Tướng Võ Nguyên Giáp, như tôi từng biết
Bui Tin
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời ngày 4/10/2013, quá tuổi 102, (đến 25-8-2011 là tròn trăm tuổi).
Thọ
hơn 1 thế kỷ là cực hiếm, cực quý trong đời một người, vượt qua Đại Thọ
Bách Niên. Người xưa nói khi nắp quan tài đậy lại là dịp luận bàn đánh
giá đầy đủ về cuộc đời của người mới mất.Tuy vậy, do hoàn cảnh lịch sử,
đấu tranh chính trị và chiến tranh kéo dài, sự phân chia Nam Bắc sau
trận Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ, do hòa giải hòa hợp dân tộc vẫn
còn ở phía trước, nên việc đánh
giá tướng Giáp còn là một vấn đề tranh cãi, tranh cãi quyết liệt, kéo
dài, với những chính kiến khác nhau, xa nhau, trái ngược hẳn nhau. Đây
là điều không có gì lạ. Cho nên một đánh giá thống nhất về tướng Giáp là
điều khó xảy ra, là hoàn toàn ảo tưởng. Qua bài viết này, tôi giữ thái
độ khách quan công bằng, cũng là tưởng niệm khi ông mới đi xa.
Tôi
gặp tướng Giáp từ những ngày đầu khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Hà Nội. Năm
1948 - 1949 tôi gặp lại ông ở Bộ Tư lệnh Quân khu 4, thành phố Vinh. Sau
1955 tôi dự nhiều cuộc họp ở Bộ Quốc phòng - Tổng tham mưu, do tướng
Giáp chủ tọa. Đầu tháng 5-1975, khi vào Sài Gòn tìm hiểu tình hình, ông
điện chọn «nhà báo quân đội Bùi Tín làm người lên kế
hoạch và hướng dẫn đại tướng thăm thú phố xá Sài Gòn - Chợ lớn, thăm
gia đình vài anh chị em biệt động thành, thăm bà mẹ chiến sỹ tiêu biểu»,
trong 2 ngày, sau đó ông mới làm việc chính thức với Ủy ban Quân quản,
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và xuống Cần Thơ thăm Quân khu 9, tôi cùng đi
theo.
Năm
1976 và 1977, tướng Giáp cầm đầu Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam đi thăm
chính thức lần lượt các nước Trung Quôc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan,
Hungary, Romania, Liên Xô. Tôi ở trong đoàn, làm Trợ lý báo chí cho Bộ
trưởng kiêm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân, giúp ông theo dõi thời
sự quốc tế, trả lời phỏng vấn của báo chí, truyền hình các nước, đồng
thời làm tin về hoạt động hằng ngày của
đoàn. Mỗi buổi sáng, Cục trưởng đối ngoại của Bộ Quốc phòng và tôi là 2
người thường ăn sáng riêng cùng tướng Giáp để báo cáo tình hình và bàn
công việc trong ngày.
Những
năm 1986, 1990 vào dịp Đại hội đảng CS khóa VI và chuẩn bị Đại Hội VII,
ông thường nhắn tôi đến nhà riêng ăn cơm gia đình để tìm hiểu tình hình
xã hội, quân đội, dư luận quốc tế. Ông là người ưa nghe hơn là nói,
thường kín đáo, không cởi mở, ít bạn tâm giao; ông cũng không hút thuốc,
không uống rượu, không uống cà phê, chỉ uống nước trà pha rất loãng,
không đánh bài tulơkhơ để giải trí như các ông tướng khác. Một thời khi
bị xét nét về cái gọi là vụ «án xét lại chống đảng» (1966-1967) ông giải
tỏa tinh
thần bằng cách học đánh đàn dương cầm, mới chơi được vài bài phổ thông,
chưa chơi được bài cổ điển như Dòng sông Danube hay Phiên chợ Ba Tư.
Công danh và những điều hạn chế
Về
tài năng, ông Giáp quả có tài, mới đứng vững trên vị trí chỉ huy cao
nhất của Quân đội Nhân Dân từ 1946 cho đến 1982, nghĩa là suốt 36 năm,
qua 2 cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt. Tất nhiên trong cơ chế lãnh đạo
tập thể, còn có Bộ Chính trị, có Đảng ủy Quân sự Trung ương, có các
tướng lãnh và sỹ quan giúp việc dưới quyền, lại còn có cố vấn quân sự
Trung Quốc, Liên Xô và vài nước khác, nên những chủ trương chiến lược,
chiến dịch thường được bàn
bạc chung.
Như
khi chủ trương mở chiến dịch Biên giới năm 1950, lúc đầu tướng Giáp đề
xuất đánh vào thị xã Cao Bằng trước, nhưng các cố vấn Trung Quốc do
tướng Trần Canh cầm đầu đề nghị đánh theo kiểu «công điểm diệt viện»,
trước hết đánh vào Đông Khê trên đường số 4, ở giữa Cao Bằng và Lạng
Sơn, tiêu diệt cả binh đoàn Charton từ Cao Bằng rút chạy và binh đoàn
Lepage từ Lạng Sơn lên đón, đều bị tiêu diệt hay bắt sống ở ngoài công
sự, khi hành quân trong rừng; kết quả là giải phóng luôn cả Cao Bằng,
Lạng Sơn và một vùng biên giới rộng lớn, thu rất nhiều vũ khí, bắt nhiều
tù binh. Biên giới Việt - Trung rộng mở là
chuyển biến chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho
những chến thắng sau này.
Về
chiến địch Điện Biên Phủ, có thể nói chủ trương chiến dịch mang đậm tài
năng chỉ huy của tướng Giáp. Năm 1989, nhân kỷ niệm 35 năm chiến dịch
này, ông đã kể lại cho tôi nghe diễn biến cụ thể của chiến dịch, có ghi
âm, được nhà văn Hữu Mai cùng dự ghi lại, thành bài hồi ký «Quyết định
khó khăn nhất» đăng trên tuần báo Nhân dân Chủ nhật. Khi quân Pháp vừa
nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên hồi cuối tháng 11-1953, Bộ Tổng tham
mưu đã phác họa ngay kế hoạch bao vây và tấn công theo phương châm «đánh
nhanh giải quyết nhanh» (khoái tả khoái diệt), theo học thuyết quân sự
của Lâm Bưu khi địch mới lâm
thời phòng ngự, chưa có hệ thống phong thủ vững chắc.
Tổng cố vấn Vi Quốc Thanh và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tán thành
phương châm này, theo kiểu ồ ạt, thường gọi là «biển người». Đầu tháng
1-1954, tướng Giáp lên đến mặt trận, vòng vây được xiết dần, pháo lớn
được kéo vào đặt trên sườn núi, được ngụy trang kỹ, với nhiều ụ pháo
nghi binh, dự định khai hỏa vào lúc 18 giờ ngảy 26-1, dự tính sau 2 đêm 1
ngày sẽ diệt xong cả tập đoàn cứ điểm.
Nhưng
cả đêm 25-1, tướng Giáp thao thức trăn trở về khả năng chiến thắng.
Trưa 26-1 ông họp đảng ủy mặt trận cùng 3 tướng: Hoàng Văn Thái,Tổng
tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận; Lê Liêm, Phó chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Mặt trận; Đặng Kim
Giang, Phó chủ nhiệm hậu cần kiêm Chủ nhiệm hậu cần Mặt trận. Sau khi
nêu rõ tuyến phòng thủ đã trở nên kiên cố của quân Pháp, tướng Giáp đưa
ra ý kiến ngừng cuộc tiến công, rút pháo ra phía sau, chuẩn bị lại theo
phương châm «đánh chắc tiến chắc», nghĩa là: đánh dũi theo đường hào bao
vây chia cắt, diệt từng cứ điểm, dùng chiếc xẻng cán ngắn làm công cụ
tiến công chính. Cả 3 tướng Thái, Liêm, Giang đều sững sờ vì bị bất ngờ,
muốn giữ nguyên phương châm cũ, vì bộ đội đã được động viên cao, chỉ
chờ lệnh là xông tới, nay đình lại là như dội nước lạnh, sau này động
viên trở lại rất khó. Đã xế chiều, tranh luận còn gay go, tướng Giáp hỏi
lại rằng có ai tin là sẽ chắc thắng trăm phần trăm, theo phương châm cũ
không, thì cả 3
tướng nói trên đều không trả lời được. Ông dùng quyền bí thư đảng uỷ
mặt trận, quyền tư lệnh chiến dịch kết thúc cuộc họp, dùng điện thoại
ra lệnh trực tiếp cho các tư lệnh dưới quyền giữ vững quyết tâm diệt
địch nhưng đình chỉ tiến công, kéo pháo ra, chấp hành triệt để, vì tình
hình đã thay đổi, địch đã phòng thủ vững chắc, cần thay phương châm tác
chiến sang «đánh chắc tiến chắc», ai còn thắc mắc sẽ giải thích sau.
Việc thay đổi phương châm, rút pháo ra, chuẩn bị thêm gần 50 ngày đêm,
để đêm 10-3 mở cuộc tiến công vào cứ điểm Him Lam, Độc Lập cho đến chiều
7 tháng 5-1954 toàn thắng, cũng qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu, được
tướng Giáp coi là «Quyết định khó khăn nhất» trong đời ông. Cần công
bằng công nhận
đây là biểu hiện tài chỉ huy mang dấu ấn riêng của ông. Như ông kể, Đại
tá Nguyễn Hiếu ở Sở chỉ huy chiến dịch và Đại tá Cục phó Quân báo Cao
Pha đã góp phần của mình, sớm tán đồng phương châm «đánh chắc tiến chắc»
do ông đề ra. Về sau, nhiều sỹ quan công nhận rằng không thay phương
châm, cứ liều húc vào một hệ thống phòng thủ vững chắc như tướng Pháp
Navare và Cogny mong muốn thì 4 sư đoàn tiến công - vốn liếng quân sự
của cuộc kháng chiến - sẽ bị tổn thất nặng nề ra sao, và diễn biến của
cuộc chiến tranh chắc chắn sẽ khác hẳn. Các cố vấn quân sự Trung Quốc
đều bất ngờ khi tướng Giáp báo tin thay đổi phương châm và sau khi nghe
giải thích họ cũng tỏ ra tán thành.
Sau
chiến thắng lớn như trên, các nhà bình luận quân sự phương Tây thường
chỉ ra phía kháng chiến đã chịu những tổn thất khủng khiếp, gấp 3 hay 4
lần đối phương. Cái giá phải trả cho chiến thắng là quá lớn, lớn đến
khủng khiếp, toàn là trai tráng thanh niên tuấn tú, có lý tưởng, chất
lượng cao của dân tộc. Đây là sự thật. Hồi tháng 4-1996, trong cuộc hội
thảo ở trụ sở Quốc Hội Hoa kỳ, tướng Westmoreland nói với tôi rằng:
«Tôi công nhận tài năng của tướng Giáp, phải có tài mới ở lâu đến hơn 30
năm chiến tranh trên cương vị tư lệnh quân sự cao nhất; nhưng phải nói
thật là nếu như tướng Giáp là một viên tướng Hoa kỳ thì ông đã bị mất
chức từ lâu rồi, vì Quốc hội chúng tôi, xã hội chúng tôi không thể chấp
nhận những
tổn thất sinh mạng của quân đội mình cao đến vậy».
Tôi
nghĩ nền độc lập của đất nước, quyền sống tự do của nhân dân là vô
giá, dù cho phải trả giá cao, nhưng lãnh đạo đảng Cộng sản đã không quan
tâm thật sự đến tự do của nhân dân, chỉ quan tâm trước hết đến quyền
lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của đảng, do đó mà vô vàn hy sinh của các
liệt sỹ cuối cùng đã trở nên phũ phàng, mỉa mai, không được đáp đền một
cách xứng đáng. Đây là điểm tiêu cực nhất của tướng Giáp, là tỳ vết sâu
đậm nhất của một danh tướng, từng được coi là Người Anh Cả của Quân đội
Nhân dân. Ông mang danh là một viên tướng «Sát
Quân», sát quân một cách lạnh lùng.
Tôi
đã gửi 2 lá thư cho ông (năm 1992 và 1996), nhắc ông rằng quân hàm đại
tướng 4 sao của ông được mạ bằng xương máu của hàng vạn vạn chiến binh,
rằng «nhất tướng công thành vạn cốt khô», mong ông hãy tham gia, ủng hộ
phong trào đổi mới theo hướng dân chủ hóa thật sự đất nước; rằng ông chỉ
cần ghé thăm anh Hoàng Minh Chính đang bị chính quyền đối xử rất tồi
tệ, hoặc nhắn anh Đại tá Phạm Quế Dương mới ra khỏi nhà giam đến hỏi
chuyện, cả 2 đều là sỹ quan từng dưới quyền trực tiếp của ông, ông vẫn
làm ngơ, không động lòng. Đây là điểm yếu về ý chí, công tâm, nhân cách.
Nhiều
người nhắc đến lá thư tháng 1-2004 của tướng Giáp gửi
lãnh đạo đảng CS yêu cầu giải quyết «vụ án siêu nghiêm trọng» liên quan
đến Tổng cục II, làm rõ vụ Năm Châu, Sáu Sứ và vụ T4, và sau này là 3
lá thư của ông hồi 2008-2009 về yêu cầu đình chỉ việc khai thác bauxite
trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đây là những việc làm có ý nghĩa
tích cực, nhưng lá thư thứ nhất quá chậm trễ, vì các vụ Năm Châu, Sáu Sứ
và vụ T4 đều xảy ra từ hồi 1991 - 1993 cũng như vụ dựng lên Tổng cục II
từ Cục 2 Quân báo đến lúc đó cũng đã được mười năm. Ông Giáp phải chờ
đến năm 2004 - năm kỷ niệm nửa thế kỷ Chiến thắng Điện Biên Phủ - mới
lên tiếng. Mà nội dung lên tiếng xem kỹ ra là nặng về thanh minh cho
riêng cá nhân mình, như ông bị Năm Châu, Sáu Sứ dựng lên tài liệu để vu
cáo là ông có âm
mưu đảo chính, hay vụ T4 là do Tổng cục II bịa ra tài liệu vu cáo ông
và nhiều nhân vật khác có quan hệ với CIA của Hoa kỳ. Nói tóm lại ông
chỉ trước hết nhằm bảo vệ thanh danh của cá nhân mình, cố chăm nom cho
cái bộ mã của người hùng Điện Biên không bị hoen ố, cho đến khi hơn trăm
tuổi.
Thái
độ của ông đối với vụ khai thác bauxite cũng có phần yếu ớt, buông
xuôi, so với những lá thư mạnh mẽ, lặp đi lặp lại của các tướng Đồng Sỹ
Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh và một số sỹ quan cấp cao khác.
Dũng
khí là đức tính hàng đầu của một danh tướng, nên vào năm 1984, khi ông
Lê Duẩn đến nói chuyện rất hẹp với cán bộ lãnh đạo báo
Nhân Dân, ông kể rằng hồi 1968, bộ trưởng quốc phòng «nhát như thỏ đế»,
tránh mặt ra nước ngoài. Sự thật kế hoạch quân sự Mậu Thân 1968 là do
các ông Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đề xuất, khởi thảo và
chỉ đạo thực hiện. Khi chiến sự bùng nổ Tết Mậu Thân, ông Giáp đang
dưỡng bệnh 2 tháng ở Hungary sau khi mổ cắt túi mật ở đó. Thật ra ông
không tán thành tham vọng tổng tiến công và nổi dậy, ông chỉ có ý thực
hiện tập kích chiến lược, đánh rồi rút bảo toàn lực lượng, đánh lâu dài.
Ý ông đúng, nhưng không cản nổi.
Ở Bộ
Quốc phòng và Tổng tham mưu, các sỹ quan đều biết rằng suốt trong 30
năm, tướng Giáp rất ít khi ra mặt trận. Ngay ở Điện Biên Phủ ông gần như
chỉ ở trong hang đá Mường Phăng, ngoài tầm pháo địch, suốt hơn 4 tháng
trời, không ra gần hay sát nơi chiến trận. Sau khi chiến dịch toàn thắng
ông mới ra duyệt binh tại chiến trường đã im tiếng súng và tìm hiểu
những di tích của các trận đánh. Trước đó, các chiến dịch lớn Trung Du,
Hòa Bình, Thượng Lào … ông cũng ở trên Việt Bắc, chỉ huy từ rất xa.
Từ
khi bắt đầu cho đến khi kết thúc chiến tranh ở miền Nam (1959 - 1975),
ông không hề đặt chân lên chiến trường miền Nam (trừ 2 ngày tháp tùng
ông Fidel Castro trên một đoạn ngắn thăm đường mòn Hồ Chí Minh trên đất
Cam Lộ - Quảng Trị, khi sắp kết thúc chíến tranh.). Trong khi đó các
tướng Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn,
Trần Độ, Hoàng Cầm, Lê Ngọc Hiền, Chu Huy Mân, Đoàn Khuê … đều ở chiến
trường miền Nam vài năm. Do đó trong cuộc chiến tranh ở miền Nam, rút ra
được những kinh nghiệm nóng hổi, thiết thực và bổ ích nhất, tướng Giáp
đóng góp không có gì đáng kể, so với một loạt bài tổng kết lớn của tướng
Nguyễn Chí Thanh (ký tên Trường Sơn), một số bài báo của tướng Trần Độ
(ký tên Cửu Long) cũng như một số tài liệu tổng kết cho Học viện quân sự
cấp cao của các tướng Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Hoàng Minh Thảo và
Nguyễn Hữu An …mà cán bộ học viện thường gọi là «Binh thư mới» của Quân
đội Nhân dân.
Một
nhược điểm của tướng Giáp là văn phong, khẩu khí của ông, nếu không thể
nói là
yếu kém thì có thể nói là không có gì nổi bật. Ông mất đi, để lại hàng
chục đầu sách, hàng trăm luận văn, bản báo cáo, hàng chục hồi ký (phần
lớn do nhà văn quân đội Hữu Mai ghi lại), rất nhiều bài trả lời phỏng
vấn trong nước và nước ngoài. Có cuốn sách nào hay, những ý tưởng quân
sự nào đặc sắc của cá nhân ông, để lại cho hậu thế hay không? Điều này
rất khó nói. Tôi từng dự nhiều buổi nói chuyện của ông tại Bộ Quốc
phòng, Bộ Tổng tham mưu, tại Học viện Quân sự cấp cao, ở trường Sỹ quan
Lục quân, ở nhiều Quân khu, có thể nói ông không có năng khiếu truyền
đạt, thông tin một cách bổ ích, hấp dẫn, rất thiếu những hình ảnh, dẫn
chứng đặc sắc thú vị. Ông không có tài hùng biện, lôi cuốn của tướng
Nguyễn Chí Thanh,
không có tài kể chuyện thú vị của tướng Trần Độ, không có sự sống động
dày dạn của lão tướng Lê Trọng Tấn, không có sự táo tợn bộc trực của
tướng Phùng Thế Tài, cũng không có cái giọng bình dân lính tráng bỗ bã
của tướng Đinh Đức Thiện.
Vốn
là giáo sư sử học trường tư thục Thăng Long, tướng Giáp say mê nghiên
cứu lịch sử, hiểu rõ thiên tài quân sự của Napoléon. Ông thông minh, đôi
mắt sáng, có trí nhớ tốt. Nhưng cách trình bày, khoa sư phạm của ông
thường lại sáo mòn, đầy những quy luật, nguyên tắc nhạt nhẽo, khô cứng,
lặp đi lặp lại đến phát chán cho người nghe. Bao giờ cũng là do sự lãnh
đạo tuyệt đối của đảng, có đường lối chính trị và đường lối quân sự
đúng đắn; có Quân đội Nhân dân, quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà
ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân bao bọc, che chở, nuôi
dưỡng, gồm 3 thứ quân: chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích,
phối hợp chặt chẽ 3 vùng: rừng núi, trung du và đồng bằng; vùng tự do,
vùng tranh chấp và vùng tạm chiếm; luôn giữ quyền chủ động cả về chiến
lược, chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu, kết hợp chặt chẽ tiền tuyến
với hậu phương…, quanh quẩn chỉ có thế.
Tướng
Peter Mac Donald của Quân đội Hoàng gia Anh, từng sang Việt Nam gặp
tướng Giáp hồi 1987 đã viết cuốn «GIAP - hai cuộc chiến tranh Đông
Dương» (GIAP - les deux guerres d’ Indochine) do nhà xuất bản Perrin -
Paris phát hành
năm 1992, trong đó ông nhận xét: «Những tư tưởng của tướng Giáp được
ghi lại trên giấy thường là chán ngán đến chết người » (ses pensées
transcrites sur le papier sont souvent mortellement ennuyeuses). Đây là
nhận xét gần với sự thật.
Kết
luận cuốn sách 350 trang, tướng P. Mac Donald viết: «Từ khi còn trẻ,
tướng Giáp đã thấm nhuần lý thuyết Cộng sản. Thật đáng tiếc là trải qua
mấy chục năm dài, lẽ ra trí thông minh của ông đã có thể mách bảo ông
rằng cái chế độ mà ông tham gia xây dựng là sai lầm tệ hại, để từ đó tìm
ra con đường khác bảo đảm hạnh phúc cho đồng bào của ông. Như một người
theo Công giáo thời Trung cổ sợ hãi bị trừng phạt khủng khiếp khi bỏ
đạo, ông đã mù quáng
phục vụ đường lối Marx – Lénine theo như Hồ Chí Minh dẫn giải».
Trên
đây là nhận xét khách quan của một nhà quân sự già dặn từng ở trong
quân đội Anh 32 năm, từng sống qua 26 nước, từng nghiên cúu kỹ trận Điện
Biên Phủ, từng là chủ biên cuốn Lịch sử thế giới (1987).
Bi
kịch lớn nhất của tướng Giáp khá nhiều người nhận thấy đúng là: một
danh tướng, có kiến thức, thông minh nhưng lại không đủ thông minh và
dũng khí để sớm nhận ra và từ bỏ một lý thuyết sai lầm tệ hại, chỉ đem
lại tàn phá và tổn thất cho nhân dân, đến nay vẫn chưa có tự do và hạnh
phúc khi ông nhắm mắt.
No comments:
Post a Comment