháp bằng cách vừa tự lực khai hoá quần  chúng ( hậu dân sinh, khai dân trí, chấn dân khí ) vừa vận dụng mọi tác động của mặt trận văn hoá, chính trị, quốc nội, quốc tế để từng bước một lấy lại độc lập cho Viêt Nam. Mặc dầu khác đường lối đấu tranh nhưng hai chí sĩ họ Phan vẫn giữ lòng thân mến và tương kính, giữa hai người không hề có một tranh cãi phủ định đối phương.  Dị biệt tư tưởng nhưng vẫn chấp nhận lẫn nhau trên lý tưởng độc lập dân tộc.  Đó là chân ý nghĩa của dân chủ đa nguyên.


Phan Châu Trinh vừa chống thực dân Pháp vừa chống những phong tục tập quán tệ hại trong xã hội Việt Nam hồi bấy giờ.  Ông chống kiểu học từ chương, chống mê tín, dị đoan.  Ông kêu gọi học quốc ngữ, cắt tóc ngắn, cắt móng tay… Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đấu tranh cho một xã hội Việt Nam văn minh nhân bản.  Phương pháp đấu tranh của Ông có tính can trường, dứt khoát, bền bỉ nhưng tuyệt đối tránh quá khích, tránh vơ đũa cả nắm.


Những suy nghĩ và hành động của Phan Châu Trinh trong nỗ lực chống thực dân Pháp đã cô đọng lại thành lời minh xác rằng: muốn tổ quốc Việt Nam trường tồn và thịnh vượng mỗi cá nhân công dân cần tu học nhiệt tình yêu nước, toàn bộ dân tộc phải bền bỉ xây dựng và phát triển nội lực dân tộc trên nền tảng đoàn kết và tương nhượng của tư tưởng dân chủ đa nguyên.  Đó là dân khí.  Mức độ dân khí tại Việt Nam ngày nay được thẩm định thông qua hai sự kiện:


Một là thái độ “bỏ rơi việc nước” của một thành phần quần chúng. Thái độ này là hậu quả của chủ trương “dân trí ngu dân” của nhà cầm quyền CSVN.


Hai là chính sách “ ác với dân, hèn với giặc” của giới đương quyền Hà Nội.

Các sự kiện nêu trên vừa đẩy dân khí của quần chúng Việt Nam xuống tới mức thấp nhất vừa làm cho đại hoạ Bắc xâm ngày càng tiến gần tới quả tim Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa, chấn dân khí là xuất phát điểm tiên khởi của con đường cứu nước. 


Lịch sử loài người đã cho thấy: giới tu sĩ phải mất biết bao công lao và thời giờ cho công cuộc truyền bá một đạo giáo. Dân khí cần được xem trọng như tôn giáo. Mỗi người Việt Nam hãy là một giáo sĩ của đạo DÂN KHí.  Có như vậy dân khí mới thực sự có cơ hội được chấn hưng.


Tóm lại,

Dân sinh Việt Nam hiện bị đè bẹp dưới ách kinh tế quốc doanh tham ô và bóc lột. Guồng máy kinh tế phi nhân này được nguỵ danh dưới tên gọi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.


Dân trí Việt Nam hiện bị hôn mê trong văn hoá bầy đàn của động vật:  mỗi con vật chỉ biết và chỉ có khả năng “chăm sóc cho bộ lông của chính nó”. Cha đẻ của loại văn hoá động vật kia chính là đảng CSVN.


Dân khí Viêt Nam hiện đang bị hai tảng đá dân sinh và dân trí như vừa mô tả kéo tuột dốc theo tốc độ ngựa phi.


Làm thế nào người Việt Nam có thể biến phương châm “Hậu dân sinh, Khai dân trí, Chấn dân khí” trở thành hành động sống cụ thể của xã hội?  Câu trả lời nằm ở lương tri ái quốc của mỗi người Việt Nam và ở kho tàng tư tưởng cách mạng của Chí Sĩ Phan Châu Trinh./.


Đỗ Thái Nhiên  (03/2013)

Thursday, January 3, 2013


     Tặng và lưu ý cho vợ chồng tên Việt gian Nguyễn phương Hùng
              
 
Nguyễn Phương Hùng cúi đầu, khom lưng     Hai tên Mỹ gian phản quốc Julius và                  
hèn hạ trước tên chủ Nguyễn Thanh Sơn,       Ethel Rosenberg, bị tử hình vào ngày        thứ trưởng ngoại giao việt cộng                     19 tháng 6-1953 vì tội làm gián điệp
                                                                        ăn cắp bí mật vũ khí bom nguyên tử,
                                                                        bán cho Liên sô
            

Saturday, December 15, 2012



Tấm lòng kính gởi chị Ỷ Lan
                Tống phước Hiến
 
            
 
Viết để kính tặng chị Ỷ-Lan (Tức Penelop Faulker) Phó Chủ-tịch Ủy Ban Bảo-Vệ Quyền Làm Người Việt-Nam tại Paris.                               
                       *
 

Rất tình cờ, sững sờ nghe chị nói,

Giọng thiết tha, thương Dân Việt, thẫn thờ.

Theo làn sóng, máu chị rung ngấn lệ,

Tôi bồi hồi, nghe mật rót, ngẩn ngơ.

                        *

Tiếng Ai đó, từ phương xa, xa thẳm,

Thấm nghĩa tình, như tiếng hát gọi đàn.

Tiếng chị nói từ trời Anh-Cát-Lợi,

Mà nghe sao, gần gủi, quá nồng nàn.

                       *

Rồi từ đó, mang niềm mơ tri ngộ,

Ơn của Người, ơn tri kỷ chung lòng.

Non Nước ơi, oai linh xưa Tiên Tổ,

Hãy cao lời, cho trăm nhánh chung giòng.

                       *

Như Dân Việt, chị hiểu về Nước Việt,

Tiếng Việt-Nam, thành mạch máu nuôi thân.

Yêu Ðất Việt, chị thở bằng tiếng Việt,

Thương Quê-Hương, lòng trinh sạch vô ngần.

                       *

Ðường lưu lạc, chợt nhớ lời chị nói,

Tủi phận mình, tài mọn, sức yếu hèn.

Cũng có lúc, nuôi giấc mơ Phù-Ðổng,

Cùng roi thần, ngựa sắt diệt tà đen.

                       *

Tôi đã gặp, cũng nhiều trang Tuấn-Kiệt,

Mài Gươm Thiêng, đâu quản ngại đêm ngày

Lịch sử  giống giòng thêm lần lập lại,

Ỷ-Lan xưa, có phải Ỷ-Lan nầy!

 

                       *

                         Kính phục chị, vì tấm lòng cao cả,

  Lòng xót đau, thương dân Việt uất sầu.

  Chị đã quyết, khướt từ hoa với mộng,

  Trải tấm lòng, góp sức đốt đêm thâu.

                                 *

          Hỡi những kẻ, chung giống nòi Việt tộc,

 Sao đành tâm, ngoảnh mặt với Quê-Hương!

 Tại sao nở theo chân phường bạc ác,

 Vì lợi danh, đành bán rẻ cương thường!

                        *

 Và phải chăng, có những Người yêu Nước,

 Tình Quê-Hương chất chứa vạn niềm mơ.

 Nên họ đã, tung mình bay tứ xứ,

 Chờ hồi sinh, cùng quay lại bến bờ.

                         *

  Bởi có phải, từ xa xưa tiền kiếp,

  Chị là Hương, là Sắc giống Tiên Long.

  Ðã đoán trước, ngày Non Sông máu lệ,

  Tìm cơ duyên, tạo muôn hướng chung lòng.

                          *

  Rồi mai đây, nắng Vàng sơn Quê Mẹ,

  Vạn loài hoa, về lại mái nhà xưa.

  Ta xây lại trên hoang tàn đổ nát,

  Hát tiếp Ca dao, nhịp võng đẩy đưa.

                           *

  Trong tim tôi, dọc ngang nhiều đại lộ,

   Mỗi con đường, một kỹ niệm chứa chan.

   Ngày Nước Việt vượt qua muôn hiểm nạn

   Chị sẽ về chung tiếng hát họp đàn

      

 

Tống phước Hiến

 
___________________________________
Vua Lý-Thánh-Tôn gần 40 tuổi mà chưa có con,  đến chùa cầu tự Gặp được người con gái có nhan sắc tuyệt trần, đứng dựa vào khóm lan. Vua triệu về cung phong làm Nguyên Phi Ỷ Lan (dựa vào khóm lan) Sau bà  sinh ra vua Lý Nhân Tôn. Bà giúp vua trị quốc. Triều đại nhà Lý hưng thịnh có một phần do tài đức của bà
 
                                                    ---------------------------------
 BRUXELLES, Bỉ (QM) - Trước phân ban nhân quyền của Quốc Hội Châu Âu, đại diện một tổ chức bảo vệ nhân quyền Việt Nam lên tiếng hôm Thứ Năm tố cáo Việt Nam đàn áp Phật Giáo và ngăn cản hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

        “GHPGVNTN là cộng đồng tôn giáo lớn nhất và lâu đời nhất bị hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước do đảng Cộng Sản dựng lên nhằm kiểm soát và sử dụng,” bà Penelope Faulkner, phó chủ tịch Quê Mẹ - Hành Ðộng Cho Dân Chủ Việt Nam kiêm phó chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam, điều trần. 

       “Các tăng, ni, Phật tử bị bắt giam, hăm dọa, sách nhiễu,” bà Faulkner nói thêm. “Những ai liên hệ với các chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đều có nguy cơ bị đàn áp, khủng bố”.
 
       Cuộc điều trần do bà Heidi Hautala, chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc Hội Châu Âu, và ông Geoffroy Harris, chủ tọa. 
 
        Bà Penelope Faulkner cho biết mặc dù đạo Phật là đạo khoan dung, hòa bình, nhưng “Phật Giáo đồ trong nhiều nước Á Châu bị đàn áp và kỳ thị vì tín ngưỡng bất bạo động của họ. Tại Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng Sản không cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) hoạt động tôn giáo.” 
 
        Bà Penelope Faulkner cho Quốc Hội Châu Âu biết rằng “chỉ vài ngày trước đây thôi, trong dịp Phật Ðản, nhà cầm quyền đã mở cuộc đàn áp lớn rộng tại các chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ngăn cản đại lễ và sách nhiễu Phật tử. Công an đã ngăn cấm Phật tử đến chùa Giác Minh ở Ðà Nẵng dự lễ Phật Ðản, không cho chư tăng tuyên đọc thông điệp Phật Ðản của Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, vị lãnh đạo tối cao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và cũng là người được thế giới đề cử giải Nobel Hòa Bình, và hiện nay ngài bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon sau bao thập niên bị tù đày chỉ vì ngài ôn hòa đòi hỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền”. 

        Bà Penelope Faulkner cũng nhắc đến những cuộc đàn áp đối với các cộng đồng tôn giáo khác tại Việt Nam. Bà đưa ra trường hợp công an thẳng tay đàn áp và bắn chết người H'mong biểu tình đòi hỏi tự do tôn giáo và cải cách đất đai trên miền thượng du phía Bắc ở tỉnh Ðiện Biên trong tháng 5 này. 18 người bị công an giết và hàng trăm người bị thương, kể cả thiếu nhi. Bà cũng đưa ra con số 300 người Thượng Tây Nguyên còn bị giam giữ vì tham gia biểu tình đòi hỏi đất đai và tự do tín ngưỡng. 
                                    *****************************
        Một Nữ sĩ người Anh nói tiếng Việt lưu loát và biết rất rõ về nền văn hóa VN, thật đáng bái phục và kính nể vì Cô Ỷ Lan còn biết rất nhiều về nền văn hóa và sử-học của VN!


Monday, December 3, 2012

Nhân Quyền và Cơ Cấu của Hạnh Phúc
                                                                                Đỗ Thái Nhiên

          Hạnh phúc là gì? Nói tới hạnh phúc, người ta thường nghĩ tới nhóm chữ: Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Ba thuật ngữ vừa kể là ba mặt của một khối tam giác đều. Thiếu đi một mặt, khối tam giác biến mất. 

          Độc lập là lời khẳng định: "Xin đừng ai chạm tới tôi”.  Để thể hiện độc lập, con người cần tự do, muốn làm gì thì làm. Độc lâp và tự do là đôi cánh của hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc là hạnh phúc trong  xã hội và với xã hội. Không có xã hội, không thể có hạnh phúc. Vì vậy hạnh phúc của một người phải “hợp tấu” với hạnh phúc của muôn người. Đó là “mạng lưới” của hạnh phúc.


Thế nào là cơ cấu của hạnh phúc?


           Nhằm giúp cho ý niệm “cơ cấu của hạnh phúc” trở nên cụ thể và dễ hiểu, trước tiên, chúng ta hãy nghĩ tới cơ cấu của mạng lưới giao thông trên các xa lộ. Muốn cho mạng lưới này được vận hành ổn định:


1) Đường xá, cầu cống phải kiến tạo vững chắc và an toàn.

2) Luật lệ giao thông cần qui định với những tiên liệu đầy đủ chi tiết, hợp lý và nghiêm minh.

 3) Tài xế lái xe đủ sức khoẻ, có bằng lái xe hợp pháp.

4) Các loại xe lăn bánh trên xa lộ cần đạt mức toàn hảo về mặt cơ khí. Bốn thành tố vừa nêu tạo thành cơ cấu của mạng lưới giao thông.  Bây giờ hãy nói tới cơ cấu của hạnh phúc. 


           Không thể có loại hạnh phúc của cá nhân sống đơn độc trên núi lạnh, trong rừng sâu. Đời người chỉ ổn định chừng nào hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội thường hằng giao thoa nhưng cũng thường hằng không va chạm, không xâm lấn lẫn nhau. Làm thế nào có được hai cái “thường hằng” kia? Trả lời câu hỏi này, con người đứng trước bức tranh cơ cấu của hạnh phúc. Mạng lưới hạnh phúc là mối liên hệ song phương và xoay chiều giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội nhìn một cách tổng quát. Đó là tranh sơ phác của hạnh phúc. Chi tiết hoá tranh sơ phác để nhận ra những cơ phận tinh vi giúp cho hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội có khả năng hợp tấu. Đó là tranh chân dung của hạnh phúc, còn gọi là cơ cấu của hạnh phúc. Bảo vệ sự ổn định cho cơ cấu của hạnh phúc là đối tượng tối cao mà vận động của xã hội nhằm đạt tới. Muốn vậy, xã hội phải nhờ tới bàn tay của luật pháp: “ở đâu có xã hội, ở đó có luật pháp”.  Luật pháp là công cụ duy nhất hữu hiệu trong việc điều hành dòng sống của xã hội, điều hành cơ cấu của hạnh phúc.


          Trước khi có luật pháp, xã hội loài người đã có tâm lý yêu chuộng công bằng và lẽ phải, đã có phong tục, tập quán.  Như vậy, phong tục tập quán là hình chụp cơ cấu của hạnh phúc. Một cách căn bản nhất, luật pháp chính là phong tục tập quán được pháp lý hoá. Nhìn thực trạng xã hội, con người hình dung được luật pháp. Ngược lại, đọc luật pháp, con người thấy được thực trạng xã hội. Năm 1993 tại Vienna, Aó quốc, 170 quốc gia cùng với 1000 tổ chức phi chính phủ (NGO) đã cùng nhau biểu quyết: luật quốc tế nhân quyền bao gồm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và hai Công ước Quốc Tế Nhân Quyền về Dân Sự-Chính Trị và về Kinh Tế-Xã Hội 1966. Bài viết này xin chọn Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 như một văn kiện nhân quyền căn bản để đặt câu hỏi: Bằng cách nào luật quốc tế nhân quyền tổ chức và điều hành cơ cấu của hạnh phúc cho từng cá nhân và cho toàn xã hội?

           Luật quốc tế nhân quyền bao gồm 30 (ba mươi) điều khoản đã truyền đi hai loại mệnh lệnh: lệnh cấm làm và lệnh buộc phải làm. Mặt khác, khi tuyên xưng Quyền sống tự do và bình đẳng của con người (điều 1), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mặc nhiên đòi hỏi mỗi người có Nghĩa Vụ phải tôn trọng quyền sống tự do và bình đẳng của những người chung quanh. Với “nội dung kép” như vừa trình bày, mặc dầu mang tên gọi là Tuyên Ngôn Nhân Quyền nhưng trong thực chất, văn kiện pháp lý này có hàm ý đồng loạt minh xác nghĩa-vụ-làm-người và quyền-làm-người.

          Với văn thức hai loại mệnh lệnh, với nội dung kép, với sự đồng thuận mạnh mẽ của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 đã nêu bật bốn thành tố sau đây trong bức tranh cơ cấu của hạnh phúc:


1) Nghĩa vụ làm người:


Đã là con người, một cách bẩm sinh, ai cũng muốn thực thi nghĩa vụ làm người, đó là sự thể hiện nhân cách. Vì vậy điều (1) Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) xác định: “ Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”. Phẩm cách của con người chẳng là gì khác hơn là nỗ lực liên tục và bền bỉ thượng tôn nhân tính của chính mình và của những người chung quanh. Thông qua lý luận của triết học chọn con người làm tiền đề và nhất là thông qua những ghi nhận thực tại đời người lấy ra từ Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhân tính gồm bốn yếu tính:


           -Tính thứ nhất là tính  xây dựng và sống với gia đình: Nam nữ trung thành song phương và bình đẳng trên mọi lãnh vực của đời sống. Điều (16) TNQTNQ: “ (a) Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn. (b) Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn. c) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.”


          -Tính thứ hai là tính tự vệ: Khi quyền sống bị xâm phạm, con người không được phép tự ý sử dụng bạo lực để trả đủa. Mọi tranh chấp phải giải quyết bằng thương nghị hoà bình hoặc nhờ sự phân xử của toà án. Điều (8): “ Ai cũng có quyền yêu cầu toà án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận”


          -Tính thứ ba là tính thoả mãn nhu yếu: Mỗi người phải tôn trọng quyền bình đẳng về cơ hội ( không bị chèn ép, không bị đối xử bất công) trong hoạt động kinh tế của mọi người. Điều (22): “ Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá nhân của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.”


          -Tính thứ tư là tính xã hội: Cá nhân hưởng những tiện ích do xã hội cung ứng. Đáp lại cá nhân có nghĩa vụ hợp tác với xã hội để xây dựng và phát triển xã hội.      Điều (21):  “ (a) Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc do các đại biểu do mình tự do lựa chọn.(b) Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.”


2) Quyền làm người.


          Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, đương nhiên cha mẹ có quyền quở phạt con cái. Quyền là công cụ giúp con người thực thi nghĩa vụ. Quyền và nghĩa vụ là hai mặt của một bàn tay. Như đã trình bày ở trên, nghĩa vụ làm người có tính bẩm sinh, ai cũng như ai. Vì vậy, không phân biệt chủng tộc, màu da, tuổi tác, giới tính, tôn giáo, chính kiến… mọi người đều có quyền làm người như nhau. Tuy nhiên, chế độ độc tài các loại do âm mưu toàn trị để dễ bề tham ô đã viện dẫn các lý do khác nhau nhằm thủ tiêu nhân quyền của người dân. Lý do rằng: Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng, cần được giải thích nhân quyền theo nghĩa riêng và rằng tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là sản phẩm tư tưởng của các nước phương Tây, nó có tính đề cao cá nhân chủ nghĩa, điều này không phù hợp với công việc tổ chức và điều hành xã hội phương Đông. Dĩ nhiên các luận điểm vừa nêu hoàn toàn vô căn cứ, không có dẫn chứng cụ thể và khoa học.


          Xin chớ quên rằng: thủ tiêu quyền làm người đồng nghĩa với hành động ngăn cản con người thực thi nghĩa vụ làm người, nghĩa vụ thượng tôn nhân tính. Sự thể này sẽ nhanh chóng biến quan hệ giữa con người với con người trở thành quan hệ giữa động vật này với động vật kia, quan hệ mạnh được yếu thua, quan hệ “mắt đổi mắt, răng đổi răng”. Lúc bấy giờ nhà cầm quyền độc tài sẽ viện lý do dân trí thấp, lý do “an ninh trật tự công cộng là nhu cầu sống còn của xã hội” để biến xã hội loài người thành một chuồng động vật đặt dưới quyền khống chế cực kỳ hà khắc của guồng máy công an trị.


3)Văn hoá nhân văn.


          Trong trường hợp nhân quyền được tôn trọng toàn phần, nhân tính được thượng tôn: gia đình hạnh phúc, kinh tế vận hành trên nguyên tắc bình đẳng cơ hội, mọi va chạm đều được giải quyết trong thương nghị hoà bình, cá nhân hợp tác hoà hài với xã hội. Do nhân tính được thượng tôn, do lòng thương yêu và tôn kính lẫn nhau, người dân tự giác tôn trọng luật pháp của quốc gia. An ninh trật tự xã hội được vận hành trên tinh thần tự giác của người dân là chân ý nghĩa của thiên hạ thái bình. Xã hội thái bình là môi trường cần yếu giúp văn hoá nhân văn thăng hoa.


4) Dân chủ nhân quyền.


          Nghĩa vụ làm người là nghĩa vụ bẩm sinh của người dân. Nhân quyền vừa là quyền bẩm sinh của người dân vừa là công cụ giúp người dân thực thi nghĩa vụ làm người. Văn hoá nhân văn thăng hoa là công trình được vươn lên từ tim óc của người dân. Do ba sự kiện “của người dân” vừa nêu, chế độ chính trị điều hành đời sống của quốc gia hiển nhiên phải là chế độ do dân làm chủ. Dân chủ  ở đây chắc chắn không là “ dân chủ tập trung” kiểu Cộng Sản, dân chủ “đảng cử, dân bầu”. Dân chủ ở đây là dân chủ tam quyền phân lập, trong đó mọi thao tác dân chủ đều được giải thích minh bạch thông qua sự viện dẫn nghiêm chỉnh từng điều khoản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày 10/12/1948. Điều (21) khoản (c) TNQTNQ minh xác: “Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia, ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương pháp phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự”.


          Điều 21, khoản (c) vừa trích dẫn: dân chủ đích thực là phương pháp luận của nhân quyền. Dân chủ biến tư tưởng nhân quyền thành hành động sống cụ thể. Không có dân chủ, không thể có nhân quyền. 



Kết luận.


           Nhân quyền không hề là một tài liệu đề cao cá nhân chủ nghĩa. Nhân quyền là sản phẩm tư tưởng được hợp soạn và/hoặc được nhìn nhận bởi toàn bộ xã hội quốc tế văn minh. Nhân quyền không mảy may gây tác hại cho an ninh trật tự xã hội như các chế độ độc tài xuyên tạc. Ngược lại chính nhân quyền đã sản sinh ra môi trường an ninh trật tự tự giác bằng cách cung cấp cho xã hội lớp người thượng tôn nhân tính, lớp người tự giác. Kỷ luật hoàn toàn dựa vào sự canh chừng của cảnh sát là loại kỷ luật của những xã hội chưa trưởng thành. Xã hội vận hành trong trật tự không vì tâm lý khiếp sợ công an và toà án mà vì tính tự giác của con người, đó là xã hội văn minh thượng đẳng.


          Mãi cho tới đầu thế kỷ 21 nhân quyền vẫn chỉ là ước mơ chưa thành của loài người. Tuy nhiên, nhân quyền không thể đơn phương vận động và phát triển. Nhân quyền phải gắn bó chặt chẽ với một hạch tâm gồm bốn “điện tử”: nghĩa vụ làm người + quyền làm người + văn hoá nhân văn + dân chủ nhân quyền. Nhân của hạch tâm là hạnh phúc của con người. Bốn điện tử kia không điện tử nào được xem là lãnh đạo . Không điện tử nào có khả năng tồn tại bên ngoài hạch tâm. Cả bốn điện tử đều phải hổ tương tác động để cùng nhau vận động và phát triển, cùng nhau lấy hạnh phúc của đời người làm đối tượng để phục vụ. Hạch tâm vừa mô tả được gọi là cơ cấu của hạnh phúc. Có thấy được và hiểu được cơ cấu của hạnh phúc, con người mới có cơ hội và khả năng để cùng nhau thực hiện giấc mơ  hạnh phúc: hạnh phúc cho xã hội và cho chính mình. Ý chí biến giấc mơ hạnh phúc trở thành hiện tượng sống cụ thể của đời người chính là lời chúc hạnh phúc mà bài viết này xin trân trọng kính gửi tới mỗi Quý Độc Giả nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2012 ./.


Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment