Mỹ xoay trục sang Châu Á, Bắc Kinh - Washington chạy đua vũ trang
Hàng không mẫu hạm USS Carl Winson thăm vịnh Malina ngày 15/5/2011. Tàu chiến Mỹ vẫn thường xuyên ghé thăm các nước ASEAN.
REUTERS/Romeo Ranoco
Trong tháng Tám này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung gặp nhau
hai lần, ở Washington và tại Brunei, và theo như lời hai vị lãnh đạo,
là nhằm thúc đẩy hợp tác giữa quân đội hai nước, trong các lĩnh vực trợ
giúp nhân đạo, cứu hộ, chống khủng bố, tổ chức tập trận chung, thực hiện
các chương trình trao đổi đào tạo v.v... Thế nhưng, chiến lược tái cân
bằng quân sự của Mỹ trong vùng Châu Á - Thái Bình Duơng, nơi mà Trung
Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình, đã thúc đẩy hai cường quốc
này lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, tập trung vào vũ khí quy ước.
Khi được hỏi về chiến lược « xoay trục » sang Châu Á-Thái Bình
Dương của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Thường Vạn Toàn, đã
nhắc lại câu nói của Chủ tịch Tập Cận Bình : Thái Bình Dương có đủ chỗ
cho hai cường quốc lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các
đồng minh và đối tác của Washington trong khu vực, cụ thể là với
Philippines, Việt Nam ở Biển Đông và với Nhật Bản tại biển Hoa Đông.
Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh
chấp chủ quyền lãnh thổ và kêu gọi các bên liên quan giải quyết hồ sơ
này một cách hòa bình, không dùng bạo lực.
Theo giới phân tích, đó là những tuyên bố ngoại giao, mang tính
nguyên tắc của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Còn trên thực tế, hai bên theo
dõi sát mọi động thái của nhau và tăng cường chạy đua vũ trang.
Cuối tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Philippines. Hiện nay,
Washington đang đàm phán với Manila một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ
tiếp cận dễ dàng các căn cứ quân sự tại Philippines.
Theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á, thuộc Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, được trang web Atimes.com trích
dẫn, Trung Quốc không ngạc nhiên về triển vọng hợp tác quân sự giữa Mỹ
và Philippines. Đối với Bắc Kinh, chiến lược « xoay trục » của Mỹ là
nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở trong vùng.
Giới phân tích ghi nhận là có những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc chạy
đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, trong lĩnh vực vũ khí quy ước. Theo
Học viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm – SIPRI – trong năm 2012, hai
nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới, Mỹ là 682 tỷ đô la, còn
Trung Quốc đạt mức 166 tỷ. Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm
2013 nhận định là Trung Quốc đã nỗ lực đầu tư vào lĩnh vực chống tàu
chiến, tấn công trên bộ, tên lửa đạn đạo, lá chắn chống tên lửa, khả
năng tin học…
Các phương tiện này là một phần trong chiến thuật chống tiếp cận và
phong tỏa khu vực – A2/AD nhằm ngăn chặn khả năng hành động của Mỹ. Để
đối phó, Hoa Kỳ chủ trương áp dụng chiến thuật Không-Hải Chiến, vốn có
từ thời Chiến tranh Lạnh, chống lại nguy cơ tấn công kết hợp không quân
và hải quân của Liên Xô tại Châu Âu.
Chuyên gia Glaser nhấn mạnh: « Cuộc chạy đua về vũ khí quy ước giữa
Hoa Kỳ và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc quân đội Mỹ tiếp cận khu
vực. Trung Quốc đang phát triển các khả năng chống tiếp cận và phong
tỏa khu vực, nhằm ngăn chặn Mỹ tiếp cận khi xẩy ra khủng hoảng, trong
khi Mỹ quyết tâm tăng cường khả năng tiếp cận và tác chiến ».
Vẫn theo giới chuyên gia, cho dù vẫn từng bước phát triển vũ khí
nguyên tử, Trung Quốc không muốn lao vào một cuộc chạy đua vũ trang với
Mỹ về loại vũ khí chiến lược vì hai lý do : Thứ nhất, điều này làm dấy
lên phản ứng mạnh mẽ, đáp trả từ phía Hoa Kỳ và các nước khác trong
vùng. Thứ hai, chi phí cho cuộc chạy đua về vũ khí nguyên tử rất lớn và
lãng phí.
No comments:
Post a Comment