Người ta không kể gì đến ý kiến đóng góp của các nhân sĩ, trí thức và của người dân.
Khóa 13 của Việt Nam hôm nay ngày 21 tháng 10 khai mạc kỳ họp thứ
sáu. Một nội dung quan trọng được cho biết sẽ thông qua Hiến pháp sửa
đổi.
Hai cử tri tại Hà Nội là cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang và tiến sĩ
khoa học Nguyễn Văn Khải vừa cho công khai lá thư gửi cho quốc hội cùng
các vị liên quan đề nghị xem xét tư cách đại biểu của ông chủ tịch quốc
hội Nguyễn Sinh Hùng, và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lý do gửi thư và kỳ vọng về kỳ họp vừa khai mạc hôm nay ngày 21
tháng 10 được cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang cho biên tập viên Gia Minh
biết qua cuộc nói chuyện sau đây. Trước hết ông cho biết:
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Thư đó bản thân tôi đi gửi qua bưu
điện phát chuyển nhanh vào chiều ngày 7 tháng 10. Sau khi gửi đi, chúng
tôi đợi và hy vọng rằng sẽ có thể nhận được hồi đáp của bà Nương (
trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc Hội) trước khi Quốc hội khai mạc kỳ
họp thứ sáu hôm nay. Tuy nhiên đến hết ngày chủ nhật chúng tôi vẫn chưa
thấy nên buộc phải công bố lên trên mạng. Trước khi gửi đi, chúng tôi hy
vọng lần này nhận được hồi âm của ai đó, nhưng vẫn không nhận được bất
cứ hồi âm của ai cả.
Chúng tôi, cả tôi và anh Khải là người ký vào Kiến nghị 72. Trong
Kiến nghị đó chúng tôi góp 7 vấn đề cho bản sửa đổi hiến pháp. Chúng tôi
tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp theo lời kêu gọi của Nhà nước, của
Quốc hội. Thế nhưng không ngờ những góp ý của chúng tôi bị ông Nguyễn
Phú Trọng trong buổi phát biểu tại Đảng Bộ Vĩnh Phú hồi ngày 25 tháng 2
qui chụp chúng tôi suy thoái đạo đức, tư tưởng, chính trị và ông ấy yêu
cầu phải xử lý vấn đề này. Chúng tôi thấy rằng lời kêu gọi góp ý sửa đổi
hiến pháp và ý kiến của ông đó mâu thuẫn với nhau. Chính vì thế chúng
tôi muốn đề nghị ông ấy tiếp chúng tôi để xem hư thực thế nào, thông tin
mà báo chí đưa có chính xác hay không. Thế nhưng ba lần gửi thư cho các
ông đó, chúng tôi không nhận được hồi âm nào cả. Vì vậy chúng tôi buộc
phải có ý kiến với chỗ bà Nương, Quốc Hội, về vấn đề xem xét tư cách đại
biểu của hai ông Khóa 13 này. Nhưng bà Nương từ ngày 7 tháng 5 vừa rồi
cho đến ngày 7 tháng 10, chúng tôi gửi lần thứ hai vẫn chưa thấy có hồi
âm nào hết.
Gia Minh: Là những người quan tâm đến tình hình đất nước, đặc
biệt vấn đề sửa đổi Hiến Pháp, qua Hội nghị Trung ương vừa rồi, ông thấy
khả năng của giới trí thức yêu cầu phải xem xét cho kỹ lưỡng trước khi
sửa đổi Hiến Pháp có thể diễn ra trong kỳ này không?
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Tôi hoàn toàn không thấy khả năng
đó; người ta vẫn tiến hành thông qua Hiến Pháp theo dự kiến của người
ta. Người ta không kể gì đến ý kiến đóng góp của các nhân sĩ, trí thức
và của người dân.
Gia Minh: Ngay sau khi có đóng góp 72 của các vị nhân sĩ trí
thức, có ý kiến của các vị như ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng và
các quan chức khác, truyền hình Việt Nam có những phóng sự về các vị
như ông Nguyễn Đình Lộc, chẳng hạn; vậy ông thấy rằng sau những thư đề
nghị vừa qua ông và tiến sĩ Nguyễn Văn Khải sẽ gặp những phản ứng như
thế không?
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Bản thân tôi và anh Khải không gặp
trường hợp nào cả. Người ta vẫn không chấp nhận ý kiến của chúng tôi.
Phản ứng đối với ông Nguyễn Đình Lộc cũng có mặt này, mặt kia. Ông Lộc,
dù sao cũng là nguyên bộ trưởng Bộ Tư Pháp nên ý kiến của ông ta, và nếu
ông có ý kiến phản hồi lại sẽ không có lợi cho Nhà nước nên tôi nghĩ họ
không dám đi sâu hơn nữa, đi xa hơn nữa.
Gia Minh: Ông là một cựu đại tá và tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cũng được nhiều người biết đến?
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Chúng tôi không nghĩ như vậy, chúng tôi chỉ nghĩ với tư cách công dân bình thường thôi.
Gia Minh: Trong tình huống xấu nhất nếu Hiến pháp vẫn được
thông qua, những luật quan trọng như Luật Đất Đai vẫn được thông qua mà
không có những sửa đổi có lợi cho người dân, bản thân những người như
ông có quan tâm đến tình hình đất nước sẽ có những biện pháp nào thêm
nữa để có thể đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho người dân?
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Chúng tôi chưa thể nói trước được
như thế nào, nhưng với tư cách một người dân, một công dân, chúng tôi sẽ
tiếp tục đóng góp những ý kiến khác để làm cho luật pháp được thực thi,
được tôn trọng hơn, làm cho người dân đỡ thiệt thòi, thiệt hại hơn, các
quyền của họ được bảo đảm nhiều hơn.
Gia Minh: Cụ thể, trong thời gian qua ông thấy có những tiếng nói nào đóng góp cho những ước nguyện đó của những người như ông?
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Bản thân tôi cũng là người ký vào
tuyên bố thực thi quyền dân sự và chính trị, tức diễn đàn xã hội dân sự.
Cũng mong qua diễn đàn này, mọi người dân, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề
cũng phải góp ý vào để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Gia Minh: Và ông thấy rằng đó là một cần thiết trong thời điểm hiện nay?
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Tôi cho rằng rất quan trọng vì vấn
đề xã hội dân sự sẽ có vai trò ngày càng đóng góp tốt hơn, mạnh hơn làm
cho xã hội tiến bộ hơn.
Gia Minh: Trước tình hình hiện nay, nếu được trực tiếp nói với các vị đại biểu quốc hội, ông sẽ nói với họ những điều gì?
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Tôi nghĩ cũng không có khả năng
nhiều về việc được gặp gỡ, tiếp xúc với các vị đại biểu quốc hội, vì
trước những kỳ họp quốc hội và sau khi họp quốc hội, các đoàn đại biểu
quốc hội của các địa phương đều có những buổi gọi là ‘tiếp xúc cử tri’.
Nhưng nhiều cử tri thực sự quan tâm đến những buổi tiếp xúc đó thì không
được đến dự ( hoặc không biết hoặc không được mời). Nếu có biết mà
không được mời, người ta không cho vào. Tôi muốn nói là những cử tri
được tiếp xúc các vị đại biểu quốc hội trong những buổi như thế đều là
những cử tri được chọn sẵn.
Gia Minh: Như vậy đối với kỳ họp này, ông có kỳ vọng những tiến triển gì theo mong đợi không?
Đại tá Nguyễn Đăng Quang: Kỳ họp quốc hội này tương đối dài,
dài hơn một tháng, có lẽ là kỳ họp dài nhất từ trước đến nay. Trong kỳ
họp này sẽ giải quyết nhiều vấn đề. Nhưng bản thân tôi không hy vọng gì
kỳ họp này sẽ mang lại cái gì kết quả cụ thể và đáp ứng được nguyện vọng
của người dân.
Gia Minh: Chân thành cám ơn cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang về những chia xẻ vừa rồi.
No comments:
Post a Comment