Sau trận Tết Mậu
Thân (1968) ở Huế, gia đình ông thầy thuốc Nam đó chết hết,
chỉ còn lại có hai cha con. Nhà cửa tiêu tan, sự nghiệp tiêu tan, thầy không
muốn ở lại cái vùng đất mà thầy cho là còn gần với quân xâm lăng miền Bắc. Thầy
gạt nước mắt, dẫn thằng con trong tuổi quân dịch đi vô Nam. Thầy nói: "Ở trong
nớ tuy tứ cố vô thân nhưng chắc chắn là mình được yên ổn lâu
dài".
Trên
chuyến xe vào Sài Gòn, ông bắt chuyện với một sư ông lên xe ở trạm Nha Trang.
Thì ra sư ông cũng là thầy thuốc Nam nữa. Nhờ vậy, tâm sự được dàn
trải dễ dàng. Sư ông trụ trì ở chùa Thiền Lâm Gia Định, vừa làm phật sự vừa bắt
mạch vừa bốc thuốc. Sư ông nói:
- Tôi làm không xuể.
- Bịnh nhân có đông
không ?
- Tùy mùa. Nói chung chung thì cũng nhiều. Với tôi, phật sự là chánh,
còn chữa bịnh là phụ. Vì không đủ thời giờ nên tôi đành từ chối bịnh nhân ...
Thấy cũng tội nghiệp !
Khi sư ông biết tình cảnh của cha con ông thầy
thuốc Nam, sư đề nghị:
- Nếu ông anh
không chê thì tôi xin mời ông anh về tá túc với chúng tôi. Mình sẽ phụ nhau chữa
bịnh cho đồng bào thì thật là hoan hỉ.
Trong cảnh "tứ cố vô thân", đề
nghị của sư ông như một cái phao. Ông thầy nhận lời và cám ơn rối rít. Sư ông
nói:
- Đời sống trong chùa đạm bạc như thế nào chắc ông anh cũng đoán biết,
không cần phải giải bày. Duy chỉ có điều này là cần nói rõ: bịnh nhân đến chùa
phần đông là đồng bào nghèo, mà chùa thì không có khả năng tài chánh để chữa
thí, vì vậy, mình chỉ lấy tiền thuốc thôi.
- Ngoài nớ, gặp bịnh nhân nghèo,
tôi cũng làm như rứa. Đôi khi còn không lấy tiền.
- A di đà Phật
...
Một số hình trong bài này là hình minh
họa
...
Chùa Thiền Lâm nằm giữa một nghĩa trang vây quanh bởi một bức tường rào xây bằng
gạch bờ-lóc không có tô và cũng không quét vôi. Nhiều nơi tường bị nứt dài, gạch
bể lỗ đỗ. Dọc theo mặt tiền là mấy "tiệm" hớt tóc (Không biết gọi là gì cho
đúng. Mấy anh thợ hớt tóc, trước đây hớt tóc dạo, bây giờ ... đóng đô ở đó bằng
cách đóng lên tường mấy cây đinh rồi móc tấm ni-lông hay tấm vải trắng cỡ thước
rưỡi bề ngang, có mấy cây trúc chống căng ra như một mái nhà. Bên dưới, đặt hai
ghế đẩu - một cho khách, một cho thợ hớt tóc - và trên tường treo ngang tầm mắt
người ngồi ghế đẩu là tấm kiếng cỡ hai trang giấy lớn. Trên tường cũng có viết
nguệch ngoạc bằng sơn dầu các kiểu tóc và giá cả. Chiều, họ gỡ hết đem đi. Sáng,
họ trương lên, ngồi đánh cờ tướng với nhau hay hút thuốc rung đùi ... đợi khách
!). Cổng vào nghĩa trang, bằng sắt rỉ sét xiêu vẹo, mang một bảng gỗ đã mục
nhiều nơi, lớp sơn tróc rơi để lòi sớ gỗ, nhưng cũng còn vừa đọc vừa ... đoán ra
được hàng chữ: "Nghĩa trang Hội Tương tế X...". Từ ngoài ngõ chạy thẳng vô chùa
là đường đất đỏ nằm giữa hai hàng cây điệp. Vây quanh chùa là mả thấp mả cao xếp
hàng dài dài ...
Chùa là một ngôi nhà cất theo kiểu xưa: nền cao, nóc
bánh ích, cột kèo gỗ, ba gian hai chái, hàng ba thật rộng. Không có mái cong
chạm rồng chạm phụng gì hết. Mới nhìn tưởng là nhà ở chớ không phải chùa ! Biết
là chùa nhờ có tấm bảng nằm dưới mái hiên: "Thiền Lâm Tự" ! Bên trong không có
"năm ngăn bảy nắp đầy dẫy tượng Phật, tượng Bồ Tát sơn son thếp vàng" như mấy
chùa nổi tiếng. Nhưng cũng có đầy đủ ngôi tam bảo với các vật dụng cần thiết để
làm phật sự. Ở đây, đúng là một cảnh chùa nghèo. Tuy nhiên, theo lời sư ông,
những ngày rằm ngày vía, phật tử đến cúng bái khá đông. Phần lớn là đồng bào ở
trong vùng và những người không thích "chùa nhà giàu" - chính họ nói như
vậy.
Về chùa Thiền Lâm, sư ông phân công rõ rệt: sư ông và người đệ tử lo
phật sự và trông nom trong ngoài, còn cha con ông thầy thì lo phần chữa bịnh kể
cả việc đi bổ thuốc. Cái chái phía bên phải xưa nay vẫn là phòng mạch, bây giờ
giao hẳn cho ông thầy tự do sắp xếp. Cha con ông được cho một căn buồng ở hậu
liêu, có cửa sổ nhìn ra vườn rau cải của chùa. Lâu lâu, có ai rước sư ông đi làm
đám ở đâu thì cha con ông thầy lãnh phần đèn nhang cúng bái thường nhựt
...
Ông thầy chữa bịnh mát tay nên bịnh nhân càng ngày càng đông. Thầy
bắt mạch, rờ trán, xem lưỡi... rồi bốc thuốc gói từng thang bằng giấy báo. Khi
trao thuốc lúc nào thầy cũng dặn: "Đổ vô năm chén nước, sắc còn một chén uống".
Thang nào của thầy cũng là năm chén nước và không thang nào là không đi kèm với
câu dặn dò trên. Vì vậy, bịnh nhân và người trong vùng gọi ổng là "thầy năm
chén". Lâu ngày thành tên luôn, làm như thầy thứ Năm và tên Chén vậy ! Cho nên,
về sau, khi nói chuyện với thầy, bịnh nhân gọi thầy bằng "thầy Năm" rất tự
nhiên. Không thấy thầy ngạc nhiên hay cải chánh gì hết !
Thằng con thầy
Năm Chén, tên Kiệt, thông minh học giỏi cần cù. Kiệt thi đậu vào trường kỹ thuật
Cao Thắng. Mấy năm sau, chưa ra trường đã phải nhập ngũ, đi công binh. Lâu lâu
được kỳ phép, về chùa giúp cha bổ thuốc bốc thuốc, giống như thời mới vào
Nam với hy vọng "nơi ni mình sẽ được
yên ổn lâu dài"...
... Vậy rồi có ngày 30 tháng tư 1975...
Hồi
thời Tết Mậu Thân, thầy còn chạy vô Nam. Bây giờ, thầy không biết chạy đi
đâu nữa. Thầy thở dài: "Đúng là cái số !". Bản chất thầy hiền hòa mộc mạc như
các vị thuốc Nam của thầy,
cho nên sự miền Nam mất vào tay cộng sản, thầy nghĩ
rất đơn giản: "Tại ông Trời ! Nhân bất thắng Thiên, ông bà mình dạy như rứa. Khi
ổng đã định, mần răng mà cãi được !". Hồi xưa, thầy học "chữ thánh hiền" trước
khi thầy học thuốc. Chữ thánh hiền đã cho thầy có cái nhìn rất khiêm tốn khi
thầy chữa bịnh: "Chẳng qua là phước chủ may thầy ...". Bây giờ, sống trong nghĩa
trang, ngày ngày nhìn mấy lô mả to mả nhỏ nằm im hàng hàng, thầy càng tin ở số
mạng. Cái số thầy phải bỏ xứ để vô Nam, cái số thầy phải ở chùa bốc
thuốc, rồi bây giờ cái số thầy "bị mất nước; sống mần răng với bọn cộng sản đây
?". Nghĩ đến đó, thầy tự an ủi: "Chừ, mình sống giữa những người chết, chắc bọn
nó để cho yên ...".
Kiệt đi học tập mấy hôm rồi về chùa phụ sư ông quét dọn
trong ngoài, bởi vì bên phòng mạch bịnh nhân cũng vắng. Làm như người ta lo sợ
quá rồi ... quên bịnh ! Trái lại bên phía chùa thì lại đông người lui tới và
ngày nào cũng có người. Làm như bây giờ người ta chỉ còn biết ... dựa vào Phật
!
Thời gian sau, Kiệt tìm được việc làm ở Khánh Hội, trong
một ga-ra nằm cạnh bờ sông, chuyên sửa máy xe hơi máy tàu. Thầy Năm Chén và sư
ông lâu lâu đóng cửa phòng mạch, đóng cửa chùa để đi học tập chánh trị. Bởi vì
"tư tưởng Mác Lê là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại", phải thông suốt để về
chùa làm phật sự cho đúng ... "tác phong cách mạng" và về phòng mạch kê toa bốc
thuốc cho hợp với ... "yêu cầu đấu tranh giai cấp" !
Một
hôm, mấy cán bộ thành vào viếng nghĩa trang. Sau khi đi một vòng, họ khen ...
hai hàng phượng đẹp ! Cuối cùng, họ nói:
- Theo quy
hoạch của thành phố, nơi này sẽ là công viên cây xanh, để đồng bào quanh vùng có
nơi thư giãn. Việc bốc mộ sẽ có thông cáo. Mấy người được ở lại đây để trông
chừng việc bốc mộ cho đến thời hạn ấn định trong thông cáo là phải dọn đi ngay.
Rõ chứ ?
Sư ông làm thinh. Thầy Năm Chén cũng làm thinh. Nói cái
gì bây giờ ? Đối với những người không biết luật pháp, đối với chế độ CS không
có luật pháp, thì nói "ừ" hay nói "không" cũng đều là vô nghĩa ! Bởi vì họ không
chấp nhận sự đối thoại. Ngoài ra, họ kiêu căng đến mức độ có thể viết một câu tổ
bố và lố lăng quá mức mà ai cũng thấy trên đường đi Bến Lức - câu này dân chúng
chuyền miệng cho nhau nghe từ mấy tháng nay và chính mắt thầy Năm Chén đã đọc
khi đi bổ thuốc ở vùng đó
"Thằng trời
đi chỗ khác chơi
Để cho Nông
Hội tiến lên làm mùa"
Thì ... còn lời gì để nói ?
Nhưng
sự "làm thinh" của sư ông và thầy Năm Chén không phải chỉ đơn thuần ở chỗ "hết
nước nói", mà còn là cách để tỏ thái độ của hai ông: làm thinh là khinh miệt bọn
chúng, những thằng không đáng để nói chuyện, những thằng mất gốc, tổ tiên không
thờ đi thờ hai thằng tây mũi lõ Mác gì gì Lê gì gì đó không biết nữa. Sự làm
thinh của hai ông - sự làm thinh của kẻ sĩ - có giá trị gấp mấy lần những lời
thóa mạ chửi bới, vậy mà mấy cán bộ CS lại cho là "thành quả của giác ngộ cách
mạng" !
Mấy hôm
sau, thầy Năm Chén kéo thằng con ra góc nghĩa trang, thấp giọng
nói:
- Cha có chuyện ni muốn nói với con. Nhưng con phải giữ
kín.
- Dạ.
- Con
nên tìm đường đi chui đi.
- Cha
nói chi lạ rứa ?
- Không
có chi lạ hết. Cha không muốn con ở lại xứ ni. Mình không còn đất đứng nữa, con
à.
Nói đến đây, giọng thầy nghẹn lại. Thầy không nhìn con.
Thầy nhìn ra mấy lô mả. Thầy chớp mắt thật nhanh để nước mắt đừng đọng thành
giọt. Rồi thầy thở dài ...
Mồ mả
sao mà an bình chi lạ. Rồi sẽ không còn được như vầy nữa, nay mai ... Chế độ
không để cho ai được yên, kể cả người chết !
Kiệt nhìn cha, bồi hồi. Con người đó xưa nay hiền hòa,
an phận. Vậy mà bây giờ lấy một quyết định có tánh cách chống đối dầu là tiêu
cực, chứng tỏ ông "chịu đựng hết nổi".
- Nghèo
như mình thì lấy vàng mô mà đi chui, cha ?
- Cha
nghe nói có nhiều người làm việc trên tàu. Họ đi được.
- Nhưng
đó là họ đi một mình. Đi đánh cá, gặp dịp là đi luôn.
- Thì
cha cũng muốn con tìm cách làm như rứa. Con cũng một mình chớ mấy
mình.
- Không ! Con còn có cha nữa.
- Đừng
lo cho cha. Cha già rồi. Tương lai là con, mô phải là
cha.
- Gia đình mình chết hết, còn lại có hai cha con. Con
đâu thể nào bỏ cha được, cha.
- Chính
bởi vì cha chỉ còn lại có mình con mà cha muốn con phải đi khỏi xứ ni. Cha không
muốn thấy con làm tôi mọi cho một lũ ngu dốt. Cha muốn thấy con được sống trong
một xứ tự do. Có nghèo cũng nghèo trong tự do. Mà rủi có ... rủi có chết cũng
chết trong tự do, con à.
Đến đây
thì Kiệt không dám nhìn cha, bởi vì gương mặt héo hon đó vừa nhăn nhúm lại như
một miếng cau khô. Lòng quặn thắt, Kiệt nhìn đi nơi khác.
Mồ mả
sao mà an bình chi lạ. Đằng kia, hai hàng phượng trổ bông đỏ ối. Màu đỏ trong
nghĩa trang, xem vừa lạc lõng vừa vô duyên, không hợp tình hợp cảnh chút nào.
Vậy mà bao lâu nay Kiệt không hề để ý. Làm như phải lâm vào một nghịch cảnh,
người ta mới nhìn thấy rõ những nghịch cảnh chung quanh ! Bây giờ thì đến phiên
Kiệt thở dài ...
... Từ
ngày có thông cáo dán trên cổng nghĩa trang, đồng bào tới lui chùa nườm nượp.
Làm như thiên hạ muốn gần Phật thường hơn, đều đặn hơn, lâu hơn ... trong những
ngày những tháng còn lại này. Bởi vì Phật sẽ không còn được ở đây nữa, mặc dầu -
theo lời ông già bà cả trong xóm - Phật đã được an vị ở chùa này gần ba mươi
năm, hồi thời chưa có nghĩa trang, hồi thời bà phủ S. chưa bán đất cho Hội Tương
tế X. Họ nói với nhau: "Nhà Nước CS này ngang ngược không nể nang ai hết. Có
ngày sẽ bị Trời Phật trừng phạt cho coi !".
Bên
phòng mạch, bây giờ, lúc nào cũng đông người. Có bịnh nhân đến xem mạch và có
những người không phải đến xem mạch nhưng đã từng uống thuốc của thầy Năm Chén.
Những người này, sau khi cúng bái bên chùa, bước qua đây ngồi nói chuyện cà kê.
Làm như để hỗ trợ tinh thần thầy vậy. Có người hỏi:
- Rồi
thầy dọn đi đâu ?
- Biết
đi mô chừ !
- Quân
gì mà vô nhân đạo. Muốn đuổi ai thì đuổi. Muốn lấy của ai thì lấy. Mà mở miệng
ra là "cho nhân dân, vì nhân dân".
- Tại
cái số của tôi như rứa, mấy ông à. Nói mần chi ?
Bây giờ, thầy Năm Chén, sau khi trao mấy thang thuốc cho
bịnh nhân, không phải chỉ nói vỏn vẹn câu quen thuộc "đổ năm chén nước, sắc còn
một chén uống", mà còn dặn dò thêm phải ăn uống như thế nào, phải kiêng cữ những
gì bởi vì "cái tạng ni dễ bị bịnh khi trái gió trở trời"... Thầy còn nói: "Khi
mô thấy bắt đầu khó chịu thì lấy bao nhiêu lá gì với lá gì kèm theo bao nhiêu
bông gì với bông gì ... sắc uống cho nó chận". Thầy làm như ngày mai thầy sắp đi
xa. Và chắc đi lâu lắm, bịnh nhân cần bảo trọng lấy thân. Người nào cũng cảm
động khi nhận mấy thang thuốc của thầy, mấy thang thuốc không phải chỉ có những
vị này vị nọ, mà có cả tình người nằm trong đó. Chất liệu trân quí này, trong
thời buổi này, thật hiếm hoi. Cho nên, khi cầm trên tay mấy thang thuốc, cử chỉ
của họ bỗng trở nên trang trọng. Và người nào cũng nghĩ: "Tội nghiệp ! Người
hiền hậu như vậy, bảy tám năm nay giúp đỡ đồng bào bịnh nhân ai cũng mang ơn ...
Vậy mà nhà cầm quyền CS cũng không để cho yên !".
... Ít
lâu sau, Kiệt được một người bạn có tàu đánh cá rủ đi chui bởi hắn đang cần
người xếp máy. Kiệt về chùa cho cha hay. Thầy Năm Chén mừng rớt nước
mắt:
- Rứa là lời
cầu nguyện của cha đã được Ơn Trên chứng giám. Khi mô đi
?
- Mười hôm nữa.
- Ờ ...
Chừ thì mình vô thắp nhang lạy tạ Trời Phật, đi con.
Năm hôm
sau, bỗng thầy Năm Chén than "khó thở", "tỳ vị bất thông". Thầy không ăn được
cơm, thầy ăn cháo. Cháo với chao, tương, rau luộc. Không ăn được những món cứng
như dưa leo, dưa cải, củ cải muối ... những món thường dùng trong bữa cơm chay
lạt ở chùa. Không thấy thầy uống thuốc. Thầy nói: "Cứ ăn cháo vài hôm là khỏi".
Sư ông thương hại, an ủi: "Họ đuổi thì mình đi. Thầy lo làm chi cho sanh bịnh.
Chừng hết hạn bốc mộ, tôi sẽ đưa thầy về quê tôi ở Nha Trang. Ở đó, cũng có một
ngôi chùa nhỏ như vầy. Mình sẽ tiếp tục giúp đồng bào như đã làm lâu nay. Thầy
yên tâm đi. A di đà Phật...".
Ngày
thứ mười, cha con thầy Năm Chén qua chùa lạy Phật. Xong, thầy đưa cho Kiệt một
gói bằng vải đỏ đã phai màu nhỏ bằng đầu ngón tay cái, cột làm nhiều gút,
nói:
- Cha cho con cái ni. Con giữ kỹ trong người để hộ
thân.
Kiệt
cho vào túi áo trên ngực, cẩn thận gài miệng túi bằng cây kim tây, nhìn cha cảm
động, nghĩ: "Cha thật chu đáọ Còn nhớ cho mình bùa ngải để hộ thân
nữa".
Chia
tay mà hai cha con không dám ôm nhau. Sợ người ta để ý. Thầy không đưa con ra
cổng nghĩa trang. Sợ người ta để ý. Thầy không dám để rơi một giọt nước mắt. Sợ
người ta để ý ! Thầy chỉ thở dài. Thời buổi bây giờ, chỉ có thở dài là không
thấy ai để ý. Bởi vì, ai cũng thở dài hết !
...
Thời gian sau, thầy Năm Chén theo sư ông về chùa ở ngoại ô Nha Trang. Thầy lại
bốc thuốc giúp đồng bào nghèo. Kiệt đi chui, lọt. Rồi định cư ở
Canada ...
Một hôm, sực nhớ
gói bùa ngải của cha, Kiệt tò mò mở ra xem: đó là ba cái răng vàng, loại răng
cấm. Thì ra thầy Năm Chén đã cạy ba cái răng vàng của mình để cho con làm của hộ
thân ! Không còn răng để nhai cơm, thầy chịu ăn cháo suốt phần đời còn lại. Nhớ
cha, thương cha, Kiệt cầm ba cái răng vàng trong tay mà khóc hết nước mắt
...
Tiểu
Tử
No comments:
Post a Comment