Đọ sức trên Biển Hoa Đông : Trung Quốc bất lực trước đòn thị uy của Mỹ
Máy bay B-52 của Mỹ bay qua vùng "phòng không " của Trung Quốc - Creative Commons / US Air Force
« Quân đội Trung Quốc đã theo dõi toàn bộ quá trình bay (của
hai chiếc B-52), đã thực hiện trong một thời hạn hợp lý việc nhận dạng
và xác định rõ đó là loại máy bay Mỹ nào ». Trên đây là nội dung thông
cáo vào hôm nay, 27/11/2013, của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, liên quan đến
sự kiện hai pháo đài bay B-52 của Mỹ đã đột nhập mà không hề báo trước
vào vùng phòng không mà Bắc Kinh vừa thành lập bao trùm không phận quần
đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Phản ứng này được coi là một lời thừa nhận sự bất lực của Bắc
Kinh trong việc buộc nước khác công nhận hành vi đơn phương mở rộng khu
vực vùng gọi là « nhận dạng và phòng không » của Trung Quốc nhằm áp đặt
chủ quyền của họ trên một vùng cho đến nay vẫn được coi là không phận
quốc tế.
Các nhà phân tích ghi nhận hai yếu tố trong phản ứng ngắn gọn ban đầu
của Bắc Kinh trước hành động rõ ràng là thách thức Washington : Thông
cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất thận trọng, tránh đổ lỗi cho Mỹ,
đồng thời tìm cách vớt vát thể diện cho Bắc Kinh khi khẳng định rằng : «
Trung Quốc có khả năng thực hiện việc kiểm soát hiệu quả không phận của
mình ».
Theo giới quan sát, dù không nói ra, nhưng khi quyết định cử hai
chiếc B-52 thâm nhập vào vùng phòng không mà Trung Quốc đơn phương quy
định trên Biển Hoa Đông, Mỹ đã muốn truyền đạt thông điệp ngầm rằng
Washington hoàn toàn không có ý định để cho Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt
tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Hoa Kỳ đang muốn tăng cường ảnh
hưởng.
Quyết định của Mỹ, theo hãng tin Pháp AFP, đã gửi một đến Bắc Kinh
một lời cảnh cáo rõ ràng rằng Washington sẵn sàng đẩy lùi mọi hành vi bị
cho là hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực. Động thái
của Mỹ cũng là tín hiệu cho thấy hậu thẫn mạnh mẽ của Mỹ đối với Nhật
Bản, hiện đang bị Trung Quốc tranh giành vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Phi vụ không báo trước của hai chiếc B-52 vào hôm qua đã công khai đi
ngược lại các đòi hỏi quan trọng nhất của Trung Quốc khi thiết lập vùng
phòng không mở rộng trên Biển Hoa Đông. Đó là mọi phi cơ bay qua khu
vực này phải nộp trước kế hoạch bay, tự động báo cáo danh tính, duy trì
liên lạc vô tuyến và làm theo hướng dẫn của chính quyền Trung Quốc. Nếu
không tuân thủ, quân đội Trung Quốc có quyền can thiệp.
Vấn đề đặt ra là quy định vùng phòng không mở rộng là một chuyện,
nhưng có phương tiện để buộc nước khác tôn trọng vùng đó lại là một
chuyện hoàn toàn khác. Cần phải có đến nào là phi cơ radar, nào là máy
bay chiến đấu có khả năng phản ứng nhanh chóng và bay trên một hành
trình dài để ngăn chặn bất kỳ kẻ xâm nhập nào, hay để buộc đối tượng
thay đổi đường bay và áp tải phi cơ lạ ra khỏi vùng phòng không. Thông
thường, các biện pháp cưỡng chế như trên – mà tột cùng là việc bắn hạ
phi cơ lạ - chỉ áp dụng trên không phận của nước có liên quan.
Sự kiện hai chiếc B-52 của Mỹ thâm nhập vùng phòng không do Trung
Quốc áp đặt trên Biển Hoa Đông mà không hề gặp phản ứng có thể được hiểu
là vì Bắc Kinh tránh gây sự cố, hoặc là vì quân đội Trung Quốc chưa có
khả năng để buộc các nước tôn trọng vùng phòng không của mình.
Trong cả hai trường hợp, câu hỏi đặt ra là phải chăng Bắc Kinh đã xem
thường phản ứng của Mỹ, và của cộng đồng quốc tế khi tự động mở rộng
vùng phòng không ra ngoài Biển Hoa Đông. Dẫu sao thì trong vụ này, Trung
Quốc tự nhiên biến thành kẻ sinh sự, bị Hoa Kỳ tố cáo là đã mưu toan «
đơn phương thay đổi nguyên trạng tại vùng Biển Hoa Đông ».
No comments:
Post a Comment