Chuyến
công du của Chủ tịch Nước của Việt Nam sang Hoa Kỳ được những ý kiến
trong và ngoài nước nhận xét khá khác biệt, khác biệt ngay cả giữa những
ý kiến từ bên ngoài Việt Nam. GS Nguyễn Mạnh Hùng trả lời cuộc phỏng
vấn của Việt-Long, nói lên nhận định của một chuyên gia trong lãnh vực
bang giao quốc tế. GS dạy môn bang giao quốc tế tại đại học George Mason ở Virginia, Hoa
Kỳ.
Tính chất của hai hiệp ước với Trung Quốc và Hoa Kỳ
Việt-Long: Việt
Nam và Hoa Kỳ ký kết thoả thuận thiết lập đối tác toàn diện, giữa những
thoả ước khác về TPP, hợp tác an ninh quốc phòng, khoa học, giáo dục...
trong đó có thoả thuận tăng cường hợp tác tại các diễn đàn an ninh quốc
phòng khu vực. Trước đó Việt Nam đã ký với Trung Quốc một hiệp định
chiến lược trong đó quy định hai nước phối hợp và điều phối với nhau
trong chính sách ngoại giao. Những hiệp định này với nội dung như vậy có
gì tương đồng hay mâu thuẫn về quyền lợi không?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hai
hiệp định này khác nhau. Với Trung Quốc, Việt Nam ký hiệp ước hợp tác
chiến lược toàn diện, còn với Hoa Kỳ, đó là hiệp ước đối tác toàn diện,
không có từ "chiến lược", hai cái khác nhau nhiều, không có gì mâu
thuẫn. Tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và bang giao quốc tế CSIS ở Washington D.C.
khi được hỏi liệu thoả ước giữa Mỹ với Việt Nam có anh hưởng đến bang
giao với các nước khác không, ông Trương Tấn
Sang đã khẳng định Việt Nam là một nước thành viên Liên Hiệp Quốc, có
quyền ký kêt hiệp ước với bất kỳ thành viên nào của Liên Hiệp Quốc.
Việt-Long: GS cho biết thành quả nào quan trọng nhất trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Việt vừa qua.
Những bất cập
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Một
cách tổng quát, thành quả không đúng như dự đoán, nhưng cũng có một số
điều thuận lợi. Trước hết, về những gì không đúng theo tiên đoán, hay
ước vọng, thì trong hội nghị Shagri La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đoc
một diễn văn rất lớn, nói rằng Việt Nam muốn thiết lập đối tác chiến
lược với tất cả các hội
viên thường trực của Hội đồng Bảo An; ba năm trước đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng
nói Hoa Kỳ muốn tạo đối tác chiến lược với Việt Nam, Hai bên đều có ý
muốn đó. Sau đó Việt Nam đi nhiều nước để ký các hiệp ước đối tác chiến
lược. Riêng đối với Mỹ khi đến đây người ta không thấy chuyện đó.Như vậy
rõ ràng đã không như tiên đoán, hay kỳ vọng.
Điểm
thứ hai: Khi Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang
Thanh rồi sau đó là Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ sang Mỹ trước ông
Sang có một tháng thôi, có nói Việt Nam muốn thiết lập quan hệ toàn diện
với Mỹ, trong đó có quan hệ quốc phòng nữa. Như vậy chuyến đi của ông
Sang cũng không đưa đến những gì khác biệt với những điều như ông Tỵ đã
nói, và kém với những gì mong muốn của ông Dũng.
Điểm
kế tiếp, ông Thanh cùng ông Tỵ đều nói nếu bình thường hoá quan hệ quốc
phòng thì dĩ nhiên phải bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam,
nhưng việc đó cũng không xảy ra. Vì vậy một chuyến thăm lớn mà không
đạt được những kết quả đó thì không đúng với dự đoán hay ước vọng.
Những thành đạt
Tuy
nhiên, ngược lại, có những điểm khác phản ảnh mối quan tâm của Việt
Nam. Có một điều ít người để ý là trong bản tuyên bố chung của hai nhà
lãnh đạo, thường thường có những điều khoản tôn trọng lẫn nhau, lưỡng
lợi, không can thiệp nội bộ... thì lần này có câu "tôn trọng thể chế
chính trị" của nhau. Điều đó phản ảnh sự quan tâm của Việt Nam. Một điểm
khác cũng ít được để ý, là hai ông đều nhấn mạnh tầm quan trọng của
việc học tiếng Anh ở Việt Nam để Việt Nam có thể hoạt động hữu hiệu hơn
khi TPP được lập ra. Đó là mối quan tâm của hai người, và là điều ông Mỹ
muốn. Trong lãnh vực hợp tác thì Việt Nam cũng được một điều là lần đầu
tiên thông cáo chung nói đến vấn đề biển Đông,
gọi là biển Nam Trung hoa. Trong đó Tổng thống Mỹ có ý muốn quốc tế
không sử dụng võ lực; điều này đúng với lập trường của Việt Nam, hay có
thể nói Mỹ thiên về lập trường của Việt Nam rõ rệt hơn trong vấn đề biển
Đông.
Một
điểm quan trọng nữa, là hiệp ước giữa công ty dầu khí Mỹ với Petro
Vietnam. Trung Quốc thường doạ là nước ngoài không nên phát triển khai
thác gần vùng tranh chấp (ở biển Đông), nay Mỹ xác nhận là những công ty
này sẽ hoạt động ở (nơi đó) tại Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam được
an tâm hơn, với sự giúp đỡ của Mỹ.
Đó là những điều tôi thấy có positive.
Vấn đề an ninh quốc
phòng
Việt-Long:
Thoả thuận hợp tác an ninh quốc phòng trong hội nghị thượng đỉnh vừa
rồi có quy định tiếp tục cộng tác theo tinh thần "bản ghi nhớ năm 2011
về tăng tiến hợp tác quốc phòng song phương"; vậy thoả thuận này có đem
lại cho Việt Nam một bảo đảm nào về lãnh hải, lãnh thổ không?
GS Nguyễn Mạnh Hùng:
Không có bảo đảm nào, chỉ có tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng
thôi. Tăng cường như vậy thì đến đâu mới hay đến đó, Mỹ không bảo đảm gì
cả. Chỉ có việc là năm 2008 Tổng thống Bush có cam kết trong thông cáo
chung với ông Dũng , có nói là Mỹ "ủng hộ sự vẹn toàn lãnh thổ và độc
lập chủ quyền của Việt Nam. Ủng hộ không có nghĩa là cam kết bảo vệ,
hai cái khác nhau, thì nguyên tắc đó vẫn tiếp tục. Còn có cam kết bảo vệ
nhau không thì tuỳ diễn tiến trong khi hai bên có quan hệ quốc phòng.
Lợi ích của TPP
Việt-Long: Hiệp
ước kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP một khi hoàn tất có đem lại lợi
ích gì cho Việt Nam khi sức sản xuất của Việt Nam thua kém hầu hết các
nước thành viên hiệp ước?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có
nhiều cái lợi. Trước hết là mở được thị trường lớn của nước Mỹ. Những
rào cản cản trở những gì Việt Nam làm được sẽ mở ra, có lợi cho rât
nhiều. Dĩ nhiên có những rắc rối về sự đòi hỏi nguồn nhiên liệu
(của hàng dệt may là một ví dụ) nhưng TTP vẫn là điều lợi hiển nhiên nếu
được thực hiện. Ngoài ra còn những điều lợi khác, không thuần kinh tế
mà có thể cũng gián tiếp liên quan đến kinh tế, chẳng hạn khi tham gia
hiệp ước đó thì phải cải tổ rất nhiều, tức là đụng chạm đến vấn đề SOE,
các công ty xí nghiệp quốc doanh, mà hiện nay như là vùng cấm kỵ. Nên
Việt Nam muốn cạnh tranh, bắt buộc phải cải tổ lãnh vực đó. Và khi vào
TPP thì có một initiative, có pressure, có áp lực bắt buộc cải tổ, thì
đó là điều tốt cho Việt Nam.
Thêm nữa,
khi Việt Nam vào TPP thì đại đa số trong đó là những
nền kinh tế thị trường, nên Việt Nam đương nhiên được chấp nhận như một
nền kinh tế thị trường với những quyền lợi của kinh tế thị trường mà
hiện nay Việt Nam chưa có.
Trong
TPP thì Việt Nam là nước Cộng Sản duy nhất, các nước khác đều là không
cộng sản, họ đều là dân chủ hay bán dân chủ. Sự trao đổi này cũng có ảnh
hưởng khuyến khích Việt Nam cải tổ chính trị, học Việt-Long được kinh
nghiệm của các quốc gia để cải tổ cho thể chế của mình phù hợp với thể
chế các nước khác, đưa đến những sự cộng tác mật thiết hơn.
Những điều lợi đó là những điều quan trọng mà không phải là tính bằng
tiền.
Vấn đề nhân quyền
Việt-Long: Trong
lãnh vực nhân quyền hai bên không nói tới một trường hợp cụ thể nào,
trong khi người mà Tổng thống Obama từng nhắc đích danh, lá blogger Điếu
Cày, thì vẫn đang tuyệt thực. Những người khác từng được hành pháp và
lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam trả tự do cũng không được nhắc tới
trong thông cáo chung cũng như trong buổi họp báo. Như vậy Hoa Kỳ đã
đạt được lợi ích nào về mặt ủng hộ dân chủ và nhân quyền trên thế giới,
là lý tưởng và cũng là nhiệm vụ mà nước Mỹ tự gánh vác?
GS Nguyễn Mạnh Hùng:
Tôi đã nói nhiều lần là quyền lợi quốc
gia có ba loại: chiến lược, kinh tế và quyền lợi về giá trị của mình,
tức là value. Hoa Kỳ nói đến việc đó từ thời Tổng thống Carter, và càng
ngày vấn đề nhân quyền càng trở thành quan trọng trong nội bộ nước Mỹ.
Từ sau ông Carter nhiều định chế nhân quyền được lập ra. Đã có định chế
thì người ta phải hoạt động. Vì thể nhân quyền là vấn đề không bỏ được.
Còn lần này thì thông cáo chung có nói đến vấn đề nhân quyền. Có nhấN mạnh rằng vấn đề nhân quyền rất quan trọng.
Những thành quả nhỏ, và nhãn quan tích cực
Việt-Long: GS vui lòng cho một nhận định tổng quát và toàn diện về hội
nghị thượng đỉnh vừa rồi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Về
phương diện quốc gia, người ta thấy có một số điểm tiến tới giữa Việt
Nam và Mỹ, nhưng tương đối nhỏ. Phải chờ xem sau khi lập ra chín cơ chế
tăng cường quan hệ, người ta có làm được gì không, tiến bộ tới đâU. Nói
cách khác đây là một dự án chưa hoàn thành; tuy nhiên cũng đạt được một
số điểm để tiến tới đó, đó là điểm thứ nhất mà tôi thấy.
Điểm
thứ hai là, không đúng như người ta tiên đoán, hay kỳ vọng, như ký được
TPP, ký được đối tác chiến lược, thì chưa tới được chỗ đó.
Ngược
lại có vài điểm tuy nhỏ những cũng có positive đối với (trong nhãn quan
của) người Mỹ. Ví dụ cung cách hành xử của ông Trương Tấn Sang. Ông
Sang là một nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đến phát biểu trong một
thinktank hàng đầu của nước Mỹ, là Trung tâm nghiên cứu chiến lược và
bang giao quốc tế CSIS (Center for Strategic and International Studies);
dĩ nhiên bài nói chuyện của ông Sang thì đã được soạn sẵn, nhưng phần
trả lời thì ông trả lời rất lưu loát, rất thoải mái trước một cử toạ
toàn là những chuyên viên. Và tôi đã thấy người ta vỗ tay ông ấy trong
một số những câu trả lời. Điểm thứ hai, mà tôi thấy ông cũng khôn khéo,
là sau cuộc gặp gỡ ở CSIS thì ông Sang đi New York, qua ngày hôm sau,
sau một
số buổi họp, tiếp tân, ông ấy đã đặc biệt gặp riêng ông bà Clinton.
Việc này là một hành động khá khéo léo, người ta có thể gọi là "dùng
hòn đá ném chết hai con chim". Thứ nhất ông ấy chứng tỏ Việt Nam cảm
nhận, cám ơn vị Tổng thống đầu tiên ra quyết định dỡ bỏ hàng rào với
Việt Nam, là người đầu tiên sang thăm Việt Nam khi ông (Clinton) còn tại
chức. Điều thứ hai là ông tìm cách, có thể là làm thân với ba Clinton,
người có thể trở thành Tổng thống Hoa Kỳ trong nhiệm
kỳ tới. Đó là hành động đầu tư cho tương lai, có ý nghĩa về phương diện
bang giao giữa hai nước.
Việt-Long: Xin cám ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.
- See more at: http://www.dienhongthoidai.com/2013/08/thanh-qua-va-bat-cap-trong-chuyen-cong.html#sthash.RMWDZTlg.dpuf
No comments:
Post a Comment