Quan hệ Việt Trung thời kỳ mới: mừng ít lo nhiều
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-10-18
2013-10-18
Chuyên gia phản ứng khá thận trọng, nếu không muốn nói là đầy hoài nghi đối với quan hệ Việt-Trung thời kỳ mới, qua Tuyên bố chung 10 điểm ngày 15/10 tại Hà Nội kết thúc chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Sử dụng chiến thuật
Hầu hết báo chí do Chính phủ kiểm soát đều đưa tin lớn về những thỏa thuận được cho là, mang tính cách mở rộng hợp tác kinh tế thương mại cùng lúc hạ nhiệt tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuyên bố chung Lý Khắc Cường-Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển Việt-Trung với những lời lẽ đầy tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ tinh thần Công ước Quốc tế về Luật Biển hoặc tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông COC.
Về vấn đề vừa nêu, GSTS Nguyễn Thế Hùng nhà hoạt động xã hội dân sự, đồng sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam từ Đà Nẵng nhận định, đối với chính sách của Trung Quốc, Việt Nam luôn luôn phải nghi ngờ thiện chí của họ nhất là trong tình hình hiện nay. Việt Nam chẳng là gì dưới mắt Trung Quốc, theo ông Việt Nam phải hiểu rõ điều này và cần khôn khéo thể hiện đại đoàn kết dân tộc, phải theo thể chế dân chủ để đất nước hùng mạnh thì mới có thể sinh tồn bên cạnh Trung Quốc. GSTS Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh:
Không phải họ mềm dẻo xuống thang hoặc tôn trọng vấn đề luật pháp quốc tế đối với VN, mà họ đang sử dụng chiến thuật trong lúc phải đối phó Nhật Bản và Philippines.
-GS Nguyễn Thế Hùng
“Theo tôi không phải họ mềm dẻo xuống thang hoặc tôn trọng vấn đề luật pháp quốc tế đối với Việt Nam, mà họ đang sử dụng chiến thuật trong lúc phải đối phó Nhật Bản và Philippines, hoặc để cho thế giới không thấy được dã tâm của họ. Chiến lược cuối cùng của họ là khuất phục Việt Nam, làm cho Việt Nam suy yếu để đạt mục đích cuối cùng là lái Việt Nam đi theo hướng của họ chứ không thực sự ích lợi cho Việt Nam.”
Về quan hệ thương mại kinh tế, theo tuyên bố chung, Trung Quốc hứa huy động vốn cho Việt Nam phát triển nhiều dự án khu công nghiệp và các tuyến giao thông trọng yếu nối vùng biên giới Trung Quốc với Hà Nội; thúc đẩy doanh nghiệp hai bên đầu tư qua biên giới. Hai Thủ tướng Trung Quốc và Việt Nam hứa hẹn hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc hơn chục tỷ USD mỗi năm, vậy làm sao có thể cân bằng thương mại song phương lại vừa nâng kim ngạch ở mức lớn lao như vậy. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định:
“Riêng về thương mại tôi nói thật, mỗi khi lãnh đạo hai bên gặp nhau cứ hứa hẹn đẩy kim ngạch thương mại lên bao nhiêu…bao nhiêu, kể cả phía Trung Quốc hứa hẹn tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam thì vẫn làm cho tôi thấy lo nhiều hơn là mừng. Tại sao vậy, bởi vì lâu nay Việt Nam chủ yếu là nhập siêu từ Trung Quốc và mức nhập siêu càng ngày càng lớn càng nặng nề. Kể cả trong mấy năm gần đây khi mà kinh tế khó khăn, nhập khẩu của Việt Nam giảm xuống, thậm chí có năm Việt Nam còn xuất siêu được vài trăm triệu đô la nhưng vẫn nhập siêu từ Trung Quốc như thường và số tiền nhập siêu từ Trung Quốc vẫn rất lớn. Như vậy chứng tỏ cải thiện kim ngạch rất khó.”
Lo nhiều hơn mừng
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra thận trọng về khả năng Trung Quốc gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Bà nói:
“Ngay cả khi Trung Quốc hứa hẹn tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam, để cho Việt Nam cải thiện cán cân thanh toán với Trung Quốc thì tôi vẫn lo. Bởi vì Trung Quốc chủ yếu muốn mua hàng nguyên liệu thô của Việt Nam, nào là khoáng sản đào bới tài nguyên thiên nhiên lên để bán cho họ như là bauxite chẳng hạn hay là các khoáng sản khác. Rất nhiều thứ khoáng sản của Việt Nam đã được khai thác và xuất thô sang Trung Quốc rồi, làm cho nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam cạn kiệt rất nhanh. Tuy Trung Quốc cũng mua một số mặt hàng khác như nông sản nhưng chủ yếu cũng là hàng thô chưa qua chế biến; riêng cách mua nông sản không những làm cho Việt Nam thiệt thòi mà nhiều khi còn gây khó bằng cách là, có khi họ đưa giá lên rất cao mua ào ạt, rồi đùng một cái dừng lại không mua tiếp nữa, làm cho nông dân khi lỡ sản xuất ra rồi không làm thế nào được. Thế rồi những thủ tục khó khăn tạo ra ở biên giới, như là thanh long hiện nay đang đọng lại ở biên giới chẳng hạn, là những cách gây khó cho nông sản Việt Nam.”
Bà Phạm Chi Lan lý giải thêm về lý do bà cảm thấy lo nhiều hơn mừng, khi hai phía Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận mở rộng hợp tác thương mại. Bà nói:
Nghe hai bên cam kết sớm đạt được mức kim ngạch 60 tỷ USD, thực sự tôi không cảm thấy mừng mà thậm chí còn cảm thấy lo.
-Bà Phạm Chi Lan
No comments:
Post a Comment